Wednesday, January 1, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ có ngồi vào đàm phán để cứu Huawei?

TQ có ngồi vào đàm phán để cứu Huawei?

Mỹ để ngỏ khả năng giảm lệnh cấm với Huawei bằng việc kéo Trung Quốc vào bàn đàm phán. Bắc Kinh liệu có chấp nhận?

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sau khi kết thúc cuộc họp tại Hội nghị đại diện tài chính nhóm các nền kinh tế lớn (G20) đã cho biết, chính quyền Tổng thống Trump sẽ nới lỏng các hạn chế nhằm vào Huawei nếu cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đạt được các tiến triển.

“Tổng thống Trump sẵn sàng làm điều gì đó với Huawei nếu ông ấy nhận được tín hiệu tốt đẹp trong đàm phán thương mại và các đảm bảo nhất định từ Trung Quốc” – Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói.

Tuy nhiên, ông Munchin lại nói rằng việc liệt Huawei vào danh sách đen thương mại chỉ đơn thuần là một vấn đề an ninh quốc gia và không phải là một “mặt trận phi thuế quan” của chiến tranh thương mại.

Ông Mnuchin cho rằng, Mỹ sẵn sàng đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, song vẫn duy trì áp thuế nhập khẩu nếu cần thiết.

“Nếu Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận, chúng tôi sẵn sàng ký theo những điều khoản mà chúng ta (Mỹ – Trung) đã thống nhất. Còn nếu Trung Quốc không muốn, Tổng thống Trump vẫn hoàn toàn vui vẻ với các đòn thuế để tái cân bằng mối quan hệ” – ông Mnuchin nhấn mạnh.

Quan điểm có phần mâu thuẫn này của vị đại diện tài chính Mỹ cho thấy trước hết là sự thiếu chắc chắn về khả năng mà họ đặt ra với Huawei.

Ngay cả trong trường hợp Mỹ đưa ra đề xuất và thực hiện đúng cam kết đối với Trung Quốc về khả năng bỏ/hạn chế lệnh cấm với Huawei, Trung Quốc cũng không dễ dàng chọn cách ngồi vào đàm phán.

Mỹ đã cho rằng Huawei có hành vi gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc, đồng thời đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ. Trong khi Huawei luôn bác bỏ các cáo buộc này thì Bắc Kinh cũng nhiều lần lên tiếng phủ nhận việc quy định các công ty phải cung cấp thông tin cho Chính phủ, đồng thời ngỏ lời mời các đối tác phương Tây trực tiếp tới nhà máy sản xuất của huawei để xem xét việc Huawei có “tuồn thông tin” cho chính phủ hay không.

Đại sứ Trung Quốc tại  Liên minh Châu Âu (EU) đã nói, đất nước tỷ dân sẽ có biện pháp trả đũa những chính sách của Mỹ nhằm vào Huawei. Những quyết định của chính quyền dưới thời ông Trump đã hạn chế khả năng phát triển của Huawei trên đất Mỹ: cấm việc sử dụng thiết bị Huawei trên danh nghĩa đảm bảo an ninh quốc gia, yêu cầu Huawei phải có được sự chấp thuận của chính phủ với mỗi đơn hàng linh kiện điện tử mua từ Mỹ.

“Họ đang phá hoại quyền và lợi ích chính đáng của các công ty Trung Quốc, và chính phủ Trung Quốc sẽ không án binh bất động” – Đại sứ Trung Quốc Zhang Minh tuyên bố.

Thực tế, các lệnh cấm Huawei của chính quyền Mỹ là trọng tâm trong cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến nhiều người vẫn đang nghĩ rằng cuộc chiến này là kiềm chế sự bành trướng của Huawei trên thế giới. Có thể ngay cả trong các tuyên bố của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cho thấy rõ quan điểm đó.

Nhưng về phía Bắc Kinh thì không phải vậy và họ luôn muốn phân tách rạch ròi chuyện đối đầu thương mại với sự kiềm tỏa của Mỹ đối với “con cưng” Huawei.

Nếu Bắc Kinh chấp nhận cuộc đàm phán thương mại vì Washington sẽ giảm cấm vận với Huawei, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục bị cáo buộc là đứng sau hỗ trợ cho gã khổng lồ công nghệ này.

Thêm nữa, dù những diễn biến bất lợi ban đầu vẫn còn xảy đến với Huawei nhưng chính quyền Mỹ đang bắt đầu lục đục. Huawei đã bắt đầu len lỏi đến các cơ sở quan trọng và ảnh hưởng ở một quy mô lớn đến Mỹ khiến Washington khó mà ngay lập tức thực hiện lệnh cấm một cách nhanh chóng và triệt để đối với Huawei.

Mới đây nhất, Quyền Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Russell Vought đang yêu cầu trì hoãn các hạn chế đối với Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc. Theo đó, Mỹ nên trì hoãn áp lệnh cấm với Huawei trong vòng 4 năm thay vì 2 năm như hiện tại. Lịch trình thực hiện những hạn chế đối với Huawei sẽ làm giảm đáng kể số lượng nhà thầu có thể bán thiết bị cho chính phủ Mỹ. Thời hạn như vậy cũng cho phép Washington được đánh giá tốt hơn và xem xét các tác động tiềm tàng cũng như các giải pháp khả thi về việc thay thế thiết bị của Trung Quốc.

Quyền Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng cũng yêu cầu tổ chức nhiều diễn đàn công cộng nhằm lắng nghe ý kiến từ các nhà cung cấp về lệnh cấm đối với Huawei.

Trong khi đó, Google – công ty đầu tiên lập tức thực thi các lệnh cấm từ chính quyền Mỹ đối với Huawei bây giờ đang ra sức vận động Chính phủ Mỹ cho phép giữ mối quan hệ với Huawei, miễn trừ khỏi lệnh cấm. Google đang diễn ra một cuộc thảo luận giữa Google với Bộ Thương mại Mỹ nhằm kéo dài thời gian “ân hạn” 3 tháng để Huawei được mua các linh kiện và công nghệ Mỹ phục vụ cho việc bảo trì và đáp ứng các mạng viễn thông và smartphone đã bán. Thậm chí, nếu được, Google muốn được miễn trừ hoàn toàn khỏi lệnh cấm.

Lập luận của Google được đưa ra trên cơ sở an ninh quốc gia, cho thấy càng cấm Huawei, nguy cơ bị tấn công (hack) là còn lớn hơn.

Trung Quoc co ngoi vao dam phan de cuu Huawei?
Mỹ cho rằng Huawei đã thực sự bị siết chặt vì lệnh cấm?

Nguồn tin trong ngành nói với Tạp chí Tài chính Mỹ: “Google nói rằng nếu họ không tiếp tục được hợp tác với Huawei, thì kết quả có thể sẽ hai loại hệ điều hành Android, gồm một bản nguyên gốc và một bản ‘lai’. Trong đó, bản ‘lai’ có thể sẽ có nhiều lỗi hơn so với bản Android gốc của Google, và sẽ đặt điện thoại Huawei vào nguy cơ bị tấn công (hack) lớn hơn”.

Không chỉ Google, Microsoft cũng là công ty lớn duy nhất đang thể hiện thái độ không rõ ràng trong các lệnh cấm Huawei của chính phủ Mỹ.

Tầm ảnh hưởng của Huawei cũng như các biện pháp trả đũa mà phía Trung Quốc có thể thực hiện nếu Washington quyết định “chơi khô máu” đang khiến các công ty Mỹ e ngại và đưa ra các động thái cầm chừng.

Trung Quốc vẫn nhẹ giọng với Mỹ

Trong bối cảnh này, Trung Quốc đang thể hiện quan điểm nhún nhường nhưng không khuất phục trước sức ép Mỹ.

Trung Quốc không dễ để các công ty Mỹ lấn lướt.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh tuần trước đã triệu tập các công ty công nghệ lớn đang hoạt động tại Trung Quốc, trong đó có Microsoft và Dell của Mỹ, Samsung cùng hai nhà sản xuất chất bán dẫn Arm of Britain và SK Hynix của Hàn Quốc, để cảnh báo liên quan đến lệnh cấm của Nhà Trắng với doanh nghiệp Trung Quốc.

Cuộc họp được tổ chức vào hai ngày 4 và 5/6, có sự tham gia của Cơ quan lập kế hoạch kinh tế trung ương, Ủy ban Quốc gia về Phát triển và Cải cách, đại diện từ Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc. Tại đây, đại diện các đơn vị trên nhấn mạnh những công ty Mỹ hoặc có liên quan đến Mỹ có thể phải đối mặt với “hậu quả thảm khốc” nếu hợp tác với chính quyền Tổng thống Donald Trump, cấm bán công nghệ chủ chốt của Mỹ cho Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một số quan chức cũng “bóng gió” rằng các công ty Mỹ nên có những vận động hành lang để thay đổi tình hình hiện tại. Riêng doanh nghiệp không thuộc Mỹ không phải chịu hậu quả nếu tiếp tục làm ăn bình thường với công ty Trung Quốc như hiện tại.

Trong khi đó, Reuters dẫn một nguồn tin tại tập đoàn phần mềm Microsoft của Mỹ nói với Reuters rằng, việc trao đổi với quan chức Trung Quốc không phải là một cảnh báo trực tiếp, nhưng họ đã được nói rõ rằng việc tuân thủ với lệnh cấm của Mỹ nhiều khả năng sẽ dẫn tới sự phức tạp thêm nữa đối với tất cả mọi bên.

Theo nguồn tin, Microsoft cũng được yêu cầu không có các bước đi vội vàng và thiếu cân nhắc trước khi hiểu rõ tình hình. Nguồn tin cũng nói rằng giọng điệu của phía Trung Quốc mang tính hòa giải.

Cho đến nay, Trung Quốc chưa thể hiện thái độ rõ ràng về khả năng sẽ có một cuộc họp tại Thượng đỉnh G20 với phía Mỹ dù thế giới trông đợi sự kiện này có thể mang tới những tín hiệu tốt đẹp đối với đàm phán thương mại Mỹ- Trung, nơi hai bên có thể hiểu rõ thêm các nền tảng cơ bản để hướng tới sự hợp tác cùng có lợi.

Dẫu vậy, với việc ra điều kiện với Bắc Kinh theo kiểu mà Nhà Trắng đang thực thi, bước đi này thật khó khiến Trung Quốc ngồi xuống đề thảo luận với Mỹ về bất cứ điều gì, dù là về đậu tương hay sở hữu trí tuệ.

RELATED ARTICLES

Tin mới