Bản tin Biển Đông ngày 13/06/2019.
Mỹ, Nhật Bản tập trận chung ở Biển Đông
Ngày 13/6, hãng tin ABS-CBN đưa tin, một tàu sân bay Mỹ cùng ba tàu của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã diễn tập chung trong 3 ngày trên Biển Đông. Theo thông báo trên trang web của Hạm đội 7 (Mỹ), tàu USS Ronald Reagan cùng với các tàu JS Izumo, JS Murasame và JS Akebono đã tổ chức các cuộc diễn tập chiến thuật từ ngày 10 – 12/6 nhằm bảo đảm an ninh hàng hải.
Trung úy Mike Malakowsky, một sĩ quan tác chiến trên tàu Ronald Reagan cho biết “khi chúng tôi hoạt động phối hợp cùng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã giúp hai bên trở thành một khối gắn kết và giúp tăng gấp đôi khả năng của hai bên để đối phó với mọi tình huống”. Hải quân Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản thường xuyên hoạt động với các đồng minh khác để thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực.
Đại úy Pat Hannifin, sĩ quan chỉ huy của tàu USS Ronald Reagan nói rằng “Thời gian chúng tôi có thể dành cho huấn luyện trên biển và hoạt động với các đối tác của chúng tôi trong Lực lượng phòng vệ Nhật Bản là vô giá. Liên minh của chúng tôi đang ngày càng trở nên quan trọng đối với khu vực hơn lúc nào hết”.
Khủng hoảng ở Biển Đông: Cơn thịnh nộ của Philippines khi Trung Quốc đánh chìm tàu cá Philippines
Một lần nữa căng thẳng lại nổi lên ở Biển Đông khi tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đánh chìm tại khu vực lân cận gần Vịnh Recto ở Biển Tây Philippines, một phần của Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Ngày 12/6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana kêu gọi một cuộc điều tra chính thức về vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và tàu cá Philippines (GIMVER 1) sau khi tàu Trung Quốc rời khỏi hiện trường thì tàu Philippines bị chìm. Bộ trưởng Delfin Lorenzana cho biết “chúng tôi tố cáo hành động của tàu Trung Quốc vì đã ngay lập tức rời khỏi hiện trường vụ việc, bỏ lại 22 thủy thủ đoàn Philippines “đối mặt với nguy hiểm”. Ông Delfin Lorenzana cho biết phi hành đoàn của tàu GIMVER 1 đã được một tàu cá Việt Nam ở gần đó giải cứu. “Chúng tôi cảm ơn thuyền trưởng và thủy thủ tàu Việt Nam đã cứu mạng 22 thủy thủ đoàn người Philippines. Tuy nhiên, chúng tôi lên án bằng những hành động mạnh mẽ nhất đối với tàu Trung Quốc bị nghi ngờ đã bỏ lại thủy thủ đoàn Philippines giưa nguy hiểm. Đây không phải là hành động mong đợi từ một người có trách nhiệm và thân thiện. Chúng tôi kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra chính thức về vấn đề này và các bước ngoại giao được thực hiện để ngăn chặn sự lặp lại của sự cố này”.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tuyên bố ông đã phát động cuộc biểu tình trên Twitter vào sáng 13/6, trong bối cảnh sự phẫn nộ ngày càng tăng từ các chính giới Philippines về vụ việc này.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cũng lên án vụ việc và nói rằng “chúng tôi sẽ không cho phép mình bị tấn công, bị bắt nạt, trở thành đối tượng của những hành động dã man, thiếu văn minh và thái quá từ bất kỳ nước nào. Ông Salvador Panelo cũng nói thêm rằng “Tổng thống Duterte rất tức giận về vụ việc này. Nếu vụ va chạm được phát hiện là có chủ ý, Philippines sẽ coi đó là hành động xâm lược. Chúng tôi sẽ cắt quan hệ ngoại giao, đó là những gì nên làm mỗi khi có những hành động gây hấn.”
Tuy nhiên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng gọi vụ việc là một tai nạn hàng hải bình thường và Trung Quốc vẫn đang điều tra. “Nếu các báo cáo có liên quan là đúng, bất kể hung thủ đến từ quốc gia nào, hành vi của họ nên bị lên án. Ông Cảnh Sảng cũng nói thêm rằng “thật vô trách nhiệm khi Philippines đã chính trị hóa vụ việc mà không cần xác minh”.
Liên quan đến vấn đề này, hãng tin Inquirers đã đăng bình luận của Giáo sư Jay Batongbacal, Hiệu trưởng trường Đại học Luật biển và các Vấn đề về Biển Philippines cho rằng Trung Quốc sẽ có thể hành xử như vậy thường xuyên hơn nếu không bị khiển trách. Chính phủ Philippines không nên bỏ qua sự cố này và nên xem xét lại chính sách của mình trên Biển Đông. Đây có thể là ví dụ mới nhất về cách Trung Quốc tiếp tục đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông, và nếu Trung Quốc tiếp tục hành xử như vậy, chúng ta có thể sớm thấy các tàu Trung Quốc thường xuyên đâm va buộc ngư dân của chúng ta ra khỏi Biển Tây Philippines, tương tự cách mà họ đã làm với ngư dân Việt Nam. Chính phủ cũng nên gửi Công hàm đến Trung Quốc để điều tra và đưa ra một báo cáo về vụ việc, bao gồm cả những hành động mà họ đã thực hiện đối với con tàu này. Giáo sư Jay Batongbacal đã chỉ trích mạnh mẽ “hành động này đã vi phạm Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển 1972 và luật pháp/tập quán quốc tế khi đi biển vì đã không hỗ trợ cho tàu/thuyền viên gặp nạn. Việc bỏ lại con thuyền sắp chìm mà không trợ giúp càng chứng tỏ ý định cố tình gây hại. Một người đang chạy không vô tình đụng phải một người khác đang đứng giữa sân bóng. Tương tự, một tàu di chuyển không vô tình va chạm với một tàu neo đậu trên biển. Đó là cố ý.
Giám đốc điều hành Viện cải cách chính trị và kinh tế Philippines Ramon Casiple cho rằng “quyết định rời bỏ ngư dân Philippines đang gặp nguy hiểm là không phù hợp. Trung Quốc cho phép chúng tôi đánh cá ở vùng biển tranh chấp nhưng “sự cố” này đã xảy ra. Đó là phi đạo đức. Nếu tai nạn xảy ra, ngay cả khi vô ý, điều đúng đắn cần làm là giúp đỡ những nạn nhân đó. Điều đúng đắn đối với Trung Quốc là cứu giúp những người gặp nạn. Đó là những gì chúng tôi mong đợi từ họ.”