Sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ (1/6) thông báo bán 6 máy bay không người lái (UAV) ScanEagle cho Việt Nam, truyền thông Trung Quốc cay cú “chỉ trích” hành động trên của Mỹ.
UAV ScanEagle của Mỹ
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngang nhiên cho rằng Mỹ bán UAV trinh sát cho Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam là hành động “hủy hoại các hợp các hợp tác và ổn định trong khu vực”, cáo buộc đây là “kế hoạch mới của Mỹ nhằm thu hút ngoại tệ sau bê bối máy bay 737 MAX”; ngang nhiên cáo buộc việc Mỹ bán các UAV ScanEagle cho một số nước láng giềng Trung Quốc là để “kích động xung đột“ giữa Trung Quốc và các nước này.
Tờ báo trên còn cho rằng “trong bối cảnh thương chiến với Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng, chính quyền Donald Trump sẽ cảm thấy rất vui nếu các công ty Mỹ vẫn kiếm được tiền, nhưng sẽ đặc biệt vui hơn nếu điều đó chọc tức được Bắc Kinh”; đồng thời tìm cách hạ uy tín của Mỹ và chia rẽ quan hệ giữa Mỹ với các nước ASEAN khi cho rằng “người Mỹ sẽ biết cách làm thế nào để các thiết bị của họ không thể kết hợp được với công nghệ của những quốc gia khác. Khi đó, những quốc gia mua vũ khí Mỹ sẽ chỉ có một lựa chọn duy nhất: hoặc đáp ứng mọi điều kiện được Mỹ đưa ra hoặc không thể nâng cấp hệ thống vũ khí của mình”. Đáng chú ý, Thời báo Hoàn Cầu còn tìm cách “lên án” Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi cáo buộc “cho dù Trump đã làm tổng thống, máu kinh doanh của ông ta vẫn còn đó. Ông ấy sẽ làm mọi thứ miễn là đem lợi cho nước Mỹ cho dù có hi sinh lợi ích của người khác. Điều đó lý giải tại sao ông ta phát động chiến tranh thương mại ở khắp nơi và xúc tiến việc bán các máy bay không người lái của Mỹ, trong lúc trù dập các thành tựu của tập đoàn Trung Quốc”.
Được biết, Thời Báo Hoàn Cầu, được quản lý bởi Nhân Dân Nhật Báo (cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc), đã thể hiện thái độ khó chịu ra mặt trước động thái của Mỹ.
Vụ việc trên bắt nguồn từ thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ (1/6) giao Công ty Insitu trực thuộc tập đoàn Boeing hợp đồng chế tạo 6 máy bay không người lái (UAV) ScanEagle cho Chính phủ Việt Nam. Số UAV bán cho Việt Nam nằm trong 34 chiếc ScanEagle được công ty Insitu chế tạo trong đợt này, trong đó 12 chiếc bán cho Malaysia, 8 chiếc cho Indonesia và 8 chiếc cho Philippines. Theo đó, hợp đồng bán 6 máy bay ScanEagle trị giá 9,7 triệu USD cho Việt Nam sẽ do Công ty Insitu trực thuộc tập đoàn Boeing chế tạo. Hợp đồng cũng bao gồm cung cấp linh kiện phụ tùng, huấn luyện và cử chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật. Hợp đồng nằm trong chương trình Bán trang bị quân sự cho nước ngoài, có tổng trị giá 9,7 triệu USD và dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2022.
Máy bay không người lái ScanEagle được đưa vào hoạt động lần đầu tiên trong lực lượng Hải quân Hoa Kỳ vào năm 2005. Đây là chiếc UAV với thiết kế không đuôi, có sải cánh xuôi 3,1 m với đầu cánh được bẻ cong lên phái trên. Hầu như tất cả các mép sau của cánh đều được cơ giới hóa. Thân máy bay tương đối nhỏ (chiều dài khoảng 1,4 m) chứa một động cơ piston công suất 1,5 mã lực. UAV ScanEagle có trọng lượng cất cánh tối đa không quá 20 kg. Với kích thước, trọng lượng và cấu trúc khí động học như vậy, UAV ScanEagle có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong thời gian dài. Nó có khả năng bay với vận tốc lên đến 130 km/h và đạt được độ cao 4.900 m. Động cơ có tính kinh tế cao và thùng nhiên liệu có thể tích tương đối lớn cho phép máy bay có thể thực hiện các chuyến bay kéo dài trong thời gian hơn 20 giờ. Năm 2006, ScanEagle đã xác lập một kỷ lục khi bay liên tục trong 22 giờ 8 phút. Giống như một số UAV tiên tiến khác, chiếc ScanEagle không yêu cầu sân bay lớn để cất hạ cánh. Máy bay sẽ cất cánh từ một máy phóng khí nén và hạ cánh nhờ hệ thống thu hồi UAV mang tên SkyHook.
Loại UAV này được đánh giá là rất phù hợp với nhiệm tuần tra, trinh sát không chỉ trên bộ mà cả trên biển. Việc triển khai trên tàu biển cũng rất dễ dàng nhờ việc UAV cất cánh bằng hệ thống phóng gọi là SuperWedge và thu hồi bằng hệ thống lưới Skyhook. Nếu mua thành công UAV ScanEagle, nhiều khả năng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ triển khai nó trên các tàu tuần duyên cỡ lớn như CSB 8020, hoặc 4 tàu tuần duyên kiểu DN-2000 có sân đỗ trực thăng thuận tiện cho việc triển khai – thu hồi UAV.