Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước 3 nguy cơ lớn, có thể gây ra những bất ổn trong tương lai gần.
Khu vực Thái Bình Dương vào năm 2019 tiếp tục đóng một vai trò quan trọng khi môi trường kinh doanh và chính trị toàn cầu đang thay đổi và vẫn là khu vực chính tiềm ẩn sự căng thẳng và bất ổn. Các chuyên gia tại Diễn đàn Primakov của Nga đã thảo luận về những vấn đề này và chia sẻ ý kiến của mình với hãng thông tấn Nga Sputnik.
Theo các chuyên gia, những vấn đề chính tiềm tàng ở châu Á-Thái Bình Dương bao gồm: Rủi ro leo thang Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang gia tăng; những vấn đề trong quan hệ giữa Mỹ và đồng minh chủ chốt ở châu Á, cùng với việc dường như Triều Tiên không có ý định “chia tay với vũ khí hạt nhân”.
Vấn đề ý thức hệ trong Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ
Dựa trên chiến lược an ninh quốc gia của mình, Washington thực sự cáo buộc Bắc Kinh cố gắng phá hủy trật tự thế giới đã thiết lập. Cuộc xung đột sau đó xảy ra dưới hình thức một cuộc “Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ”.
Một số quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương, cố gắng để không bị kéo vào mối mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, cân bằng chiến thuật và hiện thực hóa lợi ích của họ thông qua hợp tác với cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Hơn nữa, họ còn có ý định hưởng lợi từ cả sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc và khái niệm mới của người Mỹ về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Theo nhận định của ông Yang Cheng – giáo sư tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới, rõ ràng họ không thể tránh khỏi một cuộc xung đột thương mại với Hoa Kỳ. Sự kiện tương tự là cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Nhật Bản, nổ ra vào cuối những năm 1970 vì cuộc “đổ bộ hàng hóa” của Nhật Bản.
Tuy nhiên, cuộc xung đột hiện tại không chỉ giới hạn trong thương mại. Đây còn là câu hỏi về ý thức hệ, vấn đề về sự thống trị, về cách thức tiếp cận các quy tắc thương mại thế giới. Theo giáo sư Yang Cheng, cả hai nước có mâu thuẫn nghiêm trọng về những vấn đề này.
Mới đây, công ty Sharp đã tuyên bố ý định chuyển sản xuất máy tính từ Trung Quốc sang Việt Nam để cung cấp cho Hoa Kỳ. Khả năng di chuyển việc sản xuất thiết bị văn phòng đa năng từ Trung Quốc sang Thái Lan cũng đang được xem xét. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định sẽ không từ bỏ vị thế của mình trong cuộc chiến thương mại.
Với Mỹ, đồng minh Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ
Một vấn đề nổi cộm khác đến từ quan hệ của Mỹ với các đồng minh chủ chốt ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Và thật đáng ngạc nhiên là mâu thuẫn giữa hai đồng minh lớn nhất của nhau cũng có tính chất tương tự như xung đột thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán thương mại song phương giữa Tokyo với Washington bắt đầu từ tháng 1 và kéo dài tận cho đến hiện nay, có ý nghĩa quyết định đối với mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản năm 2018 lên tới gần 57 tỷ USD, nhưng nó cũng chỉ bằng hơn 1/7 thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc (419 tỷ USD).
Trong chuyến thăm Tokyo hồi tháng 5, ông Trump cho biết Hoa Kỳ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Nhật Bản vào tháng 8. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, thỏa thuận này sẽ có tác động tích cực đến cán cân xuất-nhập khẩu của hai nước.
Hiện nay, Mỹ và Nhật Bản không có hiệp định thương mại tự do song phương. Để ngăn chặn mối quan hệ xấu đi với đồng minh, cũng như điều kiện làm việc của các công ty Nhật ở Mỹ, chính quyền Tokyo có khả năng nhượng bộ để giảm thâm hụt cán cân, bao gồm tăng mua vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ, theo các chương trình đã được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố (Yêu cầu ngân sách liên quan đến quốc phòng cho năm tài chính 2019 – Defence Related Budget Request for FY 2019).
Tuy nhiên, điều này đã gây ra những mâu thuẫn trong chính giới Tokyo, các điều kiện thỏa thuận đang là chủ đề tranh chấp gay gắt ở Nhật Bản để làm sao vừa làm đẹp lòng Mỹ, vừa hạn chế những thiệt hại cho kinh tế Nhật Bản.
Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Theo các chuyên gia tham gia Diễn đàn Primakov, vấn đề giải trừ hạt nhân và sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới của Triều Tiên là một quá trình dài hạn có thể mất nhiều thập kỷ.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại IMEMO, viện sỹ Mikheev cho biết, hiện nay, Bình Nhưỡng đang nghiên cứu kinh nghiệm từ mô hình kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam – các quốc gia có nền kinh tế do nhà nước kiểm soát, đang có sự tăng trưởng tốt.
Theo chuyên gia Mikheev, Việt Nam đặc biệt hấp dẫn đối với Bình Nhưỡng, vì đã duy trì sự linh hoạt về địa-chính trị và xây dựng các mối quan hệ. Hà Nội thành công thiết lập các liên hệ với nhiều quốc gia, như Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, cũng như với Hoa Kỳ, bất chấp sự khác biệt về ý thức hệ và nhiều thập kỷ thù địch trong chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, mở cửa thị trường, nới lỏng các hạn chế tiền tệ…, như của Việt Nam có thể là yếu tố gây bất ổn chính trị cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un – người coi sở hữu vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để bảo vệ không chỉ an ninh nhà nước, mà cả chế độ.
Giáo sư Simotomai Nobuo từ Đại học Hosei của Nhật Bản cho rằng, một giải pháp cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên là hoàn toàn cần thiết, khi tiềm ẩn những nguy hiểm thực sự về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở trung tâm khu vực châu Á.
Theo ông, đây không còn là vấn đề thứ yếu mà là vấn đề quan trọng nhất. Cần phải xây dựng một cơ chế phòng ngừa rủi ro và mỗi quốc gia tham gia các cuộc đàm phán sáu bên trước đây có thể đóng góp phần mình trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực.