Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ lại đưa ra tuyên bố gây bất ngờ về vụ đâm...

TQ lại đưa ra tuyên bố gây bất ngờ về vụ đâm chìm tàu cá Philippines

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila (14/6) công bố kết quả điều tra sơ bộ về vụ đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines, cho rằng tàu Trung Quốc bị tàu Philippines “bao vây” và sơ ý làm chìm tàu Gem-Ver 1.

Ngư dân Philippines – những bằng chứng sống tố cáo tội ác của Trung Quốc

Ngụy biện giao xảo theo kiểu của Trung Quốc

Sau khi bị Philippines đưa ra cảnh báo sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao nếu Trung Quốc không điều tra và xử lý ổn thỏa vụ tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá Philippines (9/6) tại khu vực Bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila (14/6) đã công bố báo cáo điều tra sơ bộ về vụ việc. Tuy nhiên, kết quả điều tra của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế bị bất ngờ, không ai nghĩ Trung Quốc có thể ngụy biện và đổi trắng thay đen một cách ghê gớm như vậy.

Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng tàu cá Yuemaobinyu 42212 từ tỉnh Quảng Đông đã tham gia vào “hoạt động kéo lưới” ở khu vực xung quanh bãi Cỏ Rong ở Biển Đông vào ngày 9/6. Tàu 42212 “bất ngờ bị 7 hoặc 8 tàu Philippines bao vây” và “trong lúc sơ tán, dây cáp thép trên mạng lưới thắp sáng của tàu va chạm với buồng lái của tàu Gem-Ver 1”; đồng thời khẳng định “thuyền trưởng Trung Quốc đã cố cứu ngư dân Philippines, nhưng sợ bị các tàu Philippines khác bao vây. Vì vậy, khi xác định được những ngư dân đó được các tàu Philippines khác cứu, tàu 42212 mới rời khỏi hiện trường”.

Sự thật được phơi bày

Tuyên bố trên của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với những gì Philippines đưa ra và những nhân chứng sống, cũng như những bằng chứng thép khẳng định tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu Gem-Ver 1, bỏ mặc ngư dân Philippines lênh đên trên biển và tàu cá của Việt Nam đã cứu vớt ngư dân Philippines. Phía Philippines cho biết, đêm 9/6, khi tàu cá Philippines mang số hiệu F/B GIMVER 1 đang neo đậu ở khu vực gần bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để ngủ, thì bị một đồi tàu Trung Quốc tiến đến đâm chìm. Điểm đặc biệt, đội tàu Trung Quốc đã tắt hết thiết bị chiếu sáng khi đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines nhằm tránh bị nhận dạng. Sau khi tàu cá trên bị chìm, tàu của Trung Quốc cũng không cứu vớt 22 ngư dân Philippines dưới biển, mà để mặc họ vùng vẫy dưới biển. Một thời gian sau, tàu cá của Việt Nam đã tới cứu giúp và đưa 22 ngư dân Philippines lên tàu. Theo đó, tàu Philippines đang nghỉ đêm thì sao có thể bao vây tàu Trung Quốc? và tàu Trung Quốc đang kéo lưới đêm thì việc gì phải tắt hết thiết bị chiếu sáng? Hay khi đâm chìm tàu Philippines lại cố tình bỏ đi mà không cứu vớt ngư dân??

Để giải đáp những thắc mắc trên, phía Philippines đã đưa ra những bằng chứng thép, phủ nhận sự ngụy biện của Trung Quốc.

Thứ nhất, tàu Việt Nam cứu vớt ngư dân Philippines chứ không phải tàu Philippines. Người phát ngôn Hải quân Philippines Jonathan Zata (15/6) cho biết “đó là tàu cá Việt Nam giải cứu ngư dân của chúng tôi, chứ không phải tàu cá Philippines như phía Trung Quốc tuyên bố. Không có sự hiện diện của bất kỳ tàu cá Philippines nào vào thời điểm xảy ra vụ chìm tàu cá Gem-Ver 1 ở Biển Đông tối 9/6”; nhấn mạnh “nếu như có tàu cá Philippines thì vụ việc sẽ được báo cho Hải quân và chúng tôi có hành động phản ứng ngay lập tức. Chỉ có tàu cá Việt Nam đến giải cứu các ngư dân Philippines”. Trong khi đó, Người phát ngôn của Lực lượng Cảnh sát biển Philippines (PCG) Armand Balilo cho biết, PCG sẽ phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam để cảm ơn và nhận được bản tường trình từ ngư dân Việt Nam đã giải cứu 22 ngư dân Philippines.

Thứ hai, ngư dân Philippines – những người trở về từ cõi chết đã phơi bày sự thật, tố cáo tội ác của Trung Quốc. Theo thuyền trưởng Junel Insigne, đêm 9/6, ông cho con tàu gỗ chở theo tổng cộng 22 người neo đậu an toàn ở vùng biển cách thị trấn nơi họ sinh sống hơn 150 km. Khi Junel bắt đầu đi vào giấc ngủ thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng người la hét. Một chiếc tàu lớn hơn đang lao nhanh về phía họ. Ông cố gắng khởi động động cơ nhưng đã quá trễ. Có tiếng va chạm lớn. Chiếc Gem-Vir của Junel quay dữ dội rồi bị kéo đi trong chốc lát, nước tràn vào qua một lỗ lớn tại đuôi tàu. Con tàu chìm dần. May mắn là thuyền trưởng Junel thả neo gần bãi Cỏ Rong nên nước khá cạn. Hầu hết thuyền viên bám vào mũi tàu còn nổi, số khác giữ chặt phao cứu sinh hay bất cứ mảnh vỡ nào. Tàu thực hiện cú đâm có thân bằng thép, dùng đèn chiếu vào họ. Thủy thủ đoàn Philippines nghĩ rằng sắp được đưa lên khỏi mặt nước, nhưng tàu gây tai nạn tắt đèn và bỏ đi. Junel sau đó phát hiện một vệt sáng mờ nhạt ở xa, biết đó là tàu cá khác nên ông lệnh cho 2 thuyền viên chèo đi nhờ giúp đỡ. Đó là tàu Việt Nam. Chiếc này bơi về phía chiếc Gem-Vir rồi cứu toàn bộ thủy thủ đoàn. Thuyền trưởng Junel đảm bảo chiếc đâm vào tàu của ông là tàu Trung Quốc, vụ đâm là cố tình: “Chúng tôi bật đèn sáng lúc neo đậu. Họ không thể nào không nhìn thấy chúng tôi”. Cùng quan điểm trên, chủ sở hữu Gem-Vir là ông Felix de la Torre khẳng định Trung Quốc nói dối. Thuyền viên trở về đều báo cáo tàu mang số hiệu 42212 của Trung Quốc đâm tàu dù họ chẳng làm gì mang tính khiêu khích, xung quanh hiện trường cũng chẳng có tàu nào khác.

Phản ứng và cách đáp trả khác lạ của Philippines

Philippines đã đệ trình sự việc lên Tổ chức Hàng hải quốc tế của Liên hợp quốc (IMO) về việc tàu Trung Quốc đã “nhẫn tâm bỏ mặc các ngư dân trên biển trong điều kiện nguy hiểm”. Philippines đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc quan tâm hơn nữa đến việc bảo đảm tính mạng cho các ngư dân trong những vụ tai nạn hàng hải.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (12/6) lên án hành động của tàu Trung Quốc, khẳng định đây không phải là hành động của những người có trách nhiệm và thiện chí; kêu gọi mở một cuộc điều tra về vụ va chạm, nhấn mạnh “các biện pháp ngoại giao” nên được tiến hành để ngăn chặn một vụ việc tương tự tái diễn; đồng thời gửi lời cảm ơn tới thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của một tàu cá Việt Nam vì đã tới giải cứu các ngư dân Philippines gặp nạn.

Ngoại trưởng Philippines Teddy Boy Locsin cho biết, Chính phủ nước này đã gửi công hàm phản đối với Trung Quốc về vụ việc trên.

Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Philippines Salvador Panelo (13/6) tuyên bố Manila có thể chấm dứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh nếu xác định vụ “va chạm” tàu ở Biển Đông mới đây là do Trung Quốc cố ý gây ra; lưu ý rằng vụ “va chạm” với tàu cá Trung Quốc gần bãi Cỏ Rong có thể bị xem là hành động “tấn công” nếu được chứng minh là cố ý; đồng thời “kêu gọi cơ quan chức năng có thẩm quyền của Trung Quốc tiến hành điều tra vụ va chạm và trừng phạt các thuyền viên Trung Quốc”; nhấn mạnh hành động bỏ không cứu vớt ngư dân là “vô nhân đạo vì nó thật man rợ”.

Lực lượng Vũ trang Philippines cho rằng hành động của tàu Trung Quốc không phải ngẫu nhiên và được xem là chiêu “đánh rồi chạy”, vì tàu Trung Quốc lập tức di chuyển khỏi hiện trường sau khi đâm vào tàu Philippines. Việc này đã vi phạm quy định của luật pháp quốc tế, trong đó yêu cầu các tàu phải cứu giúp người đang gặp nạn trên biển.

Trái ngược với những quan chức trên, Tổng thống Philippines Duterte – người hay đưa ra các tuyên bố cứng rắn bảo vệ “chủ quyền” và ngư dân trên Biển Đông lại đang “im lặng” một cách kỳ lạ. Để giải thích cho hành động lạ lùng của Tổng thống, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi (16/6) cho biết, Tổng thống Rodrigo Duterte dự kiến tổ chức một cuộc họp Nội các khẩn cấp trong ngày 17/6 để thảo luận về vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines gần bãi Cỏ Rong; giải thích nhà lãnh đạo Philippines vẫn “”đang xem xét vụ việc” cũng như “không muốn thực hiện các bước đi dựa trên những thông tin sai lệch”.

Trung Quốc vi phạm những luật pháp nào

Trung Quốc là một nước lớn, đã ký kết, tham gia nhiều Công ước, quy định quốc tế liên quan việc bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khi gặp khó khăn trên biển. Song hành động đâm chìm tàu cá và không cứu vớt ngư dân đang gặp nạn dưới biển là đã vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông, không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Cụ thể:

Đầu tiên, Trung Quốc đã đi ngược lại Điều 5 của Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) đã được Chính phủ Trung Quốc và các nước ASEAN ký kết, thông qua vào tháng 11 năm 2002 tai PhnomPenh, Vương quốc Campuchia. Điều 5 quy định: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng. Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, bao gồm: Tổ chức các cuộc đối thoại và trao đổi quan điểm một cách thích đáng giữa các quan chức phụ trách quân sự và quốc phòng. Bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với tất cả mọi người đang gặp hiểm nguy hoặc tai họa.Thông báo trên cơ sở tự nguyện cho các bên liên quan khác về mọi cuộc tập luyện quân sự liên kết/hỗn hợp sắp diễn ra”.

Thứ hai, Trung Quốc cũng vi phạm các quy định của UNCLOS, mà cụ thể là mục a, mục b, Khoản 1, Điều 98 về Nghĩa vụ giúp đỡ. Điều 98 quy định “Mọi quốc gia đòi hỏi thuyền trưởng của một chiếc tàu mang cờ của nước mình, trong chừng mực có thể làm được mà không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho con tàu, cho đoàn thủy thủ hay cho hành khách trên tàu, phải: a) Giúp đỡ bất kỳ ai đang gặp nguy khốn trên biển;b) Hết sức nhanh chóng đến cứu những người đang bị nguy cấp nếu như được thông báo những người này cần được giúp đỡ, trong chừng mực mà người ta có thể chờ đợi một cách hợp lý là thuyền trưởng phải xử lý như thế; c) Trong trường hợp xảy ra tai nạn đâm va, giúp đỡ chiếc tàu kia, đoàn thủy thủ và hành khách của nó và, trong phạm vi có thể, cho chiếc tàu đó biết tên và cảng đăng ký của tàu mình, và cảng gần nhất mà tàu mình sẽ cập bến”.

Thứ ba, Trung Quốc cũng vi phạm, Nghị định thư của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) khi đối xử vô nhân đạo với ngư dân Philippines.

Nhìn chung, trong những năm gần đây, tàu cá của các nước liên tục bị tàu Trung Quốc, bao gồm tàu Hải cảnh, tàu Kiểm ngư, tàu “dân quân biển” (tàu quân sự đội lốt tàu cá), tàu cá cỡ lớn được chính phủ hậu thuẫn… đâm chìm khi đánh bắt cá hợp pháp trong ngư trường truyền thống ở Biển Đông. Hành động trên của Trung Quốc là muốn thông qua đâm chìm tàu cá các nước, để hòng đe dọa ngư dân không vào đánh bắt cá trong ngư trường truyền thống, qua đó Trung Quốc sẽ từng bước thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, biến biển đảo của Việt Nam cũng như Philippines thành của Trung Quốc. Tuy nhiên, âm mưu và ý đồ nham hiểm của Bắc Kinh sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Ngoài ra, việc tàu Trung Quốc (phải có sự hậu thuẫn đằng sau) đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines là không thể chấp nhận được. Nó vừa đi ngược lại các quy định quốc tế, Thỏa thuận đa phương, song phương mà Bắc Kinh là một bên tham gia ký kết, nó còn đi ngược lại đạo lý làm người. Việc làm của Trung Quốc cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trong khu vực, không có lợi trong việc xây dựng lòng tin giữa các nước; không tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

RELATED ARTICLES

Tin mới