Sunday, December 29, 2024
Trang chủĐàm luậnBộ tứ và ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương -...

Bộ tứ và ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Duy trì sự tự do và cởi mở trong các vùng biển chiến lược thuộc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – vốn là một mục tiêu then chốt của chính quyền Trump – nay đang trở nên nan giải hơn. Trung Quốc vẫn đang tiếp tục quân sự hóa vùng biển Hoa Nam (Biển Đông), và nạt nộ các quốc gia láng giềng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với họ. Các chính quyền nối tiếp nhau của Mỹ đã cố gắng sử dụng các diễn đàn khu vực, đặc biệt là hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để kiềm chế những hành động thái quá của Bắc Kinh, nhưng tất cả đều vô ích.

Việc chính quyền của tổng thống Donald Trump làm sống lại Đối thoại An ninh Bốn bên mang đến một vài tia hy vọng. Được biết đến với cái tên “Bộ tứ”,  là một diễn đàn không chính thức giữa 4 nền dân chủ gồm Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, và Nhật Bản, những nước đang lặng lẽ phối hợp các chính sách an ninh và hoạt động quân sự giữa họ với một đích ngắm chung trong đầu – Trung Quốc.

Có một cách mà Bộ Tứ có thể xem xét để giải quyết tình cảnh này, đó là mở rộng các quan hệ đối thoại, hướng tới các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Do đó, Bộ Tứ đang tìm cách mở rộng mạng lưới các đối tác quốc phòng của mình, và một cơ hội như vậy đang xuất hiện trong khu vực.

Việt nam đang nỗ lực thúc đẩy và mở rộng quan hệ quốc phòng với các nước trong nhóm Bộ Tứ nhằm đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông. Kể từ sau chuyến thăm châu Á của Trump hồi tháng 11 – 2017, giới lãnh đạo Việt Nam đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng họ đồng tình với chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của Washington nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tiếp tục thay đổi nguyên trạng tại những  khu vực tranh chấp như Hoàng Sa và Trường sa.

Hà Nội tiếp tục tăng cường quan hệ hàng hải với Tokyo, bằng việc cho phép một tàu ngầm Nhật Bản cập cảng Việt Nam. Sau đó Việt Nam điều một khinh hạm thực hiện chuyến thăm đáp lễ tới Nhật Bản trong một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ quốc phòng đang được thắt chặt.

Việt Nam cũng đã đón tàu sân bay đầu tiên của  Mỹ cặp bờ của mình kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Việt Nam cũng đã nâng cấp quan hệ với Australia lên tầm “đối tác chiến lược”, và thiết lập các mối quan hệ quốc phòng hết sức sâu rộng với Ấn Độ.

Jakarta cũng đang phản kháng khi các cuộc tuần tra trải dài của Bắc Kinh ở Biển Đông gần đây đã thách thức chủ quyền của Indonesia ở khu vực Natuna có tranh chấp. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Riamizard Ryacudu đã gặp người đồng cấp Mỹ Mattis tại Lầu Năm Góc, và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Jacarta cũng đã đánh tín hiệu sẽ can dự với Bộ Tứ nếu các quốc gia khác cũng có động thái tương tự. Như vậy ít nhất Indonesia đang cho thấy họ ngày càng có chiều hướng chống lại các hành vi thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.

Với Philippines, giới lãnh đạo quân sự nước này âm thầm ủng hộ liên minh với Mỹ, người Philippines không tin chính sách thân thiện Bắc Kinh của Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ có tác dụng, khi đang có những căng thẳng liên quan đến quyền đánh cá ở khu vực bãi cạn Scarborough có tranh chấp. Mặc dù Bắc Kinh đã cam kết chia sẻ quyền lợi về các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Ngư dân Philippines vẫn phải xin phép tàu cảnh sát biển Trung Quốc để đi vào khu vực này. Bất chấp giọng điệu nóng nảy của mình, ông Duterte trong những tháng gần đây đã tỏ ra “dễ tính” hơn trước những nỗ lực của Mỹ nhằm hàn gắn quan hệ quốc phòng.

Malaysia gần như không lên tiếng với những tranh chấp hàng hải với Trung Quốc. Nhưng điều này đã thay đổi sau khi cựu thủ tướng Mahathir và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí “góp phần xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật”. Tân lãnh đạo Malaysia cũng đã cam kết duy trì sự lưu thông tại Eo biển Malacca và vùng Biển Đông cho tất cả các quốc gia. Bộ trưởng quốc phòng Malaysia mới đây cũng đã đến thăm Nhật Bản để thảo luận về tự do đi lại và luật pháp quốc tế.

          Những liên kết nêu trên khiến cho Trung Quốc đang ngày càng bị cô lập. 

RELATED ARTICLES

Tin mới