Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản (12/6) đưa tin, Nhật Bản và Mỹ đang tiến hành cuộc tập trận chung ở Biển Đông với sự tham gia của tảu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ và tàu tấn công đổ bộ JS Izumo của Nhật Bản.
Hạm đội tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ
Theo thông tin trên, cuộc tập trận bắt đầu diễn ra vào ngày 10/6. Mỹ triển khai tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan và một số tàu chiến khác, trong khi Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) gửi tàu sân bay trực thăng JS Izumo cùng 2 khu trục hạm JS Murasame và JS Akebone. Cuộc tập trận diễn ra một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako nằm giữa đảo Miyako và đảo chính Okinawa của Nhật Bản, sau đó tiến vào Thái Bình Dương.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận thông tin và cho biết, nội dung diễn tập bao gồm huấn luyện chiến đấu chung ở lãnh hải và không phận của Biển Đông. Trong khi đó, Hạm đội 7 của Mỹ tuyên bố Hải quân Mỹ và JMSDF thường triển khai máy bay, tàu thuyền và hoạt động cùng các đồng minh để thúc đẩy an ninh, ổn định trên toàn khu vực. Chỉ huy tàu USS Ronald Reagan, Pat Hannifin, cũng nhấn mạnh: “Thời gian chúng tôi huấn luyện trên biển và hoạt động với đối tác JMSDF là vô giá. Liên minh của chúng tôi chưa bao giờ mạnh hơn và quan trọng với khu vực này hơn bao giờ hết”. Còn tờ Sankei Shimbun cho hay mục đích của cuộc tập trận này là để “chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan là một siêu hàng không mẫu hạm thuộc lớp Tàu sân bay lớp Nimitz chạy bằng Lò phản ứng hạt nhân năng lượng của Mỹ. Nó là chiến hạm thứ 9 của lớp Nimitz được đóng và biên chế chính thức cho Hải quân Mỹ vào năm 2003. USS Ronald Reagan là một phần của Nhóm tác chiến tàu sân bay 9 (CSG-9) của Hải quân Mỹ và được điều hành bởi Tư lệnh Không quân Hải quân Thái Bình Dương. Tàu có trọng tải 97.000 tấn, dài 333 m, thủy thủ đoàn khoảng 5.000 người và khoảng 90 chiến đấu cơ F-18. Siêu tàu sân bay này thuộc biên chế Hạm đội 7, đơn vị phụ trách khu vực Ấn Độ Dương – châu Á – Thái Bình Dương.Tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng biên đội tàu hộ tống gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Milius và tàu tuần dương USS Antietam. Tính đến tháng 5/2012, USS Ronald Reagan là một phần của Nhóm tác chiến tàu sân bay 9 (CSG-9) của Hải quân Hoa Kỳ và được điều hành bởi Tư lệnh Không quân Hải quân Thái Bình Dương. Vào tháng 1 năm 2014, Hải quân Hoa Kỳ thông báo rằng, USS Ronald Reagan sẽ thay thế USS George Washington trở thành soái hạm của Nhóm tác chiến tàu sân bay 5 và lệnh tấn công thông qua Căn cứ Hải quân Yokosuka (Nhật Bản), như là một phần của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ.
Trong khi đó, JS Izumo là tàu sân bay trực thăng, nhưng lại hoạt động như một tàu sân bay thực thụ. JDS Kaga lớp tàu chiến lớn nhất được Nhật chế tạo sau Thế chiến II. Tàu dài 248 m, rộng 38 m, vận tốc tối đa đạt 56km/h, thủy thủ trên tàu gồm 500 người và có lượng giãn nước tối đa 27.000 tấn, lớn hơn các loại tàu sân bay hạng nhẹ của châu Âu, chỉ thua kém tàu sân bay cỡ lớn của Mỹ, Nga và Pháp. Tàu có thể chở 14 trực thăng được thiết kế để chống các loại tàu ngầm hoặc ngư lôi, và khi yêu cầu cần kíp nó có thể mang tới 28 chiếc trực thăng, hoặc với vài chuyển đổi nó còn có thể mang tiêm kích tàng hình F-35B trên hạm. Tàu lớp Izumo có thể mang các trực thăng tác chiến chống ngầm SH-60K Seahawk và trực thăng MCH-101 rà phá thủy lôi cải tiến. chiến hạm này còn được thiết kế để trong trường hợp cần huy động sẽ mang theo tối đa 7 chiếc SH-60K và 7 chiếc MCH-101. Trực thăng trên tàu có nhiệm vụ chính như chống tàu ngầm, chống thuỷ chiến, giám sát, cảnh giới và vận chuyển cứu nạn. Đáng chú ý, Izumo có boong tàu lớn và 5 bàn cất- hạ cánh nên có khả năng cất và hạ cánh đồng thời 5 máy bay một lúc và chỉ cần một vài sửa đổi cần thiết tàu chiến lớp Izumo có khả năng triển khai tới 15 máy bay tàng hình F-35B. Việc mang được tới 15 chiếc F-35B sẽ khiến tàu chiến lớp Izumo “vượt mặt” tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc khi vừa có thể tác chiến giống tàu sân bay thực sự lại có thể làm nhiệm vụ của tàu đổ bộ tấn công. Với năng lực đó, chiến hạm lớp Izumo sẽ tăng cường khả năng tấn công mặt đất và kiểm soát không phận trên biển, đồng thời thể hiện vai trò cực kỳ quan trọng trong tác chiến đổ bộ quy mô lớn. Hệ thống vũ khí trên tàu Izumo được trang bị tên lửa RIM-16, pháo bắn nhanh Phalanx, ngư lôi Mark 46…
Trước đây, để đáp trả Trung Quốc điều máy bay chiến đấu áp sát khu vực giữa đảo Okinawa và Miyako, Mỹ và Nhật Bản (4/4/2019) tiến hành tập trận ở khu vực Tây Thái Bình Dương nhằm răn đe và đáp trả hành động khiêu khích của Bắc Kinh. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Trung Quốc đã hai lần điều oanh tạc cơ chiến lược bay qua khu vực giữa đảo Okinawa và Miyako. Tiêm kích Nhật Bản được triển khai để giám sát máy bay Trung Quốc, dù các phi cơ này không xâm phạm không phận Nhật Bản.
Đáp trả, lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản và Không quân Mỹ (4/4) đã tổ chức tập trận huấn luyện tác chiến ở khu vực Hoa Đông. Các máy bay ném bom B-52 từ đảo Guam vừa được triển khai huấn luyện với Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) và máy bay chiến đấu Mỹ có trụ sở tại Okinawa nằm ở Tây Thái Bình Dương. Theo Người phát ngôn Không quân Mỹ Monica Urias, 02 máy bay ném bom B-52 H Stratofortress đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, đảo Guam (Mỹ) đã tiến hành huấn luyện tích hợp với máy bay chiến đấu Koku-Jieitai thuộc ASDF và các chiến đấu cơ F-15, thuộc Phi đội 18 của Mỹ đóng tại căn cứ Kadena (Nhật Bản). Nhiệm vụ trên được thực hiện ngay sau khi Không quân Trung Quốc điều động tổng cộng 06 máy bay ném bom H-6G và H-6K cũng như lực lượng tác chiến điện tử, máy bay giám sát và máy bay chiến đấu bay qua eo biển Miyako thuộc không phận quốc tế giữa các đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Nhiệm vụ huấn luyện vừa qua của Mỹ với ASDF là lần đầu tiên kể từ buổi diễn tập tương tự trên Biển Hoa Đông vào ngày 20/3. Cả hai nhiệm vụ trên là một phần của sứ mệnh hiện diện máy bay ném bom liên tục mà quân đội Mỹ cho biết đã diễn ra từ tháng 3/2004 và là một phần của chính sách tự do hàng không của Mỹ.
Đây là lần thứ 3 trong năm nay Mỹ có động thái thách thức chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước đang gia tăng trong cuộc chiến thương mại, cùng các xung đột trong nhiều lĩnh vực khác.
Giới chuyên gia, học giả quốc tế và khu vực nhận định cuộc tập trên là hành động cứng rắn của Mỹ và các nước đồng minh nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh. Họ cho rằng cuộc tập trận thể hiện lập trường cứng rắn của Mỹ, Nhật Bản về luật pháp quốc tế ở Biển Đông, mà còn xây dựng nên cầu nối những bên có cùng mối quan tâm trước Bắc Kinh. Sự kiện này thể hiện dấu hiệu về sự bất bình của cộng đồng quốc tế đối với các hành động “cơ bắp” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cuộc tập trận trên còn nhằm cảnh báo về việc Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.
Đáng chú ý, giới chuyên gia nhận định cuộc tập trận ở Biển Đông còn thể hiện quyết tâm của Mỹ và các nước đồng minh nhằm bảo vệ tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Tiến sỹ James R.Holmes, chuyên gia quân sự, Trường Hải chiến Mỹ cho rằng Trung Quốc lâu nay vẫn thích đối phó riêng lẻ với từng bên. Điều đó có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong ngoại giao cũng như đàm phán, nên các quốc gia liên quan cần phối hợp cùng nhau để ứng phó. Giờ đây các nước trong khu vực có lợi ích liên quan việc đảm bảo tự do hàng hải cần phải cùng góp sức bằng biện pháp ngoại giao, hoạt động hải quân… để hướng đến mục tiêu chung. Vì thế, cuộc tập trận chung trên mang ý nghĩa lớn khi kết nối Mỹ và đồng minh.
Trái ngược với nhận định, đánh giá của cộng đồng quốc tế, giới chuyên gia, học giả và truyền thông Trung Quốc có cách nhìn phiến diện, lệch lạc và tìm cách chỉ trích Mỹ và đồng minh; cho rằng cuộc tập trận trên chỉ khiến căng thẳng leo thang, không hỗ trợ giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông; đồng thời “lên án” Mỹ và các nước đồng minh tìm cách “can thiệp” vào tranh chấp ở Biển Đông.