Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ - Trung đang cạnh tranh xuất khẩu máy bay do thám...

Mỹ – Trung đang cạnh tranh xuất khẩu máy bay do thám không người lái ở Đông Nam Á

Sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ (1/6) cho biết, Công ty Insitu trực thuộc tập đoàn Boeing đã được giao hợp đồng chế tạo 6 máy bay không người lái (UAV) ScanEagle cho Chính phủ Việt Nam, giới chuyên gia, học giả và truyền thông đã đưa ra nhiều nhận định về vấn đề này.

Máy bay do thám hàng đầu của Mỹ

ScanEagle là máy bay không người lái không vũ trang, được sử dụng để giám sát và thu thập thông tin tình báo. Phiên bản hiện hành ScanEagle 2, có trọng lượng cất cánh tối đa 26kg, độ dài 1,71m, sải cánh 3,11m, được xếp vào loại máy bay không người lái nhỏ. Dù không được trang bị vũ khí, nó có thể mang các thiết bị giám sát có trọng lượng khoảng 5kg, bao gồm các máy quay video quang học, hồng ngoại, có độ phân giải cao, cho phép người điều khiển theo dõi các mục tiêu đứng yên hoặc đang di chuyển. ScanEagle có thể bay với tốc độ từ 93 tới 111km/h, đạt được độ cao gần 6.000m. Máy bay sẽ cất cánh từ một máy phóng khí nén và hạ cánh nhờ hệ thống thu hồi UAV mang tên SkyHook. Với kích thước, trọng lượng và cấu trúc như vậy, UAV ScanEagle có khả năng thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không trong thời gian dài, lên tới 18 giờ. ScanEagle là lựa chọn phổ biến trong thực hiện hoạt động theo dõi, giám sát trên không và đang được vận hành bởi quân đội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Australia, Lithuana, Pakistan và Anh. Nó cũng được Hải quân Singapore sử dụng và được phóng từ nhiều loại tàu khác nhau, gồm cả tàu hộ tống tên lửa.

Mỹ gia tăng thách thức Trung Quốc

Giới chuyên gia nhận định, những nước Đông Nam Á tiếp nhận máy bay trinh sát không người lái của Mỹ đều là những nước có lợi ích trên Biển Đông. Theo Mike Yeo, chuyên gia của tờ Defense News cho rằng việc Mỹ quyết định trang bị cho các quốc gia Đông Nam Á máy bay trinh sát không người lái ScanEagle thể hiện cam kết đảm bảo an ninh của Washington với các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Phía Mỹ cho rằng, máy bay không người lái ScanEagle sẽ hỗ trợ những nước này tăng cường Nhận thức về các vấn đề hàng hải (MDA) trên lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của họ. Trong khi đó, heo định nghĩa của Tổ chức Hàng hải quốc tế. Được biết, MDA là sự hiểu biết về tất cả các khu vực “trên, dưới, liên quan, liền kề hoặc giáp biển, đại dương hay tuyến đường hàng hải” mà có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, kinh tế và môi trường của một quốc gia. MDA đặc biệt quan trọng đối với chính phủ các quốc gia ven biển bởi các hoạt động thương mại dựa vào hàng hải và các hoạt động khác như đánh bắt cá đóng vai trò không hề nhỏ đối với sự phát triển kinh tế trong khu vực.

Cũng có ý kiến cho rằng đây là ví dụ mới nhất thể hiện sự quyết đoán của Mỹ trong khu vực khi căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh đang gia tăng và ý định của chính quyền ông Trump là đẩy mạnh việc xuất khẩu vũ khí Mỹ ra nước ngoài. Tờ China Military dẫn lời Trương Quân Xã, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc nhấn mạnh, Mỹ luôn có ý định khai thác lợi ích từ các cuộc xung đột, tạo ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp quốc phòng của nước này và cải thiện cơ hội việc làm. Ông cáo buộc Washington đã làm gia tăng căng thẳng tại Trung Đông và Đông Âu để thực hiện mục đích của mình. Theo ông Trương Quân Xã, việc Mỹ bán máy bay UAV cho các nước láng giềng của Trung Quốc có nguy cơ gây gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.

Tuy nhiên, nhà phân tích Mike Yeo nhận xét, đây là cách nhìn khá đơn giản và không thực sự chính xác. Ông cho rằng, mặc dù có nhiều phỏng đoán về một cuộc đối đầu toàn diện liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông hay tham vọng khẳng định sự hiện diện trong khu vực nhưng xét về sự gia tăng năng lực quân sự của Trung Quốc, ScanEagles sẽ không nằm trong danh sách thiết bị quân sự được sử dụng trong cuộc chiến này.

Hỗ trợ đảm bảo an ninh hàng hải

Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng hiện có một loạt thách thức mà các quốc gia tiếp nhận ScanEagle tại Đông Nam Á đang phải đối mặt, không chỉ ở Biển Đông mà còn ở Eo biển Malacca, Biển Sulu và một số vùng biển khác. Những vấn đề chính, nhận được sự quan tâm hàng đầu là cuộc chiến chống khủng bố ở miền nam Philippines và các vụ cướp biển ở Eo biển Malacca, Eo biển Singapore, tranh chấp trên Biển Đông. Ngoài ra còn có những thách thức hàng hải khác như tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp, nạn buôn người, buôn lậu, trộm cắp nguyên liệu và tội phạm xuyên quốc gia. Mặc dù những quốc gia nằm trong chương trình có lực lượng hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển dày dặn kỹ năng và kinh nghiệm nhưng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lực nghiêm trọng, việc sở hữu máy bay không người lái có thể hoạt động suốt 18 giờ sẽ tạo ra lợi thế nhất định trong việc chống lại vô số thách thức hàng hải kể trên.

Thậm chí chỉ cần một số lượng nhỏ máy bay ScanEagle cũng có thể đóng góp đáng kể vào việc cải thiện khả năng MDA của các quốc gia ven biển. Lợi thế của loại máy bay không người lái này là nó có thể được vận hành ở bất kỳ vị trí nào trên không phận mở, không cần đến đường băng. Do hoạt động được ở độ cao gần 6.000 m, nên các cảm biến của nó có thể bắt được những hình ảnh bao quát và xa hơn so với thiết bị quan sát của một con tàu đang di chuyển trên mặt nước. Tính ưu việt của các cảm biến quang học tích hợp trên máy bay ScanEagle đã được chứng minh rõ ràng qua sự cố xảy ra giữa các tàu chiến của Nga và Mỹ trên biển Philippines hồi tuần trước. Hải quân Mỹ đã công bố nhiều hình ảnh tĩnh về cuộc chạm trán thông qua video được quay từ cảm biến của ScanEagle.

Phản ứng của Trung Quốc

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngang nhiên cho rằng Mỹ bán UAV trinh sát cho Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam là hành động “hủy hoại các hợp các hợp tác và ổn định trong khu vực”, cáo buộc đây là “kế hoạch mới của Mỹ nhằm thu hút ngoại tệ sau bê bối máy bay 737 MAX”; ngang nhiên cáo buộc việc Mỹ bán các UAV ScanEagle cho một số nước láng giềng Trung Quốc là để “kích động xung đột“ giữa Trung Quốc và các nước này.

Tờ báo trên còn cho rằng “trong bối cảnh thương chiến với Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng, chính quyền Donald Trump sẽ cảm thấy rất vui nếu các công ty Mỹ vẫn kiếm được tiền, nhưng sẽ đặc biệt vui hơn nếu điều đó chọc tức được Bắc Kinh”; đồng thời tìm cách hạ uy tín của Mỹ và chia rẽ quan hệ giữa Mỹ với các nước ASEAN khi cho rằng “người Mỹ sẽ biết cách làm thế nào để các thiết bị của họ không thể kết hợp được với công nghệ của những quốc gia khác. Khi đó, những quốc gia mua vũ khí Mỹ sẽ chỉ có một lựa chọn duy nhất: hoặc đáp ứng mọi điều kiện được Mỹ đưa ra hoặc không thể nâng cấp hệ thống vũ khí của mình”. Đáng chú ý, Thời báo Hoàn Cầu còn tìm cách “lên án” Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi cáo buộc “cho dù Trump đã làm tổng thống, máu kinh doanh của ông ta vẫn còn đó. Ông ấy sẽ làm mọi thứ miễn là đem lợi cho nước Mỹ cho dù có hi sinh lợi ích của người khác. Điều đó lý giải tại sao ông ta phát động chiến tranh thương mại ở khắp nơi và xúc tiến việc bán các máy bay không người lái của Mỹ, trong lúc trù dập các thành tựu của tập đoàn Trung Quốc”.

Cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ – Trung ở Đông Nam Á

Thị trường vũ khí Đông Nam Á ngày càng “nóng”, chủ yếu do tình hình Biển Đông, khiến Trung Quốc muốn cạnh tranh với Mỹ về vai trò thống trị nguồn cung ở khu vực này. Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố một báo cáo nghiên cứu cho biết, đầu năm 2017 đến nay, có xu hướng nổi bật rằng Đông Nam Á đang trở thành khu vực mua vũ khí nhiều nhất thế giới, với tổng giá trị tăng hơn 6% từ giai đoạn 2007-2011 so với 2012-2016. Trong cuộc đua sắm vũ khí, các nước Đông Nam Á là thị trường lý tưởng đối với các nhà thầu quốc phòng thế giới khi có tiền, có năng lực sử dụng các vũ khí hiện đại, và đang đối mặt với sức ép thật sự, mà gần đây chủ yếu do tình hình Biển Đông, để tăng cường mua sắm.

Bà Tina Kaidanow, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chính trị – quân sự tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đối với Mỹ, khu vực Đông Nam Á ngày càng quan trọng trên thế giới. Chúng tôi cam kết đóng góp vào việc phát triển, hợp tác trên bình diện song phương và đa phương với các nước trong khu vực. Sự hiện diện của phái đoàn Mỹ hôm nay là một minh chứng, nhưng chưa phải là điều lớn nhất trong cam kết này.

Vấn đề địa chính trị cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định, khi các nước cần phải gia tăng năng lực để chống lại mưu đồ và những hành vi bành trướng trên Biển Đông. Do vậy, bà Kaidanow cho biết một nhiệm vụ trong chuyến công du là gặp gỡ và thảo luận việc mua bán vũ khí với “một số nước Đông Nam Á”. “Chúng tôi mong họ cân nhắc mua vũ khí Mỹ, không chỉ là vấn đề an ninh mà còn là cân bằng sức mạnh khu vực”.

Tại thị trường Đông Nam Á, Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ để trở thành nhà cung cấp hàng đầu. Đến nay, Mỹ đã bán vũ khí cho các nước trong khu vực như Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines… Khi được hỏi về sự lo ngại cạnh tranh giữa Mỹ đối với những “đối thủ” như Trung Quốc trong miếng bánh xuất khẩu vũ khí, bà Kaidanow khẳng định: “Không, tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi thực sự tin rằng vũ khí của chúng tôi là tốt nhất thế giới”. Tuy nhiên, việc mua vũ khí từ Mỹ có nhiều nhược điểm dễ khiến đối tác nản lòng. Ngoài vấn đề giá cả còn là khâu thủ tục phức tạp, việc xử lý đơn hàng rất mất thời gian, các điều kiện đi kèm cũng ngặt nghèo, và thường được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố như nhân quyền chứ không chỉ vì lợi ích kinh tế.

So với đó, “vũ khí Trung Quốc cũng rất mạnh mà giá cả lại cạnh tranh trên thị trường, việc mua bán có thể bao gồm chuyển giao công nghệ hoặc các khoản vay, hoặc quá trình phê duyệt không khó khăn như so với Mỹ”, giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nhận định trong một báo cáo hồi tháng 8/2017. Sức mạnh đáng gờm của tàu sân bay Mỹ Mỹ sở hữu hơn một nửa số tàu sân bay trên thế giới, với sức mạnh đáng gờm cùng những trang bị tối tân như lò phản ứng hạt nhân, tên lửa tầm trung và vũ khí tầm gần.

Trên thực tế, ngày càng nhiều nước Đông Nam Á chọn Trung Quốc là “nhà thầu” cung cấp để hiện đại hoá kho vũ khí. Dữ liệu của SIPRI cho biết Trung Quốc đã bán vũ khí cho 7 nước ở Đông Nam Á kể từ năm 2006. Cuối năm 2016, Malaysia và Trung Quốc ký kết hợp đồng quốc phòng trị giá 278 triệu USD, lớn nhất từ trước đến nay, để cùng đóng 4 tàu tuần tra bờ biển. Cũng trong năm này, chính quyền Thái Lan đạt thoả thuận mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc trị giá 1 tỷ USD. Indonesia, một trong những nước có nền quân đội hàng đầu trong khu vực, lâu nay thường chọn bạn hàng lớn gồm cả Mỹ và Trung Quốc. Giai đoạn 2005-2009, Indonesia đã mua nhiều tên lửa chống hạm C-802, các tên lửa phòng không di động, radar từ Trung Quốc, cùng nhiều vũ khí cho tàu chiến…

Trong khi đó, Mỹ đã bán nhiều loại vũ khí cho Indonesia như máy bay hạng nhẹ, trực thăng Bell-412, trực thăng chiến đấu, tiêm kích F-16C, tên lửa và bộ phận dò sonar chống tàu ngầm… Tuy nhiên, Giáo sư Thayer cho rằng việc Indonesia mua nhiều vũ khí từ Trung Quốc “không nhất thiết phản ánh mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh mà bỏ qua Mỹ. Indonesia chỉ muốn đa dạng hoá nguồn gốc hệ thống vũ khí của họ”.

Tờ Asia Times nhận định một lý do khác tạo cơ hội cho các nhà thầu Trung Quốc trong khu vực là khi các nước muốn thông qua các vụ mua bán vũ khí để tạo ra lợi thế hơn so với Mỹ trên bàn đàm phán. Và Bắc Kinh đang tận dụng rất tốt chính sách mới thân thiện với Trung Quốc mà Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương.

Bên cạnh đó, khi Quốc hội Mỹ cấm xúc tiến hợp đồng bán 26.000 khẩu súng cho Philippines vào năm ngoái nhằm thể hiện sự phản đối chiến dịch chống ma tuý mà Tổng thống Duterte tiến hành, Trung Quốc ngay lập tức thấy cơ hội để bán súng trường cho lực lượng hành pháp Philippines. Đến cuối năm 2017, Trung Quốc đã bán hàng nghìn khẩu súng trường cho Lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines (PNP). Giá trị của một hợp đồng 3.000 súng bàn giao hồi giữa tháng 10 năm ngoái trị giá 3,3 triệu USD, thể hiện “mối quan hệ hợp tác và thân thiện”.

Tuy nhiên, cũng vì tình hình Biển Đông căng thẳng mà có thể phát sinh diễn biến “gậy ông đập lưng ông”. Khi Indonesia mua nhiều vũ khí từ Trung Quốc, số vũ khí này có thể được dùng để chống lại chính các tàu Trung Quốc nếu chúng tiếp cận gần vùng biển quanh quần đảo Natuna của Indonesia trên Biển Đông. Kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra với Malaysia. Sau khi hoàn thành hợp đồng đóng 4 tàu với Trung Quốc, họ có thể dùng chính những tàu này để xua đuổi các tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường tới gần vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia trên Biển Đông.

Nhưng giới quan sát cũng nhận định Trung Quốc vẫn còn nhiều át chủ bài để sẵn sàng chống trả khi cần thiết, nên họ vẫn tự tin bán vũ khí cho cả những nước có thái độ với mình. “Nó có vẻ nghịch lý nhưng vẫn là điều hợp lý. Việc làm ăn luôn đi trước. Tôi sẽ lo lắng hơn nếu Trung Quốc không chịu bán vũ khí. Đó chính là dấu hiệu của sự phản đối”, trang Forbes dẫn lời ông Fabrizio Bozzato, nhà nghiên cứu tại Hội nghiên cứu chiến lược Đài Loan, Trung Quốc.

Phản ứng chính thức của Việt Nam

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Mỹ bán 6 máy bay trinh sát không người lái ScanEagle cho Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng được triển khai phù hợp theo đúng các thỏa thuận đã đạt được như Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2011 và tuyên bố về tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam-Mỹ năm 2015”.

Ngoài ra, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các bên cần nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 đồng thời phải có những đóng góp thiết thực vào việc bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới