Saturday, December 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTàu sân bay JS Izumo của Nhật Bản sẽ thăm Việt Nam...

Tàu sân bay JS Izumo của Nhật Bản sẽ thăm Việt Nam trong tháng 6

Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản (JMSDF) cho biết, trong khuôn khổ hoạt động năm 2019 ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, tàu sân bay JS Izumo sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong tháng này.

Tàu sân bay JS Izumo của Nhật Bản

Theo JMSDF, chuyến thăm Việt Nam nằm trong khuôn khổ hoạt động trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương của tàu sân bay trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản. Đây được coi là dấu hiệu về sự gia tăng hiện diện của Hải quân Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Việt Nam trong mối quan hệ đối tác chiến lược. Tuy không nêu cụ thể thời điểm chuyến thăm hay con tàu sẽ cập cảng nào, nhưng theo The Diplomat, nhiều khả năng đó sẽ là Cảng Cam Ranh.

Đây không phải là chuyến thăm đầu tiên của tàu JS Izumo tới Việt Nam. Chiến hạm này đã tới cảng Cam Ranh vào tháng 5/2017 để tham gia nhiệm vụ đối tác Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu (PP17), cuộc tập trận đa phương thường niên lớn nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về hỗ trợ nhân đạo và khắc phục thảm họa. Cuộc tập trận khi đó do Việt Nam làm chủ nhà.

Nhóm tàu sân bay Izumo gồm tàu khu trục lớp Murasame, tàu JS Murasame và JS Akebone cùng 5 chiếc máy bay quân sự. Tàu sân bay trực thăng JS Izumo là chiếc đầu tiên trong lớp Izumo. Tàu dài 248 m, rộng 38 m, vận tốc tối đa đạt 56km/h, thủy thủ trên tàu gồm 500 người và có lượng giãn nước tối đa 27.000 tấn, lớn hơn các loại tàu sân bay hạng nhẹ của châu Âu, chỉ thua kém tàu sân bay cỡ lớn của Mỹ, Nga và Pháp. Tàu có thể chở 14 trực thăng được thiết kế để chống các loại tàu ngầm hoặc ngư lôi, và khi yêu cầu cần kíp nó có thể mang tới 28 chiếc trực thăng, hoặc với vài chuyển đổi nó còn có thể mang tiêm kích tàng hình F-35B trên hạm. Tàu lớp Izumo có thể mang các trực thăng tác chiến chống ngầm SH-60K Seahawk và trực thăng MCH-101 rà phá thủy lôi cải tiến. chiến hạm này còn được thiết kế để trong trường hợp cần huy động sẽ mang theo tối đa 7 chiếc SH-60K và 7 chiếc MCH-101. Trực thăng trên tàu có nhiệm vụ chính như chống tàu ngầm, chống thuỷ chiến, giám sát, cảnh giới và vận chuyển cứu nạn. Đáng chú ý, Izumo có boong tàu lớn và 5 bàn cất- hạ cánh nên có khả năng cất và hạ cánh đồng thời 5 máy bay một lúc và chỉ cần một vài sửa đổi cần thiết tàu chiến lớp Izumo có khả năng triển khai tới 15 máy bay tàng hình F-35B. Việc mang được tới 15 chiếc F-35B sẽ khiến tàu chiến lớp Izumo “vượt mặt” tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc khi vừa có thể tác chiến giống tàu sân bay thực sự lại có thể làm nhiệm vụ của tàu đổ bộ tấn công. Với năng lực đó, chiến hạm lớp Izumo sẽ tăng cường khả năng tấn công mặt đất và kiểm soát không phận trên biển, đồng thời thể hiện vai trò cực kỳ quan trọng trong tác chiến đổ bộ quy mô lớn. Hệ thống vũ khí trên tàu Izumo được trang bị tên lửa RIM-16, pháo bắn nhanh Phalanx, ngư lôi Mark 46…

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã nhiều lần điều tàu chiến thăm Việt Nam. Mới đây nhất, hai tàu huấn luyện Setoyuki và Shimayuki của Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản với 390 sỹ quan, thủy thủ đã cập cảng Tiên Sa, TP.Đà Nẵng. Những chuyến viếng thăm của tàu chiến Nhật đến Việt Nam ngày càng thường xuyên hơn, cùng với sự hợp tác kinh tế và những cuộc thăm viếng chính thức của lãnh đạo cao cấp hai nước, cụ thể: Ngày 17/9/2018, Tàu ngầm Kuroshio cập cảng quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa sau khi tham gia tập trận với Mỹ ở Biển Đông; Sáng ngày 24/7/2018, Tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản Kojima cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng cùng 80 thủy thủy; Trưa ngày 13/6/2017, tàu Echigo chở 85 sĩ quan và thủy thủy Nhật cũng đã cập cảng Tiên Sa; Hôm 11/4/2017, tàu hộ tống của lực lượng phòng vệ Nhật Bản Fuyuzuki trang bị rất hiện đại cũng thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam…

Nhật Bản tuy không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song lợi ích, an ninh quốc gia của Tokyo có liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là một trong những nước tích cực đóng góp vào việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Chính sách của Nhật Bản liên quan vấn đề Biển Đông có một số điểm chính sau: Nhật Bản không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ và vùng biển; song Nhật Bản chủ trương các tranh chấp phải giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp; Nhật Bản cũng lo việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (trong đó bao gồm Biển Đông) tự do và mở, các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, thương mại biển không bị cản trở ảnh hưởng đến thịnh vượng của Nhật Bản; Nhật Bản giúp nâng cao năng lực cho các nước là các bên tranh chấp ở Biển Đông.

Một số mục tiêu của Nhật Bản đối với Biển Đông: (i) Thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông: Nhật Bản kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy ASEAN hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Trong những chuyến thăm đến các nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều đưa vấn đề tự do hàng hải, hàng không cũng như tình hình an ninh Biển Đông ra thảo luận. Chủ đề về Biển Đông luôn giữ vị trí cao trong quan hệ của Nhật Bản với một số nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Indonesia… Ngoài các nước ASEAN, trong quan hệ với các nước có chung lợi ích trên Biển Đông như Australia, Ấn Độ, Anh…, Nhật Bản luôn tìm sự đồng thuận thông qua các công cụ như tự do, dân chủ, pháp chế. Ngoài quan hệ song phương, Nhật Bản cố gắng thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, gần như trong mọi diễn đang quốc tế. Trong hội nghị G7, G20, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), hội nghị giữa Nhật Bản và các nước châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản nêu vấn đề bảo vệ luật quốc tế, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không để đưa tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông vào chương trình nghị sự của hội nghị. Đồng thời, Nhật Bản cũng lên tiếng yêu cầu các nước liên quan xác định rõ quyền lợi biển của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc nhanh chóng xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phê phán hoạt động bồi lấp và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc tại một số đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (ii) Giúp một số nước ASEAN bảo vệ quyền lợi, nâng cao năng lực phòng thủ trên biển: Một mặt, Nhật Bản hỗ trợ trang bị cho các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philíppin nhằm tăng cường khả năng cảnh báo trên biển và củng cố lực lượng tiền duyên của các nước này để đối phó với Trung Quốc. Trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á – Đối thoại Shangri La năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố cần phải chi viện trên thực tế để Việt Nam, Philippines, Malaysia tăng cường năng lực quân sự trên biển. Nhằm nâng cao khả năng phòng thủ biển của các nước ASEAN, Nhật Bản đã kết hợp các khoản hỗ trợ như viện trợ phát triển chính thức (ODA), đào tạo nâng cao khả năng do Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) tổ chức, hợp tác về trang bị phòng thủ, để trợ giúp các nước này. Mặt khác, Nhật Bản thông qua các hình thức huấn luyện, diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN để nâng cao khả năng quân sự của các nước này và giúp cho quân đội Nhật Bản thông thạo tình hình thực tế trong khu vực Biển Đông, nhằm thử nghiệm cho việc tuần tra, giám sát của Nhật Bản tại khu vực biển này. Trong tháng 5 và tháng 6 năm 2015, tàu chiến của Nhật Bản và Philippines nhiều lần tiến hành diễn tập chung tại vùng biển của Philippines. Tháng 8 năm 2015, Nhật Bản, Mỹ và Philippines tiến hành diễn tập cứu trợ nhân đạo tại vịnh Subic. Đối với Việt Nam, tháng 5 năm 2015, đã có hai máy bay tuần tra trên biển P-3C của Nhật Bản lần đầu đến Đà Nẵng; tháng 11 năm 2015, Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được nhận thức chung về việc tàu chiến của Nhật Bản có thể cập cảng Cam Ranh. (iii) Củng cố mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ: Nhật Bản coi quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ là khuôn khổ cơ chế hợp pháp cho việc can dự vào Biển Đông. Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản chỉ rõ là những nước có mạng lưới thương mại toàn cầu phụ thuộc vào đường biển, Mỹ và Nhật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không. Do đó, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông là vấn đề có tính nguyên tắc, không để bất cứ một thế lực nào tuyên bố vùng nhận diện phòng không và đe dọa đến tự do hàng hải quốc tế. Sự phối hợp và hợp tác Nhật – Mỹ trong vấn đề Biển Đông còn biểu hiện ở việc hai nước phối hợp giúp đỡ các nước hữu quan xây dựng năng lực phòng thủ. (iv) Giành thế chủ động trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, kiềm chế Trung Quốc trên nhiều phương diện: Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lâu dài ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cho rằng nếu Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông thì sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đối với tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mục đích chiến lược của Nhật Bản là hình thành thế phối hợp tác chiến hai cánh Biển Đông và Biển Hoa Đông, từ đó cản trở hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng mong muốn hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông; tạo mối liên kết giữa Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển, khiến Trung Quốc rơi vào cảnh phải tác chiến trên cả hai mặt trận Biển Hoa Đông và Biển Đông; đồng thời, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhật Bản muốn nhân vấn đề Biển Đông, tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước ASEAN là các bên tranh chấp ở Biển Đông, đẩy mạnh viện trợ cho các nước này về kinh tế và quân sự, qua đó nâng cao hơn nữa ảnh hưởng của mình trong khu vực, hình thành một “liên minh chiến lược biển” để đối phó với Trung Quốc. Nhật Bản cho rằng Biển Đông như một cái “hang trống”, sẽ hút hết sức mạnh của Trung Quốc vào đó; Trung Quốc càng cứng rắn thì càng lún sâu tại Biển Đông, nếu giành được chiến thắng tại đây thì cũng hao tổn sức lự…, ảnh hưởng đến việc phát triển của Trung Quốc, nhất là quá trình trở thành cường quốc biển thế giới. (v) Nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á: Một mục tiêu quan trọng của Nhật Bản khi can dự vào vấn đề Biển Đông chính là tăng cường sự ảnh hưởng của nước này tại khu vực Biển Đông, tích cực can dự đối với cục diện an ninh khu vực, xây dựng hình ảnh nước lớn ở khu vực. Những năm qua, cùng với đột phá trong việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là sau khi nới lỏng nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản đã tích cực bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á nhằm một mặt, nâng cao thực lực quân sự của các nước này, đối phó với Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy; đồng thời, không ngừng củng cố, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực này. Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tổ chức tại Lào tháng 9/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế. Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ lo ngại sâu sắc về những hoạt động đơn phương thay đổi hiện trạng tiếp tục diễn ra trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Thủ tướng Abe nhấn mạnh thượng tôn pháp luật phải là nguyên tắc chung cần được quán triệt trong cộng đồng quốc tế; các bên liên quan cần kiềm chế các hành động gia tăng căng thẳng khu vực, theo đuổi giải quyết hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Trong thời gian qua, Nhật Bản cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực chấp pháp, đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông. Tháng 3/2014, khi chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản, hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, trong đó có điều khoản Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ năng lực cho các cơ quan chấp pháp trên biển của Việt Nam. Kể từ đó cho đến nay đã có nhiều hoạt động triển khai hỗ trợ năng lực trên biển của Nhật Bản cho Việt Nam. Ngay sau đó, trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ hỗ trợ ODA không hoàn lại 6 tàu tuần tra biển cho Việt Nam. Các tàu tuần tra này có trọng tải từ 600-800 tấn và sẽ được Việt Nam sử dụng cho mục đích tuần tra trên biển. Nhật Bản thậm chí cũng đề nghị hỗ trợ thêm các tàu tuần tra mới cho Việt Nam. Ngoài ra, Nhật Bản thực hiện nhiều hoạt động trao đổi hỗ trợ đào tạo cho cán bộ quốc phòng Việt Nam. Thông qua Quỹ hòa bình Sasakawa, kể từ năm 2014, quỹ này đã có chương trình trao đổi cán bộ quốc phòng với các nước Đông Nam Á trong đó hàng năm đều có các đoàn cán bộ quốc phòng của Việt Nam sang Nhật theo chương trình này. Nhật Bản hiện đang đề nghị hợp tác đào tạo cho cán bộ Việt Nam về các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ nhân đạo và các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (PKO). Nhật Bản cũng thực hiện nhiều hoạt động diễn tập trung trên biển nhằm đào tạo năng lực cho lực lượng chấp pháp của Việt Nam. Tháng 2/2016, một phi đội của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản bao gồm hai máy bay tuần tra P-3C đã cùng Việt Nam thực hiện các hoạt động diễn tập trên biển. Một trong các nội dung diễn tập là máy bay P-3C của Nhật Bản sẽ cùng tàu của Việt Nam hỗ trợ cứu tàu dân sự gặp nạn trên biển. Tháng 3/2016, lần đầu tiên 2 tàu khu trục Nhật Bản đã thăm cảng Cam Ranh Việt Nam. Tháng 6/2017, hải quân của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã có hoạt động tập trận chung với Việt Nam tại Đà Nẵng. Tham gia tập trận là tàu Echigo của Nhật trọng tải 3100 tấn có khả năng trở trực thăng, còn Việt Nam sử dụng các tàu tuần tra đã được Nhật Bản cung cấp. Các hoạt động tập trận liên quan đến chống tàu đánh bắt cá trái phép trên biển..

RELATED ARTICLES

Tin mới