Từ 15/6 đến 30/9, Chính phủ Thái ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại Vịnh Thái Lan nhằm “tạo điều kiện cho các loài sinh vật biển được phục hồi số lượng, có thời gian sinh sản và nuôi dưỡng con”.
Truyền thông Thái Lan cho biết, việc đánh bắt sẽ được quy định chặt chẽ ở các phần của khu vực được gọi là “vịnh hình chữ Ko”, tức phần trên của vịnh giống với biểu tượng “Ko” – chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái tiếng Thái. Cụ thể là các vịnh thuộc 8 tỉnh ven biển gồm Prachuap Khiri Khan, Phetchaburi, Samut Songkhram, Samut Sakhon, Bangkok, Samut Prakan, Chachoengsao và Chon Buri.
Bộ Thủy sản Thái Lan quyết định tái thực thi các quy tắc hạn chế đánh bắt cá ở các tỉnh này sau khi các biện pháp tương tự năm ngoái đã giúp gia tăng trữ lượng các loài sinh vật biển. Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy các loại cá khơi xa như cá mè ngắn và những con trong họ cá trích được ghi nhận đã tăng trở lại. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy cá thu lại không được khôi phục hoàn toàn như mong đợi. Loại cá này thường di cư đến vịnh chữ “Ko”, do đó chính phủ Thái ra lệnh cấm để ngăn chúng khỏi bị bắt sớm.
Với những tiến bộ trong cải cách chính sách và hệ thống biện pháp quản lý ngành hải sản, Ủy ban châu Âu (EC) đã gỡ bỏ thẻ vàng cảnh báo về tình trạng đánh cá trái phép đối với Thái Lan từ tháng 1/2019 sau 4 năm nỗ lực. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết, quá trình cải cách đã chịu ít nhiều “hi sinh”, tuy nhiên cũng ghi nhận những điều chỉnh và chuyển biến tích cực đối với ngành công nghiệp thủy hải sản Thái Lan. Các quy định mới về hệ thống định vị, giám sát tàu cá được ban hành cùng với những nỗ lực bảo vệ các lao động trên tàu cá, chống nạn buôn người đã góp phần giúp Bangkok thoát khỏi lệnh cấm của EU.
Được biết, Vịnh Thái Lan là một vịnh nằm ở Biển Đông (thuộc Thái Bình Dương), được bao bọc bởi các quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đỉnh phía Bắc của vịnh này là vịnh Băng Cốc ở cửa sông Chao Phraya, gần Băng Cốc. Vịnh này có diện tích khoảng 320.000 km². Ranh giới của vịnh này được xác định theo đường nối từ mũi Cà Mau ở miền Nam Việt Nam tới thành phố Kota Baru trên bờ biển Malaysia. Vịnh Thái Lan tương đối nông, độ sâu trung bình của nó chỉ khoảng 45 m và độ sâu lớn nhất là 80 m. Điều này làm cho sự đối lưu nước tương đối chậm, dòng chảy mạnh của nước các con sông làm cho nước vịnh tương đối nhạt (3,05 – 3,25%) và giàu trầm tích. Chỉ ở những vùng nước sâu thì nước biển có độ mặn cao hơn (3,4%) từ Biển Đông chảy vào vịnh và chiếm lĩnh các chỗ trũng có độ sâu hơn 50 m. Các sông chính chảy vào vịnh này là Chao Phraya (bao gồm cả sông nhánh của nó là Ta Chin) và Maeklong ở vùng lõm Băng Cốc và ở mức độ thấp hơn là sông Tapi vào vịnh Bandon ở phía Tây Nam của vịnh này. Do nhiệt độ của vùng nhiệt đới là tương đối cao nên trong các vùng nước của vịnh Thái Lan có nhiều bãi đá san hô ngầm.
Việt Nam và Thái Lan đã tiến hành phân định Vịnh Thái Lan. Hiệp định giữa chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ Vương quốc Thái Lan về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong vịnh Thái Lan được ký kết vào ngày 9 tháng 8 năm 1997 tại Bangkok. Hiệp định đã chấm dứt một phần tư thế kỷ tranh cãi giữa Việt Nam và Thái Lan về giải thích và áp dụng luật biển trong phân định vùng chồng lấn giữa hai quốc. Đây là hiệp định phân định biển đầu tiên đạt được trong vịnh Thái Lan, là hiệp định phân định biển đầu tiên được ký kết tại khu vực Đông Nam Á sau khi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 có hiệu lực, đồng thời cũng là hiệp định về phân định toàn bộ các vùng biển đầu tiên trong khu vực. Theo hiệp định, đảo Thổ Chu được hưởng 32,5% hiệu lực, Việt Nam được hưởng 1/3 diện tích và Thái Lan được hưởng 2/3 diện tích của 6.074 km² vùng biển chồng lấn. Đường phân chia thoả thuận là một đường thẳng kẻ từ điểm C (7°49′0″B 103°02′30″Đ) tới điểm K (8°46′54,7754″B 102°12′11,5342″Đ). Điểm C là điểm cực Bắc của Vùng phát triển chung Thái Lan – Malaysia trong vịnh Thái Lan, được hai quốc gia này ký kết ngày 21 tháng 2 năm 1979, trùng với điểm 43 của đường yêu sách thềm lục địa của Malaysia năm 1979. Điểm K nằm trên đường thẳng cách đều giữa đảo Thổ Chu của Việt Nam và Poulo Wai của Campuchia. Đường biên giới trên biển này sẽ là ranh giới thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan.