Thursday, November 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChính sách tăng cường quan hệ với Nhật Bản của Chính quyền...

Chính sách tăng cường quan hệ với Nhật Bản của Chính quyền Tổng thống Philippines hiện nay: Những nguyên nhân và triển vọng

Trong chuyến thăm và tham dự “Diễn đàn Tương lại cho khu vực châu Á” tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Rodrigo Duterte Philippines đã có những cuộc gặp nồng ấm với lãnh đạo Nhật Bản, đứng đầu là Thủ tướng Shinzo Abe. Tại đây, ông Duterte đã mô tả “Nhật Bản là một người bạn thân thiết còn hơn cả anh em. Điều đó có nghĩa Nhật Bản là một người bạn không giống bất kỳ một ai khác. Mối quan hệ của chúng tôi rất đặc biệt có giá trị vượt qua mọi thước đo”.

Lý do Philippines tìm kiếm mối “quan hệ lợi ích” với Nhật Bản?

Cũng dễ hiểu tại sao Philippines lại tìm cách tạo dựng quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản. Thứ nhất, nếu nhìn vào lịch sử chính sách đối ngoại của Philippines từ khi ông Duterte lên nắm quyền đến nay, chính quyền nước này theo đuổi chính sách “thực dụng”, coi trọng lợi ích hơn các vấn đề khác của khu vực. Ví dụ cụ thể nhất chính là việc nước này chuyển hướng chính sách từ đối đầu với Trung Quốc trong mặt trận tranh chấp chủ quyền Biển Đông sang hòa hoãn, bắt tay. Chính sách này được xem là đi ngược lại với lợi ích và mong muốn chung của ASEAN, cũng như các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Vì vậy, việc Philippines tăng cường quan hệ với Nhật Bản, chung quy lại cũng chỉ vì lợi ích nước này, bao gồm lợi ích kinh tế, sự ủng hộ ngoại giao, chính trị và bù đắp sự mất cân bằng quan hệ với Mỹ, phương Tây và Trung Quốc.

Thứ hai, sau tròn 3 năm kể từ khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò” (7/2016), đánh dấu bằng sự chuyển hướng trong chính sách của Tổng thống Duterte trong quan hệ với Trung Quốc. Hai bên đã cố thể hiện cho khu vực và thế giới thấy những tín hiệu tốt đẹp và những cam kết mạnh mẽ về kinh tế, ngoại giao và giải quyết hòa bình tranh chấp cùng hướng đến hợp tác chung. Tuy nhiên, thực tế đã không như mong đợi. Philippines đã tay trắng trong mối quan hệ này. Những cam kết kinh tế viển vông, cộng với sức ép từ người dân ngày càng tăng và Trung Quốc thì vẫn lẫn lướt ở Biển Đông. Philippines nhận thấy không chỉ trông chờ vào mối quan hệ với Trung Quốc vốn được nước này đánh đổi bằng mối quan hệ với ASEAN và đồng minh Mỹ. Vì vậy, nước này quyết định tăng cường quan hệ với Nhật Bản.

Thứ ba, nếu nhìn vào chính sách đối ngoại dưới thời ông Duterte, người ta có thể thấy Tổng thống Philippines là người theo trường phái chống phương Tây. Ông Duterte không ngần ngại đưa ra những tuyên bố chống Mỹ chưa từng có tiền lệ trong khi dành những lời hoa mỹ để nói về mối quan hệ với Trung Quốc. Cũng chính ông là vị Tổng thống Philippines đầu tiên tuyên bố “thoát ra khỏi” ảnh hưởng của Mỹ và dành “tình yêu” cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nói gì thì nói, Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và sở hữu một trong những lực lượng hải quân tinh nhuệ, được đánh giá là mạnh nhất ở châu Á. Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Tokyo cũng đang chủ động đóng vai trò chiến lược trung tâm hơn ở Đông Á và hơn thế nữa. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, ông Abe cũng là một trong số các kiến trúc sư của mô hình chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương vốn đã trở thành điểm tham chiếu, chi phối phần lớn các mối quan hệ trong khu vực.

Thứ tư, ở cấp độ cá nhân, ông Duterte có xu hướng ủng hộ việc tăng cường quan hệ với Nhật Bản. Đầu tiên, nó dựa trên mối quan hệ thân mật, hiệu quả trong suốt thời gian dài ông làm Thị trưởng thành phố Davao, nơi đặt lãnh sự quán Nhật Bản và có cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh của nước này làm ăn ở Philippines. Trong nhiều năm, Chính phủ và các nhà đầu tư Nhật Bản đã đi đầu trong việc góp phần tạo ra sự bùng nổ kinh tế và phát triển hạ tầng ở quê nhà của ông Duterte, nơi là trung tâm phát triển kinh tế ở miền Nam Philippines và cũng là một trong những thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất trong cả nước. Ông Duterte vốn được biết đến như một nhà lãnh đạo hành động theo bản năng, coi trọng trải nghiệm cá nhân hơn bất kỳ điều gì khác. Ông vẫn thường nhớ về mối quan hệ hữu ích suốt nhiều thập kỷ với lãnh sự quán và các nhà đầu tư Nhật Bản ở Davao, nơi ông thường xuyên có các cuộc tiếp xúc với họ khi còn là Thị trưởng ở đây.

Thứ năm, mặc dù là đồng minh của Mỹ, song Nhật Bản có nhiều điểm khác Mỹ. Nhật Bản không công khai chỉ trích ông trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Trái lại, Nhật Bản đã đề nghị hỗ trợ Philippines trong vấn đề này, đặc biệt là về công tác cai nghiện cho những người bị phụ thuộc vào ma túy. Lý do thứ ba chính là mối quan hệ nồng ấm cá nhân giữa ông Duterte và ông Abe – nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Philippines dưới thời Duterte. Điều quan trọng hơn cả đó là ông Abe đã đóng vai trò trung gian thành công trong mối quan hệ giữa Tổng thống Philippines và Tổng thống Mỹ, cả hai nhà lãnh đạo này đều có quan hệ tốt đẹp với Thủ tướng Nhật Bản. Ông Abe đã khuyến khích cả hai nhà lãnh đạo tránh vì căng thẳng liên quan đến cuộc chiến chống tội phạm ma túy ở Philippines mà làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương truyền thống, thay vào đó tập trung vào các mối quan tâm chung.

Yếu tố TQ trong quan hệ giữa Nhật Bản và Philippines hiện nay?

Mối quan hệ Philippines – Nhật Bản đang nở rộ phản ánh vai trò trung tâm của Nhật Bản trong phát triển kinh tế Philippines. Trong những thập kỷ qua, Nhật Bản luôn là nhà đầu tư hàng đầu và là nguồn vốn nước ngoài số một trong hỗ trợ phát triển cho Philippines. Về kinh tế, phần lớn cơ sở hạ tầng công cộng hiện đại của Philippines, đặc biệt là ở thủ đô Manila được Nhật Bản xây dựng hoặc tài trợ. Chẳng hạn như hạ tầng hệ thống tàu điện ngầm trị giá hàng tỷ USD ở Manila, dự án đường sắt cao tốc kết nối các khu công nghiệp ở phía Bắc với đô thị ở phía Nam… Trên thực tế, các khoản đầu tư của Nhật Bản vào cơ sở hạ tầng luôn hướng tới chất lượng, sử dụng nhiều lao động địa phương và lãi suất thấp. Điều này được cho là điểm khác biệt so với cái cách các nhà đầu tư Trung Quốc mong muốn tìm kiếm ở Philippines. Về Biển Đông, bên cạnh đó, có thể thấy, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã và đang gây ra những quan ngại trong khu vực và điều đó là một trong những yếu tố đẩy Nhật Bản và Philippines xích lại gần nhau hơn. Bản thân Tổng thống Duterte trong bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn tương lai châu Á vừa qua đã đặt ra câu hỏi: “Liệu việc một quốc gia (Trung Quốc) đưa ra yêu sách đối với toàn bộ vùng biển (Biển Đông và Tây Thái Bình Dương) là đúng hay sai?”. Chính quyền Thủ tướng Abe đã giúp đưa Nhật Bản thành đối tác an ninh ngày càng quan trọng đối với Philippines, thông qua việc cung cấp tàu và máy bay trinh sát TC-90 cho lực lượng hàng hải Philippines trong những năm gần đây. Lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã cử một đơn vị xe bọc thép tham gia cuộc tập trận Balikatan ở Philippines. Philippines vừa qua cũng liên tục tham gia các hoạt động quân sự song phương, đa phương ở khu vực có sự tham gia của Nhật Bản.     

Triển vọng trong chính sách tăng cường quan hệ với Nhật Bản của Philippines?

Hiện nay, Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển hàng đầu, đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài quan trọng của Philippines, tiếp đến mới là Mỹ. Nhật Bản và Philippines mới đây đã ký kết một thỏa thuận quốc phòng cho phép Tokyo cung cấp thiết bị và công nghệ quân sự cho Manila, chẳng hạn như máy bay giám sát. Philippines là quốc gia thứ ba trên thế giới và đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ký một thỏa thuận như vậy với Nhật Bản. Tại khu vực châu Á, Nhật Bản nhận được tỷ lệ ủng hộ cao nhất của công chúng Philippines với 81%, vượt xa Hàn Quốc (68%), Trung Quốc (54%) và Ấn Độ (48%).

Ưu tiên của Chính phủ Philippines là nâng cấp quan hệ an ninh song phương và hợp tác kinh tế với Nhật Bản. Trên mặt trận kinh tế, Nhật Bản dự kiến ​​sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của Philippines. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa đề xuất một “Kế hoạch trong mơ” trị giá 57 tỷ USD để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông của hệ thống tàu điện ngầm Manila và câu hỏi hóc búa về giao thông công cộng. Philippines đã trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư sản xuất của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á. Người ta kỳ vọng rằng Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi nền kinh tế dịch vụ của Philippines sang nền kinh tế sản xuất và xuất khẩu.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở những vùng biển lân cận, Philippines và Nhật Bản đã nhanh chóng nâng cấp quan hệ an ninh song phương. Tokyo sẵn sàng cung cấp viện trợ quân sự để tăng cường thế trận an ninh hàng hải của Manila ở Biển Đông. Hiện Philippines là một trong số ít quốc gia lên tiếng ủng hộ vai trò an ninh ngày càng tăng của Nhật Bản trong khu vực, như một đối trọng với Trung Quốc. Nằm trong thế trận an ninh mới này, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đang cân nhắc khả năng tiến hành tự do hàng hải trong vùng biển tranh chấp, trong khi Philippines đã dự tính khả năng cho phép lực lượng Nhật Bản tiếp cận các căn cứ quân sự của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới