Thursday, November 14, 2024
Trang chủBiển nóngNhìn lại những động thái của Mỹ trong làn sóng biểu tình...

Nhìn lại những động thái của Mỹ trong làn sóng biểu tình phản đối dự luật dẫn độ về TQ ở Hồng Kông

Trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Đặc khu hành chính Hồng Công do các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc, Mỹ đã có nhiều động thái can dự.

Từ Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Donald Trump ngày 12/6 nói ông tin chắc Trung Quốc đại lục và Hồng Công sẽ “tìm được giải pháp” cho cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ đang diễn ra rầm rộ ở Hồng Công. “Đó là 1 triệu người, một cuộc biểu tình lớn mà tôi từng chứng kiến”, ông Trump nói. “Tôi hy vọng là vấn đề sẽ được giải quyết cho cả Trung Quốc và Hồng Công. Tôi hiểu lý do biểu tình, nhưng tôi tin chắc là họ sẽ tìm được giải pháp”. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc và Hồng Công có thể cùng nhau giải quyết vấn đề sau khi diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối dự luật dẫn độ ở đặc khu này.

Từ Bộ Ngoại giao Mỹ

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/6 và 12/6 bày tỏ lo ngại sâu sắc về dự luật dẫn độ của Hồng Kông và cảnh báo rằng việc thông qua dự luật này sẽ phá hỏng địa vị đặc biệt mà Washington dành cho Hồng Kông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus phát biểu như trên sau khi xảy ra cuộc biểu tình được cho là có quy mô lớn nhất kể từ khi Anh trao trả Hồng Công cho Trung Quốc vào năm 1997. Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát khiến một số người bị thương. Bà Ortagus cho biết đề xuất sửa đổi quy định đối với các nghi phạm bỏ trốn có thể làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Công. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục chính quyền Hồng Công xúc tiến việc sửa đổi với thái độ vô cùng thận trọng và tham vấn đầy đủ với nhiều đối tượng ở Hồng Công cũng như quốc tế có thể bị ảnh hưởng. Cơ quan này lo ngại việc sửa đổi luật dẫn độ có thể gây tổn hại đến môi trường kinh doanh của Hồng Công và đẩy công dân Mỹ ở Hồng Công vào hệ thống tư pháp hà khắc của Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, bất kỳ sửa đổi nào cũng cần được xem xét cẩn thận và tham vấn đầy đủ với các bên liên quan trong nước và quốc tế.

Từ quốc hội Mỹ

Hôm 12/6, một đề xuất sửa đổi khác đối với Đạo luật Chính sách Mỹ – Hồng Công 1992 đã được Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz và Thượng nghị sĩ Dân chủ Ed Markey đưa ra. Theo đó, sửa đổi sẽ yêu cầu các cơ quan nhà nước, quốc phòng và an ninh nội địa cũng như giám đốc báo cáo tình báo quốc gia Mỹ phải báo cáo mỗi 6 tháng/lần về bất kỳ hoạt động nào của Trung Quốc liên quan tới dẫn độ hoặc “cưỡng chế di chuyển” công dân nước ngoài khỏi Hồng Công. Dự luật sửa đổi nêu trên cũng yêu cầu báo cáo tăng cường về bất kỳ hành vi nào sử dụng Hồng Công vào việc vi phạm hoặc trốn tránh kiểm soát xuất khẩu, thuế quan hoặc các lệnh trừng phạt, cũng như thực hiện các hoạt động gián điệp chống lại công dân nước ngoài.

Chỉ hai ngày sau, một dự luật thứ hai liên quan đến Hồng Công tiếp tục được trình ra trước Quốc hội Mỹ. Các nghị sĩ của lưỡng đảng Mỹ đã đề xuất dự luật liên quan tới Hồng Công nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ với nền dân chủ, quyền con người và nền pháp trị của Đặc khu trong bối cảnh các cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp tại Hồng Công chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ben Cardin và một số nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ hôm 13/6 đã đề xuất trước Quốc hội dự luật có tên “Đạo luật dân chủ và quyền con người Hồng Công”. Dự luật này yêu cầu Tổng thống Mỹ bảo vệ công dân nước này khỏi các ảnh hưởng của luật dẫn độ Hồng Kông và trừng phạt các cá nhân chịu trách nhiệm bắt cóc các nhà xuất bản sách, nhà báo và các nhà hoạt động. Từng được trình trước Quốc hội Mỹ trong năm 2015 và năm 2017 sau sự kiện các nhà xuất bản sách bị bắt giữ, song dự luật này chưa thể trở thành luật vì không đạt được đủ số ủng hộ cần thiết.

Nếu được thông qua, dự luật cũng sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ hằng năm phải chứng thực sự tự trị của Hồng Kông đối với Trung Quốc đại lục để đảm bảo thành phố này tiếp tục được hưởng những lợi ích thương mại và kinh tế đặc biệt theo Đạo luật Chính sách Mỹ – Hồng Công 1992. “Mỹ phải gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng chúng tôi đứng về phía những người ủng hộ tự do và pháp quyền và chống lại sự can thiệp ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh vào các công việc của Hồng Công”, Thượng nghị sĩ Rubio nói trong tuyên bố giới thiệu dự luật hôm 13/6. Ông Rubio cáo buộc Trung Quốc đại lục sử dụng nền kinh tế mở của Hồng Kông nhằm phá vỡ các chế tài và thâu tóm các tài sản trí tuệ nhạy cảm. “Tôi tự hào tái giới thiệu luật này, đặt Mỹ đứng về phía nhân quyền và dân chủ – những giá trị mà đã biến Hồng Kông thành trung tâm thương mại toàn cầu thịnh vượng trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng có nhiều động thái can thiệp”, ông Rubio nói. Hiện tại, có ít nhất 14 nghị sĩ Quốc hội Mỹ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện James Risch ủng hộ dự luật do ông Rubio và McGovern đề xuất.

RELATED ARTICLES

Tin mới