Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngYêu cầu TQ xử nghiêm tàu xua đuổi ngư dân Việt

Yêu cầu TQ xử nghiêm tàu xua đuổi ngư dân Việt

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc xử lý nghiêm các nhân viên và tàu công vụ Trung Quốc vi phạm, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam…

Ngày 20/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Yêu cầu Trung Quốc giáo dục nhân viên tàu công vụ xua đuổi ngư dân Việt Nam

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc trong thời gian gần đây, một số tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị xua đuổi, tịch thu ngư cụ, tài sản, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động nói trên của các tàu công vụ của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết đối với vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, đe dọa an toàn, tài sản của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển này”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc xử lý nghiêm các nhân viên và tàu công vụ Trung Quốc vi phạm, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam, có hình thức giáo dục các nhân viên của phía Trung Quốc không để tái diễn các vụ việc tương tự.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết ngày 19/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc xác minh, có biện pháp bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam và xử lý nghiêm khắc đối với những nhân viên và tàu công vụ vi phạm.

Việt Nam theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên Biển Đông

Về vụ tàu Trung Quốc đâm tàu Philippines tại khu vực bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa, 22 ngư dân Philippines đã được tàu cá Việt Nam cứu, bà Lê Thị Thu Hằng nói:

“Việt Nam cho rằng các tàu, bao gồm tàu cá khi hoạt động trên biển có trách nhiệm thực thi các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sáng kiến của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) thuộc Liên hợp quốc.

Theo đó, các tàu có trách nhiệm đối xử nhân đạo và hỗ trợ ngư dân gặp nạn trên biển. Tàu cá Việt Nam đã thực hiện các nghĩa vụ quốc tế khi hoạt động trên biển như được quy định tại UNLCOS 1982 và Công ước IMO mà Việt Nam là thành viên”

Trước câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc báo chí Đài Loan đưa tin tàu sân bay Trung Quốc đang tiến vào Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam luôn quan tâm và theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên Biển Đông.

“Chúng tôi sẽ xác minh thông tin như phóng viên vừa nêu.

Chúng tôi cho rằng đảm bảo hòa bình, ổn định, anh ninh, an toàn, hợp tác phát triển bền vững ở khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của các quốc gia. Việt Nam mong muốn và đề nghị các quốc gia nỗ lực vì mục tiêu chung này”, Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Trước thông tin ngày 11/6, Chỉ huy Tuần duyên Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết Washington đang thúc đẩy kế hoạch triển khai Tuần duyên Mỹ ở Biển Đông, người phát ngôn khẳng định: Là một quốc gia ven Biển Đông và là thành viên của Công ước liên hợp quốc về Luật biển 1982, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, như đã nêu tại Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Chưa có thông tin về thỏa thuận của Apple với Việt Nam

Tại cuộc họp báo, phóng viên đề cập đến thông tin Apple đang chuyển một bộ phận của dây chuyển sản xuất sang Việt Nam và đề nghị cho biết hãng này đã làm việc với phía Việt Nam và có thỏa thuận gì chưa.

Về câu hỏi này, người phát ngôn cho hay chưa có thông tin về thỏa thuận của Apple với Việt Nam và sẽ chuyển câu hỏi của phóng viên tới cơ quan chức năng của Việt Nam.

“Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doan tại Việt Nam phù hợp với quy định của Việt Nam và luật pháp quốc tế”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Trước câu hỏi của phóng viên về giải pháp của Việt Nam nhằm ngăn chặn tình trạng hàng hóa Trung Quốc được gắn mác Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, người phát ngôn cho hay, Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và sẽ xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác.

Tổng Cục Hải quan Việt Nam đang có những bước đi cụ thể để ngăn chặn hành vi này, bảo vệ sản xuất trong nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới