Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp lớn của mình đánh giá tác động khi chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.
Báo Nikkei của Nhật ngày 19-6 dẫn các nguồn thạo tin cho hay Apple mới đây đã yêu cầu các nhà cung cấp lớn của tập đoàn này đánh giá tác động về chi phí khi chuyển từ 15-30% công suất sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á khi Apple chuẩn bị tái cấu trúc cơ bản chuỗi cung ứng.
Theo đó, các nhà lắp ráp iPhone (Foxconn, Pegatron, Wistron), nhà sản xuất MacBook (Quanta Computer), nhà sản xuất iPad (Compal Electronics) và các nhà sản xuất AirPods (Inventec, Luxshare-ICT và Goertek) đều đã được yêu cầu đánh giá các lựa chọn bên ngoài Trung Quốc.
Theo Nikkei, các quốc gia đang được xem xét trong kế hoạch đa dạng hóa của Apple có Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ và Việt Nam nằm trong số những lựa chọn được yêu thích để đa dạng hóa sản xuất smartphone của “táo khuyết”, các nguồn thạo tin giấu tên tiết lộ.
Yêu cầu của gã khổng lồ công nghệ Mỹ này được đưa ra giữa bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết dù thương chiến được giải quyết đi chăng nữa, Apple cũng sẽ không thay đổi kế hoạch của họ. Bởi lẽ, Apple đã đánh giá rằng những rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc hiện quá lớn và thậm chí còn tăng lên.
“Đó là vì lệ sinh giảm đi, giá nhân công cao hơn và rủi ro khi tập trung sản xuất quá lớn tại một quốc gia. Những yếu tố bất lợi này sẽ khó lòng được giải quyết. Dù có hay không có gói thuế cuối cùng áp lên 300 tỉ USD (hàng hóa Trung Quốc), Apple vẫn sẽ theo đuổi xu hướng lớn để đa dạng hóa sản xuất” – một nguồn thạo tin giải thích.
Các nhà cung cấp cũng thừa nhận việc tái tạo mạng lưới sản xuất phức tạp tương tự ở Trung Quốc tại một số quốc gia khác sẽ tốn thời gian và Trung Quốc có thể vẫn là căn cứ sản xuất quan trọng nhất của Apple trong tương lai gần.
“Đó thật sự là một nỗ lực dài hạn và một số kết quả sẽ chỉ xuất hiện sau 2-3 năm tính từ bây giờ. Quá trình này sẽ khó khăn, vất vả nhưng đó là điều mà chúng tôi phải giải quyết” – một nhà cung cấp chia sẻ.
Trung Quốc đã trở thành cơ sở sản xuất chủ chốt, khởi nguồn cho thành công toàn cầu của Apple trong hơn 2 thập niên qua.
Đất nước tỉ dân này không chỉ có thể cung cấp hàng trăm ngàn lao động lành nghề mà còn có một hệ sinh thái phức tạp và bao quát với các nhà cung ứng thành phần, hậu cần và tài năng đã được xây dựng trong và xung quanh các địa điểm sản xuất của Apple.
Khoảng 5 triệu việc làm của người Trung Quốc phụ thuộc vào sự hiện diện của Apple ở quốc gia này. Apple cũng triển khai 10.000 nhân viên tại đây.