Friday, October 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaPhilippines muốn sở hữu máy bay tuần tra hàng hải tầm xa...

Philippines muốn sở hữu máy bay tuần tra hàng hải tầm xa P-3 Orion của Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Philippines đang muốn mua máy bay tuần tra hàng hải tầm xa P-3 Orion của Mỹ nhằm nâng cao năng lực tuần tra hàng hải, đối phó với những thách thức từ Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Lorenzana, “nếu Philippines có được một chiếc P-3 Orion, đó là điều rất tốt. Trừ khi máy bay này được trang bị tất cả các thiết bị nguyên bản, còn không nó chỉ là máy bay vận tải. Chúng tôi sẽ xem xét liệu có thể mua một hoặc hai chiếc không”. Bộ trưởng Lorenzana nói rằng máy bay tuần tra sẽ hỗ trợ Philippines tăng cường khả năng giám sát khu vực. Theo ông, các máy bay Orion sẽ đóng vai trò “rất quan trọng” vì năng lực kiểm soát của Philippines trong khu vực sẽ được “nâng cao đáng kể”. Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana sẽ sớm đưa ra đề nghị chính thức về việc mua máy bay với Mỹ.

Được biết, máy bay tuần tra P-3 Orion do tập đoàn vũ khí Lockheed Martin sản xuất có tầm bay lên tới 3.800 km. Đây là dòng máy bay chủ lực trong các hoạt động tuần tra hàng hải tầm xa của Mỹ từ thập niên 1960. P-3 Orion có thể được trang bị các cảm biến phức tạp, tên lửa Harpoon, vũ khí chống tàu ngầm và mìn. P-3 Orion là một máy bay bốn động cơ cánh quạt chống ngầm và giám sát lãnh hải phát triển bởi Hải Quân Hoa Kỳ. Lockheed dựa trên khung của chiếc máy bay thương mai Lockheed L-188 Electra để phát triển nên Orion. Orion có thể được phân biệt một cách dễ dàng khỏi một chiếc Electra nhờ có chiếc đuôi giống như một mũi kim rất đặc thù có tên gọi “MAD Boom”, được dùng để tìm dấu hiệu từ tính của tàu ngầm.

Qua nhiều năm, chiếc máy bay đã có rất nhiều điểm mới trong thiết kế, đáng chú ý nhất là các gói nâng cấp hệ thống điện tử. Chiếc P-3 Orion vẫn còn đang được dùng bởi khá nhiều lực lượng Hải Quân và Không Quân của các nước trên thế giới, chủ yếu có nhiệm vụ tuần tra lãnh hải, trinh sát, mặt trận chống hạm và chống ngầm. Có tổng cộng 734 chiếc P-3 đã được sản xuất và trong năm 2012, nó gia nhập đội ngũ máy bay quân sự bao gồm máy bay ném bom chiến lược Boeing B-52 Stratofortress, máy bay chở dầu và tiếp nhiên liệu trên không Boeing KC-135 Stratotanker và máy bay vận tải C-130 Hercules trong danh sách các máy bay đã phục vụ Quân đội Hoa Kỳ trong liên tiếp 50 năm. Các máy bay P-3 còn lại của Hải Quân Hoa Kỳ sẽ được sửa chữa và nâng cấp lên biến thể mới là P-8A Poseidon.

Được biết, năng lực tuần tra hàng hải của Philippines hiện vẫn còn hạn chế. Manila từng thừa nhận hiện sở hữu một trong những lực lượng hải quân yếu nhất Đông Nam Á, do đó cần đẩy mạnh đầu tư để đối phó các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài, đặc biệt là các động thái quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại lễ kỷ niệm ngày thành lập hải quân Philippines, phó đô đốc Robert Empedrad cho biết Manila vẫn đang thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực hàng hải của Philippines. Trong số này có việc sở hữu 5 máy bay TC-90 do Nhật Bản tặng, với tầm hoạt động xa giúp Manila có thể giám sát tốt hơn vùng biển của mình. Bên cạnh đó, hồi đầu tháng 5, Philippines đã hoàn tất việc mua các hệ thống tên lửa trên tàu đầu tiên từ Israel. Các tên lửa Spike ER sẽ được lắp trên các tàu pháo hạm sản xuất trong nước của Philippines. Thông tin cho biết một tàu hộ vệ lớp Pohang có thể sẽ được Hàn Quốc giao cho Manila vào cuối năm nay; hải quân Philippines sẽ nhận các trực thăng tấn công đổ bộ vào đầu năm 2019; hai trực thăng săn ngầm có mang ngư lôi sẽ được đưa vào hoạt động trong năm tới; trong khi 2 tàu khu trục mang tên lửa dự kiến được đưa vào biên chế trong năm 2020. Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez, mặc dù việc mua sắm các trang thiết bị được đẩy mạnh, Manila còn nhiều thứ cần thiết phải làm để nâng cao năng lực của hải quân Philippines, giúp bảo vệ hiệu quả lãnh hải quốc gia.

Trong khi đó, Hải quân Philippines được biết tới là lực lượng lạc hậu nhất khu vực Đông Nam Á với đội tàu già nua, cổ lỗ, nhiều chiếc có tuổi đời lên tới 70 năm. Đặc biệt, hải quân nước này không có lấy một chiếc tàu tên lửa hiện đại, đa phần là tàu pháo kiểu cũ. Mãi tới vài năm gần đây, trước tình hình phức tạp trên biển, Manila mới thúc đẩy việc hiện đại hóa hải quân. Theo Max Defense, tính đến năm 2017, hải quân Philippines có khoảng 100 tàu, trong đó số tàu chiến chủ lực chỉ 15 chiếc, gồm 3 chiếc lớp Hamilton (tàu tuần tra cũ do Tuần duyên Mỹ bàn giao), 1 tàu hộ tống lớp Cannon, 2 tàu lớp Rizal, 3 tàu lớp Jacinto (Hồng Kông bàn giao từ năm 1997), 5 tàu lớp Malvar, và 1 tàu lớp Cyclone. Chiếc tàu hộ tống lớp Cannon duy nhất là BRP Rajah Humabon (FF-11) có từ thời thế chiến 2, hiện dùng để huấn luyện và tuần tra biển chủ yếu trong khu vực Manila-Subic. Các tàu chiến của Philippines đa số cũ kỹ, 3 chiếc được xem lớn nhất là 3 tàu lớp Hamilton do Tuần duyên Mỹ bàn giao cũng đã trên 50 năm, vũ khí cũng chỉ có pháo 76 mm và pháo 20, 30 mm và nay được chuyển thành tàu tuần tra. Không có tàu nào được trang bị tên lửa diệt hạm. Năm 2017, Philippines được Hàn Quốc viện trợ 1 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang đã loại biên, và dự kiến nhận vào giữa năm 2019. Philippines thời gian qua đã nỗ lực hiện đại hóa hải quân để đối phó các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Philippines đã đặt mua tàu chiến, máy bay, vũ khí… để nâng cấp lực lượng hải quân và lực lượng tuần duyên. Philippines cũng đặt Indonesia đóng 2 tàu vận tải quân sự cỡ lớn lớp Tarlac, bàn giao vào các năm 2016 và 2017. Giai đoạn 2, trong 5 năm tới Philippines sẽ chi tiêu 2,4 tỉ USD mua sắm tàu ngầm, đóng thêm 4 tàu hộ tống và 6 tàu tuần tra đa năng, mua máy bay chiến đấu, trực thăng, UAV, radar… Vừa qua, Nga lên tiếng chào hàng với Philippines loại tàu ngầm Kilo 636 tương tự loại đã cung cấp cho Hải quân Việt Nam.

Việc Philippines mua các máy bay tuần tra tầm xa của Mỹ và tăng cường hiện địa hóa năng lực quốc phòng có thể khiến Trung Quốc không hài lòng. Philippines có thể triển khai P-3 Orion để tuần tra Biển Đông và giám sát các đảo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại vùng biển này.

RELATED ARTICLES

Tin mới