Cạnh tranh Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng quyết liệt, tác động trực tiếp đến quan hệ quốc tế và đời sống chính trị tại các khu vực, các nước trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á. Một vấn đề đang đặt ra là các nước cần ứng xử và xử lý mối quan hệ này thế nào để hạn chế những tác động tiêu cực và đảm bảo lợi ích quốc gia mình. Dưới đây là một vài phân tích về lựa chọn chính sách phù hợp cho Đông Nam Á hiện nay.
Đông Nam Á trong những toan tính của TQ và Mỹ
Đông Nam Á là khu vực dồi dào về tài nguyên thiên nhiên, có vị trí chiến lược quan trọng trong lưu thông hàng hải cũng như quân sự. Đông Nam Á nằm trong khu vực nội chí tuyến và là một cầu nối giao thông quan trọng trên thế giới. Đông Nam Á là cầu nối giữa hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó, đây cũng là cầu nối lục địa Á – Âu với lục địa Australia. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển kinh tế. Với tầm quan trọng về địa chính trị chiến lược quan trọng như vây nên hiện khu vực này đang là nơi cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ của các nước lớn, một bên là Mỹ và bên còn lại là Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, trong lịch sử cũng như hiện tại, Đông Nam Á luôn là khu vực có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Trung Quốc đang tích cực tận dụng thực lực kinh tế và uy tín chính trị trong việc mở rộng mối quan hệ trên tất cả các phương diện với ASEAN. Về mặt vị trí, hầu hết các đặc khu kinh tế, các thành phố, hải cảng và vùng đồng bằng giàu có của Trung Quốc đều tập trung ở phía Đông Nam, tiếp giáp các nước ASEAN. Ngoài ra, Đông Nam Á còn là nơi làm ăn và sinh sống của đông đảo Hoa Kiều, với hơn 22 triệu người. Đối với một số nước như Singapore, Malayxia, người Hoa đóng vai trò quan trọng về kinh tế thương mại, bất chấp thời gian hay sự thay đổi chế độ chính trị. Đây có thể coi là lợi thế tuyệt đối của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, một trong những hướng mở cửa quốc gia của Trung Quốc là khu vực Đông Nam Á, với mong muốn xây dựng mối quan hệ kinh tế thương mại phát triển tại đây.
Đối với Mỹ, Đông Nam Á đóng một vai trò quan trọngtrong chiến lược an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Đồng thời, Đông Á còn là một trong những khu vực có lực lượng quân sự dày đặc, tiềm lực phát triển quân sự lớn và vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới. Mỹ rất lo lắng về vấn đề phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở châu Á, như vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên và Iran, Ấn Độ và Pakixtan. Bên cạnh đó, Đông Á đã trở thành “mặt trận thứ hai” trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ. Sau sự kiện 11/9/2001, Chính quyền Mỹđặt mục tiêu chống khủng bố vào trọng tâm chiến lược an ninh quốc gia. Nước Mỹ cho rằng thế lực chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở Nam Á và Đông Nam Á tạo thành mối đe dọa nghiệm trọng đối với lợi ích an ninh của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mặt khác, trở lại Đông Nam Á, Mỹ muốn thực hiện chiến lược chung là củng cố chặt chẽ liên minh Mỹ – Nhật – Hàn song song với việc triển khai chiến lược châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều quốc gia tại Đông Á và Đông Nam Á là bạn bè đồng minh truyền thống của Mỹ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philíppin và Thái Lan). Singapore hợp tác chặt chẽ với Mỹ trên lĩnh vựcquân sự. Các nước khác như Indonexia và Việt Nam có những lợi ích chung quan trọng với Mỹ và nhiều khả năng sẽ trở thành các đối tác an ninh và chiến lược gần gũi hơn trong những năm tới. Trở lại Đông Nam Á, Mỹ chẳng những nối lại quan hệ cũ mà còn có thể cải thiện và phát triển quan hệ với các đồng minh mới như Ấn Độ, xây dựng được vành đai liên kết an ninh từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, vươn sang Ấn Độ Dương, xây dựng liên minh chiến lược châu Á có lợi cho Mỹ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và ASEAN.
Lựa chọn ứng xử phù hợp của Đông Nam Á
Mặc dù Đông Nam Á có thể tận dụng cạnh tranh Trung – Mỹ để đạt được lợi ích một cách hài hòa nhất, song cũng có hàng loạt các thách thức khác đang hạn chế khả năng của họ, như những căng thẳng chính trị trong nước và những vấn đề nội bộ của ASEAN… Vì vậy, về tổng thể các nước có thể ứng xử như sau:
Một là, chính phủ các nước cần làm sáng tỏ quan điểm của họ về sự liên quan của khu vực này trong cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ. Thay vì chỉ nhìn nhận mối quan hệ giữa các nước Đông Nam Á với Mỹ và Trung Quốc theo kiểu chọn phe, nghĩa là ngả về phía nước này và tránh xa nước kia thì cần phải xem xét mối quan hệ này theo một hình lăng trụ đa diện, nghĩa là xác định rõ những tiêu chí có thể hợp tác vì lợi ích phát triển chứ không phải chỉ vì ủng hộ riêng quốc gia nào. Thủ tướng Malaysia Mahathir tuyên bố nước này sẽ hợp tác với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei bất chấp căng thẳng Trung – Mỹ do nghiên cứu của Huawei vượt xa Malaysia và có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của Malaysia Vì vậy, nước này sẽ tận dụng công nghệ của họ nhiều nhất có thể.
Hai là, các quốc gia trong khu vực phải chủ động trong việc đảm bảo Đông Nam Á vẫn giữ quan điểm trung lập đối với các cuộc thảo luận đang diễn ra trong việc định hình tương lai cấu trúc an ninh khu vực. Đồng thời, các nước nên tăng cường hợp tác với các cường quốc khác ngoài Mỹ và Trung Quốc để đưa ra những giải pháp bao quát hơn trước những thách thức khu vực. Một vấn đề có thể kể tới như cơ sở hạ tầng, Đông Nam Á có thể hợp tác với các quốc gia khác để giải quyết nhu cầu phát triển thực sự của mình thay vì tập trung vào những cuộc tranh luận giữa Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh.
Ba là, khu vực này phải tăng cường thực hiện các quy định khu vực cũng như quốc tế để đối phó với tranh chấp Trung – Mỹ, thậm chí cả khi 2 nước này không sẵn sàng thực hiện. Thúc đẩy các thể chế mà ASEAN là trung tâm là điều cần thiết đối với trật tự khu vực dựa trên các quy tắc cũng như tầm quan trọng của việc tự do hàng hải ở Biển Đông.
Bốn là, các nước Đông Nam Á nên tăng khả năng đề kháng trước những thay đổi trọng tâm của các cường quốc, từ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng của Mỹ đến chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nước Đông Nam Á nên tăng cường đoàn kết với nhau, hạn chế những chia rẽ trong bối cảnh căng thẳng Trung – Mỹ gia tăng.