Sunday, January 5, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ đang đẩy Ấn Độ xích lại gần TQ và Nga?

Mỹ đang đẩy Ấn Độ xích lại gần TQ và Nga?

Tại hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức ở Osaka (Nhật Bản), lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã có cuộc gặp 3 bên gây chú ý. Giới chuyên gia đánh giá những động thái gần đây của Mỹ đã đẩy Ấn Độ xích gần Nga và Trung Quốc hơn.

Trong ảnh từ trái qua là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một hội nghị ở Ấn Độ năm 2016. Ảnh: AP

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết mối quan hệ Ấn Độ-Mỹ hiện có xa cách liên quan đến căng thẳng thương mại.

Ngày 26/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thăm Ấn Độ, nỗ lực giải quyết căng thẳng liên quan đến một số vấn đề bao gồm việc New Delhi nhập khẩu dầu thô Iran, muốn mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga và một số khúc mức xoay quanh các mức thuế của Washington.

Các chuyên gia đã đặc biệt quan tâm đến thời điểm của chuyến thăm này bởi diễn ra trước khi tổ chức cuộc gặp giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị G20. Cả hai phía khi đó đều muốn đảm bảo căng thẳng song phương không gây tổn hại lâu dài đến quan hệ.

Nhiều chuyên gia tin rằng Ấn Độ và Mỹ sẽ tận dụng hội nghị G20 để thu hẹp các khác biệt. Đặc biệt, là khi cuộc gặp 3 bên Nga-Ấn Độ-Trung Quốc tại G20 trở thành một tâm điểm. Trước đó, lãnh đạo 3 quốc gia cũng gặp gỡ thân thiết tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Kyrgyzstan.

Nhiều nhà phân tích tin rằng Mỹ không muốn thổi phồng các bất đồng với Ấn Độ – đối tác chiến lược của Washington – ở thời điểm New Delhi xích lại gần Bắc Kinh và Moskva.

Tháng 3/2018, Mỹ áp đặt thuế lên sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Ấn Độ. Trong tháng 5, Mỹ còn tuyên bố rút bỏ các ưu đãi thương mại với Ấn Độ. Tuyên bố này được đưa ra cùng ngày ông Modi tuyên thệ nhiệm kỳ 2. Không lâu sau đó, Ấn Độ công khai thuế trả đũa với 29 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Mỹ còn đưa thời hạn ngày 2/5 để Ấn Độ ngừng nhập khẩu dầu từ Iran nếu không New Delhi sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Washington. Ấn Độ đã yêu cầu thêm thời gian nhưng Mỹ không cân nhắc điều này.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Ấn Độ cần xét đến thực tế không phải là quốc gia duy nhất xích mích thương mại với Mỹ. Ông C Uday Bhaskar tại Viện nghiên cứu chính sách xã hội ở New Delhi nhận xét: “Tổng thống Trump từ năm 2016 đề cập rằng ông ưu tiên lợi ích của Mỹ và áp đặt nhiều quy tắc mới. Ấn Độ không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều quốc gia khác cũng phải đối mặt với tình huống tương tự về thương mại với Mỹ”.

Ông Uday Bhaskar phân tích: “Đối với Mỹ, tình trạng quan hệ xấu đi với cả Trung Quốc và Ấn Độ có thể được coi là không thận trọng về chiến lược. Nhưng mức độ mà cả Mỹ và Ấn Độ thực sự nỗ lực để dàn xếp giải quyết các khác biệt và ổn định quan hệ song phương là chưa rõ ràng”.

Cả Mỹ và Ấn Độ đều coi nhau là đối tác chiến lược và Ngoại trưởng Pompeo khẳng định New Delhi là “người bạn tuyệt vời” trong chuyến thăm vừa qua. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng lợi ích của Ấn Độ không được bảo vệ tốt dưới thời Tổng thống Trump.

Đây chính là lý do dẫn đến nghi ngại Ấn Độ muốn xây dựng quan hệ tốt hơn với Trung Quốc, đặc biệt là về thương mại và kinh tế. Nhưng một số chuyên gia cho rằng điều quan trọng là mối quan hệ Ấn Độ với Trung Quốc đơn thuần tập trung vào kinh tế, không phải về địa chính trị.

Theo nguồn tin trong Chính phủ Ấn Độ, New Delhi đang cố gắng cân bằng giữa cả Bắc Kinh và Washington. Điều này được bộc lộ trong ngày 26/6 khi Ấn Độ bày tỏ quan điểm về Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trong họp báo ngày 26/6 nói: “Tôi muốn làm rõ rằng Ấn Độ-Thái Bình Dương là dành cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng chứ không phải chống lại quốc gia nào đó”.

RELATED ARTICLES

Tin mới