Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKhủng hoảng môi trường ở Biển Đông và giải pháp đối với...

Khủng hoảng môi trường ở Biển Đông và giải pháp đối với các nước ASEAN

Trong những năm gần đây, giới nghiên cứu liên tục đưa ra các cảnh báo đỏ về việc môi trường sinh thái ở Biển Đông bị tàn phá nghiêm trọng, đe dọa đến quá trình sinh trưởng của hệ sinh vật dưới đáy biển.

Trong số những thách thức chiến lược tại châu Á – Thái Bình Dương, việc phá hủy hệ sinh thái biển là thách thức bị coi nhẹ nhất. Đông Nam Á là khu vực có hệ sinh thái biển phong phú, nơi cư ngụ của 76% loài san hô và 37% loài cá rạn san hô trên thế giới. Trong 2 thập kỷ qua, nhiều chứng cứ, tài liệu cho thấy ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt trái phép với quy mô lớn tại quền đảo Trường Sa và khu vực biển lân cận, sử dụng xianua, chất gây nổ, dây nổ. Các sinh vật biển nằm trong phạm vi ảnh hưởng rất lớn, gồm rùa biển, trai, hàu khổng lồ, cá mập, lươn và san hô.

Dư luận dường như đã bỏ sót phán quyết của Tòa Trọng tài liên quan đến việc tàn phá nặng nề mà Trung Quốc gây ra đối với hệ sinh thái biển từ các hoạt động khai phá của họ tại Trường Sa. Quá trình xây dựng đảo của Trung Quốc đã gây ra những tổn thất lâu dài và không thể khắc phục được đối với hệ sinh thái. Lãnh đạo Trung Quốc từ chối chấp nhận lời phê bình của Tòa Trọng tài, Bắc Kinh cho rằng quá trình xây dựng đảo không hề gây ra mối nguy hiểm nào đối với các loài sinh vật trong khu vực và thậm chí còn gọi đó là “dự án xanh”. Đây kông phải là một sự phá hoại sơ xuất. Tòa phát hiện ra rằng quan chức Trung Quốc nhận thức rất đầy đủ về bản chất và quy mô của những hành động này nhưng lại không dừng lại. Mặc dù Trung Quốc phải có trách nhiệm theo Điều 192, 194 của Công ước quốc tế về Luật Biển trong bảo vệ và bảo tồn môi trường biển nhưng họ vẫn thực hiện những hành vi hủy hoại hệ sinh thái ở Biển Đông.

Trong nhiều năm, hoạt động tàn phá nhất của Trung Quốc tại Biển Đông là đánh bắt trộm trai khổng lồ, hủy diệt hơn 40 dặm vuông những rạn san hô đa dạng nhất trên thế giới. Họ thường dùng chân vịt để mở miệng những con trai khổng lồ mà vỏ của nó được bán như những món hàng xa xỉ ở Trung Quốc. Việc đào lên một rạn san hô không chỉ phá hoại hệ sinh thái ở đó do bản chất liên kết giữa các khu vực biển tại Biển Đông mà sự hủy hoại ở một nơi còn dẫn tới những hậu quả ở những nơi khác.

Bất chấp những chứng cứ đó, Bắc Kinh vẫn khẳng định hoạt động của họ mang lại điều tốt đẹp. Tại Đối thoại Shang-ri La đầu năm 2016, Đô đốc Tôn Kiến Quốc – Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, nói rằng bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu quân sự, Trung Quốc đang thực hiện xây dựng trên một số đảo và rạn san hô ở Biển Đông để thực hiện tốt hơn trách nhiệm quốc tế của họ, gồm cả việc bảo vệ môi trường. Nếu xảy ra điều gì, các nhà phân tích Trung Quốc sẽ viện cớ rằng sự phá hủy môi trường trên diện rộng là do những hoạt động đánh bắt trái phép không thể ngăn chặn của các quốc gia khác trong khu vực. Những tuyên bố kiểu như vậy là nhằm làm xao lãng sự chú ý của dư luận khỏi hoạt động phá hoại môi trường của Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế, các nước phải có đánh giá về tác động đối với môi trường trước khi tiến hành việc xây dựng đảo. Việc bỏ qua của Bắc Kinh đối với vấn đề này là không thể bào chữa được. Trong một tuyên bố gửii Tòa án quốc tế vào tháng 12/2014, Trung Quốc không hề nhắc tới bất kỳ nghiên cứu đánh giá nào về tác động đối với môi trường. Với sự chối bỏ trách nhiệm này. Trung Quốc đã dồn gánh nặng cho các quốc gia biển khác trong khu vực.

Trên thực tế, hành động của Trung Quốc không những đi ngược lại lợi ích của cộng đồng quốc tế mà còn vi phạm luật pháp quốc tế: Đầu tiên, việc Trung Quốc xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã vi phạm các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) được quy định tại Điều 123, Điều 192, Điều 205 và Điều 206. Theo Điều 206 của UNCLOS quy đinh, “các quốc gia có cơ sở vững chắc để chứng minh rằng kế hoạch mà họ dự định tiến hành tại những khu vực mà họ có quyền tài phán hoặc quyền kiểm soát có thể khiến môi trường tại đó ô nhiễm hoặc tạo ra những thay đổi xấu tới môi trường biển thì các quốc gia đó phải đánh giá tác động của các hoạt động này đối với môi trường và phải công bố kết quả đánh giá theo quy định được nêu trong Điều 205”. Điều 123 UCNLOS đã quy định: Các quốc gia xung quanh vùng biển nửa kín như Biển Đông có nghĩa vụ hợp tác bảo vệ môi trường biển và quản lý nguồn cá. Bởi các tài nguyên sinh vật biển tự do di chuyển đến tất cả các khu vực khác nhau mà không cần sự cho phép của thẩm quyền quốc gia. Điều 192 UNCLOS cũng quy định nghĩa vụ chung cho các quốc gia “bảo vệ và bảo tồn môi trường biển”.

Thứ hai, Trung Quốc cũng vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002, khi không thực hiện những điều khoản trong DOC về bảo vệ môi trường sinh thái. DOC đã nêu rõ “trong khi chờ đợi một giải pháp bền vững và toàn diện đối với các xung đột, các bên liên quan có thể khai thác hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác. Những hoạt động này có thể bao gồm: a) bảo vệ môi trường biển; b) nghiên cứu khoa học biển…”.

Đối mặt với những thảm họa môi trường, các nước Đông Nam Á phải cùng nhau gìn giữ và bảo vệ môi trường biển trong khu vực. 

Trước tiên, cần thảo luận nghề đánh bắt cá, cụ thể là việc điều hành di cư các đàn cá. Các báo cáo gần đây cho thấy các đàn cá ở Biển Đông đang ở trong điều kiện bấp bênh. Các quốc gia trong khu vực cần có tính minh bạch hơn về các hoạt động khai thác tài nguyên. Mỗi bên đều phải cố gắng hết sức để đảm bảo rằng hệ sinh thái được gìn giữ một cách tốt nhất và được khai thác bền vững.

Thứ hai, tạo ra một cơ chế khu vực trong gìn giữ môi trường biển, đây sẽ là phần khó khăn nhất. Tháng 4/2016, trong cuộc họp đầu tiên của nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Philippines, đã có nhiều cuộc thảo luận về bộ quy tắc và quy định trong bảo vệ môi trường biển. Nhóm này nhấn mạnh cần phát triển phương pháp tổng hợp trong điều hành các hoạt động thương mại và hành nghề trên biển. Đây không phải là lần đầu các quốc gia trong khu vực phối hợp cùng nhau vì lợi ích của các sinh vật biển. Năm 2011, các nước Đông Nam Á đã phối hợp phát triển phương pháp và công cụ bảo vệ các rạn san hô theo khuôn khổ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Năm 2012, trong tài liệu “Tương lai mà chúng ta mong muốn”, Liên hợp quốc đã xác định bảo vệ san hô tại châu Á – Thái Bình Dương là vấn đề trọng tâm và là một mục tiêu phát triển bền vững cần đạt được đến năm 2020.

Ngoài ra, ASEAN và Trung Quốc cũng nên hợp tác thiết thực trong việc bảo vệ môi trường sinh thái ở Biển Đông. Hai bên có thể xem xét, cân nhắc thành lập các khu vực bảo vệ bờ biển và mạng lưới các khu vực bảo vệ bờ biển thông qua việc lên sơ đồ chung của tất cả các nguồn lợi tự nhiên, các loài sinh vật và hoạt động của con người trên Biển Đông. Một khu vực bảo vệ bờ biển có liên quan đến việc quản lý bảo vệ các rạn san hô, các rừng đước và các loại cỏ mọc dưới biển, bao gồm các động vật hoang dã biển. khu vực bảo vệ bờ biển không phải là một khái niệm mới trong ASEAN. Nói riêng, từ những năm 1990, các nước Đông Nam Á đã chỉ rõ các khu vực khu vực bảo vệ bờ biển dọc theo các đường bờ biển của họ, nhưng không một nước nào mở rộng các khu vực bảo vệ bờ biển này đến các vùng biển trên Biển Đông.

ASEAN đã ký Tuyên bố ASEAN về các Công viên Kỳ quan và Bảo tồn vào năm 1984, và nhất trí thiết kế 11 khu vực bảo vệ được ghi nhận là các Công viên Kỳ quan ASEAN vốn bao gồm các rạn san hô và các khu vực bảo vệ bờ biển. Các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc có thể củng cố việc bảo vệ hệ thống sinh thái biển hiện tại thông qua các khu vực bảo vệ bờ biển, nhưng cần phải mở rộng ra ngoài các khu vực ven biển và nội thủy tiến tới các vùng biển trong Biển Đông. Nhưng các nước tham gia nên có nhận thức chung rằng việc thành lập các khu vực bảo vệ bờ biển trên Biển Đông là không liên quan đến việc có định kiến về đòi hỏi chủ quyền của một nước nào đó.

Có khá nhiều các vùng nước của ASEAN được sử dụng với mục đích chuyên biệt mà có thể được dùng làm cơ sở, nền tảng cho việc đề xuất các hiệp định khung hợp tác khu vực bảo vệ bờ biển. Với hy vọng có thể nâng cao sự bảo vệ bờ biển trong khu vực, Nhóm làm việc của ASEAN về môi trường biển và bờ biển đã đề xuất việc kết hợp tất cả các nỗ lực bảo vệ môi trường khu vực trên cả hệ sinh thái đất liền và trên biển, với giả thuyết là hai hệ sinh thái này có sự kết nối với nhau. Nhóm làm việc có thể là diễn đàn phù hợp để lôi kéo hơn nữa sự tham gia của Trung Quốc và các Đối tác đối thoại khác để góp phần chia sẻ nguồn lực và kiến thức chuyên gia trong quản lý hệ sinh thái biển trên Biển Đông.

Cũng nên có sự hợp tác ở mức độ cao hơn nữa giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển và các cơ quan thực thi hàng hải trong khu vực, với việc tập trung hơn nữa vào vấn đề ngăn ngừa các hoạt động của con người phá hủy môi trường biển khu vực Biển Đông.

Diễn đàn Hàng hải ASEAN và Diễn đàn bảo vệ bờ biển ASEAN (ACGF) hiện nay hoạt động như là nền tảng cho các cuộc đối thoại giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển ASEAN và các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải, tuy vậy, một hiệp định khung đối với hợp tác khu vực bảo vệ bờ biển giữa họ vẫn chưa có. Nếu các cơ quan hàng hải của Trung Quốc được mời tham gia vào ACGF, thì đây có thể trở thành một diễn đàn mà Trung Quốc có thể tham gia một cách xây dựng với ASEAN nhằm thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn nữa về các bảo vệ môi trường biển và quản lý đánh bắt cá bền vững.

ASEAN và Trung Quốc cũng có thể xem xét thành lập một mạng lưới khu vực các nhà khoa học biển và chia sẻ các dữ liệu khoa học. Đã có những cố gắng để làm việc này thông qua dự án Bảo vệ Môi trường Biển Đông của Liên hợp quốc: “Đảo ngược việc hủy hoại môi trường trong Biển Đông và Vịnh Thái Lan” được triển khai từ năm 2002 và kết thúc năm 2008. Dự án này đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là việc tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các nhà khoa học của các nước tham gia, nhưng những căng thẳng địa chính trị gia tăng đã ngăn cản động lực hợp tác khoa học được chuyển hóa thành các chính sách khu vực rõ ràng về bảo vệ môi trường biển trên Biển Đông.

Nhìn chung, trong khi cả thế giới bị ám ảnh bởi những tác động về địa chính trị của những xung đột tại Biển Đông thì có những câu hỏi về môi trường biển vẫn cần giải quyết. Nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Biển Đông là trọng tâm đối với nền kinh tế quốc gia, kế sinh nhai của rất nhiều những người dân ven biển, đồng thời cũng là nguồn thực phẩm rẻ và giàu chất dinh dưỡng đối với những người dân ở đây. Tuy vậy, những xung đột về chủ quyền đã làm giảm đi năng lực của các chính phủ trong phối hợp quản lý các nguồn tài nguyên tại Biển Đông. Trung Quốc và các nước láng giềng cần tạm gác lại sự thù địch và phối hợp hiệu quả trong gìn giữ, khôi phục hệ sinh thái biển tại châu Á – Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới