Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTin Biển Đông ngày 09/07/2019

Tin Biển Đông ngày 09/07/2019

Tin Biển Đông ngày 09/07/2019.

Người Phát ngôn Tổng thống Philippines cho biết Chính phủ Philippines sẽ không vội vàng kiện tàu cá Trung Quốc

Báo Inquirer ngày 8/7 đưa tin, Người Phát ngôn Tổng thống Philippines Salvador Panelo ngày 7/7 cho biết Chính phủ Philippines sẽ chờ báo cáo điều tra của Trung Quốc trước khi đưa đơn kiện tàu cá Trung Quốc vì đã đâm hỏng tàu cá và bỏ rơi 22 thuyền viên Philippines trên biển hôm 9/6. Ông nói “Chính phủ cần phải xem các kết luận của phía Trung Quốc vì nếu họ công nhận tàu cá của họ đã sai thì họ cũng phải chịu trách nhiệm”. Ông cũng cho biết Chính phủ Philippines sẽ cần phải biết rõ quan điểm của Trung Quốc trước khi quyết định hành động tiếp theo “nếu Trung Quốc sẵn sàng bồi thường mọi thiệt hại thì chúng ta cũng nên hiểu xem quan điểm của họ là gì. Còn nếu không, chúng ta sẽ nộp đơn kiện. Chủ tàu Trung Quốc có thể phải đối mặt với án phạt dân sự vì gây ra tai nạn trong khi thuyền trưởng và các thuyền viên có mặt trên tàu có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì những tội danh như bất cẩn trong điều khiển tàu gây ra tai nạn nghiêm trọng. Vấn đề là chúng ta không biết được chúng ta đang kiện ai. Phải xác định được thuyền trưởng và các thuyền viên. Nếu không, chúng ta biết đâm đơn kiện ai đây?”.

Cục nghề cá và thủy sản Philippines đã đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines giúp thu thập thông tin về tàu cá Trung Quốc như tên chủ tàu, thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu, địa chỉ của họ… Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã xác định tàu cá Trung Quốc có tên Yuemaobinyu 42212 của tỉnh Quảng Đông.

Lực lượng Cảnh sát biển Philippines đã mở một cuộc điều tra, kết luận tàu cá Trung Quốc không những không có các biện pháp để tránh vụ va chạm và còn cố tình bỏ rơi 22 thuyền viên Philippines giữa biển. Cuộc điều tra phát hiện tàu cá Trung Quốc đã ở quanh khu vực tàu Philippines bị chìm khoảng 50m, do vậy họ “biết rõ tình trạng nghiêm trọng khẩn cấp của con tàu”, nhưng thay vì cứu hộ, họ đã tắt đèn và rời đi.”

Đây là hành động vi phạm quy định Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển. Báo cáo kết luận vụ việc trên là “va chạm hàng hải rất nghiêm trọng” do tàu Philippines đã bị hỏng hoàn toàn. Báo cáo điều tra này được công bố hôm 6/7, tuy nhiên Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin không công nhận tính chính danh của báo cáo. Trên trang twitter cá nhân, ông gọi nó là “một báo cáo bị rò rỉ được cho là của Lực lượng cảnh sát biển Philippines” và cần được đối chiếu với báo cáo do Bộ Giao thông cung cấp.

Tổng thống Duterte thách Mỹ gây chiến với Trung Quốc

Hãng tin Nga RT ngày 9/7 đưa tin phát biểu tại tỉnh Leyte, Philippines ngày 5/7, Tổng thống Philippines Duterte cho rằng nếu Mỹ muốn Philippines chống lại Trung Quốc, quân đội Mỹ nên đến và tham chiến đầu tiên, cáo buộc Mỹ sử dụng đồng minh như một “cái bẫy” đối với Trung Quốc. Ông nói “nước Mỹ lúc nào cũng thúc giục chúng tôi… biến tôi thành cái bẫy. Người Mỹ nghĩ người Philippines là gì chứ, giun đất chăng? Để tôi nói cho mà biết, người Mỹ hãy mang máy bay, mang tàu chiến đến Biển Đông, bắn những viên đạn đầu tiên đi và người Philippines sẽ ủng hộ họ. Muốn gây chiến ư? Được thôi, hãy cùng nhau làm điều đó.”

Phát biểu của ông Duterte được đưa ra trong bối cảnh Chính quyền Manila đang bị kẹt giữa một nước Mỹ đang hối thúc Philippines cần có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc và một Trung Quốc đang hung hăng hơn trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là đối với các đảo Philippines tuyên bố chủ quyền.

Tổng thống Duterte phát biểu tại một lễ khai trương nhà máy chế biến gạo ở tỉnh Alangalang cho rằng nước Mỹ biết rõ Trung Quốc bồi đắp, cải tạo các hòn đảo vì Hải quân Mỹ có Hạm đội 7 đóng ở Nhật Bản. Ông hối thúc “tại sao Mỹ không cử Hạm đội này đến Trường Sa và nói với Trung Quốc “các ông không được xây đảo nhân tạo trên biển, đây chính là việc làm bị nghiêm cấm bởi luật pháp quốc tế, và hơn nữa, các ông đang xây đảo ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của nước bạn chúng tôi, Philippines?” Người Mỹ đã để yên cho Trung Quốc xây, và giờ thì xong hết rồi. Súng ống và tên lửa đã được bày sẵn ở đó rồi.”

Đây không phải là lần đầu tiên ông Duterte chỉ trích đồng minh Mỹ. Hồi tháng 5, ông cáo buộc Mỹ “ra vẻ ông chủ” và “không có tư cách” khi đã phá vỡ thỏa thuận bán vũ khí. Năm 2016, Mỹ từng hủy bỏ thỏa thuận bán 26,000 súng trường cho lực lượng cảnh sát Philippines với lý do quan ngại về vấn đề nhân quyền. Theo các tổ chức nhân quyền của phương Tây, hàng nghìn người đã bị giết khi ông Duterte phát động chiến tranh chống lại ma túy khi mới nhậm chức. Tổ chức Ân xá quốc tế thậm chí kêu gọi điều tra ông Duterte với tội ác chống lại loài người.

Tuy nhiên, một khảo sát công bố hôm 7/7 cho thấy Tổng thống Duterte đang nhận được sự ủng hộ kỷ lục từ người dân với 80% ủng hộ Tổng thống và chỉ 12% không hài lòng, cao hơn 2 điểm sao với kỷ lục trước đó của ông vào tháng 6 năm 2017 và lặp lại vào tháng 3 năm nay.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines cho rằng các điều khoản Bắc Kinh đưa ra là “vượt trội”

Báo Inquirer ngày 8/7 đưa tin liên quan đến việc Trung Quốc và Philippines đang đàm phán thỏa thuận khai thác chung dầu và khí đốt ở vùng biển phía Tây Philippines, Ngoại trưởng Philippines cho biết phía Philippines đã chấp nhận các điều khoản tham chiếu mà Trung Quốc đề xuất.

Theo đó, ngày 7/7, ông Locsin đã đăng lên trang Twitter cá nhân “tôi chấp nhận rằng điều khoản tham chiếu (TOR) của Trung Quốc vượt trội hơn so với bản của Philippines. Mọi thứ đang tiến triển rất tốt”.

Khi cựu Đại sứ Philippines tại Châu Âu Victoria Bataclan đề nghị được xem dự thảo, ông Locsin từ chối và cho biết “đấy không còn là dự thảo nữa. Tôi đã chấp nhận và vì vậy nó là bản chính thức”.

Ông Locsin không cho biết liệu TOR có giống với “dự thảo thỏa thuận khung” mà Thượng nghị sỹ Antonio Trallanes IV đã công bố hồi tháng 11 năm ngoái nhân chuyến thăm Philippines của ông Tập Cận Bình, trong đó có điều khoản quy định mọi thông tin, tài liệu liên quan đến vấn đề này để được giữ bí mật trừ khi hai nước có thỏa thuận khác.

Ông Locsin cũng nhấn mạnh đàm phán hiện đang “tiến triển tốt” và phủ nhận thông tin của Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi cho biết việc Manila và Bắc Kinh đang hướng đến thời hạn tháng 11 năm nay.

Ông Locsin cho biết Bản Ghi nhớ (MOU) mà Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình ký tháng 11 năm ngoái chỉ nêu hai nước sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành thỏa thuận trong vòng 1 năm “không phải là thời hạn một năm cho một dự án cụ thể, chỉ là cam kết cố gắng hết sức. Cũng không có thời hạn nào cho thỏa thuận khai thác dầu và khí đốt mà khi đó tôi đã soạn thảo để hai Lãnh đạo ký kết. Việc đàm phán diễn ra không có thời hạn.”

Phó Chánh án Tòa án tối cao Philippines Autonio Carpio – một trong những người chỉ trích thường xuyên các chính sách liên quan đến Trung Quốc của Tổng thống Duterte hồi tháng 11 năm ngoái cũng cho rằng MOU sẽ giúp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Ông Carpio giải thích MOU đóng vai trò như một thỏa thuận mang tính rành buộc phù hợp với luật pháp Philippines.

Cảnh sát Indonesia triển khai tàu tuần tra lớn nhất ở Biển Đông

Báo Janes ngày 4/7 đưa tin Cục Cảnh sát biển Indonesia đã chuyển giao tàu tuần tra lớn nhất của nước này là KP Yudisira (8003) cho chỉ huy quần đảo Riau. Văn phòng Cảnh sát Indonesia ra thông báo cho biết con tàu này đã hoạt động ngoài khu vực đảo Batam từ giữa tháng 6/2019, quanh khu vực quần đảo Riau ở Biển Đông, bao gồm khu vực cụm đảo Natuna.

Theo thông tin từ nhà sản xuất, hãng PT Daya Radar Utama (PT DRU), Yudistira có tổng chiều dài 73m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 1,100 tấn, được PT DRU ra mắt tại nhà máy đóng tàu Tanjung Priok, phía Bắc Jakarta vào ngày 4/5/2018. Được trang bị hai động cơ diesel C175-16 và ba máy phát điện 150 mã lực của Caterpillar điều khiển hai cánh quạt cố định, tàu có thể đạt tốc độ tối đa 18 hải lý/giờ. Tàu cũng mang theo một máy phát điện 65 kW dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp.

Yudistira có thủy thủ đoàn gồm 56 người, có chỗ ở tách biệt cho tối đa 12 thành viên thủy thủ đoàn nữ và có thể chứa tới 14 nhân viên cho các nhiệm vụ đặc thù hơn. Khả năng chuyên chở hàng hóa của con tàu bao gồm 200 tấn dầu diesel, 8 tấn xăng và 95 tấn nước ngọt. Yudistira cũng có thể chứa một máy bay trực thăng nặng tới 10 tấn trên khoang và hai chiếc thuyền bơm hơi thân cứng.

Theo nguồn tin từ một nhân viên làm việc tại PT DRU tiết lộ với báo Jane’s ngày 02/7, con tàu cũng đã được trang bị hai vòi rồng cho các nhiệm vụ chữa cháy, nhưng hiện không được trang bị vũ khí.

RELATED ARTICLES

Tin mới