Tuesday, January 7, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaBa năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài: Điểm lại những...

Ba năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài: Điểm lại những hoạt động phi pháp của TQ

Sau 3 năm Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh vẫn bất chấp tất cả tiến hành nhiều hoạt động trên thực địa, đi ngược lại luật pháp quốc tế để khẳng định cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông.

Sau gần 3 năm, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm phi lý của mình liên quan vụ kiện, đó là: Tòa Trọng tài không có thẩm quyền xét xử; Trung Quốc không tuẩn thủ phán quyết; Trung Quốc không thực thi phán quyết. Hành động này của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích, lên án, phê phán của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả 1 bộ phận tầng lớp thanh niên, tri thức Trung Quốc. Song song với hoạt động tuyên truyền bác bỏ phản quyết, Bắc Kinh cũng chủ động thúc đẩy các hoạt động trên thực địa nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông, bao gồm: Hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, đưa quân ra đồn trú, triển khai phi pháp trang thiết bị vũ khí trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam); tiến hành tập trận bắn đạn thật trong khu vực; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (dầu khí, băng cháy, hải sản…) trong khu vực “đường 9 đoạn”; gia tăng các hoạt động kiểm soát trên thựa địa (triển khai hệ thống giám sát dưới đáy biển, giám sát qua hệ thống vệ tinh); thúc đẩy các dự án cung cấp năng lượng cho số đảo, đá, bãi cạn đang chiếm đóng phi pháp (điện hạt nhân trên biển, điện gió, sản xuất điện từ sóng biển…); hỗ trợ ngư dân tiến hành các hoạt động đánh bắt hải sản mang tính tận diệt và phá hủy nghiêm trọng môi trường sinh thái ở Biển Đông; gia tăng đầu tư, mua sắm trang thiết bị vũ khí cho lực lượng chấp pháp trên biển….

Ngoài việc không tuân thủ phán quyết, Bắc Kinh cũng thúc đẩy các chiến dịch, hoạt động tuyên truyền làm lu mờ, phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài. Bắc Kinh tổng động viên các cơ quan nghiên cứu, giới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước viết các bài phân tích, cung cấp chứng cứ (đều là ngụy tạo) ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông nói chung và vụ kiện nói riêng. Đáng chú ý, có rất nhiều trương hợp, để tạo được “niềm tin” đối với cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền để được đăng những bài viết trên các tạp chí uy tín trên thế giới nhằm đánh lạc hướng và tạo hiệu ứng dây chuyền để phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài, cụ thể:

Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự phi pháp trong khu vực Biển Đông

Lực lượng hải quân, không quân liên tục tiến hành các hoạt động tập trận bắn đạn thật phi pháp ở trên cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bãi cạn Scarborought/Hoàng Nham. Bắc Kinh huy động nhiều phương tiện, khí tài quân sự hiện đại như tàu sân bay Liêu Ninh, tàu khu trục trang bị tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tàu ngầm hạt nhân, tàu tiếp tế quân sự, máy bay ném bom chiến lược H-6K, máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo thế hệ mới KJ-500… Mục tiêu chính của những hoạt động tập trận phi pháp của Bắc Kinh là nhằm nâng cao năng lực tác chiến của hải quân, không quân; răn đe chiến lược đối với các nước trong khu vực, với Mỹ và một số nước đồng minh; quảng bá sức mạnh quân sự để tuyên truyền đối với người dân trong nước; thể hiện “quyết tâm bảo vệ chủ quyền” (phi pháp) và cũng là hành động thể hiện sự phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc thường biện minh cho những hành động này bằng ngôn từ chung chung như đây là hoạt động thường niên của quân đội Trung Quốc, việc tập trận không nhằm vào nước khác và rằng “hoạt động quân sự như vậy thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của không quân Trung Quốc trong khu vực, đồng thời để bảo vệ chủ quyền của Bắc Kinh”. Đáng chú ý, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân từng tuyên bố “bất kể phán quyết của Tòa Trọng tài là gì, chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng. Bất kể phán quyết của Tòa là gì, quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh và lợi ích biển, giữ vững hòa bình và ổn định khu vực, đối phó với mọi thách thức và đe dọa”.

Không những vậy, Trung Quốc còn thường xuyên điều các lực lượng chấp pháp tuần tra trái phép trên Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc thường xuyên huy động lực lượng chức năng như Hải giám, Ngư chính, Cảnh sát Biển… tuần tra phi pháp trong khu vực. Phía Trung Quốc cho rằng lực lượng chấp pháp của Bắc Kinh sử dụng nhiều phương tiện, khí tài tuần tra “xử lý” các hành vi “vi phạm pháp luật” và tìm iểu tình hình bảo vệ sinh thái tại các đảo, đá và vùng biển xung quanh. Tuy nhiên, trên thực tế lực lượng chấp pháp của Tủng Quốc chủ yếu thực hiện những nhiệm vụ như xua đuổi ngư dân các nước đang đánh bắt cá hợp pháp trên Biển Đông; bảo vệ, hộ tống ngư dân Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước đánh bắt trộm hải sản; đâm va, cướp bóc tài sản (cá, xăng dầu, đồ đạc…) của ngư dân các nước trên Biển Đông; ngăn chặn không cho ngư dân Philippines vào bãi cạn Scarborugh/Hoàng Nham.

Trung Quốc ngang nhiên cải tạo đảo và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông

Bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài cho rằng hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa gây hại nghiêm trọng, không thể khắc phục cho rạn san hô trong khu vực và không có thực thể nào ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn quyết tâm tiến hành cải tạo, quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông. Trung Quốc đã hoàn thành việc nạo vét và bồi đắp để tạo ra 7 thực thể nhân tạo mới tại quần đảo Trường Sa, tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo. Theo tính toán của Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), các công trình này bao phủ một khu vực rộng khoảng 290.000m2, trên đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa và đá Bắc, đá Cây và đá Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa; tổng diện tích các công trình xây dựng trên Chữ Thập vào khoảng 110.000m2, bao gồm các nhà chứa máy bay lớn hơn dọc đường băng chính, cụ thể:

Tại Hoàng Sa, các hình ảnh vệ tinh đều cho thấy Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự đồ sộ, quy mô trên Đảo Bắc, Đảo Cây và đảo Phú Lâm. Tại Đảo Bắc, Trung Quốc đã triển khai san ủi mặt đất và có thể chuẩn bị xây một cảng biển mà các nhà chuyên môn tin là nó được sử dụng để yểm trợ cho các cơ sở quân sự. Đáng chú ý nhất là tại đảo Phú Lâm, hoạt động bồi đắp, xây dựng quy mô của Trung Quốc đang dần biến đảo này trở thành tiền đồn do thám và thu thập thông tin tình báo phục vụ tham vọng mở rộng các căn cứ quân sự của nước này gần đảo Hải Nam.

Tại Trường Sa, Trung Quốc đã nhiều lần công khai về hoạt động bồi đắp, xây dựng, quân sự hóa tại các đảo nhân tạo. Theo trang tin DWNews đưa tin cuối tháng 11/2017, một số trang mạng quân sự Trung Quốc đăng tải phác đồ mới nhất về mở rộng đảo nhân tạo phi pháp trên bãi đá Su Bi mà nước này chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa. Theo đó, đảo nhân tạo được chia thành 2 khu vực quân sự và dân sự. Đá Su Bi vốn là rạn san hô vòng thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nằm cách đảo Thị Tứ khoảng 26 km về phía Tây Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ 1988. Hiện nay tại Su Bi, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng 3.250m x 55m, dài nhất trong các đường băng hiện có tại khu vực Biển Đông có thể cất hạ cánh các máy bay vận tải hạng trung và máy bay chiến đấu. Báo chí Trung Quốc cho rằng, sân bay ở Su Bi cùng với các sân bay ở Phú Lâm, Chữ Thập và Vành khăn tạo thành cụm sân bay hình chữ “phẩm” (品) trên Biển Đông. Các loại công trình, cơ sở thiết bị trên đảo đã cơ bản hoàn thành. Hiện Trung Quốc vẫn đang thường xuyên duy trì các tàu công trình lớn hoạt động tại lòng hồ phía bên trong đảo; thời điểm nhiều nhất có tới hơn 10 chiếc tiếp tục hút và phun cát để bồi đắp, mở rộng thêm diện tích.

Tại đá Chữ Thập, theo Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy giai đoạn kế tiếp của việc xây dựng các hạ tầng cần thiết cho các căn cứ hải quân và không quân lớn hơn. Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống rađa ở phía Bắc đá Chữ Thập. Ý định của Trung Quốc muốn biến thực thể nhân tạo này thành một tiền đồn lưỡng dụng phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự như đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa. Tổng diện tích các công trình xây dựng trên Chữ Thập lên tới hơn 110.000m2, bao gồm các nhà chứa máy bay dọc đường băng chính.

Trên đá Vành Khăn, theo các số liệu theo dõi, đến tận cuối năm 2015, đá Vành Khăn vẫn chỉ là một bãi đá nửa nổi nửa chìm, song chỉ trong vòng 2 năm, đến nay, Trung Quốc đã biến đá Vành Khăn thành một đảo nhân tạo lớn với đầy đủ các công trình như đá Subi. Trung Quốc còn xây thêm hầm chứa đạn, nhà chứa máy bay, hầm trú tên lửa và rađa. Thâm chí, mới đây, Trung Quốc cũng không ngại thừa nhận đưa chiến đấu cơ J-11 ra Biển Đông và trình làng một tàu nạo vét biển hiện đại.

Giới quan sát cho rằng bề ngoài thì Trung Quốc rêu rao khu vực Biển Đông ít lâu nay ổn định trong khi vẫn liên tục hoạt động trang bị cho những đảo hoang và bãi đá ngầm nay là các căn cứ với những loại võ khí tối tân nhất. Trong Báo cáo của Cơ quan Thông tin và Số liệu Hải dương Trung Quốc công bố ngày 22/12/2017, Trung Quốc rêu rao các dự án xây dựng trong năm 2017, kể cả hạ tầng cho trạm radar, có tổng diện tích khoảng 290.000 m2 tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bắc Kinh cũng tích cực triển khai các xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều hạng mục công trình phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phục vụ ngư dân, binh lính đồn trú trái phép trên Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã triển khai một loạt các hành động phi pháp nhằm “cải thiện đời sống” và phục vụ việc giám sát trong khu vực, cụ thể: Tập đoàn viễn thông Trung Quốc triển khai trái phép mạng 4G tại các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đo 2 trạm phát sóng 4G được đặt tại đá Chữ Thập và đá Su Bi; xây dựng đài phát thanh khí tượng trái phép tại đảo Phú Lâm của Việt Nam, đài trên được phát bằng hai ngôn ngữ Anh – Trung; khánh thành rạp chiếu phim, mở chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), thành lập và đưa vào sử dụng cái gọi là “Chi đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy” trên cái gọi là “thành phố Tam Sa”…

Ngoài ra, Trung Quốc cũng triển khai nhiều kế hoạch phi pháp khác để tăng cường khả năng “quản lý và giám sát” ở Biển Đông, cụ thể: Bắc Kinh liên tục phóng nhiều hệ thống vệ tinh giám sát biển, triển khai lắp đặt hệ thống cảm biến dưới nước, lắp đặt hệ thống quan sát dưới đáy biển, xây dựng hệ thống quan trắc hải dương và xây dựng các trạm quan sát môi trường ở Biển Đông. Nhìn bề ngoài thì những kế hoạch trên của Trung Quốc đều phục vụ các mục đích giám sát, bảo vệ môi trường biển và dự đoán, cảnh báo trước thảm họa thiên nhiên. Song trên thực tế, đằng sau những kế hoạch trên là âm mưu nắm quyền kiểm soát trên Biển Đông, nó sẽ giúp Bắc Kinh giám sát hoạt động tàu thuyền, máy bay, thậm chí là tàu ngầm của các nước hoạt động ở Biển Đông. Việc xây dựng, lắp đặt các hệ thống giám sát trên Biển Đông (trên bầu trời, trên mặt nước và dưới đáy biển) của Trung Quốc hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.

Những hành động trên của Trung Quốc không ngoài mục đích củng cố chứng cứ pháp lý để khẳng định sự sinh sống, quyền kiểm soát trên thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, đây đều là những hành vi phi pháp, đi ngược lại nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, và đường nhiên nó chẳng bao giờ giúp Trung Quốc khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông.

Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động du lịch trái phép ở Hoàng Sa

Từ giữa năm 2016 đến nay, Tập đoàn vận tải Trung Quốc (COSCO), Công ty Lữ hành Nam Hải và Công ty TNHH vận tải Eo biển Hải Nam đã tổ chức nhiều tour du lịch phi pháp trên Biển Đông. Lộ trình các tour du lịch của Trung Quốc khởi hành từ Tam Á đến một số đảo, đá ở Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Phía Trung Quốc tuyên truyền rằng những hoạt động du lịch trên là nhằm thúc đẩy kinh tế, du lịch địa phương. Tuy nhiên, đằng sau những hoạt động phi pháp này là chiến lược tuyên truyền, quảng bá “chủ quyền” của Bắc Kinh đối với người dân trong nước. Đồng thời, Trung Quốc cũng muốn thông qua những hoạt động du lịch phi pháp ở Hoàng Sa nhằm khích lệ tinh thần dân tộc và lòng trung thành của người dân đối với Chính quyền của ông Tập Cận Bình.

Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp trên Biển Đông

Tranh thủ khai thác trộm tài nguyên thiên nhiên trên Biển Đông (nhất là dầu khí, bằng cháy và hải sản) để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước là một trong những mục tiêu chiến lược hàng đầu của Trung Quốc. Bắc Kinh bỏ ngoài tai phán quyết của Tòa để tiến hành nhiều hoạt động khai thác trái phép như: Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC) tiến hành thăm dò, khai thác thành công băng cháy ở vùng biển cách Quảng Đông 320km về phía Đông Nam; Tổng công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mời thầu phi pháp 22 lô dầu khí ở phía Bắc Biển Đông, các lô dầu khí được mời thầu có tổng diện tích lên đến 47.270km2; hàng năm Trung Quốc đều đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá (1/5-1/8) trên vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng phi pháp nhiều giàn khoan hiện đại ở Biển Đông. Trong đó có giàn khoan bán ngầm Hải Dương 982 (dài 104,5m, rộng 70,5m, khoan sâu tối đa 9.144m, có thể hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở vùng biển sâu 1.500m); hạ thủy và đưa vào sử dụng giàn khoan dầu lớn nhất thế giới Bluwhale 1 (trọng lượng 42.000 tấn, cao 118m, có khả năng khoan đến 15.240m).

Nhìn chung, 3 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc không hề tuân thủ và thực thi phán quyết. Họ vẫn triển khai rầm rộ các hoạt động phi phám, xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của các nước xung quanh. Tất cả các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên thựa địa như vừa nêu đều nằm trong chiến lược phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài và khẳng định “chủ quyền” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc là quá phi lý và sẽ chẳng bao giờ được các nước đồng thuận.

RELATED ARTICLES

Tin mới