Thursday, November 14, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại việc dư luận các nước lên án hành vi tán...

Nhìn lại việc dư luận các nước lên án hành vi tán phá môi trường ở Biển Đông của TQ trong những năm qua

Trong những năm qua, việc Trung Quốc tán phát hệ sinh thái, môi trường biển ở Biển Đông đã được báo chí phản ánh thường xuyên và giới chuyên gia, khoa học các nước phản đối mạnh mẽ.

Tại Philippines

Các chuyên gia Philippines (3/7/2019) cảnh báo đội tàu đánh bắt cá khổng lồ cùng các hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc đang gây thiệt hại nặng nề cho các rạn san hô ở Biển Đông.  Việc Trung Quốc nạo vét cát để bồi đắp các đảo nhân tạo trái phép cùng hoạt động đánh bắt ồ ạt ở Biển Đông đang tàn phá nghiêm trọng hệ sinh thái rạn san hô ở vùng biển này. Chỉ riêng hệ sinh thái rạn san hô của Philippines, thiệt hại này được ước tính ít nhất 33 tỉ peso (645 triệu USD) mỗi năm. “Giá trị được tính ra dựa trên tất cả dịch vụ chúng tôi có được từ các rạn san hô, chẳng hạn ứng dụng về thời tiết, và những lợi ích chúng tôi thừa hường từ hệ sinh thái này”, theo Tiến sĩ Deo Florence Onda, một nhà khoa học đến từ Viện Khoa học biển thuộc Đại học Philippines. Ông Onda cho biết con số trên có thể vẫn còn được ước tính thấp hơn so với thực tế. Đánh giá được đưa ra sau khi tiến sĩ Onda cùng 73 nhà nghiên cứu sinh vật biển và các chuyên gia khác có chuyến thám hiểm kéo dài 2 tuần tại Biển Đông để kiểm tra hệ sinh thái biển trong vùng biển mà Philippines xem là thuộc “Vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ) của nước này. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất 1.850 ha san hô đã bị hư hại xung quanh đảo Thị Tứ thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng hiện bị Philippines kiểm soát, cùng các địa điểm khác ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chuyên gia luật hàng hải Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vụ hàng hải và luật biển thuộc Đại học Philippines cho biết số thiệt hại ước tính trên vẫn chưa bao gồm những khu vực không nhìn thấy được trong các hình ảnh vệ tinh.Ông cho biết không chỉ những kẻ đánh bắt trộm, mà hoạt động khai thác sò tai tượng, san hô và việc xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc đang gây ra thiệt hại nặng nề cho Biển Đông.Thời gian qua, Trung Quốc đã ráo riết cải tạo trái phép 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nước này còn xây các đường băng dài hàng ngàn mét và triển khai tên lửa cùng các hệ thống vũ khí khác lên các đảo nhân tạo này. Để thực hiện hành động phi pháp này, Trung Quốc đã nạo vét một số lượng lớn cát và rặn san hô để bồi đắp thêm 1.300ha cho các đảo nhân tạo. “Nếu chúng tôi không ngăn chặn các ngư dân Trung Quốc đến vùng biển chúng tôi, họ có thể sẽ lấy sạch tài nguyên biển của chúng tôi chỉ trong 1 vài năm nữa. Chúng tôi không nói đùa đâu!”, Giáo sư Batongbacal cảnh báo. Ông cho biết thêm “ở bãi cạn Scarborough, hiện do Trung Quốc chiếm đóng, họ thậm chí tự tay phá hoại các rạn san hô. Nếu tiếp tục như vậy, chúng sẽ hoàn toàn bị xóa sạch trong 5 năm nữa”.

Tiến sỹ Annette Junio Menne, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học biển, Đại học Tổng hợp Philippines khẳng định ở Biển Đông có một tam giác san hô với hơn 500 loài san hô khác nhau. Đây là ngôi nhà của 3.000 loài sinh vật. Tuy nhiên việc xây dựng, bồi đắp biển các bãi đá thành đảo nhân tạo của Trung Quốc là quá thô bạo, vượt quá các tiêu chuẩn. Nhiều khu vực của rạn san hô và bãi trầm tích đã bị mất vĩnh viễn. Điều đó gây tổn thất lớn về lâu dài cho môi trường. “Về khía cạnh kinh tế, mỗi năm thế giới mất ít nhất 4 tỉ USD vì các hoạt động khai thác bừa bãi ở rạn san hô trên Biển Đông của Trung Quốc. “Điều đó không chỉ vi phạm hòa bình mà còn cả sự thịnh vượng của các quốc gia trên Biển Đông nữa”, Tiến sỹ Annette Junio Menne nói.

Tại Mỹ

Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) và giới khoa học Mỹ thường xuyên đưa ra các bằng chứng, số liệu lên án việc Trung Quốc hủy hoại môi trường biển ở Biển Đông. Theo các số liệu hồi tháng 5/2019, các hình ảnh vệ tinh của CSIS cho thấy các hoạt động đánh bắt sò tai tượng đã được xúc tiến trở lại từ cuối năm 2018. Đi theo đoàn hàng chục tàu với một tàu mẹ cỡ lớn, những tàu săn sò tai tượng của Trung Quốc là nỗi ám ánh với các rạn san hô của Biển Đông. Từ năm 2012 đến năm 2015, các hoạt động khai thác sò tai tượng của Trung Quốc đã phá hủy nặng ít nhất 28 rạn san hô trong khu vực. Phương pháp điển hình của những kẻ săn trộm này là sử dụng các máy cào cỡ lớn để phá lớp san hô bên trên, cho phép nhấc những con sò tai tượng nằm dưới biển lên thuyền dễ dàng hơn. Các rạn san hô tại Scarborough đã bị tổn thương nặng bởi hoạt động khai thác sò của các ghe cào Trung Quốc vào cuối năm 2016. Những hình ảnh của CSIS cho thấy sự trở lại ồ ạt của những đoàn tàu phá hoại này từ tháng 12/2018 với phương pháp khai thác mới. Hạn chế của phương pháp cào kiểu cũ là không thể hoạt động tại những vùng nước sâu. Để vượt qua điều này, người Trung Quốc nghĩ ra cách đưa một máy bơm áp lực cao và ống xuống lòng biển. Sức mạnh của máy bơm khiến lớp trầm tích lẫn san hô bị thổi bay, lộ ra những con sò quý giá.

Đánh giá môi trường ở Biển Đông, Giáo sư John W.MacManus, Trường Đại học tổng hợp Miami (Mỹ) cho rằng nơi đây đang bị tàn phá nặng nề. “Mọi thứ đều bị hủy hoại. Đặc biệt là các hoạt động của Trung Quốc. Những tàu cá Trung Quốc đào bới, nạo vét để tìm ngao, sò khổng lồ. Trung Quốc nói dối về việc họ không xây dựng đảo nhân tạo ở các rạn san hô. Thực tế họ đã phá hủy rất nhiều. Tác động của các quốc gia khác chưa bằng 1/100 những hoạt động của họ”, vị giáo sư này nói. Cụ thể, đã có 160 km2 rạn san hô bị hủy hoại, gồm 17 km2 do hoạt động bồi đắp, xây dựng kênh cảng và 143 km2 do các hoạt động hút vật liệu xây dựng và khai thác trai khổng lồ. Trung Quốc đã đơn phương áp đặt các quy định về đánh bắt thủy sản ở Biển Đông, bao gồm đóng cửa theo mùa và yêu cầu ngư dân không phải người Trung Quốc phải xin phép họ để đánh bắt. Họ đã trang bị cho 50.000 đội tàu các thiết bị đánh bắt, liên lạc vô cùng hiện đại. Giáo sư John W.MacManus đánh giá: “Trung Quốc đã hủy hoại biển rất kinh khủng”.

Một bài viết trên báo mạng The Huffington Post (4/2016), dẫn lại một nghiên cứu của đại học Hawaii, Mỹ, về các rạn san hô tại bảy địa điểm : Cuarteron (đá Châu Viên), Fiery Cross (đá Chữ Thập), Gaven (đá Gaven), Hughes (đá Tư Nghĩa), Johnsons South (đá Gạc Ma), Mischief (đá Vành Khăn), Subi (đá Xu Bi). Nghiên cứu của đại học Hawaii khẳng định Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 10,7km² tại khu vực này từ tháng 2/2014 đến tháng 5/2015, cùng lúc đó diện tích san hô bị giảm là 11,6 km², tương đương 26,9% diện tích. Nghiên cứu cho biết, san hô tại Trường Sa không chỉ là nạn nhân của việc mở rộng, bồi đắp trực tiếp nói trên, mà còn đe dọa bị hủy diệt hàng loạt do việc nạo vét lòng biển bằng phương thức hút. Hoạt động này để lại vô số các trầm tích, trùm lên các rạn san hô, khiến chúng rất khó lòng hồi sinh. Đây là một trong những hoạt động gây tổn hại nghiêm trọng nhất cho san hô. Những người chủ trương bồi đắp như vậy không hiểu rằng, về mặt sinh thái, khi nạo vét lòng biển để bồi đắp đảo nhân tạo, với việc san hô bị phá hủy, họ đã tấn công vào chính nền móng của đảo, việc bồi đắp sẽ phải tiến hành liên tục sau đó, để tránh cho đảo nhân tạo bị chìm. Cho đến nay, các rạn san hô ngoài khơi, còn tương đối yên lành, nhưng cần phải hành động khẩn cấp, theo nhà nghiên cứu Mỹ.

Tại Pháp

Nhà báo Victor Robert Lee, của báo The Diplomat, là người đầu tiên mô tả cảnh hàng trăm tàu khai thác trai biển của Trung Quốc đã hoạt động tại rạn san hô này, các ảnh vệ tinh cho thấy san hô chết và cát nổi lên thành những đống lớn. Cách nay hai tháng, chuyên gia sinh vật biển John McManus, đại học Miami, người nghiên cứu về rạn san hô này từ những năm 1990, đã tới nơi và tiến hành nhiều cuộc khảo sát dưới lòng biển, ông ghi nhận khắp nơi là cát và san hô chết ngổn ngang. Giáo sư đại học Miami chua xót bình luận, môi trường sống cho san hô một khi đã bị phá hủy như vậy rất khó khôi phục lại, thiên nhiên cần hàng ngàn năm mới tạo được khoảng một mét ụ cát – sỏi – bùn, “đất sống” của san hô.Khai thác trai biển khổng lồ tại các rạn san hô đã diễn ra trên quy mô lớn tại các vùng biển tranh chấp ở Trường Sa, đúng trong nhiệm kỳ ông Tập Cận Bình làm chủ tịch, cùng lúc với việc Trung Quốc gia tăng mở rộng và bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa. The Diplomat, cách nay ba năm, chính quyền Trung Quốc khuyến khích việc phát triển nhiều hoạt động sản xuất sử dụng loại trai nói trên làm nguyên liệu tại Tanmen, một thị trấn biển hẻo lánh thuộc tỉnh Hải Nam. Tháng 4/2013, ông Tập Cận Bình có một chuyến đi tới thị trấn Tanmen, cổ vũ lực lượng dân quân biển “tích cực ủng hộ” hoạt động của chính quyền mở rộng các thực thể địa lý đã chiếm được tại Trường Sa. Nhà báo The Diplomat kết luận, kêu gọi như vậy mang hàm nghĩa, “đánh đổi lại sự ủng hộ” nói trên, Bắc Kinh để mặc cho ngư dân tận diệt loài trai biển khổng lồ, và di sản của ông Tập Cận Bình để lại không gì khác hơn là một “môi trường bị tàn phá nặng nề tại Biển Đông”.

Tại Anh

Chuyên gia luật quốc tế Alan Boyle của Trường Luật Edinburgh (Anh) nhấn mạnh các hoạt động phi pháp của Trung Quốc đã tàn phá nặng nề hệ sinh thái biển, nhất là rạn san hô, sự đa dạng sinh học và sinh vật ở Biển Đông. Chuyên gia này cho rằng, những hoạt động nguy hại của Trung Quốc như đánh cá bằng thuốc nổ hay cyanide, khai thác các loài có nguy cơ tuyệt chủng đang vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Chuyên gia này cảnh báo hành vi của Trung Quốc sẽ tiếp tục đe dọa nghiêm trọng tới môi trường hàng hải trên biển Đông nếu không bị ngăn chặn. Theo giới chuyên gia Anh, kể từ năm 2010, trữ lượng thủy sản ở quần đảo Trường Sa và vùng phía Tây của Biển Đông đã giảm tới 16%. Hoạt động cải tạo đảo đã làm suy giảm mối liên hệ sinh học giữa quần đảo Trường Sa với Biển Đông, cắt đứt nguồn cung cấp dinh dưỡng mà các hệ sinh thái này phải dựa vào để tồn tại, chuyên gia Alan Boyle cho biết.

Khoảng 300 triệu người dân đang sống dựa vào các nguồn tài nguyên biển của Biển Đông; nếu như Trung Quốc tiếp tục các hoạt động của họ, nguy cơ về sự bất ổn kinh tế trên quy mô lớn sẽ ngày càng tăng. Đồng thời, Trung Quốc cũng thực hiện việc đánh bắt cá quá mức mang tính hủy diệt, làm suy giảm hệ sinh thái biển và đe dọa các loài có nguy cơ tuyệt chủng, như rùa biển, cá mập, trai tai tượng. Cùng với đó, các hoạt động cải tạo của Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho nguồn tài nguyên cá, đe dọa đa dạng sinh học biển, tạo ra mối đe dọa lâu dài đối với đời sống của một số loài sinh vật biển điển hình nhất. Hàng nghìn rặng san hô, thảm cỏ biển, các hệ sinh thái ngập nước khác đang bị phá hủy và chôn vùi một cách nhanh chóng khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đẩy nhanh các hành động tuyên bố chủ quyền của họ đối với Biển Đông.

Tại Nhật Bản

Tiến sĩ Masanori Muto, đại diện Viện nghiên cứu Mitsubishi, Đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản cho rằng vấn đề nạo vét, bồi lấp các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc đã và đang gây mất mát hệ sinh thái. Nó phá hoại mặt bằng rạn, lấp các vũng tự nhiên. Đây là hai yếu tố cấu thành các rạn san hô. Khi Trung Quốc nạo vét để đắp đảo thì trầm tích sẽ lan ra xung quanh và hủy hoại các vùng rạn san hô khác. Sẽ còn nhiều diện tích xung quanh chịu tác động của suy thoái hệ sinh thái. Ông cho rằng “Phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế là tiền đề cơ bản cho những thảo thuận, hành động tiếp theo. Chúng ta cần phải hiểu rằng, các vấn đề về hải dương rất phức tạp, cần có sự tiếp cận liên ngành, liên giới. Có rất nhiều vấn đề như an ninh, khai thác, chủ quyền… nên sẽ rất khó để có tiếng nói toàn diện. Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt đầu từ một khía cạnh cụ thể nào đó, ví dụ như vấn đề môi trường. Dần dần chúng ta sẽ có tiếng nói chung, chia sẻ thông tin với nhau và tiến tới thỏa thuận cơ chế đặc biệt. Một bức tranh tổng thể về Biển Đông cần có nhiều nét vẽ”.

Nhận thức rõ sự phản đối của công luận, TQ tìm mọc cách bao biện. Đai diện cho quan điểm biện minh cho Bắc Kinh là tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), giám đốc Viện Nghiên Cứu Nam Hải (Biển Đông). Nhà hải dương học người Anh đưa ra nhiều bằng chứng để bác bỏ quan điểm của học giả Trung Quốc. Nhiều hình ảnh vệ tinh từ Google cho thấy, trước mỗi đợt bồi đắp, mở rộng đảo nhân tạo tại Trường Sa, Trung Quốc đều đưa các tàu cuốc tới hoạt động. Như vậy, theo The Diplomat, rất có thể nhiều chuyên gia về san hô Trung Quốc đã thực sự tới nơi để chứng kiến cảnh tượng san hô chết hàng loạt, đúng như luận điệu mà chính quyền muốn tuyên truyền. Truyền thông và giới khoa học Trung Quốc cũng nhiều lần tuyên bố san hô ở Biển Đông đang khôi phục tốt hay nước này bắt đầu chiến dịch bảo vệ, bảo tồn môi trường biển…

RELATED ARTICLES

Tin mới