Wednesday, November 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐể bảo vệ đồng minh, Mỹ sẽ triển khai pháo tầm xa...

Để bảo vệ đồng minh, Mỹ sẽ triển khai pháo tầm xa trên Biển Đông

Mỹ và Philippines được cho là đang bàn bạc về khả năng triển khai hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) tại khu vực Biển Đông nhằm bảo vệ Philippines và ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.

Hệ thống HIMARS

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (1/4) trong cuộc gặp quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan ở Washington hôm 1/4 bày tỏ sự phản đối việc Trung Quốc đưa hàng trăm tàu thuyền đến gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lãnh đạo bộ quốc phòng hai nước tái khẳng định quan hệ “đồng minh bền vững” và nhất trí tăng cường sự ủng hộ của Mỹ với quá trình hiện đại hóa quân đội Philippines. Trước đó, Phó tham mưu trưởng lục quân Mỹ James McConville (3/2019) cho biết Lầu Năm Góc chưa bố trí HIMARS tại khu vực, nhưng các nước đối tác của Washington tại Thái Bình Dương “đang thảo luận cởi mở” về vấn đề này. Trong khi đó, Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) kêu gọi Lầu Năm Góc triển khai HIMARS tới các nước Đông Nam Á, nhằm thể hiện sự linh hoạt và đa dạng trong hoạt động hiện diện quân sự luân phiên của Mỹ tại khu vực. Trong khi đó, Người phát ngôn quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương Derrick Cheng từ chối bình luận chi tiết về bất cứ “hoạt động hoặc chiến dịch nào liên quan tới triển khai binh lính và thiết bị của quân đội Mỹ trong tương lai”.

Được biết, HIMARS do hãng Lockheed Martin sản xuất, được thử nghiệm lần đầu tiên tại cuộc tập trận quân sự thường niên Balikatan giữa Mỹ và Philippines vào năm 2016. Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn rocket M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 70 km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300 km. Hệ thống này được cho là có tính cơ động cao nhờ được đặt trên các xe tải do BAE Systems sản xuất. Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin đã giành được hợp đồng trị giá 289 triệu USD để chế tạo 24 hệ thống HIMARS và các thiết bị đi kèm cho quân đội Mỹ, đồng nghĩa với việc mỗi hệ thống này sẽ có giá khoảng 12 triệu USD.

Tiến sĩ Patrick Cronin, cựu Cố vấn cao cấp – Giám đốc Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Mỹ Mới (CNAS) cho rằng HIMARS và các hệ thống tên lửa khác không chỉ được xem xét tham gia các cuộc tập trận trong khu vực mà còn có thể được triển khai để cải thiện khả năng răn đe cho đối tác của Mỹ. Theo ông Cronin, quân đội Mỹ và Philippines chắc chắn có quan tâm đến việc tăng cường khả năng răn đe quân sự trong bối cảnh Biển Đông đang bị quân sự hóa; đồng thời nhận định HIMARS sẽ hoạt động hiệu quả nếu tấn công các mục tiêu cố định như đảo nhân tạo.

Tuy vậy, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cho rằng Mỹ có thể cân nhắc triển khai HIMARS và coi việc này thể hiện sự liên quan của Washington đến chiến lược và hoạt động tại Thái Bình Dương. Theo ông Collin, Philippines có thể triển khai HIMARS ở 2 địa điểm tiềm năng là tại tỉnh Palawan hoặc trên đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nếu được bố trí ở tỉnh Palawan của Philippines, tổ hợp HIMARS có thể bao trùm khu vực rộng lớn ở Biển Đông, kể cả các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa trái phép ở Trường Sa. Trong khi đó, tên lửa phóng đi từ đảo Thị Tứ có thể gây thiệt hại cho các cơ sở của Trung Quốc tại đá Subi.

Phản ứng trước thông tin này, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc đưa ra nhiều đánh giá trái chiều. Một số bác bỏ khả năng Mỹ triển khai HIMARS ở Philippines trong tương lai gần, trong khi không ít người coi đây là thông điệp “đáng báo động” từ Washington mà Bắc Kinh cần lưu tâm. Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình tại Hồng Công cho rằng rất khó cho các nước như Philippines có thể triển khai HIMARS trong tương lai gần vì với ngân sách quốc phòng hạn chế, khiến Manila khó có thể mua nổi hệ thống này. Các nước Đông Nam Á thường cẩn trọng trong việc triển khai các hỏa lực như vậy. Họ quan tâm hơn tới hỗ trợ về mua bán vũ khí từ Mỹ.

Trung Quốc được cho đã hoàn thành lắp đặt tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không tại 3 thực thể gồm đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn do nước này chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phía Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp các đảo, đá, bãi cạn của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế và cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không được luật pháp cũng như cộng đồng quốc tế thừa nhận. Mọi việc làm của nước ngoài tại khu vực hai quần đảo mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp và không thể thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền hợp pháp với hai quần đảo này. Là một quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, Việt Nam cho rằng Trung Quốc có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới