Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaDiễn biến mới gây bất ngờ trong vụ tàu TQ đâm chìm...

Diễn biến mới gây bất ngờ trong vụ tàu TQ đâm chìm tàu cá Philippines

Philippines công bố báo cáo điều tra về vụ tàu Trung Quốc (9/6) đâm chìm tàu cá Philippines ở bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cho rằng tàu Trung Quốc không chủ động thực hiện các biện pháp tránh va chạm trong vụ đâm tàu Gem-Ver 1.

Báo cáo điều tra gây sốc của Philippines

Lực lượng tuần duyên Philippines và Cơ quan hàng hải Philippines (6/7) công bố báo cáo điều tra liên quan vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Gem-Ver 1 ở bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Báo cáo cho rằng Trung Quốc không chủ động thực hiện các biện pháp tránh va chạm trong vụ đâm tàu Gem-Ver 1 và không hỗ trợ 22 ngư dân lúc tàu chìm.

Các nhà điều tra nêu rõ tàu Trung Quốc ban đầu rời đi sau cú va đâm nhưng bất chợt dừng lại rồi quay ngược về nơi vừa xảy ra va chạm khoảng 50 m. Điều này cho thấy thủy thủ đoàn Trung Quốc nhận thức được việc ngư dân Philippines gặp nạn. Tuy nhiên, báo cáo cho biết, thay vì giải cứu các nạn nhân của mình, tàu Trung Quốc tắt đèn và di chuyển tiếp. Các thủy thủ Philippines được một tàu cá Việt Nam giải cứu nhiều giờ sau đó.

Báo cáo cũng khẳng định, hành động không cung cấp hỗ trợ cho người gặp nạn trên biển này của tàu Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS). Theo báo cáo, vào thời điểm xảy ra vụ va đâm, bầu trời đầy sao, tầm nhìn rõ ràng và biển lặng.

Báo cáo kết quả điều tra của Philippines cũng chỉ đề cập một “tàu cá Trung Quốc không xác định”, chứ không phải tàu Yuemaobinyu 42212 như Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila tuyên bố trước đó. Nhóm điều tra cũng không khẳng định đó là tàu cá thông thường hay tàu dân quân biển của Trung Quốc. Ngoài ra, kết quả điều tra phân loại vụ chìm tàu Gem-Ver 1 là “sự cố hàng hải rất nghiêm trọng”, nhưng không kết luận liệu đó có phải là do tàu Trung Quốc cố tình hay không.

Đáng chú ý, báo cáo cho rằng Lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) đã làm đúng nhiệm vụ và những gì chúng tôi tìm được là đầy đủ. Ngoài ra, báo cáo khẳng định tàu cá của Philippines cũng có thiếu sót như: không duy trì quan sát khi đang di chuyển; tuyển dụng máy trưởng không có giấy phép; chở số người vượt quá quy định; ra khơi khi giấy phép đánh bắt cá thương mại đã hết hạn; 22 thành viên thủy thủ đoàn tàu Gemvir-1 chưa được đào tạo bài bản trước khi ra khơi đánh bắt cá.

Philippines chưa thể kiện Trung Quốc

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo (7/7) giải thích lý do Chính phủ Philippines chưa khởi tố các thuyền viên của tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Gem-Ver 1, cho rằng Manila cần được xem báo cáo điều tra của phía Trung Quốc trước khi tiến hành khởi tố dân sự hoặc hình sự đối với chủ và các thuyền viên tàu Trung Quốc.

Theo ông Salvador Panelo, Manila “cũng phải kiểm tra những phát hiện từ phía Trung Quốc vì nếu họ thừa nhận các thuyền viên có lỗi, họ phải chịu trách nhiệm”, cho rằng Philippines cần biết rõ lập trường của Trung Quốc về vụ việc trước khi có hành động kế tiếp; đồng thời cho biết, chủ tàu cá Trung Quốc có thể bị kiện dân sự vì đã gây thiệt hại cho tàu Gem-Ver 1 trong khi các thuyền viên tàu Trung Quốc có thể bị khởi tố về một số cáo buộc hình sự như khinh suất gây ra tổn thất.

Tuy nhiên, ông Salvador Panelo nhấn mạnh, vấn đề là Philippines “không biết phải kiện ai” và Manila phải xác định danh tính của thuyền trưởng và các thuyền viên Trung Quốc.

Giới nghị sỹ Philippines lên án mạnh mẽ báo cáo điều tra

Nhiều nghị sỹ đảng đối lập chỉ trích báo cáo mới đây của Philippines về vụ tàu cá bị đâm chìm ở Biển Đông, khẳng định chính quyền đang cố hạ thấp vụ việc. Theo Thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian, Chính phủ nên đệ trình vụ kiện chống lại tàu Trung Quốc gây ra vụ đâm chìm tàu cá Philippines Gem-Ver 1 và sau đó bỏ rơi 22 thuyền viên trên biển; đồng thời nhấn mạnh, “thực tế rất rõ ràng là họ bị bỏ lại ở đó và gần như đã chết. Họ không hề nhận được sự giúp đỡ nào từ người đâm mình. Nói cách khác, chúng ta phải tìm kiếm công lý cho ngư dân của mình”. Thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian cho rằng vụ việc có thể được đệ trình lên tòa án Philippines vì tính nghiêm trọng của nó; đồng thời kêu gọi chính chính phủ mạnh tay để ngăn chặn các vụ việc tương tự lặp lại bằng cách yêu cầu các bên liên quan đứng ra chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, 2 nghị sỹ Carlos Zarate và Eufemia Cullamat thuộc đảng Bayan Muna nói rằng cuộc điều tra vụ tai nạn cho thấy chính quyền đang muốn hạ thấp vụ việc. Hai nghị sỹ trên trích dẫn báo cáo điều tra, cho rằng tàu Trung Quốc đâm vào tàu Gem-Ver khi biển lặng và không có chướng ngại, thủy thủ đoàn của họ bỏ rơi ngư dân của chúng ta. Nhưng thay vì lên án và bắt họ phải chịu trách nhiệm, Duterte và các quan chức của ông ta hành động như thể họ là bị cáo của Trung Quốc vậy.

Đáng chú ý, Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson đặt nghi vấn liệu những người điều tra có kiểm tra về thiệt hại của con tàu để xác minh vụ đâm là cố ý hay vô ý hay không.

Tuy nhiên, có những ý kiến trái triều về kết quả điều tra vụ việc. Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải và Luật biển Philippines, ông Jay Batongbacal nhận định đây là kết quả điều tra công bằng với cả hai phía và đã được tiến hành dựa trên những dữ liệu thực tế. Ông cũng cho biết kết quả này chỉ tập trung vào vấn đề an toàn hàng hải trong vụ tai nạn.

Ông Paul Reichler, luật sư trưởng của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc cho rằng chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm pháp lý vụ đâm chìm tàu và bỏ mặc ngư dân Philippines ở bãi Cỏ Rong. Theo luật sư Reichler, vụ việc rõ ràng là sự vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Vi phạm trầm trọng thêm khi Trung Quốc dường như không thực hiện bất kỳ thủ tục pháp lý nào đối với thủ phạm của hành vi gây hấn này. Bên cạnh đó, luật sư Reichler cũng lập luận rằng tàu Trung Quốc “can thiệp vào quyền lợi” của ngư dân Philippines “bằng cách phá hủy tàu”. Theo đó, Trung Quốc không chỉ vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà còn một công ước khác về an toàn hàng hải. Ông Paul Reichler nhấn mạnh, sự hung hăng của tàu Trung Quốc và việc Cảnh sát biển và chính quyền Trung Quốc không có bất kỳ hành động nào để ngăn cản hành vi hung hăng đều là vi phạm công ước về an toàn hàng hải. Ngoài ra, luật sư Reichler lưu ý rằng trong hầu hết các trường hợp khác, “nếu đây là một tai nạn trên biển” và nếu hai tàu cá tư nhân va chạm nhau thì “đó là vấn đề giữa hai bên tư nhân”. Tuy nhiên, theo luật sư Reichler trong trường hợp này, sự bảo vệ thường xuyên của Cảnh sát biển Trung Quốc đối với các tàu cá của họ, đặc biệt là khi xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển tranh chấp thì cần truy cứu trách nhiệm của nhà nước. Do đó, Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm pháp lý về thiệt hại đã gây ra và về hành vi xâm nhập vùng biển tranh chấp, chứ không chỉ là các chủ sở hữu hoặc người điều khiển con tàu Trung Quốc gây thiệt hại.

RELATED ARTICLES

Tin mới