Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại cách Trung Quốc lừa gạt về vụ tàu cá TQ...

Nhìn lại cách Trung Quốc lừa gạt về vụ tàu cá TQ đâm chìm tàu Việt Nam

Sau khi tàu công vụ Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại ngang nhiên ngụy biện và tìm cách dối gạt cộng đồng quốc tế về vụ việc.

Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa

Tàu Trung Quốc thường xuyên đâm chìm tàu cá Việt Nam

Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, khoảng 10h10 ngày 6/3, trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc (BKS 44101) đâm chìm. Khi bị đâm chìm, tàu cá Quảng Ngãi chỉ nổi phần mũi, năm ngư dân trên tàu phải bám vào phần nổi này. Sau đó, Văn phòng Uỷ ban đã yêu cầu Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam phối hợp với phía Trung Quốc cứu nạn các ngư dân. Đến trưa cùng ngày, năm ngư dân đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt an toàn, rời khu vực bị nạn để tiếp tục đánh bắt hải sản.

Trong những năm qua, đã xảy ra rất nhiều vụ việc tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá Việt Nam khi đang đánh bắt trong ngư trường truyền thống, hợp pháp của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Hầu hết các vụ việc đều có bằng chứng cụ thể để chứng minh tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam, trong đó có một số vụ việc nổi bật sau: (1) Ngày 16/6/2016, tàu cá QNg 95821 TS của ông Nguyễn Tuấn đang lặn bắt khu vực đảo Đá Ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì thì tàu Trung Quốc mang số hiệu 31102 sơn màu trắng lượn nhiều vòng cố ép tàu cá đưa về hướng đảo Phú Lâm bất thành, tàu sắt màu trắng xám húc thẳng vào ngang hông khiến tàu cá chao đảo, mạn phải bị hỏng nặng, kính cabin rơi xuống sàn tàu vỡ nát. Sau cú tông mạnh, tàu sắt này còn vờn uy hiếp thêm 15 phút nữa thì bỏ đi. (2) Vào lúc 11h ngày 9/7/2016, hai tàu cá của ông Huỳnh Văn Khanh và Võ Văn Lựu (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, cách đảo Bông Bay 30 hải lý về phía Đông. Bất ngờ, 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị 2 tàu của Trung Quốc rượt đuổi. Sau khi khống chế được tàu của ông Lựu, một số người trên tàu của Trung Quốc thả xuồng cao su, lên tàu và đánh ông Lựu, dồn 5 thuyền viên về trước mũi tàu. Những người này tiếp tục lấy tàu của ông Võ Văn Lựu rượt đuổi tàu của ông Huỳnh Văn Khanh. Đến 14h cùng ngày, phía Trung Quốc làm chìm tàu của ông Lựu. Các thuyền viên phải bám vào mũi tàu vẫn còn nổi, để giữ mạng sống. Những người trên tàu Trung Quốc không những không cứu ngư dân Việt Nam, mà còn ngăn cản các tàu khác đến cứu ngư dân gặp nạn. (3) Khoảng 10h ngày 22/3/2018, tàu cá QNg 90045 do ngư dân Đặng Tằm làm chủ tàu kiêm thuyền tưởng và tàu cá QNg 90440 do ông Đặng Bi làm chủ tàu (cùng trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang trú gió ở Đá Lồi thì bất ngờ bị hai tàu Trung Quốc màu trắng, số hiệu 46106 và 45103, áp sát. Tàu cá QNg 90440 bị đâm mạnh, bị vỡ dọc mạn phải từ đầu đến đuôi tàu, nặng nhất là phía sau tàu. (4) Khoảng 8 giờ ngày 20/4/2018, ở vùng biển cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía Đông Đông Nam, hai tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đâm chìm tàu cá QNg 90332 TS (công suất 340 CV, do ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt, 50 tuổi, xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu) làm chủ. (5) Vào lúc 12 giờ 30 ngày 25/5/2018, tàu cá số hiệu QNg-96798TS do ông Lê Hơn (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ cùng 6 ngư dân đang hành nghề khai thác rong câu trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bất ngờ bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 31102 rượt đuổi và đâm chìm. Các thuyền viên Quảng Ngãi vật lộn, lênh đênh trên biển sau đó được tàu Trung Quốc vớt lên và giam giữ trong 2 ngày. Quá trình bị giam giữ, các ngư dân liên tục bị tra hỏi, không cho thay quần áo ướt, không được tắm giặt, ăn không no…

Không chỉ bị đâm chìm, tàu cá Việt Nam còn thường xuyên bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp sạch tài sản trên tàu (xăng, dầu, ngư cụ, hải sản , tiền…). Trong đó, tháng 3/2018, trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã xảy ra 1 vụ tàu cá tỉnh Quảng Nam bị tàu Trung Quốc dùng súng tấn công, cướp đi ngư cụ… Cũng theo trình báo của ngư dân, sau cú đâm, phía tàu Trung Quốc thả một canô chở theo 8 người mặc quân phục và mang theo súng, dùi cui áp sát leo lên hai tàu cá. Họ cướp lái, ép ngư dân về phía mũi tàu, bắt ngư dân đưa hai tay lên đầu cúi đầu xuống đất, chỉ cần ngước lên là bị đánh. Sau đó, những người Trung Quốc có vũ trang tiếp tục lục cabin lấy đi điện thoại, máy móc, phá lưới và ngư cụ, đồng thời ép ngư dân chuyển toàn bộ hải sản đánh bắt được lên tàu Trung Quốc. Tương tự, tàu QNg 90045 của ngư dân Đặng Tằm cũng bị cướp phá, chặt dây hơi, phá máy dò cá, bộ đàm. Không chỉ cướp phá, người trên tàu Trung Quốc còn đổ một gói bột màu trắng bao bì ghi chữ Trung Quốc vào nước uống của ngư dân, khiến ngư dân không thể uống. Các ngư dân cho rằng đây là hành động triệt luôn đường sống, không cho ngư dân tiếp tục bám trụ ở Hoàng Sa.

Ngụy biện phách lối của Trung Quốc

Hoàn Cầu Thời Báo (7/3) dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng xuyên tạc rằng tàu Ngư chính của Trung Quốc liên lạc với Trung tâm Tìm kiếm và Cứu hộ Trên biển của Trung Quốc và “cứu” các ngư dân trong buổi chiều, cho rằng khi tàu Trung Quốc tiếp cận tới tàu cá Việt Nam, thì tàu này đã chìm.

Hoàn Cầu Thời Báo cũng trích lời Trần Tương Miểu (Chen Xiangmiao), nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Nam Hải, đóng tại đảo Hải Nam, theo đó nói Việt Nam thường cho tàu cá tới vùng biển thuộc Quần đảo Hoàng Sa. Ông Chen nói trong số này có nhiều tàu làm gián điệp. Tuy nhiên, Hoàn Cầu Thời Báo dẫn nguồn Bộ Ngoại giao nói phía Trung Quốc luôn thiện chí cứu các tàu cá Việt Nam dẫu cho phía Việt Nam “nhầm lẫn nói rằng tàu Trung Quốc đâm vào họ”.

Trước đó, ông Lục Khảng (3/1/2019) ngang nhiên cho rằng việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm va tàu của ngư dân Việt Nam hoạt động đánh cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép là “hành động chấp pháp bình thường”. Theo đó, phía Trung Quốc xuyên tạc rằng: “Căn cứ tình hình mà chúng tôi nắm được, tàu công vụ Trung Quốc luôn chỉ tuần tra chấp pháp bình thường trên vùng biển mà Trung Quốc quản hạt. Một số biện pháp đã được áp dụng cho tàu cá nước ngoài xâm nhập đánh bắt là điều bình thường, cũng là phương thức chấp pháp ở mức thấp nhất. Mà theo tôi tìm hiểu thì những việc mà bạn hỏi chỉ là tình hình cá biệt. Việc một số quốc gia láng giềng trên thế giới thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp nghề cá cũng là rất bình thường”.

Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc về hành vi phạm pháp trên

Hội nghề cá Việt Nam cực lực lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của tàu Trung Quốc. Hành động này đe dọa trực tiếp đến tính mạng, gây thiệt hại lớn đến tài sản của ngư dân đang khai thác thủy hản sản trên biển. Hội nghề cá Việt Nam cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cần có viện pháp phản đối mạnh mẽ hành động của tàu Trung Quốc. Các cơ quan này cần yêu cầu bồi thường thiệt hai cho ngư dân, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân trong các hoạt động trên biển; kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn và xử lý những hành động tương tự để ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển sản xuất. Hội nghề cá Việt Nam cũng đã gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương về việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hành động vô nhân đạo, phi pháp của Trung Quốc. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nhiều lần gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của các tàu Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động này cũng đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp thêm tình hình trên biển. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm khắc các hành vi của các tàu nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam, và không để tái diễn các vụ việc tương tự.

Cộng đồng quốc tế cũng đặc biệt quan ngại trước những hành vi phi pháp của Trung Quốc

Liên quan việc một tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Biển Đông, phía Mỹ khẳng định chỉ có Trung Quốc là bên khiêu khích trong căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. Bộ ngoại giao Mỹ cho biết tiếp tục quan ngại về cách hành xử của tàu thuyền của Trung Quốc hoạt động trong khu vực và kêu gọi các bên cùng kiềm chế, giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề một cách an toàn và có trách nhiệm.

Chính phủ Nhật Bản đã hối thúc Trung Quốc kiềm chế trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, sau khi có thông tin cho biết một tàu cá của Việt Nam đã bị một tàu cá Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông. Phát biểu họp báo tại thủ đô Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh: “Đó là hành động vô cùng nguy hiểm có thể đe dọa mạng sống của người dân”.

Trong khi đó, giới bình luận quốc tế khẳng định, hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông là một bước đi sai lầm, làm tổn hại uy tín của nước này trên trường quốc tế. Ông Greg Poling, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ( CSIS ) nhận định, các nước láng giềng Trung Quốc đã trở nên giống như bị tê liệt trước những hành động bạo lực và hù dọa liên tục với cường độ thấp đến mức rất ít khi được nói đến trên báo chí của khu vực. Nhà bình luận Brad Glosserman cho rằng, uy tín của Trung Quốc đã sụt giảm nghiêm trọng khi bị coi là nhân tố gây bất ổn khu vực.

Giới truyền thông quốc tế cũng lên tiếng chỉ trích những hành động xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản ngư dân Việt Nam của lực lượng chức năng Trung Quốc, đặc biệt là các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Các kênh truyền hình lớn như Bloomberg của Mỹ, ABC của Australia, hãng tin Reuters của Anh… cũng đưa tin chỉ trích tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam.

Nhìn chung, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Khu vực quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển phụ cận là một phần lãnh thổ, lãnh hải hợp pháp của Việt Nam, đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Hành động sử dụng vũ lực để xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc. Việc tàu Trung Quốc (phải có sự hậu thuẫn đằng sau) đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là không thể chấp nhận được. Nó vừa đi ngược lại các quy định quốc tế, Thỏa thuận đa phương, song phương mà Bắc Kinh là một bên tham gia ký kết, nó còn đi ngược lại đạo lý làm người. Việc làm của Trung Quốc cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trong khu vực, không có lợi trong việc xây dựng lòng tin giữa các nước; không tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

RELATED ARTICLES

Tin mới