Wednesday, November 20, 2024
Trang chủĐàm luậnMang cuốc vào vườn hàng xóm ?

Mang cuốc vào vườn hàng xóm ?

Việc tàu thăm dò dầu khí TQ mang tên Haiyang Dizhi 8 thực hiện khảo sát dầu khí ở khu vực bãi Tư Chính là hành động ngang ngược, không thể chấp nhận trong một thế giới văn minh

Tình hình biển Đông vốn phức tạp từ lâu. Hằng năm, không ít thì nhiều, đều có các vụ việc khiến các nước trong khu vực lo ngại.

Chỉ trong vòng một tháng, không lâu sau vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu cá Philippines ở khu vực Cỏ Rong làm dậy sóng dư luận, cộng đồng quốc tế lại một lần nữa lo lắng trước cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm của TQ nhằm vào mục tiêu di động trên biển, vì rằng, động thái này cho thấy TQ dường như đang tiến đến một bước ngoặt trong mục tiêu hiện thực hóa chiến lược biển của họ. Mà chiến lược biển của TQ, ai cũng biết, là biến biển Đông mênh mông thành “ao nhà”.

Sau mỗi lần như vậy, như thường thấy, là những tuyên ngôn có tính trấn an dư luận của TQ – bên có ưu thế về sức mạnh quân sự vượt trội trên biển Đông hiện nay. Các bên còn lại cùng có tuyên bố chủ quyền thì phản đối, bày tỏ sự quan ngại, lo lắng.

Suy cho cùng, họ khó có cách phản ứng nào khác. Yếu hơn về thực lực sức mạnh quân sự so với TQ chỉ là một lý do. Quan trọng hơn, các nước này, về cơ bản đều muốn giữ ổn định tình hình cũng như hy vọng vào một giải pháp hòa bình dựa trên công pháp quốc tế cho vấn đề biển Đông, thay vì dùng súng đạn. Riêng TQ, miệng nói đồng tình, nhưng hành động thì như một kẻ côn đồ thời đại.

Những ngày này, biển Đông lại nóng. Hai bên liên quan đều chưa lên tiếng, nhưng truyền thông Anh, Mỹ, Hồng Kong, Ấn Độ thông tin, ngày 3/7, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 đã đi vào vùng biển gần bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc “khảo sát địa chấn”.

VN không thể không hành động, buộc phải điều các tàu hải giám ra thực địa để bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình.

Các báo còn nêu cụ thể, số tàu hải giám của cả hai bên là 6, trong đó, TQ có 2, VN có 4. Xét về số lượng, VN nhiều hơn, nhưng xét về trọng tải, tàu TQ lớn hơn tàu VN nhiều lần và còn được trực thăng hộ tống.

Đà này, không loại trừ, mỗi bên đều sẽ tăng cường số tàu của mình, và nếu thế, chắc chắn, tình hình sẽ ngày một căng thẳng hơn.

Về bãi Tư Chính: Đây là cụm rạn san hô – nơi VN đã tuyên bố chủ quyền và đang kiểm soát. Cơ sở pháp lý của VN khó bác bỏ: bãi Tư Chính nằm ở thềm lục địa phía Nam của nước này, không hề liên quan đến Trường Sa, do vậy, không thể coi là vùng tranh chấp với bất kỳ bên nào.

Tại khu vực này, từ hơn 30 chục năm nay, VN đã xây dựng các nhà giàn, triển khai hoạt động khai thác dầu khí một cách hiệu quả. TQ cũng từng một số lần gây gây hấn với VN, nhưng luôn vấp phải phản ứng mạnh mẽ của VN và dư luận quốc tế.

Như vậy, rõ ràng, việc tàu thăm dò dầu khí TQ mang tên Haiyang Dizhi 8 thực hiện khảo sát dầu khí ở khu vực bãi Tư Chính là hành động ngang ngược. Nó chẳng khác nào một gã tự ý “vác cuốc vào vườn hàng xóm” đào bới –hành động, không thể chấp nhận trong một thế giới văn minh.

Nấp sau sự ngang ngược đó, thâm ý của TQ là muốn mượn danh nghĩa thăm dò để thực hiện ý đồ “biến nơi không có tranh chấp thành nơi có tranh chấp” – một thủ đoạn họ vẫn dùng nhằm âm mưu nuốt gọn một biển Đông mà họ thèm khát bấy nay. Mọi người hẳn còn nhớ, vì quá tin, mất cảnh giác với TQ, tháng 6 năm 2012, bãi cạn Scarborough của Philippines đã bị TQ kiểm soát. 

Hành động của TQ không chỉ thách thức dư luận, chà đạp công pháp quốc tế, đe dọa các nước trong khu vực, mà còn có thể đẩy biển Đông vào một cơn sốt nóng mới với hậu quả khôn lường.

Tiếp sau Philippines, nếu thủ đoạn này thành công với VN, có thể coi TQ tiến gần hơn một bước mục tiêu độc chiếm biển Đông của họ. Tuy nhiên, so với các nước khác trong khu vực, VN luôn là nước có cách phản ứng khôn khéo nhưng cũng rất kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền.

Chú thích ảnh: Bãi Scarborough của Philippines bị TQ chiếm đóng

RELATED ARTICLES

Tin mới