Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (12/7) dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc đã điều tàu thăm dò địa chất số 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với hơn 40 tàu tuần duyên vũ trang tiến sát bãi Tư Chính của Việt Nam với hành động trá hình “thăm dò dầu mỏ”. Hành động trên của Trung Quốc không những vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế mà còn đi ngược lại các tuyên bố, cam kết của Chính phủ Trung Quốc về việc không quân sự hóa ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và hoạt động tự do hàng hải hàng không trong khu vực.
Về khía cạnh pháp luật quốc tế
Hành vi điều tàu thăm dò địa chất số 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với hơn 40 tàu tuần duyên vũ trang tiến sát bãi Tư Chính của Việt Nam là hoàn toàn trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, hàng không và môi trường biển trong khu vực. Đồng thời, hành động trên của Trung Quốc cũng vi phạm Điều 37 khoản 1, Luật Biển Việt Nam 2012, quy định “các hành vi đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam là những hành vi bị nghiêm cấm”.
Vi phạm Hiến chương LHQ:
Là một thành viên tham gia ký kết Hiến chương LHQ và là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến chương LHQ. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp (vào năm 1988 và năm 1995, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực tấn công, chiếm đóng 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), tiến hành xây dựng, cải tạo và điều tàu thăm dò địa chất số 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với hơn 40 tàu tuần duyên vũ trang tiến sát bãi Tư Chính của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương LHQ, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cụ thể:
Vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương LHQ khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác.
Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương LHQ.
Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương LHQ, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của LHQ.” Về mặt câu chữ, Điều 2(4) chỉ yêu cầu các quốc gia “hạn chế” và việc sử dụng vũ lực chỉ bị hạn chế nếu mục đích của nó là nhằm xâm phạm chống lại “sự toàn vẹn lãnh thổ”, “độc lập chính trị” hoặc “trái với mục đích của LHQ”. Qua thực tiễn của LHQ, nghĩa vụ hạn chế đã được chuyển hóa thành nghĩa vụ cấm và việc cấm sử dụng vũ lực cũng không bị hạn chế vào những mục đích theo câu chữ của Điều 2(4) dù giải thích theo nghĩa rộng hay hẹp. Tóm lại, hiện trạng pháp luật quốc tế hiện nay cấm việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia với nhau.
Đáng chú ý, Điều 2(2) cũng quy định rất rõ ràng rằng “Tất cả các quốc gia thành viên LHQ đều phải làm tròn những nghĩa vụ mà họ phải đảm nhận theo Hiến chương này để được đảm bảo hưởng toàn bộ các quyền và ưu đãi do tư cách thành viên mà có”, song hành động thực tế của Trung Quốc đang đi ngược lại hoàn toàn những gì họ cam kết.
Không những vậy, việc Trung Quốc sử dụng đòn tấn công quân sự để chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đã bất chấp pháp luật quốc tế. Thực tiễn pháp lý cho thấy, các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã chiếm hữu, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình từ thế kỷ XVII, khi các quần đảo đó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào, là hoàn toàn phù hợp với tập quán, thông lệ và luật pháp quốc tế. Các sách, bản đồ cổ trong nước và quốc tế đã ghi nhận sự thật về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam… Quá trình đô hộ Đông Dương, Pháp nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ) có một đề nghị bổ sung bản dự thảo Hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với số phiếu áp đảo là 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Trần Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của bất cứ quốc gia nào. Năm 1956, Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa… Tuy nhiên, vào những năm 50 của thế kỷ XX, tình hình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trở nên phức tạp hơn. Lợi dụng thời cơ Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Genève (1954), Trung Quốc bất ngờ chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956 và bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa kịch liệt phản đối. Năm 1959, quân đội Trung Quốc giả làm ngư dân đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa, nhưng quân đội Việt Nam Cộng hòa đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ… Trong các ngày 19 và 20/1/1974, Trung Quốc đánh chiếm phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Ngày 14/2/1974, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã ra tuyên bố kịch liệt phản đối hành động sử dụng vũ lực để chiếm đoạt lãnh thổ của phía Trung Quốc. Năm 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Nhà nước Việt Nam thống nhất tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… Ngày 14/3/1988, Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực chiếm cứ trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Có thể nói, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là không thể tranh cãi, nhưng đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm cứ. Hành động chiếm cứ lãnh thổ Việt Nam của phía Trung Quốc không những đã xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, mà còn vi phạm thô bạo pháp luật quốc tế.
Vi phạm Điều 33 Hiến chương LHQ, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này.
Ngoài ra, việc Trung Quốc cố tình khẳng định có “chủ quyền” ở Biển Đông theo đường 9 đoạn (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và việc điều tàu thăm dò địa chất số 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với hơn 40 tàu tuần duyên vũ trang tiến sát bãi Tư Chính của Việt Nam là vi phạm Điều 94(1) của Hiến chương LHQ khi không tuân thủ phán quyết của Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của LHQ về Luật Biển trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Vi phạm UNCLOS:
Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của LHQ về Luật Biển trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ra Phán quyết rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để nêu yêu sách đối với vùng nước trong “Đường 9 đoạn” và vì thế Trung Quốc không có quyền thiết lập khu vực 200 hải lý đặc quyền kinh tế tại đây. Chính vì vậy, việc điều tàu thăm dò địa chất số 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với hơn 40 tàu tuần duyên vũ trang tiến sát bãi Tư Chính của Việt Nam hoàn toàn đi ngược lại UNCLOS.
Trung Quốc đã phớt lờ Điều 123 UNCLOS về trách nhiệm của các quốc gia ven biển hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và thực hiện nghĩa vụ của họ; vi phạm Điều 129, Điều 193, Điều 196 UNCLOS về nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.
Vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức.
UNCLOS cũng đã quy định, quốc gia ven biển được hưởng các quyền trong vùng đặc quyền về kinh tế (Điều 55, 56, 57) và thềm lục địa (Điều 76 và 77). Vùng đặc quyền về kinh tế “là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng quy định trong phần này, theo đó, các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh” (Điều 55). Và Vùng đặc quyền về kinh tế “không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải” (Điều 57). Thềm lục địa của một quốc gia ven biển “bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn” (Điều 76). Đây là chủ quyền chuyên biệt, không phụ thuộc vào điều kiện phải có sự chiếm hữu, khai phá hay bắt buộc phải tuyên bố. Mọi sự chiếm cứ của nước ngoài bằng vũ lực hay không bằng vũ lực đều là bất hợp pháp và vô hiệu lực.
Ngoài ra, theo Điều 58 và Điều 78 UNCLOS, tất cả các quốc gia, các loại tàu thuyền, các phương tiện bay có thể lưu thông trên biển hợp pháp nhưng với hành vi triển khai tàu chiến, tàu hải cảnh, hải giám cũng như máy bay tuần tiễu, Trung Quốc không chỉ vi phạm vào quyền tự do hàng hải của Việt Nam, mà tàu thuyền của các quốc gia khác trên thế giới cũng bị đe dọa đến an toàn, an ninh hàng hải. Bên cạnh đó, UNCLOS còn nêu chống đâm va để đảm bảo an toàn hàng hải quốc tế. Những công ước này qui định cho những quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Việt Nam tôn trọng và bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế nhưng những hành vi mà Trung Quốc đã làm trong thời gian qua là không đảm bảo an toàn so với qui định của Công ước.
Vi phạm các nguyên tắc trong tập quán quốc tế:
Vi phạm Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia (Tuyên bố 1970) phù hợp với Hiến chương LHQ được thể hiện trong Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng LHQ (24/10/1970), trong đó quy định rõ: “Lãnh thổ quốc gia không thể bị chiếm đóng quân sự do việc sử dụng vũ lực trái với những điều khoản của Hiến chương LHQ. Lãnh thổ quốc gia không thể bị một quốc gia khác chiếm đoạt là kết quả của việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực. Không một sự chiếm đóng lãnh thổ do việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực nào được công nhận là hợp pháp”.
Vi phạm các Thỏa thuận, tuyên bố chung giữa Trung Quốc với các nước:
Vi phạm DOC giữa Trung Quốc và ASEAN:
Việc Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất số 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với hơn 40 tàu tuần duyên vũ trang tiến sát bãi Tư Chính của Việt Nam vi phạm DOC, cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cụ thể: Vi phạm Điều 2 (Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin và tín nhiệm với các nước ASEAN), Điều 4 (Việc triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa hoàn toàn đồng nghĩa với việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực để răn đe, cảnh cáo các nước liên quan khi tìm cách giải quyết tranh chấp), Điều 5 (Hành động triển khai tên lửa của Trung Quốc gây phức tạp, leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực).
Trung Quốc – Việt Nam: “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký tháng 10/2011 và mới nhất là Thông cáo chung giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đưa ra nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc tháng 5/2017, trong đó nêu rõ hai nước tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, bất kỳ hành vi đơn phương nào của phía Trung Quốc đều không chỉ xâm phạm đến các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam như đã nói ở trên mà còn gây ra căng thẳng, nguy cơ bất ổn và xung đột và ngăn cản việc thực thi các quyền tự do hàng hải, hàng không của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam cần làm gì
Việt Nam có quyền đưa vấn đề này ra thảo luận và được quyền tham dự (Điều 31 Hiến chương LHQ) tại Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA); yêu cầu HĐBA xem xét ra nghị quyết áp dụng các biện pháp cần thiết đối với hành động đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế (Điều 39 Hiến chương LHQ). Theo đó, HĐBA có thẩm quyền điều tra mọi tranh chấp hoặc mọi tình hình có thể dẫn đến sự bất hòa quốc tế hoặc tạo ra tranh chấp, để xác định xem tranh chấp ấy hoặc tình hình ấy nếu kéo dài có thể đe dọa đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế hay không. (Điều 34 Hiến chương Liên Hợp quốc).
Không những vậy, Việt Nam cũng có thể kiện Trung Quốc ra “Tòa án quốc tế về Luật biển” hay “Tòa trọng tài” được thành lập theo đúng Phụ lục VII hay “Tòa trọng tài đặc biệt” được thành lập theo Phụ lục VIII Công ước Luật biển 1982, vì những Tòa này có thẩm quyền xét xử bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước Luật biển 1982. Quy trình vụ việc sẽ được tiến hành theo trình tự: (1) Gửi một thông báo viết tới bên kia. Thông báo có kèm theo bản trình bày các yêu sách và các lý do làm căn cứ cho các yêu sách đó (Điều 1 Phụ lục VII UNCLOS). (2) Tổng thư ký LHQ lập ra và giữ một bản danh sách các trọng tài. Mỗi quốc gia thành viên có thể chỉ định bốn trọng tài có kinh nghiệm về những vấn đề biển và nổi tiếng nhất về sự công bằng, về năng lực và liêm khiết. (Điều 2.1 Phụ lục VII UNCLOS). (3) Toà trọng tài được thành lập gồm có năm thành viên: Bên nguyên cử một thành viên mà mình tuỳ ý lựa chọn ở trên bản danh sách, Bên bị trong vụ tranh chấp cử một thành viên mà mình tuỳ ý lựa chọn trên bản danh sách, Ba thành viên khác được các bên thoả thuận cử ra. (Điều 3 Phụ lục VII UNCLOS). (4) Các quyết định của Toà trọng tài được thông qua theo đa số các thành viên của Toà (Điều 8 Phụ lục VII UNCLOS). (5) Bản án có tính chất chung thẩm và không được kháng cáo (Điều 11 Phụ lục VII UNCLOS).
Ngoài ra, để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông Việt Nam phải huy động và phát huy được sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của khu vực, quốc tế về việc làm chính nghĩa của Việt Nam và phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. Bằng cách là phải thể hiện cho được lập trường rõ ràng, chính nghĩa của Việt Nam, phải công khai minh bạch mọi thông tin có liên quan đến tình hình trên biển, đặc biệt là những diễn biến từ thực địa. Việt Nam cũng cần chủ động và kịp thời lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đúng với tính chất và mức độ vi phạm ngay từ đầu. Tuyệt đối không nên để xảy ra tình huống phải bị động đối phó với tình hình trên thực địa, như vậy sẽ gặp nhiều bất lợi. Tăng cường công tác thông tin truyền thông kịp thời, chuẩn xác, có nội dung khoa học và khách quan, không gây mâu thuẫn, kích động cực tả hoặc cực hữu; các phương án đấu tranh, ứng xử trên thực tế cần đúng thủ tục pháp lý quốc tế và các cam kết khu vực, phải thật sự mềm mỏng, bình tĩnh, khôn khéo với phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến, đó là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo với phương pháp mềm dẻo, linh hoạt đúng quy phạm luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam và các thỏa thuận khu vực, tuyệt đối không để mắc mưu khiêu khích của đối phương. Đặc biệt là tuân thủ sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp có thẩm quyền, phải hết sức kiềm chế, không được manh động, tự do vô tổ chức có thể từ yếu tố chiến thuật sẽ trở thành vấn đề chiến lược; triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý nhất là biện pháp pháp luật trên thực địa và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế và khu vực đối với các hoạt động của nước ngoài nhằm xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong Biển Đông. Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khi cần thiết phải sử dụng đến chế tài quốc tế; tiếp tục tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới và khu vực, yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng UNCLOS, bởi vì Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC, thúc đẩy tiến trình thông qua COC, đặc biệt không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Cuối cùng Việt Nam cũng cần phải cảnh giác trước mọi động tháí của Trung Quốc trên Biển Đông, không loại trừ Trung Quốc sẽ tuyên bố Vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông trong thời gian tới.
Kết luận
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất số 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với hơn 40 tàu tuần duyên vũ trang tiến sát bãi Tư Chính của Việt Nam không chỉ là hành động vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ, UNCLOS, Vi phạm các nguyên tắc trong tập quán quốc tế, Tuyên bố 1970 của LHQ, mà còn đi ngược lại các thỏa thuận song phương, đa phương và cam kết của chính Trung Quốc như DOC, Thỏa thuận song phương Trung Quốc – Việt Nam…
Những hành động trên của Trung Quốc không chỉ phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở châu Á – Thái Bình Dương, mà còn đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, gây ảnh hưởng xấu đến chính hình tượng nước lớn có trách nhiệm mà Trung Quốc đang tự xây dựng, gây mất lòng tin chính trị giữa Trung Quốc với các nước và tạo tiền lệ xấu cho cộng đồng quốc tế khi chỉ muốn dựa vào sức mạnh (quân sự, kinh tế) để áp đặt, xâm chiếm chủ quyền của nước khác.