Tuesday, November 26, 2024

Giấc mơ xa

Giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 không chỉ là sự trông đợi của VN và các nước ASEAN

Tòa án quốc tế La Haye, Hà Lan

Trong cuộc đấu chống lại đòi hỏi chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông, tiếp sau Việt Nam, Philippines là quốc gia có những phản ứng khá mạnh mẽ. Cách đây hơn 6 năm, tháng 1/2013, PLP đã đơn phương đệ trình tranh chấp giữa TQ với nước này ở Biển Đông lên Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) có trụ sở tại La Haye, Hà Lan.

Trước một TQ vượt trội về sức mạnh quân sự, ngày càng hung hăng trên biển Đông, hành động của PLP, có thể nói, là quả cảm. PLP hiểu rằng, bằng hành động này, rất có thể họ sẽ phải trả giá đắt cả về ngoại giao và kinh tế.

Cộng đồng quốc tế, nhất là các nước ASEAN, hồi hộp theo dõi diễn biến vụ kiện, xem đó như phép thử đối với công pháp quốc tế về giải quyết các bất đồng trên biển.

Không công khai, nhưng, nhiều nước mong phần thắng thuộc về PLP. Dễ hiểu: PLP thắng, điều đó thể hiện rằng, chân lý là công bằng, sự thật chứ chứ chân lý không thuộc kẻ mạnh.

Ngay cả Mỹ, khi đó, dù chưa hiện diện hải quân tại biển Đông với tần suất nhiều như hiện nay, cũng ủng hộ vụ kiện. Trong diễn đàn Đối thoại Shangri-La năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng đây là cơ hội để TQ và các nước trong khu vực xây dựng lại quy tắc, quan hệ ngoại giao, làm giảm tranh chấp.

Là quan võ, nhưng cách nói kiểu “ngoại giao” của ông Ashton Carter hàm ý phê phán việc phá vỡ nguyên tắc giữ ổn định tình hình cũng như sự bành trướng của TQ trong khu vực. Cách nói đó không cụ thể, những cũng không hề mơ hồ một quốc gia nào đó ngoài TQ có thể làm kẻ phá bĩnh biển Đông lâu nay.

Hy vọng, nhưng nhiều nhà phân tích thận trọng hơn, tính đến ba khả năng đối với PLP: thua; thắng; và không thua, không thắng.

Sau hơn 3 năm thụ lý, ngày 12/7/2016, PCA ra một phán quyết có thể coi là có hậu: Phần thắng, không thuộc về kẻ mạnh, mà thuộc về kẻ yếu là PLP.

PCA đã “tuyên” 11 điểm, có thể nêu lại khái quát như sau: (1) Bác bỏ yêu sách của TQ về “chủ quyền lịch sử” hoặc các quyền khác trong phạm vi “đường chín đoạn” không phù hợp với quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; (2) Bãi cạn Scarborough và các thực thể thủy triều cao ở quần đảo Trường Sa có lãnh hải nhưng không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa; (3) Bãi Cỏ Mây thứ hai và vùng biển xung quanh nó là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines; (4) TQ chiếm đóng trái phép Đá Vành Khăn nằm trong thềm lục địa của Philippines; (5) TQ ngăn chặn bất hợp pháp Philippines khai thác tài nguyên trong thềm lục địa của nước này; (6) TQ đã vi phạm quyền đánh cá của ngư dân Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của họ; (7) TQ không ngăn chặn ngư dân của họ hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (8) TQ ngăn chặn trái phép hoạt động đánh bắt truyền thống của ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough; (9) TQ dung túng và bảo vệ các tàu cá của họ tham gia các hoạt động khai thác có hại các loài có nguy cơ tuyệt chủng tại Bãi cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây và các thực thể khác ở Quần đảo Trường Sa; (10) TQ đã phá hủy trái phép môi trường biển thông qua việc xây đắp đảo; (11) Trong thời gian đối đầu năm 2012 xung quanh bãi cạn Scarborough, các tàu thực thi pháp luật TQ đã “tạo ra nguy cơ va chạm nguy hiểm nghiêm trọng cho các tàu và nhân viên của Philippines”.

Tiếp theo thời gian hồi hộp chờ kết quả, cộng đồng thế giới thấp thỏm chờ đợi tác động của phán quyết đối với tình hình biển Đông trong sự hoài nghi, cho dù, ngày 25/7/2016, Mỹ, Nhật Bản và Australia – những cường quốc quân sự – đã cùng đưa tuyên bố yêu cầu TQ tuân thủ phán quyết của PAC. Nghĩa là, các quốc gia trên khẳng định tính pháp lý của phán quyết.

Tròn 3 năm sau phán quyết của PCA, ngày 12/7/2019 vừa qua, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington đã đánh giá kết quả thực thi phán quyết.

Theo đó, TQ chỉ tuân thủ một khía cạnh của nội dung thứ 8: bắt đầu cho phép các tàu cá Philippines hoạt động dọc theo bên ngoài rạn bãi cạn Scarborough từ cuối năm 2016. Nội dung thứ 2: do tuyên bố của Bắc Kinh vẫn còn mơ hồ nên chưa thể có đánh giá rõ ràng.

Như vậy, Bắc Kinh đã không thực hiện tới 9/11 nội dung phán quyết. Nói cách khác, họ đã không hề đếm xỉa đến kết quả tòa án của LHQ mà cộng đồng thế giới trông đợi.

Điều này không có gì lạ. Khi Philippines khởi kiện, TQ đã ngay lập tức dội nước lạnh vào hy vọng của các nước ASEAN với tuyên bố sẽ không tham gia quá trình tố tụng cũng như không chấp nhận kết quả của PCA.

Không những vậy, trong 3 năm qua, dường như TQ càng hung hăng hơn. Họ tiếp tục tuyên bố đòi hỏi “chủ quyền lịch sử” trên biển Đông vốn được nêu ra một cách mơ hồ; ngư dân TQ tiếp tục đánh bắt trái phép trong các vùng đặc quyền kinh tế của VN, Philippines và Indonesia; cùng với bồi đắp các đảo nhân tạo, họ tăng cường các khí tài, biến chúng thành các tiền đồn quân sự; nhiều vụ thử tên lửa TQ tiến hành, gần đây nhất là vụ thử tên lửa đạn đạo chống hạm với mục tiêu di động trên biển; các vụ va chạm đáng ngờ của tàu TQ với tàu cá các nước không chấm dứt, nhất là với tàu cá VN và Philippines; TQ tiếp tục tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, bao gồm phần lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và VN; gần đây nhất, TQ còn điều tàu thăm dò dầu khí Haiyang Dizhi 8với sự hộ tống của tàu hải giám và máy bay trực thăng vào khu vực bãi Tư Chính thuộc chủ quyền không thể chối cãi của VN để “khảo sát địa chấn” (?),v.v…

Biển Đông lặng sóng là mong muốn không chỉ của Philippines – bên kiện TQ.

Giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 không chỉ là sự trông đợi của VN và các nước ASEAN.

Nhưng với sự ương ngạnh của TQ thể hiện qua các hành động của họ 3 năm qua sau phán quyết của PCA, mong muốn đó chẳng khác nào một giấc mơ xa.

RELATED ARTICLES

Tin mới