Wednesday, November 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số phân tích về quan hệ Mỹ - Đài Loan -...

Một số phân tích về quan hệ Mỹ – Đài Loan – TQ hiện nay đặt trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Mỹ – Trung 2019

Tiếp sau hàng loạt những cọ xát ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề kinh tế, chính trị, công nghệ đến vấn đề Biển Đông, Hồng Công và hiện nay đang có những dấu hiệu cho thấy hai nước đang tiếp tục đối đầu trong vấn đề Đài Loan.

Mỹ tăng cường mở rộng quan hệ với Đài Loan thông qua hàng loạt động thái, bất chấp phản ứng của TQ

1) Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng (DSCA) của Bộ Quốc phòng Mỹhôm 8/7 cho biết Mỹ sẽ bán vũ khí theo yêu cầu của Đài Loan, bao gồm 108 xe tăng M1A2T Abrams, 250 tên lửa Stinger, súng máy, đạn dược, xe bọc thép Hercules, các thiết bị vận chuyển hạng nặng và các thiết bị liên quan khác.Bộ Quốc phòng Đài Loan đã xác nhận việc đã yêu cầu các vũ khí trên và cho biết yêu cầu đang được xử lý theo tiến trình bình thường. Trong nhiều năm qua, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan và hoạt động này thường gây ra phản ứng quyết liệt từ Bắc Kinh

2) Tháng 4 vừa qua, Chính quyền Mỹ cho biết nước này có kế hoạch bán hơn 60 máy bay chiến đấu F-16 mới cho Đài Loan. Tạp chí Foreign Policy dẫn lời hai quan chức cho biết, đầu năm nay Đài Loan đã chính thức đề nghị mua 66 máy bay F-16 “Block 70”, thế hệ mới nhất của máy bay chiến đấu kế thừa của Lockheed Martin, nhưng thương vụ này đã mất nhiều thời gian thảo luận hơn dự kiến để được tiến hành do các cuộc đàm phán về giá thành và cấu hình của máy bay. Theo một quan chức Chính quyền Mỹ, mục đích là đẩy nhanh thương vụ bán máy bay sang bước tiếp theo trước khi Quốc hội Mỹ bắt đầu kỳ nghỉ. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là bước cuối cùng. Đề nghị này phải được chuyển thành một kế hoạch chính thức từ Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao và sau đó chính thức báo cáo lên Quốc hội.

3) Mỹ đã công khai gọi Đài Loan là “quốc gia” và cờ Đài Loan xuất hiện cả ở buổi lễ có mặt Tổng thống Donald Trump. Hôm 01/6, Đài Loan đã được đặt trong danh sách “các quốc gia” (countries) trên trang của Bộ Quốc phòng Mỹ. Nội dung trang web đó viết về “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương” của Mỹ. Trước đó, Nhà trắng cũng đã đăng trên Instagram hình Tổng thống Donald Trump chúc mừng các học viên tốt nghiệp Học viện Không quân Hoa Kỳ (US Air Force Academy) hôm 30/5, với lá cờ sao trắng của Đài Loan cùng nhiều cờ các nước phía sau. Mới nhất, theo trang South China Morning Post (10/6), Bộ Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ đã đăng ảnh Trung tướng H. Stacy Clardy III bắt tay, trao đổi quà với Thiếu tướng Đài Loan, Lưu Nhĩ Vinh tại một hội thảo ở Honolulu.

4) Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 từ 31/5 đến 2/6, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc liên tục đấu khẩu với nhau liên quan đến vấn đề an ninh trên biển, trong đó có vấn đề chủ quyền Đài Loan. Trong báo cáo Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” dài 55 trang được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố mới đây đã gây bão trong mối quan hệ Trung – Mỹ với 2 dòng ngắn ngủi tại trang 30 khi lãnh thổ Đài Loan được đề cập là “quốc gia” cùng với Singapore, New Zealand và Mông Cổ là các đối tác tin cậy, có năng lực của Mỹ. Ngày 13/6, Ủy ban Quân vụ của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (National Defense Authorization Act) cho năm 2020, kêu gọi cải thiện khả năng phòng thủ của Đài Loan để chống lại sự gia tăng quân sự của Trung Quốc.

TQ phản ứng mạnh đối với chính sách của Mỹ nhằm bảo vệ “lợi ích cốt lõi” là vấn đề Đài Loan, song mới chỉ dừng lại ở những tuyên bố

1) Bắc Kinh (9/7) kêu gọi Mỹ hủy bỏ ngay kế hoạch bán vũ khí và ngăn chặn mọi liên hệ quân sự với Đài Loan để tránh tổn hại cho mối quan hệ song phương. Sputnik dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, việc Mỹ chấp thuận bán vũ khí cho Đài Loan là hành vi tổn hại đến quan hệ song phương và Bắc Kinh phản đối điều này. “Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế. Điều này vi phạm chính sách ‘Một Trung Quốc’ và ba thông cáo chung giữa Mỹ và Trung Quốc”, Người phát ngôn Cảnh Sảng nói. “Đây cũng là một sự can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề đối nội của Trung Quốc, làm tổn hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của đất nước. Chúng tôi bày tỏ sự phản đối về những hành động này”, ông Cảnh nói trong một cuộc họp báo ngắn. “Trung Quốc đang thúc giục Mỹ hủy bỏ ngay kế hoạch bán vũ khí và ngăn chặn mọi liên hệ quân sự với Đài Loan để tránh mọi tổn hại cho mối quan hệ song phương và sự ổn định của chúng tôi gần eo biển Đài Loan”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.

2) Trong vụ việc liên quan kế hoạch bán F-16 của Mỹ cho Đài Loan, Trung Quốc tuyên bố rằng việc Mỹ bán F-16 mới cho Đài Loan sẽ là một “lằn ranh đỏ”. “Lập trường của Trung Quốc kiên quyết phản đối bán máy bay cho Đài Loan là nhất quán và rõ ràng”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã tuyên bố như vậy hồi tháng 3. “Chúng tôi đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn đối với Mỹ. Chúng tôi đã kêu gọi Mỹ nhận thức đầy đủ tính chất nhạy cảm của vấn đề này và tác hại mà nó sẽ gây ra”. Nếu thỏa thuận thực sự tiến triển, điều đó chắc chắn sẽ chọc giận Bắc Kinh vào thời điểm đặc biệt tế nhị đối với quan hệ Mỹ – Trung. Hai quốc gia này mới đây đã đồng ý nối lại vòng đàm phán thương mại trong bối cảnh tranh chấp thương mại trên diện rộng đã gây xáo trộn thị trường toàn cầu.’

3) Trung Quốc cũng đáp trả Mỹ bằng việc liên tục đe dọa thu hồi Đài Loan. Chính quyền Trung Quốc lo ngại rằng, Mỹ đang sử dụng kịch bản tương tự trong chính sách đối ngoại như với Jerusalem và Cao nguyên Golan tại Trung Đông, tiến tới công nhận “Đài Loan là một quốc gia độc lập”. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Những động thái mới đây của Mỹ như đang xát muối vào vết thương của Trung Quốc khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump liên tục công kích Trung Quốc trên nhiều “mặt trận” khác nhau từ thương mại, Huawei, sáng kiến “Vành đai, con đường”, Biển Đông, nay là vấn đề Đài Loan. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh sẽ “kiên quyết phản đối và ngăn chặn mọi âm mưu hay động thái ly khai đòi độc lập cho Đài Loan, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất, kể cả bằng vũ lực. Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay và tàu chiến hoạt động quanh đảo Đài Loan trong các cuộc tập trận vài năm qua và tìm cách gây sức ép buộc nhiều nước trên thế giới cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Trước đó, ngày 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường thông báo ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2019 sẽ tăng 7,5%, lên mức 177,49 tỷ USD; quyết tâm thực hiện chính sách “Một Trung Quốc” và chiến lược “Cường quốc biển”. Với mức tăng này, ngân sách quốc phòng Trung Quốc hiện đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ (nước sẽ chi 750 tỷ USD cho quốc phòng năm 2019). Ngày 2/01, tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày Bắc Kinh gửi thư cho Đài Loan kêu gọi thống nhất và chất dứt đối đầu quân sự, Chỉ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục thể hiện quan điểm “Một đất nước, hai chế độ” trong giải quyết vấn đề Đài Loan. Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình còn tuyên bố cứng rắn, Trung Quốc không loại trừ biện pháp quân sự để thu hồi Đài Loan, khẳng định “thu hồi Đài Loan là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trong thời đại mới”.

Đài Loan tìm cách xích lại gần hơn với Mỹ và thể hiện rõ lập trường với Bắc Kinh về “Đài độc”

1) Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn dự kiến ở Mỹ 4 đêm khi thực hiện chuyến thăm các nước vùng Caribe gồm quốc đảo Saint Vincent và Grenadines, Saint Lucia, Saint Kitts và Nevis cùng Haiti từ ngày 11/7 đến 22/7. Cơ quan phụ trách các vấn đề đối ngoại Đài Loan cho biết lịch trình chuyến đi của bà Thái tại Mỹ vẫn đang được hoàn thiện, lãnh đạo Đài Loan có thể quá cảnh tại thành phố New York và Denver. Thời gian bà Thái dự kiến ở Mỹ lần này dài hơn những dịp trước đây, khi bà thường chỉ ở một đêm để quá cảnh. Bộ Ngoại giao Mỹ chưa bình luận về thông tin này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cho rằng Mỹ không nên cho lãnh đạo Đài Loan quá cảnh trong quá trình đến thăm các quốc đảo vùng Caribe. Đài Loan hiện chỉ có quan hệ ngoại giao với 17 nước trên thế giới, chủ yếu là các quốc gia nhỏ ở Trung Mỹ và Thái Bình Dương. Lần cuối cùng bà Thái đến Mỹ diễn ra hồi tháng 3 năm nay, khi bà dừng chân ở quần đảo Hawaii sau khi hoàn tất chuyến làm việc tại các quốc đảo trên Thái Bình Dương.

2) Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tỏ ra cứng rắn rằng, người dân Đài Loan phản đối chính sách “Một quốc gia, hai chế độ”. Song song với những lời đáp trả đó, ngày 17/1, Đài Loan đã phát động cuộc tập trận quân sự nhằm đối phó với những đe dọa quân sự từ bên kia eo biển, ngăn chặn mọi nguy cơ tấn công đổ bộ bằng đường biển từ phía Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, Lực lượng phòng vệ Đài Loan thời gian gần đây đẩy mạnh việc mua sắm các loại vũ khí hiện đại của Mỹ. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, từ năm 2010 đến nay, Mỹ đã bán cho Đài Loan hơn 15 tỷ USD vũ khí; đang thương thảo để cung cấp hơn 100 xe tăng M1A2 Abrams của tập đoàn Gerneral Dynamics Corp có trị giá khoảng 1,4 tỷ USD, các vũ khí chống tăng và chống máy bay (đạn chống tăng 409 Raytheon Co và tên lửa Javelin do Lockheed Martin sản xuất trị giá 129 triệu USD; 1.240 quả tên lửa chống tăng TOW trị giá khoảng 299 triệu USD; 250 tên lửa đất đối không vác vai 223 triệu USD), với tổng trị giá khoảng 2 tỷ USD. Điều này không thể giúp Đài Loan chiến thắng khi đương đầu với Trung Quốc về mặt quân sự, nhưng nó làm rối loạn trong tính toán của Trung Quốc, giúp Đài Loan an tâm rằng, họ không bị Mỹ bỏ rơi.

Nhận định của giới chuyên gia khu vực và quốc tế

Giải thích về những động thái của Mỹ, Theo Richard Aboulafia, chuyên gia phân tích của Teal Group, “gần như có một sự đồng thuận giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Washington rằng đến lúc phải quyết đoán hơn với Trung Quốc”. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Về vấn đề chính sách, chúng tôi không bình luận hay khẳng định các hợp đồng bán vũ khí được đề xuất cho đến khi chúng chính thức được trình lên Quốc hội”. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia gần đây đưa ra nhận định, trong năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tấn công quân sự để thu hồi Đài Loan. Đây không phải là nhu cầu cố hữu trong quan điểm chính trị các đời lãnh đạo Trung Quốc, nó còn là “chìa khóa” giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng trở thành “Cường quốc biển” trong thế kỷ XXI.

Giải thích về động thái và phản ứng của Trung Quốc, giới quan sát cho rằng: Thứ nhất, Chủ tịch Tập Cận Bình không còn nhiều thời gian. Từ ngày Tưởng Giới Thạch tiến ra Đài Loan (năm 1949), trải qua 70 năm, nền kinh tế Đài Loan đã có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành “con rồng” châu Á. Người dân Đài Loan đang thay đổi rõ rệt về nhận thức, ý thức tự tôn dân tộc, mong muốn Đài Loan độc lập đang là “xu thế chính”, đặc biệt là giới trẻ. Thứ hai, năm 2019 đánh dấu 70 năm thành lập nước CHND Trung Hoa. Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống do cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ (được khởi động lại từ 10/5/2019 sau khi thất bại tại vòng đàm phán thứ 11). Niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đang xuống thấp. Nếu Trung Quốc thu hồi được Đài Loan sẽ là “điểm cộng” rất lớn trong sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình và tiến trình lịch sử của nước CHND Trung Hoa. Thứ ba, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ D. Trump đang có nhiều chính sách và hành động “gây bất lợi” cho Trung Quốc, trong đó tăng cường can thiệp vấn đề Đài Loan; tích cực thể hiện quan điểm “bảo vệ đồng minh Đài Loan đến cùng” trên các diễn đàn, cuộc gặp, hội nghị quốc tế lớn. Trung Quốc vì thế thấy cần có hành động kịp thời để sớm ngăn cản nguy cơ này. Thứ tư, trong chiến lược “Ba nước trở thành cường quốc biển” mà Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Lưu Hoa Thanh vạch ra vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Đài Loan có vị trí đặc biệt quan trọng. Theo tính toán này, năm 2000, Trung Quốc phải làm chủ được “chuỗi đảo đầu tiên”. Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ kiểm soát được “chuỗi đảo thứ hai”. Nhưng đến nay, Trung Quốc vẫn đang loay hoay trong việc thống nhất Đài Loan, nước này vẫn là “chướng ngại vật” của Trung Quốc trên tiến trình trở thành “cường quốc biển”.

Kết luận: Xu hướng chính sách của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan trong thời gian tới sẽ có 3 sự lựa chọn: một là thu phục; hai để Đài Loan độc lập và ba là giữ nguyên hiện trạng. Dù vậy, trong tình thế hiện tại, giữ nguyên hiện trạng chính là sự lựa chọn “khả dĩ” nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Do đó. trong năm 2019, khó có thể nổ ra cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan. Để ngăn chặn Đài Loan độc lập, Trung Quốc sẽ có những biện pháp mạnh về chính trị để làm giảm tham vọng đó của bà Thái Anh Văn. Các biện pháp đó có thể là: 1) Về quân sự, tiến hành các cuộc tập trận quân sự ngay sát biên giới để nâng cao uy thế, răn đe Đài Loan; tăng cường trang bị các loại vũ khí hiện đại có sức sát thương cao. 2) Về kinh tế, thực hiện các biện pháp gây khó dễ cho hàng hóa nhập khẩu của Đài Loan vào Trung Quốc đại lục; kiểm soát nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc vào nước này…; đồng thời có cơ chế giảm số du khách Trung Quốc đến Đài Loan và ngược lại. Năm 2020, Đài Loan có cuộc bầu cử Tổng thống. Đối với Trung Quốc, lãnh đạo Đài Loan là người thuộc Quốc dân Đảng là hay nhất. Do đó, những tuyên bố cứng rắn, chính sách gây khó khăn cho nền kinh tế Đài Loan sẽ là biện pháp giảm uy tín chính trị của Đảng Dân tiến… và bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không muốn một người thuộc Đảng Dân tiến tiếp tục lãnh đạo Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới