Tuesday, January 14, 2025
Trang chủĐàm luận“Cây muốn lặng, gió chẳng đừng”

“Cây muốn lặng, gió chẳng đừng”

Biển Đông tiếp tục nóng lên với những diễn biến cực kỳ phức tạp – như diễn biến tại khu vực bãi Tư Chính của VN trong hơn hai tuần qua. Nguyên nhân của những diễn biến nghiêm trọng đó là sự gây hấn của TQ.

Tàu tuần tra của TQ trên Biển Đông

Biển Đông đang tiếp tục nóng lên từng ngày. Nguồn cơn của sự việc là từ đầu tháng 7 này, TQ cho tàu thăm dò dầu khí Haiyang Dizhi 8 đi vào vùng biển gần bãi cạn Tư Chính – khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, để thực hiện cái mà TQ gọi là một cuộc “khảo sát địa chấn” (?).

Không chỉ VN – quốc gia bị xâm phạm về chủ quyền phản đối, dư luận thế giới đều thể hiện thái độ không đồng tình với hành động ngang ngược của TQ. Sự lên tiếng của Mỹ còn mạnh mẽ hơn, coi đó là hành động “bắt nạt” láng giềng. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhận định, Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách hành xử cưỡng bách đối với các nước Đông Nam Á.

 GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales – Úc) – một chuyên gia uy tín về biển Đông cho rằng: “Theo UNCLOS, Trung Quốc không được khảo sát thủy văn, địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam nếu không được Việt Nam cho phép trước khi khảo sát”.

Đồng thời, ông Carlyle Thayer cũng vạch rõ âm mưu của TQ là luôn tìm cách để Việt Nam tham gia các liên doanh với với họ, coi đây là cách đi đường vòng, tránh các tuyên bố pháp lý của Việt Nam về quyền tài phán đối với tài nguyên biển và đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Vụ việc cho thấy TQ quyết tâm đến mức nào trongviệc theo đuổi mục tiêu tham lam độc chiếm biển Đông của họ. Vụ việc cũng cho thấy, TQ âm mưu của TQ thâm hiểm như thế nào – như GS Carlyle Thayer đã chỉ rõ.

Hành động ngang ngược của TQ, ngẫu nhiên, trùng với thời điểm thế giới nhìn lại 3 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực LHQ (PCA) có trụ sở tại La Haye, Hà Lan trong vụ Philippines kiện TQ.

Ba năm trước đây, ngày 12/7/2016, PCA đưa ra phán quyết, nhưng vụ kiện của Philippines bắt đầu từ trước đó, vào năm 2013.

Philippines kiện TQ trong tình thế “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”. Cũng như VN, Philippines luôn bị TQ bắt nạt. Trước một TQ ngày càng ngang ngược, quá quắt, trong thế không thể so với TQ về sức mạnh, Philippines hy vọng rằng, biết đâu, sự lên tiếng của luật pháp quốc tế sẽ thức tỉnh được một TQ hung hăng, từ đó, kiềm chế bớt tham vọng của “người hàng xóm khó chịu”.

Tuy nhiên, ngay từ khi vụ kiện bắt đầu, giới nghiên cứu đã không mấy lạc quan. Trước hết, họ hoài nghi liệu PCA có công bằng ?

Sau nữa, câu hỏi đặt ra là: cho dù PCA ra được một phán quyết khách quan thì liệu, giá trị của nó của được như kỳ vọng, nghĩa là có giúp gì cho việc giữ biển Đông ổn định ?

Nhiều chuyên gia quốc tế khi đó đã dự đoán TQ chắc chắn sẽ không tham gia vụ kiện. Vậy nên, cho dù có một kết quả lạc quan nhất với phần thắng thuộc về Philippines, TQ cũng sẽ không thực thi, bởi các chuyên gia quá hiểu cách hành xử của TQ lâu nay.

TQ luôn vỗ ngực là cường quốc “trỗi dậy hòa bình”. TQ luôn to tiếng đề cao đạo đức, đề cao pháp luật pháp. TQ luôn la lối rằng, họ là nạn nhân, bị các nước khác tranh chấp chủ quyền ở biển Đông,v.v…Vậy thì dùng luật pháp để phân xử thì là hợp lý còn gì ?

Tuy nhiên, khi có một bên liên quan trực tiếp muốn phân sử tranh chấp, phân xử phải/trái thông qua PCA – một tòa trọng tài của LHQ, thì họ lại từ chối không tham gia. Lý do không tham gia mà TQ nêu chủ yếu dựa trên sự diễn giải chủ quan đối với các quy định của UNCLOS nói riêng – mà TQ là một thành viên – và luật pháp quốc tế nói chung theo hướng có lợi cho Trung Quốc, bất chấp các thực tiễn pháp lý và án lệ quốc tế. Trong khi đó, TQ tiếp tục khăng khăng về cái gọi là đường 9 đoạn tù mù để đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông như kiểu lý sự của kẻ cùn.

Thực chất, việc từ chối không tham gia vụ kiện, tự nó nói lên rằng: TQ đuối về lý. Đuối về lý nên TQ thừa biết, trong cuộc đấu pháp lý đó, họ không có cơ hội thắng.

Một khi đã không tham gia vụ kiện, họ cũng bất chấp dư luận quốc tế, phủ nhận luôn phán quyết của PCA, cho dù PCA đã công phu thụ lý vụ kiện trong 3 năm với sự tham gia của các luật sư có uy tín, cũng như bất chấp việc cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều cường quốc ủng hộ và cho rằng, phán quyết cần phải được các bên liên quan tuân thủ nghiêm túc.

Ba năm đã trôi qua, cộng đồng quốc tế đều thấy phán quyết của PCA không hề được TQ thực thi. Tình hình biển Đông tiếp tục nóng lên với những diễn biến cực kỳ phức tạp – như diễn biến tại khu vực bãi Tư Chính của VN trong hơn hai tuần qua – mà nguyên nhân, nguồn cơn cũng là từ sự gây hấn của TQ.

RELATED ARTICLES

Tin mới