Ông Donald Trump chịu sức ép lớn từ ngành sản xuất LNG, thiệt hại do thương chiến không kém cạnh nông nghiệp.
Chuyên gia hàng đầu về khí và điện tại S&P Global Platts Ira Joseph mới đây đã đưa ra nhận định về thiệt hại của Mỹ trong thương chiến với Trung Quốc.
Nếu Mỹ áp đặt thêm các mức thuế mới nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, nó sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành công nghiệp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ.
Chuyên gia Ira Joseph cho rằng, thuế sẽ làm tăng các chi phí sản xuất khi Mỹ nhập khẩu thép và các nguyên liệu đầu vào khác để xây dựng các nhà máy LNG mới.
Nhận định này được hưởng ứng bởi đại diện một công ty tư vấn về năng lượng ở Mỹ.
Đồng sáng lập và Chủ tịch công ty tư vấn LNG GasVista (có trụ sở tại New York), ông Leslie Palti-Guzman cho biết, việc xây dựng nhiều dự án LNG hướng tới xuất khẩu tại Mỹ đã bị chậm lại vài tháng cho đến vài năm. Sự chậm trễ là do các vấn đề kỹ thuật hoặc vì các nỗ lực nhằm giảm sản lượng trong bối cảnh dư thừa nguồn cung.
Vấn đề thị trường là điều các nhà kinh doanh năng lượng khó có thể can thiệp. Tuy nhiên, Mỹ có thể thay đổi các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề kỹ thuật, cụ thể ở đây là việc xây dựng các nhà máy LNG. Chi phí xây dựng LNG đã quá cao do tăng giá vật liệu xây dựng vốn bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa ra.
Năm 2018, Mỹ đã áp thuế 25% và 10% lần lượt đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ các đối tác thương mại chính, bao gồm các ông lớn là Nga và Trung Quốc.
Nhận định mới từ chuyên gia có thể gia tăng thêm áp lực từ các nhà đầu tư năng lượng tới chính quyền Tổng thống Donald Trump, có thể buộc nhà lãnh đạo Mỹ phải thay đổi chính sách thuế của mình.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Donald Trump đã thực hiện hàng loạt động thái nhằm thúc đẩy ngành năng lượng Mỹ vươn lên đứng đầu thế giới.
Bài phát biểu chính sách lớn đầu tiên của ông khi vận động tranh cử được diễn ra tại khu vực khoan dầu thuộc North Dakota hồi năm 2016, tập trung vào kế hoạch mở khóa sản xuất năng lượng trong nước của Mỹ. Đây cũng là vấn đề trọng tâm trong 5 tháng đầu tại nhiệm sở của ông Trump, khi ông đưa ra một loạt chính sách trái ngược với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người vốn không khuyến khích sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Ông Trump đã gây nên chú ý trong những tuần đầu tiên giữ chức Tổng thống bằng việc yêu cầu Bộ Nưng lượng Mỹ tập trung vào chuyện xuất khẩu năng lượng. Trong bài phát biểu ở cơ quan này lần đầu tiên làm việc trên cương vị Tổng thống, ông Trump đã mô tả về cách làm thế nào việc bán dầu khí và than đá ở nước ngoài giúp tăng sức ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế, giúp ổn định hóa thị trường toàn cầu và thắt chặt liên minh trên thế giới.
Không lâu sau, đồng minh thân cận của Mỹ là châu Âu đã đón nhận các lô hàng LNG của Mỹ theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc chấp thuận mua hoặc ép phải mua.
Quốc gia châu Âu muốn chống lại sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga như Ba Lan đã rất hào hứng để mua LNG của Mỹ. Trong khi đó, Đức là một trong số quốc gia khác chấp nhận mua LNG Mỹ để được tiếp tục hợp tác năng lượng với Nga.
Đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump, chính sách “thống trị năng lượng” có nghĩa là giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu và tăng xuất khẩu để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia và ảnh hưởng chính trị của Washington ở nước ngoài. Nhưng các đồng minh châu Âu lại cho thấy đó là cách làm để khống chế thị trường tự do của họ.
Mỹ hiện chủ yếu xuất LNG tới châu Âu nhiều hơn sang châu Á cũng do yếu tố này. Một phần nữa, giá LNG tại châu Á đang giảm mạnh và sự chênh lệch về giá giữa các thị trường Mỹ và châu Á không cho phép vận chuyển hàng đường dài.
Tuy nhiên, do chính sách thuế quan mà Mỹ đã áp đặt lên nước ngoài ảnh hưởng tới ngành khai thác năng lượng, ông Donald Trump có thể sẽ phải xem lại chiến lược xuất khẩu năng lượng của mình.
Chính sách thuế quan đối với thép và nhôm đã ảnh hưởng gián tiếp tới ngành năng lượng Mỹ- một trong những trụ cột trong chính sách của ông Trump. Điều này cũng tương tự cách ông Trump tiến hành chiến tranh kinh tế với Trung Quốc đã khiến nông nghiệp Mỹ chịu hậu quả.
Có thể sức ép từ các nhà thầu năng lượng Mỹ sẽ phải khiến ông Trump xem lại chính sách năng lượng của mình, hoặc phải thay đổi chính sách thuế quan. Trong một kịch bản căng thẳng hơn, chính phủ Mỹ có thể sẽ phải tính tới kịch bản trợ cấp cho các nhà thầu năng lượng tương tự như cách Nhà Trắng đã phải rót tiền trợ cấp cho nông dân Mỹ.