Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài...

Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài tiếp tục gia tăng

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, trong 6 tháng (từ 16-12-2018 đến 25-6-2019) đã xảy ra 64 vụ/110 tàu/775 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, bị xua đuổi, bắt giữ, tăng 15 vụ/19 tàu/87 ngư dân so với cùng kỳ năm ngoái.

Vụ việc gia tăng

Theo thông tin trên, trong 6 tháng đầu năm 2019, đã xảy ra 64 vụ/110 tàu của ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, bị xua đuổi, bắt giữ; tăng 15 vụ so với cùng kỳ năm 2018.

Theo giới truyền thông, tàu cá Việt Nam bị bắt do vi phạm vùng biển các nước, xảy ra đối với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines Campuchia và các nước, quốc đảo Thái Bình Dương như Úc, PaLau, Papau New Guinea…, phần lớn xuất phát từ lợi ích kinh tế, khiến một số ngư dân cố tình vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép, đồng thời xuất hiện đường dây môi giới để đưa ngư dân đi khai thác trái phép.

Được biết, để phục vụ kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển cho 31.500 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên và sử dụng hệ thống giám sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh Movimar (được triển khai từ năm 2012). Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân bổ, lắp đặt lại 2.048 thiết bị Movimar, trong đó có 1.622 thiết bị lắp cho tàu cá từ 24m trở lên và 426 thiết bị lắp cho tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m làm nghề câu cá ngừ và tàu lưới kéo.

Khai thác, đánh bắt hải sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế

Theo các số liệu thống kê, hiện có tới 11.000 loài sinh vật thuỷ sinh và 1.300 loài sinh vật trên đảo đã được biết đến trong các vùng biển – đảo Việt Nam, trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy và 2.000 loài cá. Có 83 loài sinh vật biển được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (37 loài cá, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài động vật hai mảnh vỏ và 3 loài mực). Biển Việt Nam có 110 loài cá kinh tế (trích, thu, ngừ, bạc má, hồng…) thuộc 39 họ, tổng trữ lượng cá biển khoảng 3 – 3, 5 triệu tấn và khả năng khai thác cho phép là trên một triệu tấn mỗi năm. Trong số nguồn lợi về cá, thì cá nổi đóng vai trò rất lớn. Những đánh giá gần đây cho thấy, trữ lượng cá nổi trung bình ở các vùng biển Việt Nam vào khoảng 2.744.900 tấn và khả năng khai thác là 1.372.400 tấn. Trong đó, vịnh Bắc Bộ: trữ lượng là 433.100 tấn và khả năng khai thác là 216.500 tấn; Trung Bộ: trữ lượng là 595.600 tấn và khả năng khai thác là 297.800 tấn; Đông Nam Bộ: trữ lượng là 770.800 tấn và khả năng khai thác là 385.400 tấn; Tây Nam Bộ: trữ lượng là 945.400 tấn và khả năng khai thác là 472.700 tấn. Trữ lượng cá nổi chiếm 54,37% tổng trữ lượng cá. Tỷ lệ cá nổi trong tổng trữ lượng cá ở vùng biển Việt Nam: vùng biển vịnh Bắc bộ (83,3%), Miền Trung (89,0%), Đông Nam Bộ (42,9%), Tây Nam Bộ (62%), các gò nổi (100,0%) và trung bình cho toàn vùng biển là 63,0% (bảng 2).

Ngoài ra, còn có nguồn lợi động vật thân mềm (hơn 2.500 loài) với trữ lượng đáng kể, có giá trị kinh tế cao. Rong biển có hơn 600 loài (sử dụng cho chế phẩm công nghiệp 24 loài, dược liệu 18 loài, thực phẩm 30 loài, thức ăn gia súc 10 loài và phân bón 8 loài). Trong vùng biển Việt Nam còn có nhiều loại động vật quý như đồi mồi, rắn biển, chim biển và thú biển. Vì nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, trong các vùng biển của Việt Nam còn có các hệ sinh thái rừng ngập mặn. hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái đảo, hệ sinh thái bờ đá, hệ sinh thái cồn cát… Trong các hệ sinh thái này, tính đa dạng sinh học rất cao. Tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ trong các vùng cửa sông, đầm phá và vũng vịnh và vùng biển ven bờ rất lớn. Diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam khoảng 2 triệu héc – ta (thực tế năm 2001 mới sử dụng 755.000 ha mặt nước), bao gồm 3 loại hình mặt nước đó là nước ngọt, nước lợ và vùng nước mặn ven bờ, có thể nuôi trồng các loại đặc sản như tôm, cua, rong câu, nuôi cá lồng… Nuôi trồng sinh vật biển cũng đã đóng góp một sản lượng lớn thuỷ sản cho thực phẩm, dược phẩm, vật liệu công nghiệp, mỹ nghệ, v.v. phục vụ cho cuộc sống.

Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, tổng trữ lượng hải sản biển Việt Nam dao động trong khoảng 3,1 – 4,2 triệu tấn, với khả năng khai thác 1,4 – 1,6 triệu tấn; khoảng 0,058 triệu tấn tôm biển và 0,123 triệu tấn mực. Tiềm năng nguồn lợi hải sản của Việt Nam rất lớn nhưng khả năng khai thác còn hạn chế: chỉ mới tập trung khai thác ở ven bờ gây nên sự mất cân đối làm cho nguồn hải sản ven bờ nhanh chóng bị cạn kiệt. Để khai thác được nguồn lợi hải sản xa bờ có hiệu quả, từ năm 1997, Việt Nam đã có chủ trương và cung cấp vốn ưu đãi cho việc đóng tàu, mua sắm trang bị đánh bắt xa bờ, đồng thời cũng ban hành một số cơ chế chính sách ưu đãi nhằm đẩy mạnh chương trình khai thác hải sản ở các vùng biển xa bờ.

Trong khoảng thời gian 20 năm qua, nghề cá của Việt Nam bao gồm cả đánh bắt và nuôi trồng đều có xu hướng liên tục tăng cả đánh bắt và nuôi trồng. Về nuôi trồng, từ năm 2010 đến nay, diện tích và sản lượng nuôi trồng hải sản nược lợ, mặn liên tục tăng lên. Các hình thức và chủng loại nuôi trồng cũng trở nên đa dạng hơn (nuôi tôm, cua, cá trong đầm; trong lồng, bè – đối với một số cá đặc sản và tôm hùm; nuôi các lạo thân mềm như ốc hương, vẹm xanh, tu hài, ngao…). Phương thức nuôi cũng càng ngày càng hiện đại hơn: từ nuôi quảng canh sang thâm canh và nuôi công nghiệp. Do đó, các sản phẩm đạt chất lượng cao hơn và được xuất khẩu rộng rãi hơn thông qua chế biến.

Tuy nhiên, phương thức khai thác, đánh bắt hải sản của Việt Nam vẫn mang tính nhỏ lẻ, thủ công và mang tính chụp giật, khiến hiệu quả khai thác không cao và tác động lớn đến môi trường sinh thái, cân bằng nguồn lợi thủy sản. Số lượng tàu cá của Việt Nam còn ít, chủ yếu là các tàu có công suất, trọng tải thấp, trang thiết bị phục vụ đánh bắt cá còn thô sơ.

Làm gì để hạn chế tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Việt Nam đã đưa ra nhiều quy định, biện pháp cụ thể để ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, tổ chức buổi làm việc giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU và Bộ Quốc phòng để thống nhất giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bộ Quốc phòng chủ trì và phối hợp với UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất bến, nhập bến; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ tại Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá.

Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; tổ chức, cá nhân sử dụng biển số giả, sơn tàu cá giống tàu cá nước sở tại để đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; khởi tố hình sự một số vụ việc điển hình để răn đe.

Về triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí kinh phí thuê hạ tầng thông tin phục vụ giám sát hành trình tàu cá, hoàn thành trong tháng 7/2019. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, Bộ Tài chính phải chủ động hướng dẫn và cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ ngay, không để ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân đã được pháp luật quy định.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai hạ tầng thông tin phục vụ giám sát tàu cá, Dự án Thông tin nghề cá giai đoạn II; phối hợp trong việc lựa chọn, đánh giá các đơn vị tư vấn kỹ thuật, cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định. Tiếp tục giao và chỉ đạo Tập đoàn viễn thông Việt Nam (VNPT) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) triển khai thí điểm hệ thống VNPT-VSS.

Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tăng cường chỉ đạo, tổ chức lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá theo quy định.

Ngoài ra, các địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong việc chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và sâu rộng trong cộng đồng. Chú trọng thực hiện các phóng sự, chuyên mục trên báo, đài về việc ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Công bố tàu cá, chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trên thông tin đại chúng và công khai tại địa phương. Tổ chức cho chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép.

Tiếp đến, các lực lượng chức năng cần tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất và nhập bến; kiên quyết không cho ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định, tập trung theo dõi những tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài; tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, nhất là tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn và kiên quyết xử lý nghiêm các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản. Tăng cường công tác điều tra, xác minh các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu móc nối đưa tàu cá đi khai thác vùng biển nước ngoài, môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép, đưa ra khởi tố hình sự những vụ điển hình đối với các tổ chức cá nhân vi phạm. Hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký, báo cáo khai thác hải sản, đồng thời xử lý các trường hợp không ghi nhật ký hoặc ghi sơ sài, không đúng quy định.

RELATED ARTICLES

Tin mới