Lần đầu tiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với một công ty Trung Quốc vì liên quan đến Iran, một quyết định chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, và đương nhiên là với cả Tehran.
Một tàu chở dầu cập cảng Trung Quốc – Ảnh: Reuters
Lần đầu tiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp dụng các trừng phạt kinh tế đối với một công ty Trung Quốc vì liên quan đến Iran, một quyết định chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, và đương nhiên là với cả Tehran.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với một công ty thương mại dầu khí thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc và giám đốc điều hành của họ vì việc mua dầu của Iran vi phạm lệnh cấm của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm qua, 22.7.
Trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại tại hội nghị của các cựu chiến binh ở Florida, ông Pompeo nói rằng công ty Zhuhai Zhenrong (Chu Hải Chấn Nhung) và giám đốc điều hành Li Youmin, đã vi phạm các hạn chế của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran. Do đó, Mỹ đã trừng phạt công ty Zhuhai Zhenrong và ông Li Youmin vì các hành động bất chấp các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran. Bộ Tài chính Mỹ, nơi thi hành các lệnh trừng phạt, đã bổ sung các cái tên từ Trung Quốc được ông Pompeo công bố vào danh sách đen.
Động thái này chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đang đối đầu trong cuộc chiến thương mại kéo dài và cuộc cạnh tranh chiến lược kéo dài trên toàn cầu. Đồng thời, động thái này cũng sẽ đổ thêm dầu vào một cuộc khủng hoảng ở khu vực Vịnh Ba Tư, nơi Mỹ và Iran đang liên tục các vụ va chạm, triệt hạ thiết bị bay của nhau.
Dầu là nguồn thu lớn nhất đối với Iran và chính quyền Trump đặt mục tiêu đưa lượng xuất khẩu đó về 0 như một phần của chiến dịch trừng phạt nhằm buộc Tehran kiềm chế mọi “tham vọng có thể có” liên quan đến phát triển vũ khí hạt nhân và ngưng hỗ trợ các phong trào du kích ở Trung Đông.
Năm ngoái, sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với các cường quốc thế giới năm 2015, ông Trump đã tuyên bố các lệnh trừng phạt lớn đối với Iran. Dù vậy, chính quyền Trump đã cho phép 8 chính phủ tiếp tục mua dầu từ Iran trong vòng nửa năm tính từ tháng 11 năm ngoái. Thời hạn đó đã kết thúc vào tháng 5 vừa qua. Chính quyền Trump cho biết 5 quốc gia thực sự còn mua dầu từ Iran phải dừng tất cả việc nhập khẩu dầu.
Trong khi đó, Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran. Zhuhai Zhenrong và Sinopec, một doanh nghiệp nhà nước khác, là hai công ty chính của Trung Quốc nhập khẩu dầu của Iran. Các quan chức ở Bắc Kinh cho biết họ không đồng ý với các lệnh trừng phạt của Mỹ và sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu từ Tehran.
Trung Quốc liên tục phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Vào giữa tháng 6, Trung Quốc đã nhận được chuyến hàng dầu Iran đầu tiên kể từ khi thời hạn cho nhập dầu Iran của chính quyền Trump chấm dứt hôm 2.5, tờ Financial Times đưa tin, trích dẫn dữ liệu từ TankerTrackers, trang theo dõi các chuyến hàng dầu qua tín hiệu và hình ảnh vệ tinh. Theo đó, tàu chở dầu Salina, có thể chở tới một triệu thùng dầu thô, đã cập cảng ở vịnh Jianzhou, gần thành phố duyên hải phía đông Thanh Đảo, vào ngày 20. 6 và dỡ hàng trong hai ngày.
Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, người của đảng Cộng hòa, đã kêu gọi chính quyền Trump hành động cứng rắn hơn để chấm dứt toàn bộ việc xuất khẩu dầu của Iran. Sau khi Financial Times công bố báo cáo vào ngày 26.6, ông Rubio đã viết trên Twitter: “Chính quyền đã ngừng ban hành lệnh miễn trừ đối với xuất khẩu dầu của Iran vào tháng 5, nhưng Trung Quốc mới nhận được lô dầu lớn từ Iran”.
Còn báo Bloomberg hôm qua đưa tin: Các tàu chở dầu đã dỡ hàng triệu thùng dầu ‘made in Iran’ tại các cảng của Trung Quốc, nơi dầu đang được giữ trong kho được gọi là kho lưu trữ ngoại quan. Nguồn tin này khẳng định dầu đã không thông qua hải quan Trung Quốc hoặc hiển thị trên dữ liệu nhập khẩu quốc gia và về mặt kỹ thuật, có thể không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ vì nó vẫn thuộc sở hữu của Iran. Nói tóm lại, Trung Quốc tìm cách lách luật chơi của Mỹ nhưng Mỹ không bỏ qua.
Hồi tháng 3, Mỹ cũng từng áp biện pháp trừng phạt lên hai công ty vận tải biển Trung Quốc mà Washington cho là giúp Triều Tiên “lách” lệnh trừng phạt quốc tế về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt đối với Dalian Haibo International Freight Co Ltd và Liaoning Danxing International Forwarding Co Ltd, hai công ty có trụ sở ở Trung Quốc. Lệnh trừng phạt cấm các cá nhân và tổ chức ở Mỹ có giao dịch với hai công ty, và đóng băng bất kỳ tài sản nào mà hai công ty này có ở Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ khi ấy cho biết Đại Liên Haibo đã cung cấp hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ cho Paeksol Trading Corp, một công ty Triều Tiên từng nằm trong danh sách đen của Mỹ vì tham gia buôn bán kim loại, than đá. Trong khi đó, Liêu Ninh Danxing hoạt động trong ngành vận tải ở Triều Tiên và “thường xuyên sử dụng các hành vi lừa đảo” giúp các quan chức mua sắm hàng hóa xa xỉ ở châu Âu rồi chuyển về Bình Nhưỡng.
Với những động thái vừa qua thì có thể thấy rằng chưa khi nào mà các chính quyền Mỹ sau thời Chiến tranh lạnh lại tỏ ra cứng rắn trong việc áp dụng biện pháp cây gậy một cách mạnh mẽ như dưới thời ông Donald Trump, đặc biệt là áp dụng với Trung Quốc.