Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. hôm 8/7 cho biết nước này đã chấp nhận điều khoản tham chiếu về thỏa thuận khai thác chung dầu khí ở Biển Đông của Trung Quốc, cho rằng phía Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ và “vượt trội” hơn so với các nội dung mà phía Philippines đưa ra. Những điều khoản tham chiếm mà phía Philippines đề cập đến được cho là về mục đích và cấu trúc của các dự án hợp tác khai thác chung giữa hai nước.
Ngày 20/11/2018, trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ký Thỏa thuận với tên gọi chính thức “Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển dầu khí”. Ngoại trưởng Philippines Locsin lúc đó cho biết “Biên bản ghi nhớ này không tạo ra các quyền hoặc nghĩa vụ theo luật quốc tế hoặc luật quốc gia. Bản chất của thông tin là ngẫu nhiên. Bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến bản ghi nhớ có thể được hai chính phủ cùng tham gia với ủy ban hoặc nhóm làm việc”.
Những tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines khiến những người theo đuổi và ủng hộ chủ trương hợp tác chung với Trung Quốc tại Philippines vui mừng, song đây dường như mới chỉ là động thái để nhắc dư luận rằng vấn đề này vẫn đang “sống” và được hai bên thúc đẩy. Tuy nhiên, với những người hoài nghị hay phản đối thì cả Philippines và Trung Quốc đang gặp khó khăn và khó có thể đạt được thỏa thuận thực sự hoặc triển khai nó một cách hiệu quả.
Thứ nhất, về lý thuyết, đây là giải pháp cùng thắng cho câu hỏi hóc búa về các tranh chấp hàng hải tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, Philippines có nguy cơ không chỉ vi phạm Hiến pháp cũng như Luật pháp quốc tế mà còn tiếp tay cho hành động bất hợp pháp của Trung Quốc tuyên bố đường chín đoạn phi lý tại Biển Đông.Kể từ khi ông Duterte lên làm Tổng thống, Philippines đã thay đổi nhanh chóng từ một nước đi đầu trong việc chỉ trích Trung Quốc thành một trong những đối tác chiến lược gần gũi nhất của Bắc Kinh. Ưu tiên của Tổng thống Duterte là giảm nhẹ căng thẳng tại Biển Đông, tập trung vào lợi ích chung và thu hút nhiều nhất có thể các khoản đầu tư của Trung Quốc – đặc biệt là đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Sốt sắng trong việc gạt các tranh chấp sang một bên, ông Duterte còn đi xa hơn khi liên tục nêu lên triển vọng về việc đồng sở hữu các nguồn tài nguyên tranh chấp gồm hải sản và khí hydrocacbon tại Biển Đông. Ngược lại, người tiền nhiệm của ông là cựu Tổng thống Benigno Aquino đã đưa ra một quyết định chưa từng có là kiện Trung Quốc ra Tòa thường trực (PCA) để thách thức những tuyên bố mở rộng chủ quyền phi pháp của nước này tại Biển Đông.
Đây là một sự thay đổi đáng chú ý của một trong những mối quan hệ ồn ào nhất trên thế giới. Đến tháng 3/2018, trong chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano, ý tưởng về việc chia sẻ tài nguyên tại Biển Đông giữa hai nước đã chính thức được công bố. Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines cho rằng hiện mối “quan hệ giữa hai nước đang ở thời điểm vàng” và nhắc lại rằng chính phủ Philippines hy vọng “các tranh chấp hiện tại sẽ biến thành tình bạn và sự hợp tác giữa hai đất nước”. Ông đã thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị về khả năng thăm dò dầu khí ngoài khơi giữa hai bên. Hai bên nhất trí thăm dò (dầu khí) một cách thận trọng, ổn định, phù hợp với thỏa thuận đươc cả hai phía chấp nhận, dựa trên khung pháp lý phù hợp và không làm dấy lên các câu hỏi về chủ quyền.
Thứ hai, theo điều 9 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) thì một thỏa thuận hợp tác khai thác chung là giải pháp chấp nhận lẫn nhau giữa hai hay nhiều quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên biển chồng lấn lẫn nhau.Trong điều kiện này, các bên tranh chấp có thể phân định ranh giới chồng chéo của mình và cùng nhau phát triển, chia sẻ tài nguyên tại khu vực tương ứng. Tuy nhiên, đề xuất JDA này phải đối mặt với những rắc rối. Đầu tiên, thỏa thuận hợp tác khai thác chung này có thể vi phạm Hiến pháp Philippines (chương 2, điều 12), trong đó đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt về việc thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ). Theo Hiến pháp Philippines, bất kỳ liên doanh phát triển chung nào với một thực thể nước ngoài phải được xác nhận là thừa nhận chủ quyền của Philippines đối với vùng biển đó. Thẩm phán tạm quyền Tòa án tối cao Philippines đã nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận chia sẻ tài nguyên nào trong vùng biển chủ quyền của Philippines đều là trái với Hiến pháp và sẽ dẫn tới việc luận tội người cho phép thực hiện thỏa thuận đó. Hơn nữa, bất kỳ JDA nào cũng đều vi phạm phán quyết năm 2016 của Tòa PCA, trong đó bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc. Phán quyết đó là “cuối cùng” và “ràng buộc” theo luật quốc tế, nêu rõ việc Philippines và Trung Quốc không có vùng chống lấn tại EEZ và do đó không có cơ sở cho JDA.
Thứ ba, không có sự khuyến khích cho một thỏa thuận JDA giữa Philippines và Trung Quốc. Cần nhớ lại rằng, năm 2005, một thỏa thuận với tên gọi thăm dò địa chấn chung (JMSU) giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đã bị Tòa án tối cao Philippines tuýt còi vì có khả năng vi phạm Hiến pháp Philippines. Thỏa thuận này bị đổ vỡ vào năm 2008 khi Philippines và Việt Nam từ chối gia hạn thỏa thuận do những phản đối rầm rộ từ trong nước. Tuy nhiên, có một phương án khả thi hơn là lựa chọn hợp đồng dịch vụ, theo đó Philippines ký hợp đồng phụ với một công ty năng lượng Trung Quốc để cùng nhau thăm dò, khai thác nguồn khí hydrocarbon trong vùng biển của Philippines. Trên thực tế hiện có một đề xuất giữa Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOC) và Công ty năng lượng quốc gia Philippines (PNOC) để khai thác các nguồn khí hydrocarbon tại quần đảo Calamian, nằm ngoài khơi bờ biển Palawan, Philippines. Quan trọng là khu vực này nằm ngoài đường chín đoạn của Trung Quốc và không phải là vùng biển tranh chấp giữa hai nước. Và đề xuất thứ hai là thăm dò chung tại khu vực giàu tài nguyên Reed Bank (Bãi Cỏ Rong). Nhưng khu vực này lại rơi vào đường 9 đoạn của Trung Quốc và không chắc rằng Trung Quốc sẽ thừa nhận chủ quyền của Philippines tại đây. Thực hiện JDA tại Reed Bank sẽ khiến cho Philippines từ nay trở đi chịu rủi ro đối với các tuyên bố mở rộng chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc cũng như vi phạm cả Hiến pháp Philippines và phán quyết năm 2016 của PCA.
Cho đến nay vẫn chưa rõ ràng về việc liệu hai bên tìm kiếm một thỏa thuận hợp tác khai thác chung thực tế hay là một thỏa thuận chia sẻ tài nguyên linh hoạt hơn. Có lẽ điều tốt nhất là hai nước bắt đầu với các hợp đồng dịch vụ với các cơ chế ít tính nhạy cảm hơn như việc thiết lập các khu bảo tồn biển tại vùng biển tranh chấp như bãi Scarborough. Tuy nhiên, tại thời điểm này khi mà hai bên đang thảo luận về thỏa thuận hợp tác khai thác chung thì điều đó có nghĩa là đã ngầm thừa nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Điều này ngăn cản các quốc gia có tuyên bố chỉ trích Trung Quốc về các hành động mở rộng chủ quyền tại Biển Đông. Đó lại chính là những gì mà Trung Quốc mong muốn.
Cuối cùng, hàng loạt chuyên gia Philippines và quốc tế liên tục cảnh báo về những hệ lụy khó lường cho nước này lẫn tình hình khu vực xuất phát từ kế hoạch thăm dò, khai thác chung ở Biển Đông. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cho rằng không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ không gian lận trong hợp tác hay mượn cớ “bảo vệ dự án chung” để cử lực lượng an ninh áp sát Philippines. “Đây sẽ là ác mộng an ninh quốc gia với cái giá phải trả đắt hơn nhiều so với doanh thu từ khai thác chung”, trang Asia Times dẫn lời ông Golez cảnh báo. Về lý thuyết, bất kỳ thỏa thuận chia sẻ tài nguyên nào cũng phải tuân thủ hiến pháp Philippines và phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Vì thế, mọi hoạt động khai thác chung trong khu vực bị “đường lưỡi bò” liếm trúng sẽ vi phạm luật quốc tế và chỉ mang lại kết quả là giúp Bắc Kinh đạt được nhiều ý đồ trên biển, cũng như gây chia rẽ trong khu vực, khiến tình hình an ninh Biển Đông thêm phức tạp.