Tuesday, January 7, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMột số phân tích về những thay đổi trong quan hệ giữa...

Một số phân tích về những thay đổi trong quan hệ giữa Malaysia với TQ hiện nay và tác động đến tình hình Biển Đông

Malaysia là thành viên có vai trò quan trọng trong ASEAN. Đối với vấn đề Biển Đông, mặc dù từng tuyên bố không có tranh chấp chủ quyền với các nước, song trên thực tế Malaysia đã có những va chạm, chồng lấn trên biển với Trung Quốc. Kể từ khi Thủ tướng Mahathir lên nắm quyền (5/2018), cặp quan hệ Malaysia – Trung Quốc đang có nhiều thay đổi và điều này đã tác động nhất định đến vấn đề Biển Đông.

Tiến triển trong quan hệ hai nước dưới thời Thủ tướng Mahathir

Kể từ khi Thủ tướng Mahathir lên nắm quyền (5/2018), quan hệ Malaysia – Trung Quốc đã có những dấu hiệu đáng chú ý: 1) Malaysia chính thức gia nhập trở lại Sáng kiến “Vành đai,con đường” (BRI) của Trung Quốc. 2) Hai bên liên tục tiến hành các cuộc đàm phán đã diễn ra dồn dập, dẫn tới việc khôi phục các dự án then chốt như Tuyến đường sắt Bờ Đông (ECRL) và Bandar Malaysia. 3) Trung Quốc dành cho Mahathir quy chế tiếp đãi cấp cao với việc sắp xếp cho ông gặp gỡ 3 nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong chuyến thăm thứ 2 của Mahathir tới nước này kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 5/2018 cho thất chính sách ưu tiên, chú trọng cải thiện quan hệ với Malaysia của Bắc Kinh. 4) Trung Quốc tiếp tục thuyết phục được Mahathir tán thành vai trò của Huawei trong sự phát triển kinh tế-xã hội của Malaysia. Kết quả là, Thủ tướng Mahathir tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác và tận dụng các nhiều càng tốt thành tựu của Huawei trong phát triển quốc gia. 5) Tuy nhiên, cùng với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Malaysia, là sự xuất hiện thêm các vấn đề nhạy cảm về chủng tộc, tôn giáo và chính trị tại Malaysia.

Những biểu hiện thể hiện thiện chí của cả Malaysia và TQ

Sau khi liên minh Hy vọng (PH) lên nắm quyền vào tháng 5/2018, đã có những nghi ngờ thực sự về vị thế của các siêu dự án Trung Quốc tại Malaysia. Và ngay cả sau chuyến thăm đầu tiên của Mahathir Mohamad tới Trung Quốc vào tháng 8/2018 trên cương vị Thủ tướng, số phận của những dự án này vẫn chưa được định đoạt. Tuy nhiên, trước và trong chuyến thăm thứ 2 của Mahathir tới Trung Quốc vào tháng 4/2019, những mối hoài nghi như vậy đã được xóa bỏ khi Trung Quốc và Malaysia nhất trí khởi động lại dự án ECRL và Bandar Malaysia. Malaysia cũng tiếp tục ủng hộ Huawei ngay cả khi Mỹ tìm cách ngăn chặn tập đoàn này bành trướng ra toàn cầu.

Đến lượt mình, Trung Quốc có vẻ đã sẵn sàng ủng hộ nghị trình phát triển kinh tế, xã hội trong nước của Mahathir, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp công ăn việc làm, nâng cấp các ngành công nghiệp và cải thiện đời sống người dân. Các công ty Trung Quốc như Huawei và SenseTime có vẻ sẵn sàng mở rộng sự hiện diện của họ tại Malaysia. Về phần mình, Chính quyền Mahathir, đối mặt với áp lực trong nước ngày càng tăng về việc thực hiện lời hứa vốn có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các cử tri trong chiến dịch tranh cử là tạo ra sinh kế cho người dân, đang ngày càng trông chờ Trung Quốc giúp họ đạt được mục tiêu này. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2018, vấn đề nổi bật nhất là sự không chắc chắn về số phận của các siêu dự án Trung Quốc tại Malaysia, như dự án ECRL và dự án Đường ống dẫn đa sản phẩm, cũng như dự án Đường ống dẫn khí xuyên Sabah. Khi đó, có những dấu hiệu cho thấy các dự án này hoặc sẽ bị hủy bỏ, hoặc sẽ bị đình chỉ vô thời hạn. Hơn nữa, Mahathir có vẻ chỉ trích Trung Quốc trong suốt một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 8/2018, khi ông đưa ra bình luận về chủ đề thương mại tự do và nói rằng “chúng tôi không muốn một tình huống mà ở đó có một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân, bởi các nước nghèo không thể cạnh tranh với các thành phố giàu có”. Trái lại, trong chuyến thăm của Mahathir hồi tháng 4/2019, bầu không khí đã trở nên tốt đẹp hơn nhiều. Một mặt, Mahathir đã không chỉ trích Trung Quốc trước và trong chuyến thăm của ông. Trên thực tế, chuyến thăm này đưa ra một thông điệp quan trọng là Malaysia hoàn toàn ủng hộ BRI, sáng kiến chính sách đối ngoại chủ yếu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Quan trọng hơn là trước chuyến thăm này, Trung Quốc và Malaysia đã đạt được tiến bộ trong 2 dự án đặc trưng của BRI trước đó đã rơi vào thế bế tắc. Dự án thứ nhất là ECRL. Tháng 1/2019, vẫn có những tín hiệu trái ngược nhau về tình trạng của dự án ECRL, với việc Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Azmin Ali trước tiên tuyên bố rằng Chính phủ Malaysia đã quyết định loại bỏ dự án này, và rồi cũng ngày hôm đó, Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng đưa ra nhận xét bày tỏ sự kinh ngạc trước tuyên bố của ông Azmin. Mahathir cũng tham gia cuộc tranh cãi này khi ông kêu gọi sự kiên nhẫn và hối thúc dân chúng không nên vội vã kết luận mà hãy chờ cho tới khi có tuyên bố chính thức. Trong một lời nói bóng gió rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra dồn dập sau hậu trường, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết cả hai bên đã duy trì thông tin liên lạc liên tục về vấn đề này. Vào ngày 12/4/2019, sau chuyến thăm của Daim Zainuddin tới Bắc Kinh, hai bên tuyên bố đã đạt được Thỏa thuận bổ sung, dọn đường cho việc khôi phục dự án ECRL với chi phí 44 tỷ ringgit, đã được cắt giảm so với chi phí ban đầu là 65,5 tỷ ringgit. Chưa đầy 2 tuần trước chuyến thăm Trung Quốc của Mahathir vào ngày 24/4/2019, tuyên bố này đã được đưa ra.

Dự án thứ 2 đạt được tiến bộ là dự án Bandar Malaysia. Trung Quốc coi Bandar Malaysia tại Kuala Lumpur là sự hoàn tất của một trung tâm vận tải quan trọng mà sẽ là một phần trong mạng lưới đường sắt đầy tham vọng của Trung Quốc mở rộng về phía Nam, từ Côn Minh qua Lào và Thái Lan tới Kuala Lumpur và sau đó từ Kuala Lumpur tới Singapore qua tuyến đường sắt cao tốc. Các nhà lãnh đạo hàng đầu, các công ty và ngân hàng Trung Quốc đã hết sức ủng hộ dự án này. Tháng 12/2015, một tháng sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới thăm Malaysia và nhắc lại cam kết của Trung Quốc làm việc với Malaysia về dự án đường sắt cao tốc, một liên doanh giữa Tập đoàn kỹ thuật đường sắt Trung Quốc (CREC), một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, và Iskandar Waterfront Holdings (IWH) đã ký kết thỏa thuận mua 60% cổ phần của dự án Bandar Malaysia. Tháng 6/2016, dự án này đã đạt được tiến triển hơn nữa khi một liên doanh gồm các ngân hàng Trung Quốc có sức ảnh hưởng là Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và HSBC đã ký một thỏa thuận với các đối tác Malaysia như CIMB, Maybank, RHB và Affin Bank, nhằm cấp vốn cho các nhà đầu tư trong dự án Bandar Malaysia. Mặc dù dự án này đã bị Chính quyền Najib đình chỉ hoạt động vào tháng 5/2017, bề ngoài là do liên doanh IWH-CREC không hoàn thành được các nghĩa vụ trả nợ liên quan tới 60% cổ phần của họ cho Bộ Tài chính Malaysia, nhưng phía Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ hoàn toàn dự án này. Ngày 19/4/2019, Văn phòng Thủ tướng Malaysia đã tuyên bố khôi phục dự án Bandar Malaysia. Do đó, việc khôi phục các dự án ECRL và Bandar Malaysia đã tạo tiền đề để chuyến thăm Trung Quốc của Mahathir hồi tháng 4/2019 trở nên suôn sẻ.

Các mục tiêu của TQ đối với Malaysia

1) Trung Quốc đã đạt được nhiều mục tiêu trong suốt chuyến thăm của Mahathir tới nước này hồi tháng 4 vừa qua. Quan trọng nhất trong số đó là quan hệ giữa 2 nước giờ đây đang ở trong quỹ đạo tích cực khi họ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay. Những nghi ngờ ban đầu về các siêu dự án của Trung Quốc, đặc biệt là dự án ECRL và Bandar Malaysia, là chuyện đã qua. Theo quan điểm của Trung Quốc, hai nước có khả năng tiếp cận mối quan hệ này từ một quan điểm chiến lược lâu dài và xây dựng dựa trên những nền tảng đã được đặt ra trước đó.

2)Sau nhiều tháng không chắc chắn, Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục Malaysia tham gia trở lại BRI. Thủ tướng Mahathir đưa ra luận điểm này tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn “Vành đai, con đường” hôm 26/4/2019 khi nói rằng BRI sẽ khuyến khích thêm nhiều tàu đi qua Malaysia và các nước Đông Nam Á, do đó làm gia tăng thương mại giữa Đông Nam Á và Trung Quốc. Ông tự tin rằng Malaysia sẽ hưởng lợi từ BRI và bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với sáng kiến này. Khi Mahathir gặp gỡ 3 nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, các kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Malaysia sẽ hợp tác với nhau cùng xây dựng BRI. Hơn nữa, 2 trong số 3 thỏa thuận then chốt được ký kết trong chuyến thăm của Mahathir đều có liên quan tới BRI, đó là thỏa thuận khung về việc khôi phục dự án Bandar Malaysia và MoU về việc phát triển các khu công nghiệp và các trung tâm logistic.

3) Bắc Kinh đang phát đi tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng “chìa tay giúp đỡ” các nước ủng hộ BRI. Dù không được tuyên bố rõ ràng, nhưng có thể thấy rõ điều này qua các hành động của Trung Quốc. Trung Quốc đã cam kết thực hiện một thỏa thuận mua thêm 1,9 triệu tấn dầu cọ của Malaysia trong 5 năm tới và các khoản đầu tư khác liên quan tới dầu cọ, sau khi các dự án ECRL và Bandar Malaysia được khôi phục. Thỏa thuận này xuất hiện đúng lúc Malaysia, cùng với Indonesia chiếm khoảng 85% sản lượng dầu cọ toàn cầu, đang vật lộn với việc Liên minh châu Âu (EU) hạn chế và cuối cùng là cấm xuất khẩu dầu cọ do những quan ngại về môi trường. Theo Hội đồng Dầu cọ Malaysia, EU là bên mua dầu cọ lớn thứ hai của Malaysia (sau Ấn Độ), nhập khẩu 1,9 triệu tấn. Xét về khía cạnh này, kế hoạch của Trung Quốc mua thêm 1,9 triệu tấn dường như nhằm mục đích bù đắp cho tổn thất tiềm tàng của họ từ việc để mất thị phần EU.

4) Trung Quốc đã thuyết phục được Malaysia chấp nhận cho Huawei có những ảnh hưởng vượt ra ngoài khuôn khổ các quan hệ song phương. Trong khi Mỹ chủ trương hành động kiên quyết và quyết đoán để loại Huawei ra khỏi các doanh nghiệp 5G, Malaysia đang đi ngược với xu hướng bằng cách tái khẳng định vai trò của Huawei trong việc đóng góp vào sự phát triển và nâng cấp nền kinh tế nước này. Trong chuyến thăm Trung tâm nghiên cứu Huawei tại Bắc Kinh, Mahathir có vẻ ấn tượng với những gì ông nhìn thấy khi nói rằng “những thành tựu của Huawei rất đáng chú ý và chúng tôi đang học hỏi thêm cách sử dụng trí tuệ nhân tạo cho nhiều ứng dụng khác nhau. Đối với nhiều người trong chúng tôi, đây là một bài học bổ ích về việc Trung Quốc và Huawei đã đạt được tiến bộ thế nào”. Trước đó, cũng trong tháng 4/2019, khi tham quan Trung tâm đào tạo toàn cầu của Huawei tại Cyberjaya, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và thương mại quốc tế của Malaysia Ong Kian Ming đã công nhận đóng góp của Huawei trong việc tạo ra công ăn việc làm và nâng cấp ngành công nghiệp và công nghệ của Malaysia. Chính Huawei cũng nhấn mạnh rằng trong số 2.500 nhân viên hiện tại của họ ở Malaysia, hơn 2/3 là người Malaysia.

Tác động đến tình hình Biển Đông

Malaysia có thiên hướng theo đuổi cách tiếp cận được khái quát trong cụm từ “giữ an toàn” ở Biển Đông. Malaysia luôn luôn duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ lợi ích của mình và tránh gây mất lòng với các nước láng giềng cũng như các cường quốc trên thế giới. Vì vậy, Malaysia triển khai chính sách “ngoại giao thầm lặng” ở Biển Đông, chú trọng giao thiệp riêng tư để bày tỏ quan ngại với Bắc Kinh hơn là phơi bày một cách công khai, và thể hiện thiện chí thúc đẩy quan hệ song phương bất chấp tồn tại tranh chấp. Mặt khác, Malaysia cũng có những bước đi cẩn trọng để bảo vệ yêu sách thông qua các biện pháp ngoại giao, an ninh, pháp lý và kinh tế. Đó có thể là các nỗ lực kín đáo để đảm bảo sự đoàn kết ASEAN trong vấn đề Biển Đông, phát triển quan hệ an ninh với các nước khác như Mỹ trong khi nâng cao năng lực quốc phòng, hay là sử dụng luật pháp quốc tế để hỗ trợ cho yêu sách thể hiện qua đệ trình chung với Việt Nam lên Ủy ban Liên Hợp Quốc về Ranh giới ngoài Thềm lục địa (2009). Malaysia luôn ủng hộ và đề cao tầm quan trọng của ASEAN với tư cách là diễn đàn quan trọng hàng đầu trong giải quyết các vấn đề chính trị và an ninh khu vực. Mặc dù ASEAN và Trung Quốc đã ký tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) nhưng căng thẳng vẫn gia tăng do sự chậm trễ trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và thiếu sự hợp tác. Tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 26 do Malaysia làm Chủ tịch khẳng định ASEAN mong muốn tranh chấp trên Biển Đông được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và thể hiện sự đoàn kết của các thành viên ASEAN. Maylasia luôn kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ DOC, đồng thời nhanh chóng kết thúc xây dựng COC.

Những thay đổi trong quan hệ Malaysia và Trung Quốc có tác động đến tình hình Biển Đông như sau: 1) Khiến Malaysia có tiếng nói mềm mỏng hơn đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này cũng dễ hiểu vì hai nước đang có những mối liên hệ lợi ích và ràng buộc ngày càng lớn hơn. 2) Tại các diễn đàn khu vực, mặc dù vẫn giữ cách tiếp cận “an toàn”, song sẽ có phần có lợi cho Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh ASEAN chưa thể thống nhất lập trường chung về Biển Đông và lên án mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc. 3) Malaysia có xu hướng ủng hộ các sáng kiến thể hiện thiện chí của Trung Quốc ở khu vực và trong xử lý vấn đề Biển Đông như đàm phán song phương, hợp tác cùng khai thác… 4) Những tranh chấp giữa Malaysia và Trung Quốc vì thế sẽ có sự thỏa hiệp nhất định để đảm bảo những lợi ích chung giữa hai nước không bị ảnh hưởng và hạn chế những vấn đề nhạy cảm về chủng tộc, tôn giáo và chính trị tại Malaysia được lồng ghéo với vấn để tranh chấp biển đảo.

Nhìn chung, mối quan hệ Malaysia và Trung Quốc sẽ tiếp tục có những tiến triển theo hướng ngày càng thực dụng, điều này sẽ tác động nhất định đến những nỗ lực của các nước trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Nếu chính quyền Malaysia không vì lợi ích chung của khu vực thì mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực đến việc đàm phán ký kết COC một cách thực chất, hiệu quả.

RELATED ARTICLES

Tin mới