Vào ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (PCA) đã ra Phán quyết trong vụ Philippines kiện TQ về Biển Đông, trong đó đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách của Trung Quốc theo bản đồ “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn”. Nhân dịp này, các nước đã có những phản ứng liên quan.
Mỹ lên án TQ vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược với các cam kết về không quân sự hóa Biển Đông
Mỹ lên án Trung Quốc đã đi ngược lại lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2015 là không quân sự hóa Biển Đông và nhấn mạnh Washington cực lực phản đối ý đồ của Bắc Kinh nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp ở khu vực.Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đưa ra tuyên bố “Việc Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông đi ngược lại cam kết năm 2015 của Chủ tịch Tâp là không tiến hành những hoạt động như thế. Đó là hành động khiêu khích, làm phức tạp quá trình giải quyết hòa bình các tranh chấp, đe dọa an ninh của những quốc gia khác và làm tổn hại an ninh khu vực”, bà Ortagus cảnh báo. Cách đây 2 tuần, Mỹ đã lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc phóng nhiều tên lửa diệt hạm ở Biển Đông. Giới quan sát nhận định đó có thể là tên lửa đạn đạo DF-21D, được mệnh “danh sát thủ tàu sân bay”, với tầm bắn ước tính 1.500 km. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói thông tin phóng tên lửa “không phù hợp với thực tế”, khẳng định quân đội nước này chỉ “diễn tập bắn đạn thật gần đảo Hải Nam”.
Giới nghiên cứu quốc tế chỉ ra việc TQ không tuân thủ Phán quyết
Tổ chức “Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á” (AMTI) thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ngày 12/7 đã có bài viết nhìn lại kết quả Trung Quốc có hay không tuân thủ phán quyết này sau ba năm, trong đó cho rằng Trung Quốc chỉ tuân thủ 2 trong số 11 nội dung của phán quyết. Thứ nhất, Trung Quốc đã không tuân thủ phán quyết “Trung Quốc không thể yêu sách chủ quyền lịch sử hoặc các quyền khác trong phạm vi đường chín đoạn vốn vượt khỏi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được mà Trung Quốc được UNCLOS cho phép”. Ngay sau khi phán quyết của trọng tài được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ban hành Sách Trắng khẳng định rằng: “Ngoài vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Trung Quốc còn có quyền lịch sử trong Biển Đông.” Trong ba năm qua, các quan chức Trung Quốc đã ít đề cập hơn về “đường chín đoạn” như là cơ sở cho yêu sách của họ đối với Biển Đông, nhưng tiếp tục tuyên bố có chủ quyền lịch sử vốn không rõ ràng đối với hầu hết các vùng biển và đáy biển ở Biển Đông. Chính vì dựa trên cơ sở này mà ngư dân Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Indonesia. Bắc Kinh cũng phản đối tất cả các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong đường chín đoạn, bất kể chúng nằm cách các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền bao xa. Thứ hai, Trung Quốc không tuân thủ nội dung “Bãi Cỏ Mây thứ hai và vùng biển xung quanh nó là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines”. Bất chấp phán quyết này, các tàu tuần duyên của Trung Quốc tiếp tục tuần tra gần Bãi Cỏ Mây thường xuyên và vào tháng 5/2018, một máy bay trực thăng của Hải quân của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc đã quấy rối một cách nguy hiểm một đoàn tàu tiếp tế của Philippines tới Sierra Madre. Thứ ba, Trung Quốc chiếm đóng trái phép Đá Vành Khăn nằm trong thềm lục địa của Philippines. Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt tại Đá Vành Khăn mà không có sự cho phép của Philippines. Đây có lẽ là phần khó nhất trong phán quyết mà có thể nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ bởi vì nếu tuân thủ họ sẽ phải từ bỏ căn cứ hải quân và không quân của mình tại Đá Vành Khăn hoặc cần phải có sự cho phép của Philippines thì mới tiếp tục chiếm đóng. Trong khi đó, Trung Quốc không chỉ chiếm giữ rạn san hô mà dường như vẫn tiếp tục đòi quyền lợi về biển xung quanh nó mà bằng chứng là sự phản đối của họ đối với hoạt động tự do hàng hải của Hoa Kỳ trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn.
Giới học giả và bộ phận đối lập tại Philippines khẳng định giá trị của Phán quyết và yêu cầu TQ và Chính quyền Tổng thống Duterte thực thi
Sau ba năm Tòa ra Phán quyết, mặc dù Chính phủ Philippines cho rằng Phán quyết của Tòa Trọng tài tạo ra thế mạnh cho Philippines và khẳng định Phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ được dùng như một tài liệu mang tính bản lề dẫn dắt cho các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc, nhưng cũng không làm mất thể diện của Trung Quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa hai nước một cách hòa bình, giới học giả và bộ phận động đảo người dân Philippines vẫn khẳng định Phán quyết còn nguyên giá trị, kêu gọi Chính quyền thực thi phán quyết để đối phó với hành động và yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ phận đối lập tiếp tục chỉ trích việc Chính quyền Tổng thống Duterte đã bỏ qua phán quyết mà không quan tâm đến vấn đề chủ quyền biển đảo, thậm chí quay lưng lại với ngư dân. Các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã vi phạm các quy định về chống va chạm bằng cách tạo ra nguy cơ va chạm và gây nguy hiểm cho các tàu của Philippines. Cảnh sát biển Trung Quốc, Hải quân nước này và các tàu dân quân hàng hải tiếp tục thường xuyên có các hành vi vi phạm tương tự và tạo ra nguy cơ va chạm đối với tàu nước ngoài ở Biển Đông. Hàng trăm tàu cá Trung Quốc tiếp tục hoạt động dưới sự giám sát của Lực lượng Tuần dương Trung Quốc tại Bãi Vành Khăn và trên khắp Trường Sa mỗi ngày, mặc dù các tàu này dành nhiều làm lực lượng dân quân trên biển hơn là đánh bắt cá. Vào tháng 6 vừa qua, một tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Bãi Cỏ Rong đã đâm chìm một tàu cá Philippines khiến dư luận vô cùng quan ngại.
Tóm lại, Phán quyết của Tòa Trọng tài là một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng, có tầm ảnh hưởng rất lớn. Vì thế, văn kiện này cần được sử dụng làm cơ sở pháp lý cho các cuộc đàm phán giữa các nước có liên quan để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Sau ba năm qua, mặc dù hai bên chủ thể là Trung Quốc và Philippines đều không coi trọng việc thực thi, song giới chuyên gia các nước đều đánh giá ý nghĩa tích cực Phán quyết của Tòa Trọng tài vì nó góp phần làm phong phú thêm án lệ của luật pháp quốc tế và đóng vai trò như một thước đo chuẩn mực về cách mà các nước hành xử trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền.