Sunday, October 13, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBiển Đông và Đài Loan – Hai con bài chiến lược của...

Biển Đông và Đài Loan – Hai con bài chiến lược của Mỹ trong quan hệ với TQ

Để kiềm chế Trung Quốc, trong hơn 1 năm qua, Mỹ đã khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và để hỗ trợ cho cuộc chiến thương mại, Mỹ đã sử dụng nhiều con bài, kể cả một số vấn đề liên quan đến nội bộ Trung Quốc (như vấn đề Tân Cương, vấn đề Tây Tạng, vấn đề dân chủ nhân quyền…) nhưng có thể thấy Biển Đông và Đài Loan là 2 con bài chiến lược được Mỹ sử dụng khá hiệu quả.

Triển khai chiến lược kiềm chế Trung Quốc, Tổng thống Mỹ D Trump đã cùng lúc phát động 3 mũi tấn công nhằm ngăn chặn Trung Quốc thách thức vai trò siêu cường của Mỹ: (i) cuộc chiến thương mại thông qua việc tăng đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc và cấm chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao cho Trung Quốc; (ii) tỏ thái độ ngày càng mạnh mẽ, cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông; (iii) tăng cường quan hệ mọi mặt với Đài Loan. Ba mũi tấn công này được Tổng thống D. Trump sử dụng khá nhuần nhuyễn và bổ sung cho nhau. Vấn đề Biển Đông thường được Mỹ sử dụng để hỗ trợ cho đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Trên vấn đề Biển Đông, Mỹ không chỉ có những phát biểu mạnh mẽ lên án trực diện Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm Phó Tổng thống, Cố vấn An ninh quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao mà Trung Quốc còn đẩy mạnh sự hiện diện của tàu chiến ở Biển Đông; tăng cường tuần tra tự do hàng hải cả về số lượng, quy mô và phạm vi (trong hơn 1 năm qua Mỹ đã tiến hành 14 cuộc tuần tra tự do hàng hải FONOPs ở Trường Sa, Hoàng Sa và Scarborough), tăng cường hoạt động tuần tra hàng không với sự tham gia của máy bay B52; tăng cường diễn tập quân sự trên Biển Đông (trong 6 tháng đầu năm 2019, số lượng các cuộc diễn tập của Mỹ tăng 3 lần so cùng kỳ năm 2018. Mỹ đã phối hợp với các đồng minh và đối tác trong và ngoài khu vực để diễn tập quân sự)…. Nhiều quan chức Mỹ lên án Tập Cận Bình không thực hiện cam kết “không quân sự hóa Biển Đông”. Điều đáng chú ý là nhiều cuộc FONOPs được Mỹ tiến hành ngay trước các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung để rằn mặt Trung Quốc.

Trên vấn Đài Loan, kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống D. Trump đã có những thay đổi về chất trong quan hệ với Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Mỹ tăng cường tiếp xúc ở các cấp với Đài Loan, gần đây nhất là cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ với Cố vấn An ninh Quốc gia Đài Loan. Mỹ lên tiếng phê phán việc Trung Quốc dùng tài chính lôi kéo các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan; công khai ủng hộ Đài Loan tham gia một số tổ chức quốc tế. Mỹ nhiều lần cho tàu chiến, tàu sân bay qua lại eo biển Đài Loan; đồng thời, kêu gọi các đồng minh của mình (Anh, Pháp, Canada…) đưa tàu đi qua eo biển Đài Loan. Trong 2 năm, sau khi ông D. Trump vào Nhà Trắng, Mỹ đã 4 lần bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 4 tỷ 450 triệu USD để tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan trước sự đe dọa của Trung Quốc. Đặc biệt, cùng với việc đồng ý khởi động lại cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc, hôm 8/7/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức phê duyệt việc bán 2,2 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan làm Trung Quốc hết sức tức tối. Rõ ràng là ông D. Trump đang sử dụng vấn đề Đài Loan để gây sức ép với Trung Quốc trên vấn đề thương mại.

Mặt khác, Mỹ nhiều lần khẳng định Đài Loan là một mắt xích quan trọng để triển khai chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở; còn Biển Đông là một vấn đề trọng tâm trong chiến lược này. Chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở là nhằm đối trọng với chiến lược “vành đai, con đường” của Trung Quốc. Mục tiêu của nó là ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc cạnh tranh vị trí siêu cường của Trung Quốc.

Nhiều tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ và phát biểu của quan chức Mỹ đều xác định Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm nhất của Mỹ. Nội bộ Mỹ cũng có sự đồng thuận cao trong việc phải hành động để kiềm chế Trung Quốc. Trong 3 mũi tấn công đang được Mỹ triển khai (cuộc chiến thương mại, vấn đề Biển Đông và vấn đề Đài Loan) thì nội bộ Mỹ còn có những ý kiến khác về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung do nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của một số doanh nghiệp Mỹ và nông nghiệp của Mỹ. Tuy nhiên, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và giúp Đài Loan chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc là 2 vấn đề có sự đồng thuận rất cao trong nội bộ Mỹ, ở cả 2 đảng và người dân Mỹ.

Ngoài ra, việc Mỹ đề cao việc tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và eo biển Đài Loan dựa trên luật pháp quốc tế còn nhận được sự hưởng ứng của các đồng minh của Mỹ và dư luận quốc tế. Đây cũng chính là con bài Mỹ sẽ sử dụng để lôi kéo các nước đồng hành với Mỹ trong việc chống lại sự bá quyền của Trung Quốc vì các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Úc… là những nước luôn có tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ông D. Trump và ông Tập Cận Bình gặp nhau ở bên lề Hội nghị G20, thỏa thuận tạm đình chiến để nối lại đàm phán thương mại đã gần 3 tuần trôi qua, song đến nay đàm phán chưa biết khi nào mới có được mặc dù hai bên đã có liên hệ qua lại. Trong khi đó, Mỹ đã quyết định bán cho Đài Loan vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD đồng thời để bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan dừng ở Mỹ 4 đêm trên đường đi thăm một số nước Trung Mỹ. Điều này càng cho thấy Mỹ đang sử dụng Đài Loan như một con bài gia tăng sức ép đối với Trung Quốc.

Với việc xác định Trung Quốc là đối thủ lớn nhất thách thức vị trí siêu cường của Mỹ, Tổng thống D. Trump sẽ còn tiếp tục sử dụng vấn đề Biển Đông và Đài Loan để phục vụ cho các lợi ích của Mỹ ở khu vực, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới