Tương tự câu chuyện Biển Đông, những tuyên bố của Trung Quốc trong vấn đề khai thác sông Mekong bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là không chân thành, chỉ được cái hoa mỹ trong ngôn từ nhưng lại thiếu thực chất.
Bài viết của ông Niwat Roykaew, đồng sáng lập tổ chức bảo tồn Chiang Khong (Thái Lan) và Mạng lưới người Thái thuộc 8 tỉnh Mekong, đăng trên báo Bangkok Post, Tuổi Trẻ Online:
Cách đây 2 tuần, báo Bangkok Post có đăng phát biểu của ông Yang Yang – người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan – giải thích làm cách nào Trung Quốc thúc đẩy hợp tác quản lý nguồn nước trên sông Mekong “vì lợi ích của người dân trong khu vực”.
Tôi, và tất cả thành viên của Mạng lưới người Thái thuộc 8 tỉnh Mekong, không đồng ý với phát ngôn đó. Người dân Mekong đã chia sẻ với nhau nguồn nước và các tài nguyên liên quan trong nhiều thế hệ, từ đánh cá, trồng trọt, giao thông đường thủy, nước sinh hoạt…
Vậy mà, chúng ta đã và đang chứng kiến những thay đổi lớn trong hệ sinh thái sông Mekong trong 20 năm qua. Các sáng kiến phát triển Mekong, bao gồm việc xây dựng hàng loạt đập thủy điện quy mô lớn, đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng sông và tài nguyên của nó.
Dù người ta có thêm những mỹ từ như “xanh”, “bền vững” vào tên các dự án (nào là “Đường sắt xanh”, “Sáng kiến Lan Thương – Mekong xanh”…), thực tế là những dự án “xanh” này đang hủy diệt và làm tổn hại đến sự trù phú của Mekong – dòng sông giữ vai trò quan trọng trong kinh tế và văn hóa Đông Nam Á từ ngàn xưa.
Hãy nhìn vào 10 con đập trên sông Lan Thương – khu vực thượng nguồn Mekong trên đất Trung Quốc. Người phát ngôn Yang Yang tuyên bố, bằng cách kiểm soát lượng nước chảy xuống hạ nguồn, hệ thống đập Lan Thương “giúp giảm tổn thất kinh tế và tạo điều kiện giao thông thủy thuận tiện hơn cho các cộng đồng ven sông”.
Xin đừng nhầm lẫn: cư dân Mekong không hưởng lợi gì từ các đập nước Lan Thương. Trước khi chúng xuất hiện, nước sông Mekong lên xuống theo mùa, giúp phân bổ, phục hồi và phát triển các nguồn tài nguyên như cá, nước, phù sa…
Nhưng thủy điện Lan Thương đã thay đổi tất cả. Sông Mekong không còn lên xuống theo mùa hoặc thời tiết, thay vào đó nó lệ thuộc vào việc khi nào các đập thủy điện Lan Thương xả nước. Hậu quả là sự thay đổi bất thường về mực nước và các tác động nghiêm trọng đi kèm như chúng ta thấy.
Sông Mekong cạn trơ đáy ở Thái Lan – Ảnh: Bangkok Post
Gần đây, các nỗ lực hồi sinh dự án nổ mìn khơi dòng Mekong ở miền bắc Thái Lan bỗng “sống lại” dù chính phủ Thái đã ngưng nó cách đây 15 năm do các quan ngại về an ninh quốc gia và môi trường.
Nhà ngoại giao Trung Quốc nói dự án sẽ tạo điều kiện giao thông thuận tiện và “xanh” hơn cho dân địa phương. Nhưng có ai cần đâu, tàu ghe đã tự do đi lại quanh năm ở đây. Cũng giống mấy cái đập, “sáng kiến” này chỉ nhằm giúp tàu thuyền lớn từ Trung Quốc di chuyển trong mùa khô, tăng lợi nhuận thương mại cho họ.
Yang Yang nói: “Trung Quốc chú ý nhiều đến mối quan tâm và nhu cầu của các quốc gia hạ nguồn, bao gồm việc chia sẻ dữ liệu thủy văn và điều phối hợp tác”. Chia sẻ là quan trọng, nhưng nó chưa đồng nghĩa với việc giải quyết các bức bối của cư dân hạ nguồn, cũng như tác động môi trường đối với hệ sinh thái Mekong.
Tuyên bố “Chúng ta uống nước từ cùng một dòng sông” (của Trung Quốc) không đảm bảo duy trì một mối quan hệ hợp tác và hiểu lẫn nhau. Chung sống hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua sự tôn trọng lẫn nhau, đối thoại chân thành và hợp tác giữa các nước Mekong và người dân địa phương.
Nếu Trung Quốc thành tâm trong việc biến Lan Thương – Mekong thành con sông của “hữu nghị, hợp tác và phồn thịnh”, ưu tiên lớn nhất là lắng nghe tiếng nói của người dân, những người chung sống với sông Mekong và lệ thuộc vào nguồn tài nguyên của nó.