Saturday, January 4, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSự ngụy biện nguy hiểm

Sự ngụy biện nguy hiểm

Khi Trung Quốc khẳng định ‘có chủ quyền’ với những khu vực có tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 triển khai ở Biển Đông, không ít chuyên gia quốc tế đánh giá rằng đấy là một sự ngụy biện nguy hiểm cho hòa bình và ổn định của khu vực.

Trong cả tuần qua, việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) thực hiện thăm dò phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía nam Việt Nam trở thành tâm điểm.

Dĩ pháp vi thượng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) Gregory Poling khẳng định hoạt động của cả tàu Hải Dương 8 và các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đều phi pháp.

Những tàu này đã quấy nhiễu các hoạt động khoan dầu diễn ra tại block 06-02 của Hãng Rosneft (Nga), liên doanh với Việt Nam gần khu vực bãi Tư Chính.

“Cũng giống như việc quấy nhiễu các hoạt động của Malaysia hồi tháng 5 và của Repsol (Tây Ban Nha) ngoài khơi Việt Nam năm 2017 và 2018, Trung Quốc muốn thể hiện rõ rằng họ phản đối tất cả các hoạt động khai thác dầu khí nằm trong “đường lưỡi bò”.

Việc khảo sát của tàu Hải Dương 8 cho thấy sự ngụy biện của Trung Quốc: họ phản đối công việc của các nước khác ngay trên chính vùng nước của các quốc gia này, nhưng lại tự cho mình quyền thoải mái khai thác ở bất kỳ nơi nào họ thích” – ông Poling nói.

Trong một biểu hiện nguy hiểm, Trung Quốc đã tuyên truyền sai lệch về bãi Tư Chính, biến nơi này từ chỗ thuộc quyền sở hữu của Việt Nam trở thành “khu vực tranh chấp”. PGS.TS Vũ Thanh Ca, ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội, lưu ý rằng không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để nói rằng bãi Tư Chính là vùng tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc (về các vị trí cụ thể, xin xem các bản đồ và diễn giải ở bài trước), vì phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ.

“Trước tiên, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”, tức “đường lưỡi bò”. Thứ hai, không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng.

Tòa cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.

Như vậy, theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), cơ chế pháp lý của bãi Tư Chính được quyết định bởi khoảng cách tới quốc gia gần nhất là Việt Nam và Việt Nam cũng xác định đây là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không có tranh chấp với nước nào” – ông nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã gửi đi một thông điệp rõ ràng về vấn đề này trong tuyên bố ngày 20-7, vốn nhấn mạnh: “Trung Quốc nên ngưng hành xử kiểu bắt nạt và nên kiềm chế hành động khiêu khích và gây bất ổn khu vực”.

Từ Úc, giáo sư Carl Thayer tại ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, khẳng định bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam, và không có bất kỳ mối hoài nghi nào về quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực này cả.

 Chuyên gia về Biển Đông này chỉ ra 3 điểm sai của Trung Quốc: “Đầu tiên, đường bờ biển Trung Quốc ở rất xa và không chồng lên EEZ của Việt Nam. Tòa trọng tài xử thắng kiện cho Philippines đã xác định không có thực thể nào là đảo ở Trường Sa, nên Trung Quốc không có cơ sở để tuyên bố EEZ của họ từ đây (đó là chưa kể trên thực tế, việc Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp các thực thể tại Trường Sa cũng là hành vi trái luật).

Thứ hai, phán quyết bác yêu sách về “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc, bởi nước này là thành viên của UNCLOS (vốn không chấp nhận viện dẫn lịch sử trong các tranh chấp chủ quyền), và khẳng định “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vô giá trị.

Thứ ba, tàu khảo sát Trung Quốc hành động đơn phương và không yêu cầu cũng như không nhận được sự cho phép của Việt Nam”.

Trong bài viết gửi Tuổi Trẻ, TS James Kraska, giáo sư tại Trung tâm luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ, cũng khẳng định luật pháp đứng về phía Việt Nam. Trên trang Twitter cá nhân, ông thậm chí còn khẳng định nếu kiện Trung Quốc thì Việt Nam thắng chắc.

Sự ngụy biện nguy hiểm - Ảnh 3.

Mềm dẻo nhưng cương quyết

Từ những bằng chứng vững chắc về tính hợp pháp và chính danh của Việt Nam trong biến cố ở gần bãi Tư Chính vừa rồi, các chuyên gia đều khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý thành công vụ việc.

Đầu tiên, Việt Nam có thể triển khai các hình thức đấu tranh ngoại giao và dựa vào công luận và luật pháp. Cụ thể, theo GS Thayer, Việt Nam có thể chứng tỏ rằng hành động của Trung Quốc sẽ gây hậu quả, bằng cách khơi vấn đề bãi Tư Chính lên tất cả các cuộc họp liên quan của những tổ chức đa quốc gia, nhất là Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ngoài ra, ông Thayer lẫn ông Kraska đều cho rằng Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác với cảnh sát biển của các nước trong khu vực cũng như các cường quốc. Còn nói như ông Vũ Thanh Ca, ngoài các giải pháp chính trị, ngoại giao, thì trên thực địa, hướng đi cần thiết của Việt Nam là tăng cường sức mạnh của hệ thống chấp pháp dân sự trên biển như cảnh sát biển, kiểm ngư…

GS Thayer nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Việt Nam nên tiếp tục kêu gọi các thành viên cộng đồng quốc tế lên tiếng với hành động của Trung Quốc. Mỹ đã ra một tuyên bố mạnh mẽ lên án Trung Quốc hành xử kiểu bắt nạt rồi”.

“Những ý kiến xuất phát từ các nước như Mỹ rất cần thiết, đặc biệt cần cho tất cả nhìn thấy tính chính nghĩa của Việt Nam trong vụ việc này – ông Trần Nam Tiến, phó giám đốc Trung tâm Biển và đảo, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nói – Dù mới thể hiện sức nặng về ngoại giao hơn là thực tiễn, tuyên bố phản đối của Mỹ đối với hành động của Trung Quốc là tín hiệu quan trọng, giúp thế giới quan tâm hơn và nhìn thấy Việt Nam đang hành xử đúng mực và chính nghĩa”.

Không có những phản ứng công khai như Việt Nam khi bị Trung Quốc ngăn trở các hoạt động thăm dò dầu khí ở khu vực bãi Luconia thuộc EEZ của Malaysia trong giai đoạn từ cuối tháng 5 tới cuối tháng 6-2019, nhưng từ các động thái thực tế có thể thấy Malaysia không hề khoanh tay chấp nhận một cách bị động.

Ngày 26-6, hãng tin nhà nước Bernama phát đi bản tin “Malaysia tiếp tục thúc đẩy Biển Đông bền vững”, trong đó viết: “Malaysia sẽ tiếp tục ủng hộ và đẩy mạnh nghiên cứu hàng hải và hải dương học vì một Biển Đông bền vững bởi nhiều nước chia sẻ vùng biển này phụ thuộc vào các tài nguyên sống và hóa thạch ở đó để phục vụ nhu cầu lương thực, thương mại, giao thông, du lịch và an ninh”.

Cũng vào giai đoạn cuối tháng 6 đó, Malaysia đã tổ chức Hội thảo Biển Đông lần thứ 3 (SCS2019) ở Kuala Lumpur, trong đó, thứ trưởng Bộ Năng lượng, khoa học, công nghệ, môi trường và biến đổi khí hậu Malaysia, tiến sĩ Mohd Nor Azman Hassan, có bài phát biểu nói rằng Biển Đông đang “đối mặt với rất nhiều mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm”, khiến việc phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo tồn và bảo vệ nguồn thủy sản trở nên cực kỳ quan trọng.

Giáo sư Azizan Abu Samah của Viện Khoa học hải dương và trái đất Malaysia thì khéo léo nhắc nhở rằng eo biển Malacca là eo biển có mật độ giao thông đông đúc thứ hai thế giới và về mặt địa chính trị, khu vực này là tuyến giao thông hàng hải quan trọng nhất thế giới.

Không chỉ dừng lại ở những động thái dân sự đó, trang theo dõi tin tức quốc phòng Janes.com ngày 16-7 ghi nhận “một màn phô diễn năng lực hiếm có” của Malaysia ở khu vực nam Biển Đông.

Trang này nói Hải quân hoàng gia Malaysia (RMN) đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn tên gọi Kerimas và Taming Sari, trong đó các tên lửa được bắn đi từ tàu hộ tống Kasturi (lớp FS 1500, do Đức sản xuất) và trực thăng hải quân Super Lynx (Anh). Janes.com nói tàu Kasturi đã bắn đi tên lửa Exocet MM30 Block II, trong khi trực thăng bắn đi hai tên lửa đối hạm Sea Skua.

Các tàu khác của RMN tham gia cuộc tập trận là tàu ngầm lớp Perdana Menteri (tức tàu Scorpene do Pháp sản xuất) KD Abdul Rahman, các tàu hộ tống lớp Laksamana (tức tàu Assad, Ý sản xuất) Laksamana Hang Nadim và Laksamana Tan Pusmah, cùng khinh hạm tuần phòng lớp Lekiu (Anh sản xuất) KD Lekiu.

“Thành công của các vụ bắn thử tên lửa là bằng chứng cho thấy RMN đủ sức thực hiện các chiến dịch ở Biển Đông – Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Bin Sabu nói trong một tuyên bố chính thức – Việc tiến hành các cuộc tập trận này sẽ đảm bảo với cộng đồng hàng hải, nhất là những nước ở bờ đông bán đảo Malaysia, rằng RMN và lực lượng vũ trang Malaysia sẵn sàng giữ vững hòa bình và bảo vệ lợi ích quốc gia ở Biển Đông”.

Cuộc tập trận đáng chú ý ở chỗ lần gần nhất RMN diễn tập bắn tên lửa chống hạm diễn ra đã 5 năm trước, vào năm 2014.

RELATED ARTICLES

Tin mới