Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐe dọa và thách thức cộng đồng quốc tế: TQ điều Su-35...

Đe dọa và thách thức cộng đồng quốc tế: TQ điều Su-35 tập trận ở Biển Đông

Tạp chí PLA Pictorial cho biết, Trung Quốc đã điều nhiều máy bay chiến đấu Su-35 tập trận trên Biển Đông nhằm “kiểm tra năng lực của các máy bay mới được cải tiến”.

Theo thông tin trên, một đơn vị không quân thuộc Chiến khu Nam tham gia diễn tập sau khi nâng cấp mẫu tiêm kích do hãng Sukhoi của Nga chế tạo. Các cuộc diễn tập bao gồm 3 máy bay tấn công 1 mục tiêu trên biển, chiến thuật phối hợp khai hỏa và thao tác điều khiển bay và chiến dịch ban đêm, tạp chí trên đưa tin nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Được biết, tất cả 24 chiếc Su-35 của Trung Quốc được đưa vào biên chế một lữ đoàn không quân đóng gần thành phố Trạm Giang ở tỉnh Quảng Đông. Theo bản tin, lữ đoàn trên đã tăng tốc để rút ngắn thời gian nâng cấp các tiêm kích.

Trung Quốc là khách hàng đầu tiên mua Su-35 của Nga. Su-35 được nâng cấp từ Su-27, nó có động cơ mạnh hơn và tải trọng lên đến 8 tấn để có thể mang theo các tên lửa chống hạm. Trung Quốc đặt mua 24 chiếc Su-35 vào năm 2015 với giá 2,5 tỉ USD (58.286 tỉ đồng). Lô 4 chiếc đầu tiên bàn giao tháng 12/2016 và chiếc cuối cùng giao vào tháng 4/2019.

Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông không chỉ đi ngược lại luật pháp quốc tế mà còn xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên thực tế là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam đã được luật pháp và đông đảo cộng đồng quốc tế công nhận. Việc Trung Quốc đơn phương sử dụng vũ lực xâm chiếm các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm UCNLOS. Vì vậy, các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực này mà chưa được phía Việt Nam cho phép đều là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, những hành động này đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Việt Nam cũng như hòa bình, ổn định của khu vực. Hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại Khoản 4 DOC, theo đó, “các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực”. Những hoạt động trên của Trung Quốc làm phức tạp thêm các tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gây ảnh hưởng đến hoạt động tự do hàng hải trong khu vực. Ngoài ra, việc Trung Quốc tập trận phi pháp ở Biển Đông cũng đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam – Trung Quốc ký kết vào ngày 11/10/2011 giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào. Theo đó, Trung Quốc đã vi phạm Khoản 1 của nhận thức chung quy định: Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Thông tin về cuộc tập trận của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc (3/7) bắt đầu điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 08 cùng hàng chục tàu chấp pháp, trong đó có 02 tàu Cảnh sát biển hiện đại nhất của Trung Quốc, xâm phạm vùng biển Bãi Tư Chính của Việt Nam. Hành động sai trái của Trung Quốc đã buộc Việt Nam phải lên tiếng. Ngày 19/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã có phát biểu nhấn mạnh rằng: Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Trước hành động phi pháp, gây hấn của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ (20/7) đã phát đi thông cáo bày tỏ quan ngại trước các thông tin về hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động liên quan tới dầu khí trong khu vực, bao gồm các hoạt động thăm dò và khác dầu khí từ lâu của Việt Nam. Thông cáo nhấn mạnh những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu khí ở ngoài khơi đã đe dọa tới an ninh năng lượng trong khu vực và gây tổn hại cho thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington “kịch liệt phản đối hành vi cưỡng ép và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách hàng hải hoặc chủ quyền của mình”, đồng thời yêu cầu “Trung Quốc nên chấm dứt các hành động bắt nạt, kiềm chế tham gia vào các hành động khiêu khích và gây bất ổn”.

Trước đó, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, cũng lên tiếng chỉ trích hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông như bồi đắp, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở biển Đông và dùng lực lượng quân sự theo dõi tàu, máy bay Mỹ cùng đối tác hoạt động trong khu vực.

Để bảo đảm hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh và tự do hàng hải không bị cản trở cũng như việc xây dựng lòng tin giữa các nước nhằm dần tiến tới việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và các tuyên bố, nhận thức chung giữa các bên liên quan, Trung Quốc cần chấm dứt ngay các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng. Những hành động trên của Bắc Kinh (tập trận bắn đạn thật, triển khai phi pháp các loại khí tài quân sự trong khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam) không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Hành động này sẽ khiến không chỉ Việt Nam mà cả cộng đồng quốc tế phản đối, quan ngại sâu sắc. Trên cương vị là nước lớn, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc cần đi đầu, làm gương cho các nước trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế và đóng góp tích cực cho việc đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực, không nên có các hành động khiêu khích, chạy đua vũ trang hay đe dọa an ninh của các nước trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới