Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTổng thống Duterte đang dùng vấn đề Biển Đông để “vừa đấm,...

Tổng thống Duterte đang dùng vấn đề Biển Đông để “vừa đấm, vừa xoa” TQ

Trong những ngày gần đây, Tổng thống Philippines Duterte liên tục đưa ra những tuyên bố thể hiện thái độ “vừa đe nẹt, vừa xoa dịu” Trung Quốc.

Lo sợ bị Trung Quốc tấn công

Trong bài phát biểu thường niên về chính sách quốc gia, Tổng thống Duterte (22/7) khẳng định việc ông không có những hành động mạnh tay trên biển không phải là vì muốn đầu hàng mà để tránh xung đột với Trung Quốc; song mạnh dan tuyên bố “Tôi sẽ gửi thủy quân lục chiến của chúng tôi để xua đuổi ngư dân Trung Quốc. Nhưng khi đó, tôi đảm bảo với bạn rằng không ai trong số họ có cơ hội trở về. Nếu tôi gửi tàu khu trục mới của mình, chúng sẽ bị phá hủy vì những tên lửa sẵn có trên đảo đó”. Theo ông Duterte, “thời gian ngắn nhất để các tên lửa này tới Manila sẽ chỉ là 7 phút. Bạn muốn chiến tranh không?”. Ngoài ra, ông Duterte còn trấn an dư luận bằng tuyên bố cứng rắn: “Hãy để tôi đảm bảo với các bạn rằng, danh dự quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là điều quan trọng nhất trong tâm tưởng của tôi. Nhưng chúng ta phải tiết chế nó trước thời đại và thực tế mà chúng ta phải đối mặt ngày hôm nay”.

Đáng chú ý, trong bài phát biểu, ông Duterte còn giải thích Philippines sở hữu biển Tây Philippines nhưng Trung Quốc kiểm soát nó, đồng thời khẳng định đây là thực tế; nếu các bạn muốn hải quân xua ngư dân Philippines, không ai trong số họ sẽ trở về mà còn sống. Ngoài ra, ông Duterte tiết lộ rằng ông đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “làm ơn hãy” để các ngư dân Philippines khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Đổi lại, ông Duterte sẽ để ngư dân Trung Quốc hoạt động trong khu vực này, nơi tháng trước xảy ra vụ tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines.

Sẽ lên tàu cùng Đô đốc Mỹ để đối phó với Trung Quốc

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình, Tổng thống Duterte viện dẫn Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa Mỹ và Philippines, tiếp tục kêu gọi Washington điều Hạm đội 7 tới Biển Đông để đối phó với Trung Quốc. Theo ông Duterte: “Bây giờ, tôi đang kêu gọi Mỹ. Dựa trên Hiệp ước Phòng thủ Chung, tôi muốn Mỹ tập hợp tất cả Hạm đội 7 của họ tới đối phó với Trung Quốc. Khi đó, tôi sẽ tham gia cùng họ. Tôi sẽ ngồi cùng tàu với Đô đốc Mỹ”.

Được biết, tuyên bố của ông Duterte được đưa ra sau khi các quan chức Mỹ và Philippines kết thúc cuộc họp Rà soát Chiến lược Song phương kéo dài hai ngày ở Manila. Theo đó, cả hai nước đều thừa nhận tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh vững mạnh trong việc tăng cường hợp tác an ninh, cũng như thúc đẩy ổn định và thịnh vượng khu vực. Tuyên bố trên nối dài những lời thách thức Mỹ đối phó với Trung Quốc trên biển Đông được nhà lãnh đạo Philippines đưa ra gần đây đáp trả các chỉ trích nói rằng ông đang mềm mỏng với Trung Quốc về các tranh chấp trên Biển Đông.

Trong lúc ông Duterte đọc bài phát biểu giữa nhiệm kỳ này, khoảng 5.000 người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở Hạ viện để đòi phế truất ông Duterte. Các đối thủ chính trị của nhà lãnh đạo Philippines gây áp lực buộc ông phải có các biện pháp cứng hơn sau vụ tàu Trung Quốc đâm chìm và bỏ mặc 22 ngư dân tàu cá Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Rong.

Ẩn ý đằng sau những tuyên bố hồn nhiên của ông Duterte về vấn đề Biển Đông

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được cho là một trong những người thành công trong việc thực hiện chính sách “vừa đấm, vừa xoa” đối với Trung Quốc. Việc ông Duterte đưa ra những tuyên bố chỉ trích, thậm chí là đe doạ Trung Quốc ở Biển Đông không ngoài mục đích nhắc nhở Trung Quốc phải thực hiện những cam kết, thoả thuận song phương mà hai nước đã ngầm trao đổi; đồng thời tìm cách trấn an và động viên tinh thần người dân trong nước rằng chính quyền của ông đang làm tất cả những gì có thể để bảo vệ “chủ quyền” của Philippines ở Biển Đông. Tuy nhiên, những khi ông Duterte kêu gọi Mỹ điều tàu chiến đến Biển Đông để đối phó với Trung Quốc là thông điệp muốn gửi gắm tới Mỹ, đồng minh của Philippines rằng “Mỹ cần phải tăng cường đầu tư và viện trợ hơn nữa đối với Philippines, nếu không Manila sẽ đi theo Trung Quốc”, đồng thời nó cũng là thông điệp gửi tới Trung Quốc, nhắn nhủ Bắc Kinh rằng đăng sau Philippines là “gã khổng lồ” Mỹ.

Từ khi lên nắm quyền, ông Duterte có quan điểm mềm mỏng với Trung Quốc hơn hẳn chính quyền tiền nhiệm. Ngoài chuyện để các tàu cá Trung Quốc vào khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, những người chỉ trích ông Duterte còn bất bình vì ông không sử dụng phán quyết rất có lợi cho Philippines mà Toà trọng tài thường trực quốc tế đưa ra năm 2016 và chuyện ông hạ thấp tính nghiêm trọng của vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines và bỏ mặc các ngư dân có nguy cơ chết đuối trên biển. Ông Duterte gọi đó “chỉ là một vụ va chạm”.

Phản ứng trước những tuyên bố, hành động của Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông,Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp; đồng thời đề nghị các nước liên quan cần tôn trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới