Saturday, July 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaEo biển Đài Loan: “Thùng thuốc súng” có thể nổ bất cứ...

Eo biển Đài Loan: “Thùng thuốc súng” có thể nổ bất cứ lúc nào

Trong những ngày qua, diễn biến tình hình eo biển Đài Loan vô cũng căng thẳng, Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan liên tục có các hành động răn đe, đáp trả lẫn nhau, khiến khu vực này có thể bùng phát thành xung đột vũ trang bất cứ lúc nào.

Tên lửa chống hạm của Đài Loan

Mỹ cam kết bảo vệ Đài Loan

Căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan bị đẩy lên cao từ khi Mỹ chính thức thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD cho Đài Loan. Theo hợp đồng trên, Mỹ đã chấp thuận bán 108 xe tăng Abrams M1A2T và những thiết bị liên quan, cùng với 250 tên lửa Stinger cho Đài Loan. Đây là lô thiết bị quân sự lớn đầu tiên Mỹ bán cho Đài Loan trong nhiều thập kỷ. Washington tuyên bố việc bán vũ khí này là chính sách nhất quán của chính quyền Mỹ nhằm góp phần duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.

Trong một động thái liên quan, Hạm đội 7 của Mỹ (24-25/7) đã điều tàu chiến USS Antietam đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Thái Bình Dương tự do và rộng mở; đồng thời khẳng định Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục bay và đưa tàu đi qua và hoạt động tại bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép. Được biết, tàu USS Antietam có độ giãn nước tối đa vào khoảng 9.800 tấn, dài 173 m, lườn rộng 16,8 m và mớm nước tối đa 10,2 m. Hỏa lực trên tàu được trang bị bao gồm 122 giếng phóng thẳng đứng Mk 41, 8 ống phóng tên lửa chống hạm Harpoon, 2 pháo 127mm, 2 pháo 25mm, 4 khẩu 12,7mm, 2 pháo cao tốc Phalanx và 2 ống phóng ngư lôi cỡ nhỏ loại 324mm. Ngoài ra tàu cũng có khả năng mang được tối đa 2 trực thăng ở sàn đáp và khoang chứa ở phía sau. Các khu trục hạm lớp Ticonderoga có biên chế đầy đủ bao gồm 300 thủy thủ và 30 sĩ quan chỉ huy.

Trung Quốc đáp trả

Ngay sau khi Mỹ bán vũ khí và đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp đáp trả khác nhau. Về ngoại giao, Trung Quốc lên án hành động của Mỹ, đồng thời cảnh cáo Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp, bao gồm biện pháp quân sự để ngăn chặn Đài Loan độc lập và đáp trả thế lực bên ngoài can thiệp vào tình hình Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (24/7) cảnh báo sẵn sàng chiến tranh nếu có bất kỳ động thái nào liên quan đến độc lập Đài Loan, cáo buộc Mỹ phá hoại sự ổn định toàn cầu và chỉ trích việc Mỹ bán vũ khí cho hòn đảo này. Ông Ngô Khiêm tuyên bố: “Chúng tôi phải dứt khoát chỉ ra rằng việc tìm kiếm độc lập cho Đài Loan là chuyện không thể. Nếu có những người dám cố tình chia cắt Đài Loan khỏi đất nước, quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.

Về quân sự, Trung Quốc điều máy bay chiến đấu Su-30 tập trận gần eo biển Đài Loan; triển khai máy bay tiêm kích tàng hình J-20, hiện đại nhất của Trung Quốc cho Quân khu Miền Đông. Không những vậy, Trung Quốc cũng điều máy bay không người lái do thám Tường Long tiên tiến của Trung Quốc theo dõi tuần dương hạm Mỹ USS Antietam khi tàu này đi ngang qua eo biển Đài Loan. Máy bay không người lái này có khả năng bay lượn phía trên chiến trường trong thời gian tối đa 10 giờ (đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để tàu Antietam đi qua eo biển Đài Loan) ở độ cao 2km. Tường Long được trang bị nhiều thiết bị theo dõi, tương tự như máy bay không người lái RQ4 của Mỹ. Tường Long được sản xuất từ năm 2016 và mới chỉ được bên ngoài nhìn thấy vài lần khi chúng cất cánh làm nhiệm vụ từ ba căn cứ: căn cứ không quân Linh Thủy trên đảo Hải Nam gần Biển Đông; căn cứ không quân Dịch Thuận Đồn gần thành phố Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc và cách Triều Tiên khoảng 300km; căn cứ Nhật Khách Tắc ở Tây Tạng, gần cao nguyên Doklam/Đông Lãng đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng điều các tiêm kích J-11 và Su-30 bám sát tàu USS Antietam khi đi qua eo biển Đài Loan. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc được nói là đã cử chiến đấu cơ đi giám sát một chuyến đi ngang eo biển Đài Loan của tàu chiến Mỹ vào ban đêm.

Đáng chú ý, chỉ vài giờ sau khi Bắc Kinh công bố Sách Trắng quốc phòng, Trung Quốc đã liên tiếp thông báo tiến hành hai cuộc tập trận lớn ở Biển Đông và Hoa Đông ở hai đầu Nam, Bắc của đảo Đài Loan. Cụ thể, theo thông báo “Chiết Hàng Cảnh 0623” của Cục Hải sự tỉnh Chiết Giang ngày 28/7, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận kéo dài 5 ngày từ 18 giờ ngày 28/7 đến 18 giờ ngày 1/8 ở khu vực biển Hoa Đông nối liền bởi 4 điểm có tọa độ (1) 30°03’N-123°14’E;(2) 30°03’N – 124°44’E;(3) 28°53’N – 124°44’E;(4) 28°53’N – 123°14’ E. Khu vực tập trận có diện tích khoảng 18.900 km2 nằm cách Đài Loan khoảng 235 hải lý về phía Bắc; nghiêm cấm mọi phương tiện ra vào khu vực này. Trong khi đó, giới chức quân sự Đài Loan cho biết cuộc tập trận gần đảo Đông Sơn này của PLA đã bắt đầu lúc 6 giờ sáng cùng ngày tại vùng biển đối diện ven bờ tỉnh Phúc Kiến và khu vực diễn tập theo thông báo của phía Đại Lục đã vượt quá một phần đường trung tâm (trung tuyến) của biển Đài Loan. Sáng 29/7, Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông tiếp tục thông báo về việc tiến hành cuộc tập trận kéo dài 5 ngày từ 29/7 đến 2/8 ở khu vực biển ngoài khơi 2 tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến, nối liền bởi 5 điểm có tọa độ (1) 22° 53’N – 116° 10’E ; (2) 22° 50’N – 116° 10’E; (3) 22° 50’N – 118° 00’E; (4) 24° 00’N – 118° 00’E và (5) 24° 00’N – 117° 48’E. Khu vực tập trận có diện tích khoảng 13.900 km2 này chỉ cách quần đảo Bành Hồ của Đài Loan khoảng 74 hải lý về phía Tây.

Một số phương tiện truyền thông đã suy đoán rằng PLA sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự cùng một lúc tại hai Chiến khu miền Nam và miền Bắc. Đây là lần hiếm hoi một cuộc tập trận quy mô lớn như thế được tiến hành ở eo biển Đài Loan. Trang tin Đa Chiều viết, có nhiều dấu hiệu cho thấy PLA sẽ tiến hành các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn trong tuần này ở khu vực biển Đông Nam, liên quan đến nhiều Chiến khu và có nhiều đơn vị Hải, Lục, Không quân tham gia. Đáng chú ý, trước đó truyền thông Trung Quốc cũng đã đăng 3 bản cảnh báo hàng hải của Cục Hải sự tỉnh Liêu Ninh cho thấy từ ngày 26/7 đến 2/8 tại một số khu vực ở Bột Hải và Bắc Hoàng Hải cũng diễn ra hoạt động diễn tập bắn đạn thật.

Đài Loan đáp trả cứng rắn

Bộ Quốc phòng Đài Loan (29/7) cho biết quân đội Đài Loan sẽ tiến hành trinh sát toàn diện và nắm bắt các động thái diễn ra trên biển và không phận quanh eo biển Đài Loan để đảm bảo an ninh của Đài Loan và ổn định trong khu vực; đồng thời kêu gọi dân chúng Đài Loan yên tâm.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng đã tiến hành các cuộc tập trận bắn tên lửa nhằm đáp trả động thái khiêu khích của Trung Quốc và thể hiện quyết tâm bảo vệ lãnh thổ Đài Bắc. Theo đó, các tiêm kích F-16 của Đài Loan bắn tổng cộng 117 tên lửa tầm trung và tầm xa trong hai ngày 29-30/7. Lee Chao Ming, phát ngôn viên cơ quan quốc phòng Đài Loan, cho biết tên lửa được phóng đi từ căn cứ quân sự Jiupeng vào vùng biển ngoài khơi phía Đông đảo Đài Loan. Các tên lửa đạt tầm bắn khoảng 250 km. Cuộc tập trận gồm 5 loại hình đào tạo khác nhau cho lực lượng quân sự đảo Đài Loan. Được biết, Đài Loan đang tập trung vào việc tăng cường năng lực tự vệ và thông qua việc xây dựng mạng lưới phòng không và phòng thủ bờ biển toàn diện để chống lại mối đe dọa quân sự từ đại lục. Theo nhận định của giới chuyên gia, tên lửa Đài Loan sử dụng vừa qua là tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon. AGM-84 Harpoon là vũ khí chống hạm phổ biến của Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Với đầu đạn có đương lượng nổ 221kg, tên lửaHarpoon có thể đánh chìm những chiến hạm hàng ngàn tấn. Được phát triển từ cuối thập niên 1970, qua nhiều lần nâng cấp, loại tên lửa chống hạm này là một trong những vũ khí diệt hạm nguy hiểm nhất hiện nay.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất, kể cả bằng vũ lực. Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay và tàu quân sự lượn quanh đảo trong các cuộc tập trận vài năm qua và tìm cách cô lập Đài Loan, khiến hòn đảo này chỉ còn vài đồng minh ngoại giao. Vấn đề Đài Loan, chiến tranh thương mại, lệnh trừng phạt của Mỹ và đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông là những điểm nóng khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh căng thẳng. Cơ quan Tình báo Quân sự Mỹ (DIA) nhận định Đài Loan là động lực chính cho nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Trong khi đó, giới truyền thông nhận định, việc Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan liên tục gia tăng các hoạt động quân sự xung quanh eo biển Đài Loan sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng, dễ mất kiểm soát và hoàn toàn có khả năng xảy ra xung đột quân sự.

RELATED ARTICLES

Tin mới