Sunday, September 8, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiải mã nội dung trong “Thông điệp quốc gia” năm 2019 của...

Giải mã nội dung trong “Thông điệp quốc gia” năm 2019 của Philippines

Phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Philippines Duterte (22/7) đã trình bày “Thông điệp quốc gia” năm 2019. Trong đó điểm nhấn là vấn đề Biển Đông và quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc hiện nay.

Philippines không dám ngăn chặn Trung Quốc

Tổng thống Philippines Duterte nhấn mạnh Philippines không thể đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông và để mặc ngư dân Trung Quốc thoải mái đánh bắt cá trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila mà không bị ngăn chặn, xua đuổi. Ông Duterte đưa ra lý do hết sức đặc biệt, khi cho rằng chẳng có cách nào để cản ngăn dân Trung Quốc vào đánh cá ở EEZ của Philippines mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền; khẳng định ông sẽ không mạo hiểm để “tổn thất” sinh mạng binh sĩ Philippines trong trường hợp để nổ ra xung đột với Trung Quốc ở vùng tranh chấp. Không những vậy, ông Duterte còn cho biết thêm “Philippines đã tiến hành các cuộc đàm phán ngoại giao với Trung Quốc nhằm giúp ngư dân Manila có thể quay lại đánh cá ở những khu vực đã từng bị Bắc Kinh xua đuổi trước đây”.

Hàm ý của Thông điệp quan trọng này

Việc Tổng thống Philippines Duterte đưa ra tuyên bố có thể coi là “đầu hàng” trước Trung Quốc và chấp nhận bỏ qua việc Bắc Kinh hoạt động tự do trong EEZ của Manila là nhằm: (i) Manila tự biết mình không đủ năng lực để đối phó với các hoạt động quân sự cũng như các biện pháp trả đủa của Trung Quốc về kinh tế. Vì vậy, Philippines chấp nhận bỏ qua chủ quyền và lợi ích kinh tế ở Biển Đông còn hơn là phải tìm cách ngăn chặn Trung Quốc. (ii) Philippines không hài lòng với Mỹ, đồng minh thân cận của Philippines. Trong những năm gần đây, Mỹ đã giảm bớt viện trợ kinh tế, quân sự cho Philippines khiến Manila cảm giác bị hụt hẫng và thất vọng. Ngoài ra, Mỹ chủ yếu chỉ đưa ra các tuyên bố lên án các hành vi phi pháp của Trung Quốc và đưa tàu tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông mà không có các biện pháp thiết thực hơn ngăn chặn Trung Quốc. Do đó, Philippines muốn thông qua những tuyên bố trên để gửi thông điệp tới Mỹ, rằng Washington cần phải làm nhiều hơn nữa để Philippines có đủ khả năng đối phó với Trung Quốc. (iii) Philippines không làm “ngọn cờ đầu” của ASEAN trong việc ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. (iv) Ngoài ra, đây cũng được coi là thông điệp của Tổng thống Duterte muốn gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Duterte muốn khẳng định với ông Tập rằng, Philippines dưới thời Duterte sẽ mãi là “đàn em” của Trung Quốc, sẵn sàng nghe theo sự sắp xếp của Trung Quốc nhằm đổi lấy lợi ích kinh tế.

Nguyên nhân sâu xa

Việc Chính quyền Tổng thống Duterte áp dụng đường lối ngoại giao khác với người tiền nhiệm, liên tục thể hiện sự hữu nghị với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là kết quả do nhiều nhân tố cùng phát huy tác dụng. Điều này không những có liên quan trực tiếp đến quan niệm cầm quyền của cá nhân Duterte, mà còn là lựa chọn có lý trí trên cơ sở so sánh lịch sử và hiện thực để thực hiện tối đa hóa lợi ích quốc gia của Philippines.

Trước mắt vụ kiện lên Tòa Trọng tài không mang lại lợi ích thực tế cho Philippines nhưng lâu dài thì khác. Tuy phán quyết của Tòa Trọng tài nghiêng về Philippines, nhưng vì sự phản đối của Trung Quốc nên chưa được Philippines triển khai đồng bộ phán quyết, mong muốn chiến lược của Philippines chưa được thực hiện. Trái lại, quan hệ Philippines – Trung Quốc gần như đóng băng trong thời điểm Tòa Trọng tài ra tuyên bố phán quyết của vụ kiện, hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc trên các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng. Trên thực tế, Tổng thống Duterte từ lâu đã bày tỏ lo ngại đối với việc Aquino đệ trình tranh chấp Biển Đông lên Tòa Trọng tài quốc tế, ông công khai tuyên bố mình có lập trường gần giống với Trung Quốc, không tin rằng có thể thông qua Tòa Trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp dứt điểm.

Ngoài ra, chiến lược quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ coi vấn đề Biển Đông là điểm tựa quan trọng, Philippines trở thành quân cờ then chốt. Khi Tòa Trọng tài chưa đưa ra phán quyết, Mỹ ra sức tuyên truyền ý nghĩa tích cực của phương thức trọng tài, liên tục bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Philippines. Sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết, Mỹ nhiều lần tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng tài có sức ràng buộc về pháp lý, yêu cầu Philipines và Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết. Trên thực tế, Mỹ mới là bên được lợi nhất trong vấn đề Biển Đông. Dựa vào vấn đề này, Mỹ không những đã tăng cường mức độ can dự vào vấn đề Biển Đông, mà còn tìm cách lợi dụng quy tắc và luật pháp quốc tế để ràng buộc Trung Quốc, địa vị ưu thế trong cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ về trật tự biển được tăng cường hơn nữa. Philippines tự nguyện làm đồng minh của Mỹ trong chiến lược quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương, nhưng không đem đến lợi ích thực tế cho bản thân. Chính quyền Duterte tỏ thái độ mềm mỏng và thận trọng trong vấn đề Biển Đông, thực tế là một sự lập lại trật tự đối với chính sách của người tiền nhiệm, đặt lợi ích quốc gia của Philippines lên những cân nhắc quan trọng hàng đầu. Nếu vụ kiện lên Tòa Trọng tài đem đến nhiều lợi ích thực tế cho Philippines, thái độ của Duterte đối với vụ kiện này có thể sẽ khác, nhân tố quyết định là nhận thức và đánh giá của Duterte đối với lợi ích quốc gia của Philippines.

Không những vậy, sự can thiệp của phương Tây vào cuộc bầu cử ở Philippines, cũng như lấy lý do nhân quyền chỉ trích chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của Chính quyền Duterte không những đã phản tác dụng, mà ngược lại còn kích thích hơn nữa ý thức độc lập tự chủ của Duterte. Duterte chỉ trích đại sứ Mỹ tại Philippines từng có lúc gây ra sóng gió ngoại giao, với lý do là đã chỉ trích đối phương can thiệp các công việc chính trị của Philippines. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Duterte đã tiến hành chiến dịch truy quét tội phạm ma túy rầm rộ, có những lúc khiến cho không ít dân thường thiệt mạng. Điều này gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ của thế giới phương Tây, họ chỉ trích Chính quyền Duterte xâm phạm nhân quyền, hối thúc Duterte phải tuân thủ nghiêm ngặt tinh thần pháp trị, thậm chí phao tin muốn điều tra Duterte. Hành động này dẫn tới phản ứng mạnh mẽ của Duterte, coi đây là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Philippines. Sự chỉ trích của phương Tây và sự ủng hộ của Trung Quốc đã hình thành sự tương phản rõ rệt, khiến Duterte càng bất mãn với phương Tây. Sự bất mãn này khiến cho Duterte càng muốn đưa chính sách đối ngoại của Philippines trở về chính sách cân bằng nước lớn trong thời kỳ Arroyo, đặc biệt là tìm kiếm sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Để làm được điều này, Duterte phải thay đổi hiện trạng. Một mặt, phải dựa trên phán đoán lợi ích của nước mình để đưa ra chính sách ngoại giao độc lập với Mỹ, thực hiện chia cắt ở mức độ thích hợp lợi ích giữa Philippines và Mỹ; mặt khác, phải tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, bù đắp những khiếm khuyết trong chính sách ngoại giao của Philippines.

Cuối cùng, Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Philippines. Trong thời gian Aquino cầm quyền, kinh tế Philippines đã có sự tăng trưởng mạnh ở Đông Nam Á. Theo thống kê chính thức của Philippines, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm của Philippines đạt 6,2% trong giai đoạn 2010-2015. Năm 2015, biên độ tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội –GDP của Philippines chỉ đứng sau Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam trong các nền kinh tế ở châu Á. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ của Aquino không đem lại lợi ích cho người dân, cũng không thể làm giảm khoảng cách giàu nghèo. Có sự không công bằng giữa người dân thành thị và nông thôn trên các phương diện như mức sống, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ hội việc làm…, gây ra sự bất mãn của người nghèo chiếm phần lớn dân số. Ngoài ra, từ lâu nay Philippines chịu sự quấy nhiễu của các vấn đề như bộ máy hành chính tham nhũng, trật tự xã hội hỗn loạn. Duterte đã lợi dụng sự bất mãn nêu trên và cam kết sẽ quản lý trật tự xã hội bằng bàn tay sắt, từ đó giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.

Philippines hy vọng thực hiện sự kết nối với việc Trung Quốc tăng cường chiến lược phát triển kinh tế thương mại, tận dụng cơ hội mà Sáng kiến Vành đai và Con đường mang lại để thúc đẩy quá trình xây dựng của Philippines. Chính quyền Duterte đã đưa ra chương trình nghị sự kinh tế-xã hội gồm 10 điểm, trong đó có tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư… Một mặt, Trung Quốc có nguồn vốn dồi dào, công nghệ chuyên nghiệp và nền tảng cơ chế sẽ giúp Philippines giải quyết được các vấn đề này, các nước khác thì thiếu sự bảo đảm liên quan. Mặt khác, Trung Quốc có ý muốn triển khai hợp tác với Philippines trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Ngoài ra, Philippines phải đối diện với áp lực rất lớn của nước ngoài trong chiến dịch tấn công tội phạm ma túy, Mỹ và EU chỉ trích mạnh mẽ nước này, Trung Quốc thì bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ. Trong tình hình này, Trung Quốc trở thành lựa chọn tốt nhất của Philippines, để thực hiện cam kết tranh cử của Duterte, trong đó có cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường thương mại song phương, thúc đẩy ngành du lịch, tăng việc làm, giảm nghèo và cung cấp dịch vụ xã hội nhiều hơn và rộng rãi hơn. Phát biểu trên nhiều diễn đàn, Duterte đã bày tỏ quan điểm hy vọng Trung Quốc giúp Philippines phát triển kinh tế. Để có sự hỗ trợ vốn của Trung Quốc, Duterte khen ngợi Trung Quốc là nước lớn có trách nhiệm, bên cạnh việc phát triển nước mình, còn không quên giúp đỡ các nước nghèo và lạc hậu khác, đồng thời còn nêu ra ví dụ điển hình về việc Trung Quốc giúp đỡ châu Phi và các nước Đông Nam Á phát triển. Vì vậy, Duterte muốn gác lại phán quyết của Tòa Trọng tài, khôi phục đối thoại với Trung Quốc.

Nhìn chung, từ “Thông điệp quốc gia” năm 2019 của Philippines cho thấy, Manila sẽ bỏ qua các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông để nhận được sự ưu ái về hợp tác kinh tế, thương mại, đây cũng chính là nguyên nhân khiến Bắc Kinh ngày càng lấn tới, chèn ép các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới