Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinNga mất cảnh giác với sự trỗi dậy của TQ: Bao giờ...

Nga mất cảnh giác với sự trỗi dậy của TQ: Bao giờ sẽ nhận “trái đắng”?

Người Nga đang kỳ vọng rất nhiều điều “tốt đẹp” khi Trung Quốc trỗi dậy về quân sự, liệu họ có “tham bát bỏ mâm” mất cảnh giác với một đối thủ tiềm tàng?

Hải quân đánh bộ Nga-Trung trong một cuộc tập trận năm 2016

Ngày 30/7, tờ National Interest xuất bản bài viết: “Is Russia Worried About China’s Military Rise?” (tạm dịch: Liệu người Nga có lo lắng về sự trỗi dậy của Quân đội Trung Quốc?) của phóng viên về các vấn đề quốc tế Dimitri Alexander Simes.

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về quan hệ quân sự giữa Nga và Trung Quốc cũng như các đánh giá của người Nga về vấn đề này, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Người Nga nhìn nhận sự phát triển của Quân đội Trung Quốc ra sao?

Ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu có những dấu hiệu chậm lại, Quân giải phóng nhân dânTrung Quốc (PLA) vẫn đang trên đà phát triển.

Nhiều năm đẩy cao chi tiêu quân sự được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế đang bắt đầu giúp Bắc Kinh thể hiện bản thân trong các công nghệ mới và sự quyết đoán mới. Trung Quốc đã có những bước tiến rõ rệt trong khả năng phòng thủ hàng không, hải quân và tên lửa.

Cho dù đó là đưa ra yêu sách phi lý ở Biển Đông hay mở căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên (Djibouti), Trung Quốc đang bắt đầu gây ảnh hưởng về quân sự đối với thế giới.

Nga nhìn nhận sự phát triển này như thế nào? Ngay cả khi Moscow và Bắc Kinh tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhiều chuyên gia phương Tây vẫn cảnh báo rằng sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.

Tờ National Interest đã có một số cuộc phỏng vấn một số nhà phân tích Nga và các nhà Trung Quốc học để hiểu rõ hơn về quan điểm của Nga về sự trỗi dậy của PLA.

Yuri Tavrovsky, giáo sư tại Đại học Hữu nghị Nhân dân Nga bình luận:

“Tại thời điểm hiện tại, lợi ích quốc gia của Nga trùng với lợi ích quốc gia của Trung Quốc, do đó, sự phát triển của lực lượng vũ trang và công nghệ quân sự của Trung Quốc không gây báo động cho các chỉ huy quân sự và lãnh đạo chính trị của Nga”.

Giáo sư Tavrovsky lập luận rằng người Nga sẽ được hưởng lợi từ một Trung Quốc mạnh hơn và có thể thách thức người Mỹ hiệu quả hơn và nhấn mạnh rằng áp lực ngày càng tăng của Hoa Kỳ trong việc kiềm chế Trung Quốc ở mức độ nhất định làm giảm áp lực với Nga.

“Nga và Trung Quốc chia sẻ mong muốn cân bằng can cân đã nghiêng về Hoa Kỳ từ lâu, nó đã định hình rất lớn cách các chuyên gia gọi là sức mạnh quân sự “trỗi dậy” của Trung Quốc.

Một số người thậm chí còn coi đó là một “lợi thế tiềm tàng” cho Moscow. Nó đã giúp Nga tránh khỏi việc trở thành đối thủ chiến lược duy nhất của phương Tây.

Hiện tại Chiến lược quốc phòng (của Hoa Kỳ) liệt kê hai đối thủ, tất cả các nguồn lực của Mỹ và phương Tây phải phân chia giữa hai quốc gia chúng tôi”.

Tuy nhiên, ông Tavrovsky thừa nhận rằng có một số “e ngại” ở Moscow về việc PLA phát triển.

“Về lâu dài, chúng tôi theo dõi thành công của Trung Quốc và không loại trừ bất kỳ kịch bản nào có thể xảy ra vì chúng tôi vẫn còn nhớ cách mà chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã thay đổi từ thời kỳ những năm 1950 sang thời kỳ cải cách dưới thời Đặng Tiểu Bình”.

Alexander Lukin, một học giả Trung Quốc học tại Trường Đại học Kinh tế, bày tỏ một quan điểm tương tự:

“Theo tôi hiểu là có sự hiểu biết (trong điện Kremlin) rằng một ngày nào đó Trung Quốc có thể trở thành “vấn đề”, nhưng hiện tại mối quan tâm này ít hơn nhiều so với những lo ngại về phương Tây.

Nếu quan hệ (của Nga) với phương Tây tốt hơn, thì cách tiếp cận Trung Quốc có lẽ sẽ khác. Tuy nhiên, vì mối quan hệ khó có thể trở nên tốt hơn, nên Nga có xu hướng hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc sẽ tiếp tục”.

100 năm nữa Trung Quốc mới bằng được Hoa Kỳ hiện tại?

Nhìn chung, các nhà phân tích Nga nói rằng không coi sự tích tụ quân sự của Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp.

Viktor Murakhovksy, tổng biên tập tạp chí Arsenal of the Fatherland bình luận “Những nỗ lực của Bắc Kinh rõ ràng là nhằm vào Washington chứ không phải Moscow.

Nếu nhìn vào tình hình chiến lược địa lý, Trung Quốc không quan tâm đến việc mở rộng theo hướng lãnh thổ Nga và có một mối quan tâm rất rõ ràng trong việc mở rộng quyền lực ở Biển Đông và xa hơn là ở khu vực Thái Bình Dương”.

Tại Washington, ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách và phân tích lo ngại về tham vọng quân sự toàn cầu của Bắc Kinh. Ngược lại, tại Moscow, Trung Quốc được ca ngợi là một cường quốc quân sự có tính truyền thống và có trách nhiệm.

“Cho đến nay, Trung Quốc đang cư xử theo cách rất hạn chế”, ông Lukin lập luận rằng với nguồn tài chính hiện tại của mình, Bắc Kinh có thể có nhiều căn cứ ở nước ngoài nếu muốn.

“Dấu chân quân sự toàn cầu vẫn còn nhỏ bé là bằng chứng cho thấy Trung Quốc quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề kinh tế, hơn là mở rộng ảnh hưởng quân sự của họ ra nước ngoài”.

Ông Alexander Lukin thừa nhận rằng với lợi ích kinh tế toàn cầu gắn kết, Trung Quốc có thể sẽ càng ngày càng phải dựa vào các lực lượng quân sự để bảo vệ những lợi ích đó.

Nhưng ông khẳng định rằng, ngay cả khi Trung Quốc sẽ tăng cường quân sự, phải mất 100 năm trước khi có thể so sánh với Hoa Kỳ.

Theo ông Alexander Lukin, một Trung Quốc hùng mạnh về quân sự cũng ít đe dọa đối với Nga hơn phương Tây vì chính sách đối ngoại của Bắc Kinh mang ít “tư tưởng” hơn Washington.

“Chúng ta đã thấy Hoa Kỳ ném bom các nước khác bởi vì không thích họ, rằng người Mỹ muốn “phổ biến” nền dân chủ kiểu Hoa Kỳ trên toàn thế giới. Trung Quốc thì ngược lại, không muốn cài đặt Nho giáo hay tái phục hồi CNXH ở Nga”.

Người Nga quyết định sẽ tiếp tục vũ trang cho Trung Quốc dù biết sẽ bị sao chép?

Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp trang bị cho các lực lượng vũ trang mới của Trung Quốc.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Trung Quốc là người mua vũ khí lớn nhất của Nga từ năm 1999 đến 2006, chiếm tới 60% xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm 2005.

Tuy nhiên, trong những năm sau đó, doanh số bán vũ khí của Nga cho Trung Quốc đã giảm đáng kể. Vào năm 2012 chỉ còn 8,7%. Nguyên nhân chính cho sự suy giảm nhanh chóng này là sự lo lắng ngày càng tăng của Nga đối với công nghệ giải mật của Trung Quốc.

Trong những năm 1990, Moscow đã bán cho Bắc Kinh một số máy bay chiến đấu Su-27 và sau đó thậm chí cho Trung Quốc lắp ráp chúng trong nước.

Trung Quốc sau đó đã hủy hợp đồng và sử dụng công nghệ mà họ thu được để ra mắt máy bay chiến đấu J-11, bản sao chính xác của máy bay Nga.

Thương mại vũ khí giữa Nga và Trung Quốc đã hồi phục phần nào trong những năm gần đây.

Nga-Trung đã thỏa thuận vào năm 2015 để cung cấp hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35, được coi là những vũ khí tối tân nhất của Nga. Nga cũng quan tâm đến việc bán Su-57, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mới của Trung Quốc.

Vadim Kozyulin, giám đốc Dự án An ninh châu Á tại Trung tâm Pir có trụ sở tại Moscow bình luận:

“Nga không ảo tưởng về việc Trung Quốc sẽ giải mật công nghệ vũ khí của Nga trong tương lai. Thành thật mà nói, khi thỏa thuận với họ, chúng tôi luôn ghi nhớ rằng điều Trung Quốc muốn đầu tiên là sao chép vũ khí.

Mặc dù người Nga hiểu được mối đe dọa này, nhưng các công cụ chống lại không nhiều”.

Lý do nào cho sự đảo ngược đột ngột của Nga đối với chính sách bán vũ khí cho Trung Quốc?

Theo ông Lukin, sự “thù địch chính trị” của phương Tây đối với việc sáp nhập Crimea của Nga vào năm 2014 và cuộc xung đột ở miền đông Ukraine ngay sau đó đã khiến Kremlin sẵn sàng chấp nhận một “cái giá phải trả” để có sự hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

“Dựa trên hành động của chính phủ Nga, rõ ràng họ đã đưa ra quyết định rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc xích lại gần hơn với Trung Quốc”.

Trung Quốc mặc sức sao chép, nhưng Nga vẫn “nắm dao đằng chuôi”?

Các nhà phân tích Nga ngày càng tự tin về khả năng của nước họ trong việc duy trì lợi thế sáng tạo trong công nghệ quân sự.

Ông Tavrovsky nói rằng giải mã công nghệ của Trung Quốc bây giờ ít được quan tâm hơn so với những năm 1990 bởi vì không giống như lúc đó, các ngành công nghiệp quốc phòng và nghiên cứu quân sự của Nga ngày nay nhận được đầy đủ tài trợ từ chính phủ.

“Các khu liên hợp công nghiệp-quân sự của Nga hiện nay khá tự tin, và việc bán vũ khí và công nghệ quân sự tiên tiến cho Trung Quốc và các nước khác được thiết lập với cấu hình của Nga tiên tiến hơn”.

Ông Murakhovsky cũng có suy nghĩ tương tự và kỳ vọng ngành công nghiệp quốc phòng Nga cạnh tranh hơn nhiều nếu so với Trung Quốc.

“Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, có dân số khổng lồ, một nền kinh tế mạnh mẽ và đi cùng với đó là một quân đội ngày càng hùng mạnh, tất cả đều đúng.

Nhưng để cảm thấy rằng chúng ta sẽ trở nên nhỏ bé và khốn khổ khi đứng cạnh họ, cầu xin họ bán lại cho chúng ta một số công nghệ quân sự, chắc chắn tương lai không phải như vậy.

Trung Quốc sẽ không vượt qua Nga trong việc phát triển các hệ thống quân sự quan trọng. Chúng tôi có một khả năng kỹ thuật quân sự đáng gờm, nó được cập nhật liên tục và chúng tôi nhìn về tương lai với sự tự tin”.

Nga cũng có thể sẽ đặt hàng quân sự từ Trung Quốc?

Tất cả các chuyên gia Nga được phỏng vấn cũng thừa nhận rằng Bắc Kinh đã vượt qua Moscow ở một số mảng nhất định, trong đó bao gồm phát triển ứng dụng quân sự với trí tuệ nhân tạo, đóng tàu, chế tạo máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo chống hạm.

“Trong tương lai không xa, Trung Quốc có thể là người bán vũ khí cho Nga” Murakhovsky nói.

Với việc mua một số loại vũ khí từ Trung Quốc, điều này sẽ rất có lợi cho cả hai nước. Đặc biệt là viễn cảnh Nga mua máy bay không người lái hoặc tàu chiến Trung Quốc.

Trung Quốc có một ngành công nghiệp đóng tàu mạnh mẽ. Họ chế tạo khinh hạm và khu trục hạm như những chiếc bánh nướng trên lò, hàng chục chiếc mỗi năm được đưa ra biển.

Nga hoàn toàn có thể đặt hàng khung vỏ các tàu chiến từ Trung Quốc bởi vì kinh nghiệm đóng tàu cho thấy chúng tôi (người Nga) đóng rất chậm”.

Có thể thấy nước láng giềng phía bắc của Trung Quốc đang cố gắng tận dụng tốt nhất các lợi thế từ sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Trong khi người Nga bảo lưu quan điểm về nguy hiểm tiềm tàng của Trung Quốc và khả năng sao chép công nghệ vũ khí, mối quan tâm của họ trong việc hình thành một mặt trận thống nhất với Bắc Kinh để trở thành một đối trọng với phương Tây đã lớn hơn nhiều.

Câu hỏi cuối cùng đó là, liệu mối quan hệ Nga-Trung theo cách này sẽ tồn tại được bao lâu?

RELATED ARTICLES

Tin mới