Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamChứng cứ về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa,...

Chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa theo luật pháp quốc tế

(tiếp theo)

II. Luận thuyết của Trung Quốc và Đài Loan

Do Trung Quốc và Đài Loan sử dụng các luận cứ tương tự cho yêu sách của mình đối với hai quần đảo, chúng tôi sẽ trình bày chung các luận cứ này trong phần dưới đây.

1. Luận thuyết của Trung Quốc dựa trên quyền phát hiện đầu tiên và chiếm cứ hữu hiệu đối với lãnh thổ vô chủ (terra nullius)

Trung Quốc khẳng định họ đã phát hiện ra các quần đảo sớm nhất, từ thời Hán Vũ Đế (thế kỷ II trước CN). Tuy nhiên, để chứng minh cho luận cứ này, Trung Quốc đưa ra các tài liệu không phải là chính sử được viết bởi các cơ quan nhà nước.

Theo Nguyễn Hồng Thao, “phần lớn chúng là những ghi chép về các chuyến đi, các chuyên khảo và các sách hàng hải thể hiện những nhận biết địa lý của người xưa liên quan không chỉ tới lãnh thổ Trung Quốc mà còn tới lãnh thổ của các nước khác.” Hơn nữa, phần lớn các tài liệu nói đến các quần đảo với những tên gọi rất khác nhau, làm cho mọi xác minh không được chắc chắn.

 

Mặt khác, tác giả Phạm Hoàng Quân cho biết, theo Cổ kim đồ thư tập thành, bộ bách khoa toàn thư do Thanh triều tổ chức biên soạn, hoàn thành năm 1706, trong phần Chức Phương điển (sách điển chế về địa đồ các đơn vị hành chính), các địa đồ như Chức Phương tổng bộ đồ (địa đồ số 1), Quảng Đông cương vực đồ (địa đồ số 157), Quỳnh Châu phủ cương vực đồ (địa đồ số 167) đều không ghi nhận các quần đảo xa hơn đảo Hải Nam ngày nay. Theo Quảng Đông thông chí vẽ đời Gia Tĩnh (1522-1566) thì phần hải đảo cũng chỉ đến Quỳnh Châu (tức Hải Nam).


Việt Nam đã có chủ quyền từ lâu đời đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc cũng sử dụng những bằng chứng về khảo cổ và việc tìm thấy vết tích tiền và đồ cổ từ thời Vương Mạng để khẳng định sự có mặt của ngư dân Trung Quốc trên các quần đảo. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc là các hoạt động tư nhân, không mang lại hiệu lực pháp lý của quyền chiếm cứ hiệu quả mà luật quốc tế đòi hỏi.

Để chứng minh việc thực thi chủ quyền trên các quần đảo từ lâu đời, Trung Quốc đưa ra các sự kiện sau:

– Các cuộc tuần tra quân sự đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ thời nhà Tống (960-1127). Khẳng định này dựa trên cơ sở Vũ Kinh tổng yếu (chương trình chung về quân sự có lời đề tựa của vua Tống Nhân Tông). Theo Monique Chemillier-Gendreau, tài liệu này chỉ cho thấy có các đó là các hành trình thăm dò địa lý tới tận Ấn Đô Dương, và xác nhận Trung Quốc có biết đến quần đảo Hoàng Sa nhưng không minh chứng một sự chiếm hữu nào.

– Vào thế kỷ XIII, Hoàng đế nhà Nguyên ra lệnh cho nhà thiên văn học Quách Từ Kính thực hiện các quan trắc thiên văn, trong đó có một số quan trắc từ Hoàng Sa. Tuy nhiên, các quan trắc này được thực hiện một phần trong lãnh thổ Trung Quốc, một phần ngoài lãnh thổ, mang tính chất nghiên cứu khoa học, không đủ để tạo nên danh nghĩa chủ quyền.

– Vào khoảng các năm 1710-1712, phó tướng thủy quân Quảng Đông là Ngô Thăng đã thực hiện một cuộc tuần biển đến Hoàng Sa. Tuy nhiên, theo Monique Chemillier-Gendreau, xem xét trên bản đồ thì lộ trình đi tuần chỉ là một con đường vòng quanh đảo Hải Nam chứ không phải là quần đảo Hoàng Sa.

– Năm 1883, khi tàu của Đức thực hiện nghiên cứu khoa học tại quần đảo Trường Sa, chính quyền Quảng Đông đã phản đối. Nhưng khi danh nghĩa của một nhà nước chưa được xác lập vững chắc và lâu dài, việc phản đối này chỉ mang tính chất ngoại giao và không có giá trị pháp lý.

Các bằng chứng lịch sử của Trung Quốc về quyền phát hiện và chiếm cứ hiệu quả hai quần đảo rõ ràng là rất ít ỏi, không vững chắc và không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của luật quốc tế. “Chúng không chứng minh được một sự chiếm cứ thông thường, một sự quản lý hành chính hữu hiệu sự kiểm soát chủ quyền”.

Cân nhắc các luận cứ lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc về quyền phát hiện đầu tiên và chiếm cứ hiệu quả, giáo sư người Pháp Yves Lacoste cho rằng: “dù sao đi nữa, luận cứ của Việt Nam cũng mạnh mẽ hơn luận cứ của Trung Quốc.”

2. Các luận cứ của Trung Quốc trong thời kỳ từ đầu thế kỷ XX đến 1945

Đầu thế kỷ XX, Trung Quốc mới thực sự quan tâm và có những nỗ lực đầu tiên để chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa. Vào năm 1909, đô đốc Trung Quốc là Lý Chuẩn thực hiện một cuộc đổ bộ nhỏ (trong 24 giờ) lên quần đảo này. Họ kéo cờ và bắn súng để biểu thị chủ quyền của Trung Quốc. (Sự kiện này cho thấy sự mâu thuẫn trong lập luận của Trung Quốc. Nếu quần đảo Hoàng Sa đã được Trung Quốc chiếm cứ thực sự từ lâu đời, thì tại sao phái đoàn của Lý Chuẩn lại không biết điều này và hành xử như thể lần đầu tiên phát hiện ra quần đảo?). Nước Pháp đại diện cho An Nam không có phản ứng gì trước cuộc đổ bộ này vì họ cho rằng đó chỉ là một nghi thức hải quân nhân dịp chuyến thám sát.

Năm 1921, chính quyền dân sự Quảng Đông sát nhập hành chính các đảo Hoàng Sa vào Nhai huyện. Sự kiện này không gây ra phản ứng gì của các nước vì khi đó chính quyền Quảng Đông không được cả chính phủ trung ương Trung Quốc lẫn các cường quốc công nhận.

Năm 1937, trước sự phản đối của Pháp, Nhật chiếm các đảo “nằm ngoài khơi Đông Dương”, đổi tên thành Shinnan Gunto (Tân Nam Quần Đảo) và đặt chúng dưới quyền tài phán của Cao Hùng (Đài Loan).

Trong suốt thời gian Thế chiến II, các quần đảo bị Nhật chiếm đóng.

Như vậy, cho đến khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, ngoài nỗ lực ban đầu trong việc biểu thị chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc vẫn không thể hiện được một sự chiếm cứ thực sự, liên tục hay sự quản lý hành chính hiệu quả trên các đảo. Đối với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc hoàn toàn không hề có một ảnh hưởng nào.

3. Thời kỳ sau 1945

Sau khi đầu hàng vào năm 1945, Nhật Bản rút khỏi Đông Dương và các quần đảo. Sau khi Pháp khôi phục lại sự có mặt của mình tại Hoàng Sa vào tháng 6 năm 1946, quân đội Trung Hoa Dân Quốc đổ bộ lên đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) vào tháng 1 năm 1947. Pháp lập tức phản đối việc chiếm hữu trái phép này của Trung Quốc và cử một phân đội ra quần đảo Hoàng Sa, lập đồn binh và xây trạm khí tượng. Các trạm khí tượng này hoạt động trong suốt 26 năm cho đến khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chiếm đóng quân sự vào năm 1974.

Cuối năm 1946, Trung Hoa Dân Quốc cử quân đội đến chiếm đóng đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa), sau khi Pháp đặt bia chủ quyền.

Tháng 10 năm 1949, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời. Tháng 5 năm 1950, Quân đội Quốc dân Đảng phải rời khỏi các đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và Ba Bình (quần đảo Trường Sa). Các trại đồn trú của Pháp vẫn được tiếp tục duy trì ở Hoàng Sa.

Tháng 4 năm 1956, quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đưa quân đến thay thế các đơn vị của Pháp tại Hoàng Sa. Nhưng khi đó chính quyền Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã kín đáo cho quân đổ bộ chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa (cụm An Vĩnh).

Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Trung Quốc ra tuyên bố về hải phận 12 hải lý, áp dụng cho cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Đối với quần đảo Trường Sa, theo Jan Rowiński, cho đến thời điểm này (tháng 1 năm 1974) „Trung Quốc không có khả năng gây ảnh hưởng đối với khu vực quần đảo Trường Sa, chứ chưa nói gì đến chuyện kiểm soát nó.”

Tháng 2 năm 1988, Trung Quốc gửi quân đội đến một số đảo trên quần đảo Trường Sa.

Tháng 3 năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm 6 đảo của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Trung Quốc là quốc gia duy nhất yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa nhưng trên thực tế không kiểm soát bất cứ đảo nào cho mãi đến tận năm 1988.

Tháng 4 năm 1988, Trung Quốc thành lập tỉnh thứ 33 bao gồm đảo Hải Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 5 năm 1989, Trung Quốc chiếm thêm một đảo nhỏ trên quần đảo Trường Sa.

Tháng 2 năm 1995, Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn, một đảo đá nhỏ của Phillippines trên quần đảo Trường Sa.

Có thể thấy phương pháp chủ yếu của Trung Quốc là dùng vũ lực để chiếm hữu các đảo. Tuy nhiên, theo luật quốc tế, từ đầu thế kỷ XX việc dùng vũ lực để chinh phục một lãnh thổ đã bị lên án và không được chấp nhận. Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24 tháng 10 năm 1970 cũng đã ghi rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lưc. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp.” Do đó, các hành động dùng vũ lực trái ngược với luật quốc tế của Trung Quốc không thể mang lại danh nghĩa pháp lý cho nước này đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

4. Các tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giá trị pháp lý:

Trung Quốc luôn lập luận rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên các tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) trong thời gian chiến tranh 1954-1975. Các tuyên bố đó là:

– Ngày 15 tháng 6 năm 1956 thứ trưởng Ngoại giao VNDCCH Ung Văn Khiêm đã nói với thường vụ viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội rằng các quần đảo này về mặt lịch sử là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được biên bản cuộc họp mà họ cho rằng trong đó Ung Văn Khiêm đã nói điều trên.

– Công hàm của Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng ngày 14 tháng 9 năm 1958 tán thành tuyên bố về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc mà không có bảo lưu gì đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

– Ngày 9 tháng 5 năm1965, khi Mỹ leo thang chiến tranh tại Việt Nam và ấn định những vùng chiến thuật, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các tuyên bố của VNDCCH có khiến cho nước Việt Nam thống nhất sau 1975 mất chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay không đòi hỏi những nghiên cứu sâu hơn về luật quốc tế. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi sẽ trình bày tóm tắt quan điểm của mình.

Trong thời gian chiến tranh 1954-1975 có hai quốc gia Việt Nam đồng thời tồn tại là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ở miền Bắc và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ở miền Nam. Đây cũng là quan điểm của nhiều luật gia quốc tế như James Crawford, Robert Jennings, Nguyễn Quốc Định, Jules Basdevant, Paul Reuter, Louis Henkin, Grigory Tunkin.

Sau Hiệp ước Geneve năm 1954, dựa theo nhận thức và thực tế quản lý của hai quốc gia, quốc gia kế thừa chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là VNCH. Trên thực tế, như đã nêu ở phần trên, VNCH đã liên tục kiểm soát, quản lý hành chính và khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo cho đến tận khi bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974. Việc quản lý quần đảo Trường Sa vẫn tiếp tục được duy trì đến thời điểm 30 tháng 4 năm 1975.

Công hàm của thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng ngày 14 tháng 9 năm 1958 cũng như các tuyên bố khác của VNDCCH không ảnh hưởng đến danh nghĩa chủ quyền mà VNCH duy trì. Các hành vi của VNDCCH cùng lắm chỉ có thể gây ra các ràng buộc và hiệu quả pháp lý cho chính mình mà thôi. Vậy các ràng buộc và hiệu quả pháp lý đó có thể là gì?

Các tuyên bố của VNDCCH là hành vi đơn phương. Theo luật quốc tế, một hành vi đơn phương hay một lời hứa cần có những điều kiện trước khi có thể gây ra nghĩa vụ ràng buộc. Các điều kiện chính là: a) cần xét đến bối cảnh của hành vi tuyên bố đó; b) bên có tuyên bố cần thể hiện rõ ràng ý chí muốn bị ràng buộc bởi tuyên bố của mình; c) bên kiện quốc gia tuyên bố phải có hành động dựa vào tuyên bố đó và phải chứng minh mình đã bị thiệt hại do tuyên bố đó, hoặc quốc gia tuyên bố đã hưởng lợi từ tuyên bố này. Ngoài ra, nhiều bản án của Tòa án Công lý Quốc tế còn đòi hỏi các tuyên bố này phải mang tính chất liên tục và trường kỳ.

Có thể dễ dàng thấy rằng các tuyên bố của VNDCCH thiếu hầu hết các điều kiện để có thể gây ra nghĩa vụ ràng buộc. Trung Quốc không có hành động nào dựa vào tuyên bố của VNDCCH và VNDCCH cũng không được hưởng lợi gì từ các tuyên bố đó.

Như vậy, sau năm 1975, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, người kế thừa hai nhà nước VNCH và VNDCCH, đã kế thừa chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ VNCH cùng các tuyên bố đơn phương không mang tính chất ràng buộc và hiệu quả pháp lý từ VNDCCH, và hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.

C.P

RELATED ARTICLES

Tin mới