Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVấn đề Biển Đông sẽ “nóng” tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại...

Vấn đề Biển Đông sẽ “nóng” tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52

Từ ngày 29/7 đến 3/8 sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và một số hội nghị liên quan tại Bangkok, Thái Lan.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tại Hội nghị AMM-51

Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, Hội nghị AMM-52 với chủ đề “Kết nối, Sự bền vững, Môi trường và Tài chính toàn diện” nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên. Ngoài các vấn đề chính, Thái Lan trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2019 cũng hy vọng rằng, ASEAN sẽ là một trung tâm đàm phán toàn cầu liên quan đến những vấn đề như Mỹ – Triều Tiên, xung đột Biển Đông và những vấn đề khác có thể xảy ra trong tương lai.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2019, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai sẽ chủ trì AMM và đồng chủ trì các hội nghị PMC với các đối tác đối thoại cùng những hội nghị khác, trong đó bao gồm cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (APT), Hội nghị Bộ trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26 (ARF). Một số hội nghị liên quan bao gồm các hội nghị hợp tác tiểu vùng, như Hội nghị Bộ trưởng Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) lần thứ 12, Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác sông Mekong – sông Hằng lần thứ 10, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Hàn Quốc lần thứ 9, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Nhật Bản lần thứ 12.

Theo tờ The Nation dẫn lời một quan chức ngoại giao cao cấp của Thái Lan cho biết các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẵn sàng thảo luận với các đối tác toàn cầu về những biện pháp kết nối và hợp tác, sau khi văn kiện Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua hồi tháng 6.

Đáng chú ý, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51, ASEAN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong triển khai chủ đề “Tự cường và sáng tạo”. Theo đó, các nước ASEAN nhấn mạnh tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-phát triển cả trong nội khối cũng như với các Đối tác; tập trung đẩy mạnh kết nối khu vực (triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN gắn với các Kế hoạch phát triển tiểu vùng và liên khu vực khác), phát triển bền vững (gắn kết Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN với các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến 2030, triển khai công tác thu hẹp khoảng cách phát triển), đổi mới và sáng tạo để tận dụng các tiến bộ của công nghệ mới từ Cách mạng công nghiệp 4.0 (trong đó có phát triển kinh tế số, hình thành Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN, số hóa dữ liệu…). ASEAN cũng đã thể hiện bản lĩnh vững vàng trong ứng phó hiệu quả với các vấn đề khu vực; kịp thời bày tỏ tình đoàn kết và tương trợ cho Lào sau sự cố vỡ đập thủy điện, thông qua các hoạt động trợ giúp của Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN-AHA.

ASEAN kiên trì giữ vững lập trường nguyên tắc về các vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực như Biển Đông. Dù mức độ quan tâm khác nhau, các nước đều nhất trí những nguyên tắc cơ bản, cùng thảo thuận về quan điểm đối với các vấn đề trên thực địa cũng như về đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cho đến nay, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một văn bản dự thảo duy nhất đàm phán về COC được các Bộ trưởng ghi nhận, làm cơ sở tiếp tục đàm phán về COC.

ASEAN tiếp tục giữ được vai trò trung tâm trong điều hòa quan hệ với các Đối tác. Dịp này, ASEAN đã linh hoạt đáp ứng yêu cầu của các Đối tác Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc về tổ chức Cấp cao mà không để ảnh hưởng nhiều đến quy định nội bộ của ASEAN.

Không những vậy, ASEAN và các Đối tác đạt nhất trí cao về cam kết ủng hộ và thúc đẩy hệ thống đa phương quốc tế dựa trên luật lệ, duy trì đà liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại và đầu tư trong bối cảnh xu thế bảo hộ và chống toàn cầu hóa gia tăng. Hầu hết các Đối tác đều chia sẻ với ASEAN tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ vai trò của các thể chế đa phương, trong đó có WTO, khẳng định phối hợp tích cực sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và phê chuẩn Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); cho rằng quan hệ thương mại-đầu tư là có đi có lại, cùng có lợi, nên các bên đều cần nỗ lực cân bằng và hài hòa lợi ích của nhau. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng nêu vấn đề trao đổi thương mại với Mỹ, cho rằng các nước ASEAN chỉ đạt thặng dư về thương mại hàng hóa, trong khi lại thâm hụt về thương mại dịch vụ. Không chỉ đầu tư của Mỹ tạo ra công ăn việc làm ở các nước ASEAN mà đầu tư của ASEAN ra ngoài cũng tạo ra hàng trăm ngàn việc làm ở Mỹ. ASEAN và một số Đối tác tỏ quan tâm thúc đẩy khả năng xem xét đàm phán một số FTA mới như với Canada hoặc khôi phục đàm phán FTA trước đây gặp khó khăn như với EU (trong ASEAN đã có Singapore và Việt Nam lập FTA song phương với EU).

Cuối cùng, ASEAN nhất trí cần xây dựng cách tiếp cận chủ động đối với các sáng kiến/đề xuất hợp tác mới được đưa ra ở khu vực. Trước sự xuất hiện của nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác mới như Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Vành đai & Con đường, Đối tác hạ tầng chất lượng cao v.v., ASEAN đã trao đổi và thống nhất cần hình thành cách tiếp cận chủ động để khai thác các điểm đồng của những sáng kiến này, trên cơ sở đáp ứng các nguyên tắc và mục tiêu đề ra của ASEAN, từ đó, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Các Đối tác hoan nghênh cách tiếp cận nói trên của ASEAN. Một số nước tiếp tục mong muốn ASEAN đóng vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; trong khi đó, Trung Quốc đề nghị gắn kết chặt chẽ Sáng kiến Vành đai & Con đường với Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025.

Được biết, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM52) và các Hội nghị liên quan. Ngoài ra, tham dự chuỗi các hội nghị ASEAN lần này có đại diện của hơn 30 nước, bao gồm các nước ASEAN, các nước đối thoại, các nước không phải là thành viên đối thoại tham gia ARF, và khách mời của chủ nhà như Na Uy, Peru, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý, Hội nghị AMM-52 diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có nhiều diễn biến nguy hiểm. Trung Quốc đã đơn phương, trái phép điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 08 và nhiều tàu chấp pháp hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Có thể nói, hoạt động của nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), mà còn xâm phạm trắng trợn các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông.

Trước những hành vi này của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (25/7) đưa ra tuyên bố cứng rắn, khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông, cho biết Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối phía Trung Quốc, yêu cầu các tàu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật. Duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng không, hàng hải, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh, sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên vì hòa bình ổn định, hợp tác, phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Trước đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (19/7) cho biết: “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”. Bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung.

RELATED ARTICLES

Tin mới