Tuesday, January 7, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaVì lợi ích cá nhân, Campuchia ủng hộ TQ trong vấn đề...

Vì lợi ích cá nhân, Campuchia ủng hộ TQ trong vấn đề Biển Đông

Trả lời phỏng vấn hãng Tân Hoa xã, Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan (29/7) cho rằng “người ngoài” không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Phay Siphan nhận xét “tình hình hiện nay ở Biển Đông là ổn định, nhưng có thể sẽ còn căng thẳng nếu tiếp tục có sự can thiệp từ bên ngoài”; cho rằng “những người bên ngoài khu vực không nên tiếp tục khuấy động rắc rối ở Biển Đông dưới danh nghĩa tự do hàng hải”, đồng thời nhận định “bất kỳ sự can thiệp nào từ bên thứ ba hoặc người ngoài sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, mà còn khơi dậy đối đầu trên Biển Đông”. Theo ông Phay Siphan, “Campuchia mong muốn tất cả các bên có liên quan trực tiếp đến các bất đồng ở biển Đông kiềm chế và tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng đối thoại hòa bình. Cho đến nay, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được tiến triển ổn định trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), và chúng tôi khuyến khích tất cả các bên tiếp tục đối thoại hòa bình vì sự hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực”.

Cùng quan điểm với ông Phay Siphan, một số chuyên gia Campuchia cũng đưa ra những nhận định tương tự – hay nói cách khác, những nhận định tương tự với người Trung Quốc. Trong đó, Giáo sư cao cấp Joseph Matthews từ Đại học quốc tế Beltei ở Phnom Penh cho rằng tình hình ở biển Đông hiện nay ổn định và hòa bình hơn so với vài năm trước. Theo ông này, sự can thiệp của bên thứ ba vào tranh chấp “gây ra tác hại nhiều hơn là có ích, cho nên các nước bên ngoài tranh chấp khu vực nên đứng ngoài bất đồng và đừng cố tham gia vào những vấn đề thậm chí không có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến họ”; đồng thời đánh giá “quá trình đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN đã tiến triển tốt và các nước cần duy trì bầu không khí mang tính xây dựng cho đối thoại. Việc hoàn thành nhanh chóng bộ quy tắc COC có ý nghĩa sẽ đóng góp cho xây dựng lòng tin, hòa bình và ổn định khu vực”.

Chủ tịch Viện tầm nhìn châu Á Campuchia Chheang Vannarith cho rằng “hợp tác và đối thoại thực chất về COC là điều thúc đẩy nhằm giảm hiểu lầm và căng thẳng, xây dựng lòng tin chiến lược, đặc biệt là giữa các nước có bất đồng trên Biển Đông”. Trong khi đó, Tổng giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Campuchia Kin Phea (thuộc Học viện hoàng gia Campuchia) cũng đánh giá “căng thẳng ở Biển Đông đã lớn hơn so với bản chất thực của tranh chấp tại đây bởi có sự can thiệp từ bên ngoài và cách thức đưa tin sai lệch trên truyền thông phương Tây. Sự can thiệp từ bên ngoài không chỉ hủy hoại nỗ lực chung để hiện thực hóa COC, mà còn gây ra cọ xát giữa các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc, giữa các nước ASEAN với nhau, cũng như hủy hoại lợi ích to lớn có thể đạt được từ quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Vấn đề biển Đông không nên được tập trung bởi các nước không liên quan, bởi vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng hơn hơn là vấn đề biển Đông đối với người dân ASEAN, các nước ASEAN và cả Trung Quốc. Các nước bên ngoài nên tránh xa vấn đề này và không đưa ra phát ngôn vô trách nhiệm liên quan [vấn đề biển Đông”. Ngoài ra, Kin Phea cho rằng “Trung Quốc, Campuchia và ASEAN đã cam kết gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông, đồng thời gìn giữ lợi ích to lớn cho cả khu vực thông qua quan hệ hợp tác tốt và quan hệ đối tác chiến lược cùng có lợi giữa ASEAN với Trung Quốc. Điều bắt buộc là các bên liên quan trực tiếp trong vấn đề Biển Đông tiếp tục dàn xếp bất đồng bằng những giải pháp hòa bình; hoặc các bên cần tiếp tục áp dụng cơ chế ASEAN-Trung Quốc để thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và cùng nỗ lực hơn nữa để hoàn thành COC”.

Việc quan chức chính phủ Campuchia và giới chuyên gia, học giả đưa ra những nhận định giống như giọng điệu của Trung Quốc đang tuyên truyền là điều không ngạc nhiên đối với ASEAN nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Vì trong nhiều năm nay, Campuchia là một trong những nước bất chấp lợi ích chung của cộng đồng ASEAN cũng như lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông để đối lấy lợi ích kinh tế từ Trung Quốc.

Một trong những ví dụ điển hình về tuyên bố, hành động của Campuchia ủng hộ quan điểm sai trái của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là việc nước này nhiều lần ngăn chặn ASEAN ra các tuyên bố chung chỉ trích hành động phi pháp của Trugn Quốc. Trong đó, năm 2016, cộng đồng quốc tế phải gọi Campuchia là “đồng minh trung thành của Trung Quốc là Campuchia” đã ngăn khối ASEAN đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague bác yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển này. Tại cuộc họp trên, chỉ duy nhất Campuchia hiện đang cản đường trong việc ra tuyên bố chung về Biển Đông.

Đáng chú ý, Người phát ngôn Chính phủ Campuchia và giới chuyên gia nước này đưa ra các tuyên bố ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiết lộ thông tin nước này đã mua bổ sung hàng chục ngàn vũ khí của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa lực lượng quân sự của nước này. Theo thông tin trên, Campuchia đã chi 40 triệu USD để mua lô vũ khí trên. Tính tổng cộng, những hợp đồng mua vũ khí trước nay của Phnom Penh với Bắc Kinh trị giá 290 triệu USD.

Được biết, từ năm 1994 tới nay, Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Campuchia. Với 9 tỷ USD đầu tư vào các lĩnh vực khai khoáng, thủy điện, may mặc và đường bộ, FDI của Trung Quốc chiếm tới 44% tổng đầu tư FDI mà Campuchia nhận được trong giai đoạn 1994 – 2014. Việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng tại Campuchia đã tạo nên những thay đổi lớn về kinh tế Campuchia cũng như tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia này. Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác kinh tế quan trọng nhất của Campuchia. Chỉ riêng trong 2 năm vừa qua, Campuchia đã ký hơn 30 thỏa thuận song phương với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Campuchia trong giai đoạn năm 2013-2017. Đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia thời gian này tổng cộng lên tới 5,3 tỷ USD. Riêng trong năm 2017, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản ở Campuchia là 1,4 tỷ USD, chiếm 27% tổng đầu tư nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á này. Thương mại song phương năm 2017 đạt hơn 5,1 tỷ USD. Cũng trong năm 2017, Campuchia nhận được khoảng 4,2 tỷ USD từ Trung Quốc dưới dạng viện trợ hoặc cho vay lãi nhẹ. Đến cuối năm 2017, nợ công của chính phủ Campuchia cộng dồn lại là 9,6 tỷ USD, trong đó 42% là nợ Trung Quốc. Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, từ năm 1956 Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp sự hỗ trợ dài hạn về kinh tế và quân sự cho Campuchia, mặc dù Campuchia còn nhận viện trợ từ Mỹ hay Nhật Bản nhưng quy mô không thể sánh với Bắc Kinh. Hiện nay trang bị tiêu chuẩn của bộ binh Campuchia vẫn là súng trường tấn công Type 56 – phiên bản AK-47 do Trung Quốc sản xuất, ngoài ra còn có pháo phòng không Type 85, xe tăng hạng nhẹ Type 62, xe tăng chiến đấu chủ lực Type 59, hệ thống pháo phản lực phóng loạt Type 81 và súng trường bullpup QBZ-97. Không chỉ có vậy, gần đây Trung Quốc đã cung cấp cho Campuchia 1 tỷ USD trang thiết bị quân sự từ xe tải cho tới 12 trực thăng đa dụng Z-9 và 2 máy bay vận tải hạng nhẹ MA-60 cùng quân phục và trang bị cá nhân như giáp, mũ bảo hộ, mặt nạ phòng chống độc… Trong lĩnh vực năng lượng, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về năng lượng ở Campuchia, với tổng số vốn lên tới hơn 7,5 tỷ USD cho 7 nhà máy thủy điện, khoảng 4 tỷ USD cho 2 nhà máy điện chạy bằng than đá. Trong lĩnh vực giao thông, Trung Quốc đã thúc đẩy dự án đường cao tốc đầu tiên tại Campuchia, nối Sihanoukville và Phnom Penh. Cao tốc Sihanoukville – Phnom Penh sẽ được xây dựng dọc theo Quốc lộ 4, dài 190 km. Cao tốc này trị giá 1,9 tỷ USD, lớn hơn tổng số tiền Trung Quốc đầu tư cho 20 con đường quan trọng và 7 cây cầu tại Campuchia trong hơn hai thập kỷ từ 1994 đến đầu 2017 (khoảng 1,22 tỷ USD). Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào hạ tầng của Campuchia với các dự án xây dựng cảng biển, sân bay…

Từ những dẫn chứng ở trên cho thấy, Campuchia hiên nay đã trở thành “bù nhìn” của Trung Quốc. Và đường nhiên, việc nước này đưa ra những tuyên bố ủng hộ đối với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông là điều đương nhiên, nhưng có lẽ, Campuchia nên xem xét và suy tính cẩn thận, đừng để đi quá đà.

RELATED ARTICLES

Tin mới