Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThông điệp đằng sau cuốn Sách Trắng Quốc phòng 2019 của TQ

Thông điệp đằng sau cuốn Sách Trắng Quốc phòng 2019 của TQ

Để tìm cách biện minh cho chính sách quốc phòng mang tính “phòng ngự” và “minh bạch” của mình, Trung Quốc đã công bố “Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới”. Tuy nhiên, ẩn ý đằng sau cuốn sách là thông điệp lớn mà Trung Quốc muốn gửi đến cộng đồng quốc tế.

Tình hình an ninh quốc tế bất ổn là do Mỹ

Sách Trắng cho rằng tình hình an ninh quốc tế vẫn có nhiều bất ổn, tính khó đoán định mà an ninh quốc tế phải đối mặt càng nổi cộm hơn. Mỹ tiến hành đổi mới công nghệ và thể chế quân sự, theo đuổi ưu thế quân sự tuyệt đối. Sự cạnh tranh chiến lược quốc tế đang gia tăng. Mỹ đã điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng, theo đuổi chính sách đơn phương, kích động tăng cường sự cạnh tranh nước lớn, tăng mạnh ngân sách quốc phòng, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực như vũ khí hạt nhân, vũ trụ, mạng Internet và phòng thủ tên lửa…, làm suy yếu sự ổn định chiến lược trên toàn cầu. Trung Quốc cho rằng, trong khi trọng tâm kinh tế và chiến lược của thế giới tiếp tục chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì khu vực này cũng trở thành trọng tâm của cuộc đọ sức nước lớn, mang lại tính khó lường cho an ninh khu vực. Mỹ đã tăng cường củng cố các liên minh quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường triển khai và can thiệp quân sự, làm tăng thêm nhân tố phức tạp cho an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, phá hoại nghiêm trọng sự cân bằng chiến lược trong khu vực, làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích an ninh chiến lược của các quốc gia trong khu vực.

Nội bộ Trung Quốc tiếp tục bất ổn

Sách Trắng điểm lại các thách thức đối với các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tình hình Đài Loan: Tình hình các cuộc đấu tranh chống ly khai nghiêm trọng hơn. “Chính quyền của Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan ngoan cố kiên trì lập trường ly khai, đòi Đài Loan độc lập, tăng cường đối đầu thù địch, dựa vào thế lực nước ngoài, ngày càng đi xa trên con đường chia cắt đất nước”. Việc máy bay, chiến hạm Đại Lục tuần tra vòng quanh đảo, là sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với thế lực ly khai Đài Loan. Sách trắng cũng tuyên bố: “Giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện thống nhất hoàn toàn đất nước là lợi ích căn bản của dân tộc Trung Hoa. Trung Quốc kiên trì phương châm “hòa bình thống nhất, một quốc gia hai chế độ”, thúc đẩy phát triển hòa bình quan hệ hai bờ eo biển, cuối cùng tất yếu sẽ thống nhất”. Sách trắng nhấn mạnh, “nếu có ai muốn tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết đánh bại nó bằng mọi giá và bảo vệ sự thống nhất quốc gia”.

Hoạt động của các lực lượng ly khai như “Tây Tạng độc lập”, Đông Turkestan… ở bên ngoài đất nước liên tục diễn ra, gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và ổn định xã hội của Trung Quốc.

Về Biển Đông, Sách Trắng cho rằng, vấn đề lãnh thổ các đảo và tranh chấp phân giới trên biển vẫn tồn tại, tàu và máy bay của một số nước bên ngoài khu vực liên tục tiếp cận do thám Trung Quốc, nhiều lần xâm nhập trái phép lãnh hải và bầu trời trên vùng biển gần các đảo có liên quan.

Nhiệm vụ của Quân đội Trung Quốc

Sách Trắng nêu lại mục tiêu xây dựng quân đội Trung Quốc được Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra, nhấn mạnh xây dựng “quân đội tầm cỡ thế giới”: Mục tiêu chiến lược của xây dựng quân đội và quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới là đến năm 2020, về cơ bản thực hiện cơ giới hóa, đạt được tiến triển lớn trong việc xây dựng tin học hóa, năng lực chiến lược được nâng lên. Để phù hợp với tiến trình hiện đại hóa quốc gia, sẽ thúc đẩy toàn diện hiện đại hóa lý luận quân sự, hiện đại hóa hình thái tổ chức quân sự, hiện đại hóa nhân viên quân sự, hiện đại hóa trang bị vũ khí, cố gắng đến năm 2035 về cơ bản thực hiện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội, đến giữa thế kỷ này xây dựng quân đội nhân dân thành một quân đội tầm cỡ thế giới.

Sách Trắng xác định các mục tiêu của quân đội Trung Quốc trước hết là bảo vệ các “lợi ích cốt lõi”, như kiềm chế lực lượng ủng hộ “Đài Loan độc lập”, trấn áp các lực lượng ly khai như “Tây Tạng độc lập” và Đông Turkestan, duy trì sức mạnh ở Biển Đông. Sách Trắng nhấn mạnh: “Giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện thống nhất hoàn toàn đất nước là lợi ích cơ bản; không cam kết từ bỏ việc sử dụng vũ lực, bảo lưu sự lựa chọn áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết, nhằm vào sự can thiệp của các thế lực bên ngoài và số ít các lực lượng ủng hộ Đài Loan độc lập cũng như các hoạt động ly khai của chúng, tuyệt đối không nhằm vào đồng bào Đài Loan. Nếu bất cứ ai muốn tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc kiên quyết đánh bại bằng mọi giá, bảo vệ sự thống nhất quốc gia”.

Sách Trắng biện hộ cho chính sách bá quyền ở Biển Đông khi tuyên bố “Trung Quốc kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Các quần đảo ở Nam Hải, quần đảo Điếu Ngư và các đảo phụ thuộc là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc. Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các đảo đá ở Nam Hải, triển khai các lực lượng mang tính phòng ngự cần thiết”. Đồng thời, Sách Trắng nêu lên nhiệm vụ mới bảo vệ lợi ích Trung Quốc ở nước ngoài; lập ra các cơ chế quy định và điều lệ như “Điều lệ hành động hộ tống trên biển”.

Trung Quốc vẫn tụt hậu về công nghệ, phần mềm quân sự

Sách Trắng cho rằng quân đội Trung Quốc cần nỗ lực tạo ra các phần mềm nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ và phù hợp với các lực lượng vũ trang hàng đầu thế giới. Sách trắng cho biết, “quân đội Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành cơ bản việc cơ giới hóa, trong khi lực lượng vũ trang nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng công nghệ thông tin tinh vi”. Sách trắng nhấn mạnh chiến tranh đang phát triển theo hướng được thông tin hóa, “chiến tranh thông minh”. An ninh quân sự của Trung Quốc đang gặp rủi ro do khoảng cách công nghệ ngày càng lớn và nước này cần đầu tư nhiều hơn vào hiện đại hóa quân đội để đáp ứng yêu cầu bảo vệ quốc gia.

Sự thật khác xa so với những gì Trung Quốc tuyên truyền

Có lẽ các tác giả và những người thông qua cuốn Sách trắng đó đã nhìn thấy một “châu Á – Thái Bình Dương nói chung vẫn ổn định an ninh” như ý họ, với lời diễn giải: “Các nước châu Á – Thái Bình Dương ngày càng nhận thức được rằng họ là thành viên của một cộng đồng có số phận chung”. Nhận định này có phần vội vàng. Châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực quá rộng lớn và đa dạng để bất kỳ quốc gia nào, dù lớn mạnh đến đâu, có thể đứng ra “đại diện” tuyên bố rằng cả khu vực “có số phận chung”.

Thực tế lịch sử đã chứng minh và tương lai cũng sẽ không khác, rằng mỗi vùng lãnh thổ, mỗi quốc gia, thậm chí là mỗi vùng đất của từng quốc gia trong khu vực, đều sẽ có những số phận khác biệt. Trừ phi số phận chung đó là phải chấp nhận một trật tự thống trị mới. Cũng chính vì thế, mà Sách trắng viết: “Giải quyết các khác biệt và tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn đã trở thành một lựa chọn chính sách ưu tiên cho các nước trong khu vực, khiến khu vực này trở thành một phần ổn định của bối cảnh toàn cầu”, trong khi thực tế tình hình là việc đối thoại và tham vấn đã trở nên ngày càng khó khăn, đôi khi đối thoại chỉ là một chiều, chỉ có người hỏi, mà không ai đáp lại.

Sách trắng viết tiếp: “Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc – ASEAN về cuộc họp không chính thức và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ đóng vai trò tích cực trong việc tăng cường niềm tin giữa các nước trong khu vực thông qua trao đổi và hợp tác quân sự. Tình hình Biển Hoa Nam (Biển Đông) nói chung ổn định và được cải thiện do các nước trong khu vực đang quản lý rủi ro và sự khác biệt đúng đắn”. Từ đó dẫn đến “một kiến trúc an ninh châu Á cân bằng, ổn định, cởi mở và toàn diện tiếp tục phát triển”. Không thể phủ nhận rằng vẫn có những nỗ lực hợp tác trong khu vực, nhưng cũng có một thực tế là các hợp tác mới chỉ ở mức độ bề mặt, và lòng tin, nhất là trên Biển Đông, thực ra đang xói mòn hơn là được xây đắp, sau quá nhiều biến cố dồn dập vừa qua. Để thực sự “tăng cường niềm tin” và xây dựng “một kiến trúc an ninh châu Á cân bằng, ổn định, cởi mở và toàn diện”, sẽ cần trước hết những thay đổi thái độ từ nước lớn nhất khu vực ở bờ bên này Thái Bình Dương. Cấu trúc an ninh vùng hiện giờ khó thể nói là cân bằng, và chỉ ổn định một cách mong manh, trong khi sự cởi mở vẫn còn là một dấu hỏi lớn, chứ đừng nói gì tới toàn diện.

Không những vậy, nếu so sánh từng câu chữ đoạn nói về Biển Đông với những điểm nóng khác, sẽ thấy rõ “cách nhìn” của Sách trắng: “Tình hình Biển Đông nói chung ổn định và được cải thiện do các nước trong khu vực đang quản lý rủi ro và sự khác biệt đúng đắn”, khác hẳn “Các điểm nóng và tranh chấp khu vực vẫn cần được giải quyết”. Thế nhưng, cho dù có muốn lạc quan tới đâu, các tác giả Sách trắng cuối cùng cũng phải nhìn nhận có một thực tế không như ý, dù chỉ nói ở mức chung chung: “Vẫn còn tồn tại khúc mắc giữa các quốc gia trong khu vực, bao gồm các tranh chấp về quyền và lợi ích lãnh thổ và hàng hải, cũng như sự bất hòa vì lý do dân tộc và tôn giáo. Các điểm nóng an ninh tăng theo thời gian trong khu vực”.

Nhìn chung, Trung Quốc đã không công bố sách trắng nào kể từ khi cuộc cải tổ quân đội gần nhất bắt đầu từ tháng 11/2015, vì thế sách trắng lần này mang đến những thay đổi và kết quả mà quân đội Trung Quốc đã đạt được trong quá trình đổi mới. Các sách trắng trước đây bao gồm các nội dung như chính sách quốc phòng Trung Quốc, tình thế an ninh, quân sự quốc gia, việc hiện đại hóa Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc (PLA) và nhiệm vụ, sứ mệnh chiến lược của PLA.Những nội dung này sẽ giúp thế giới bên ngoài hiểu “ý đồ chiến lược” của nền quân sự Trung Quốc, để các nước liên quan và các khu vực biết đầu là “lằn ranh đỏ” đối với PLA ở đâu khi phải đối mặt với một số vấn đề nhất định”.

RELATED ARTICLES

Tin mới