Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSau ba năm phán quyết của PCA, Biển Đông sóng có yên,...

Sau ba năm phán quyết của PCA, Biển Đông sóng có yên, biển có lặng

Cách đây ba năm, ngày 12/07/2016, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế về Luật Biển (PCA, được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 – UNCLOS 1982), đã ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc xung quanh việc nước này xâm phạm chủ quyền của Philippines ở Biển Đông, trong đó phần thắng nghiêng về phía Philipppines. Sau vụ kiện, nhiều chuyên gia dự báo tình hình Biển Đông sẽ xoay chuyển theo hướng có lợi cho các nước có yêu sách chủ quyền chính đáng, phù hợp với UNCLOS 1982, bất lợi cho Trung Quốc. Thậm chí, có người lạc quan rằng trước phán quyết như thế của PCA, Trung Quốc sẽ có thể “xuống thang”, đi vào “tìm giải pháp” với các nước có liên quan để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình. Song, ba năm sau phán quyết của PCA, tình hình thực tế ở Biển Đông không như dự báo trên mà có vẻ như đang trở nên “tồi tệ” hơn khiến Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 52 nhóm họp ngày 31/07/2019 tại thủ đô Bangkok của Thailand phải quan tâm đưa vào nghị trình thảo luận và ra thông cáo chung.

Quả có thế, sau thất bại cay đắng bởi những nội dung phán quyết của PCA không có điều nào bênh vực cho lập trường của Trung Quốc về Biển Đông và mặc dù tuyên bố tẩy chay phiên tòa cũng như không chấp nhận phán quyết của Tòa, Trung Quốc, với ưu thế sức mạnh đang lên và tham vọng cố hữu, vẫn cố tìm cách xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho mình trên tất cả các mặt trận để nắm quyền “kiểm soát” Biển Đông.

Trên mặt trận pháp lý, do biết chắc rằng phần thắng sẽ không thuộc về mình, nên trước khi Philippines đưa vụ kiện trên ra PCA, Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận bất kỳ một phán quyết nào từ các tòa trọng tài. Khi PCA ra phán quyết cuối cùng bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” và các đòi hỏi phi lý khác của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh đã thể hiện sự coi thường luật pháp quốc tế khi một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc trong buổi gặp mặt Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu vào ngày 12/07/2016 đã nói rằng: “Từ cổ chí kim, các đảo ở Biển Đông đều là lãnh thổ của Trung Quốc. Trong bất cứ tình hình nào, chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông đều không chịu ảnh hưởng từ phán quyết của PCA. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào xuất phát từ phán quyết của PCA”. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho rằng, vụ kiện này là “một trò hề đội lốt pháp luật”, đồng thời biện hộ “Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia PCA là nhằm bảo vệ nền pháp quyền quốc tế và quy tắc khu vực theo pháp luật”… Không biết bộ này của Trung Quốc có bị “chập mạch” không khi PCA là tòa trọng tài quốc tế, ra phán quyết theo pháp quyền quốc tế, nhưng Trung Quốc không chấp hành tòa này thì họ thực hiện và bảo vệ pháp luật nào nữa đây?

Chưa dừng lại ở đó, sau vụ kiện, Trung Quốc tìm mọi cách củng cố, ngụy tạo các chứng cứ pháp lý về Biển Đông, diễn giải luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 theo hướng có lợi cho nước này, chủ trương không chấp nhận giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp pháp lý. Trung Quốc còn đẩy mạnh chiến dịch vận động ngoại giao, tuyên truyền để phản đối phán quyết của PCA, nhưng cũng giảm thiểu việc đề cập đến yêu sách “đường lưỡi bò” là điểm yếu chí tử của họ. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc lại giở thủ đoạn “lắt léo” khi chủ động đưa ra cách giải thích mới liên quan đến cơ sở pháp lý về “chủ quyền” ở Biển Đông theo luận điểm “Tứ Sa”. Theo đó, trong một đối thoại kín giữa quan chức Trung Quốc và Mỹ về luật pháp quốc tế vào cuối tháng 8/2017, Trung Quốc đã đưa ra quan điểm về yêu sách “chủ quyền” đối với “Tứ Sa”, tức là “chủ quyền” đối với bốn nhóm đảo ở Biển Đông bao gồm: Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Trung Sa (Macclesfield); đồng thời, cũng đòi hỏi quyền được hưởng vùng biển rộng lớn (gần như toàn bộ Biển Đông) xung quanh bốn khu vực quần đảo này. Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, khu vực này là “vùng nước lãnh hải lịch sử” của Trung Quốc và cũng là một phần của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ. Bắc Kinh cũng nêu yêu sách quyền sở hữu bằng việc khẳng định “Tứ Sa” là một phần của thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn “mượn mồm” giới học giả của họ để thăm dò dư luận về đường biên giới trên biển hình chữ “U” trên cơ sở nối liền các đoạn của “đường chín đoạn”, thậm chí huy động lực lượng nghiên cứu, xuất bản sách “phản biện” phán quyết của PCA về vụ kiện của Philippines.

Đáng chú ý, phán quyết của PCA được nhiều nước trên thế giới ủng hộ, đồng thời họ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết trên, thể hiện là một nước lớn “có trách nhiệm” và nêu gương trong tôn trọng và thực thi pháp luật quốc tế. Nhưng tiếc thay, sau ba năm, phán quyết của PCA vẫn chỉ là một chiến thắng mang tính biểu tượng của chính quyền tiền nhiệm ở Philippines và là công cụ để tổng thống Philippines đương nhiệm sử dụng để mặc cả với Trung Quốc. Những khoản viện trợ và cho vay hậu hĩnh từ Bắc Kinh đã khiến cho Philippines hầu như không đả động gì đến phán quyết của PCA trong quan hệ với Trung Quốc thời gian qua.

Trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, giao thiệp để làm như là họ vẫn rất có “thiện chí” trong vấn đề Biển Đông, như chủ động thúc đẩy đàm phán COC (nhưng từ chối tham gia một COC mang tính ràng buộc mà có thể thách thức mục tiêu biến Biển Đông thành “ao nhà” của Bắc Kinh), thúc đẩy hợp tác đa phương về các lĩnh vực kinh tế biển, an ninh hàng hải… với ASEAN; chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”, trong đó tăng cường quan hệ với Philippines, khai thác tối đa tính thực dụng của Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte để thúc đẩy một số tiến triển nhất định về các vấn đề trên biển với Philippines (như tàu cá Philippines được phép hoạt động trở lại ở bãi cạn Scarborough, triển khai cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông, ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí trên biển…) nhằm “đánh bóng” bản thân. Đi cùng với đó, Trung Quốc ra sức bóp méo, xuyên tạc rằng, một số nước đang lợi dụng khoảng thời gian đàm phán COC để gia tăng các hoạt động trên các đảo, đá, bãi cạn, kiểm soát các vùng biển và khai thác tài nguyên trên biển… nên Trung Quốc phải triển khai các hoạt động “bảo vệ chủ quyền”.

Trên thực địa, từ sau phán quyết của PCA, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn âm thầm triển khai hoạt động cải tạo, bồi đắp các đảo, đá, bãi cạn và tìm cách “quân sự hóa” trên diện rộng khắp Biển Đông. Theo những hình ảnh vệ tinh nước ngoài thu được, đến nay, Trung Quốc đã hoàn thiện 3 đường băng sân bay dài 3.000m, thiết lập hệ thống tên lửa, mạng lưới radar, anten… tại quần đảo Trường Sa; lắp đặt trang thiết bị mở rộng phạm vi giám sát trên không, trên biển và tác chiến điện tử ở quần đảo Hoàng Sa; đồng thời có kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thành “căn cứ hậu cần chiến lược”. Tại đảo Hải Nam, Trung Quốc đã nâng cấp 4 căn cứ không quân và xây dựng căn cứ tên lửa chiến lược liên lục địa. Nếu triển khai các loại máy bay chiến đấu hiện đại với phạm vi hoạt động từ 1.000 – 1.500km tại các căn cứ trên, Trung Quốc sẽ đủ khả năng kiểm soát trên không toàn bộ Biển Đông và một phần lãnh thổ các nước ven Biển Đông. Không chỉ tập trung kiểm soát trên không và trên mặt biển, Trung Quốc còn đẩy mạnh triển khai hệ thống cảnh báo, giám sát dưới mặt biển. Các chuyên gia quân sự cho biết, Trung Quốc đã, đang bí mật triển khai Khu nhận dạng hàng hải (MNIZ) và Khu nhận dạng âm thanh dưới mặt biển (UAIZ) ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện lực lượng hải quân, chấp pháp, tàu cá dân binh để tuần tra, xua đuổi, bắt giữ phương tiện, tàu thuyền của các nước hoạt động ở Biển Đông; tích cực sử dụng hàng nghìn tàu cá vỏ sắt có công suất lớn, tàu cá dân binh như một mạng lưới trinh sát trên Biển Đông; gây sức ép rồi đâm chìm tàu cá ngư dân Philipppines tại khu vực đảo Thị Tứ, ngăn cản hoạt động bình thường của tàu dân sự Malaysia quanh bãi cạn Luconia, đưa tàu khảo sát địa chất xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính… Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức nhiều cuộc tập trận với tần suất và quy mô ngày càng mở rộng, trong đó phải kể đến cuộc duyệt binh hải quân trên biển (tháng 4/2018) ở gần đảo Hải Nam với quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm phô trương sức mạnh, xa hơn là răn đe các nước.

Việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa, đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, kiểm soát trên thực địa tại Biển Đông đã khiến các nước, các bên liên quan buộc phải tăng cường năng lực quốc phòng, cũng như triển khai các hoạt động bảo vệ chủ quyền và lợi ích, khiến cho tình hình an ninh Biển Đông phức tạp hơn. Không kể hoạt động tăng cường quốc phòng của các nước trong khu vực, Mỹ và nhiều nước ngoài khu vực cũng đã gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, bề ngoài nói là để phản đối các hành động quân sự của Trung Quốc, nhưng thực chất là tiếp tục triển khai ý đồ chiến lược của họ tại vùng biển này. Từ khi lên nắm quyền năm 2017, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tăng cường điều tàu chiến, tàu sân bay, máy bay tiến hành tuần tra ở Biển Đông, đặc biệt đã tiến hành 13 đợt hoạt động tự do hàng hải (so với 5 đợt dưới thời Tổng thống B.Obama), để ngỏ khả năng lập căn cứ quân sự mới gần Biển Đông. Mỹ cũng lôi kéo các đồng minh gia tăng hiện diện quân sự và tập trận chung ở Biển Đông và khu vực xung quanh, như tập trận chung với Nhật Bản, Anh, Australia và Philippines; tập trận chung chống ngầm với Anh, Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương, lên kế hoạch cho các cuộc tập trận đa quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó tập trung vào “kịch bản Biển Đông”.

Nhật Bản lần đầu tiên đã cử tàu ngầm tham gia diễn tập chống ngầm ở Biển Đông. Australia thường xuyên cho máy bay hoạt động trinh sát ở Biển Đông. Các nước Anh, Pháp… cũng bắt đầu cử tàu chiến tới Biển Đông hoạt động, thậm chí Anh còn tuyên bố sẽ thiết lập một căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Mặc dù các nước ngoài khu vực cũng có lợi ích ở Biển Đông, nhưng tình hình phải như thế nào mới khiến họ phải “động chân, động tay” như thế. Nếu như Trung Quốc không có các hoạt động như kể trên thì việc gì các nước ngoài khu vực phải hiện diện và hoạt động quân sự đến mức như vậy?

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình là xu hướng tất yếu không thể phủ nhận và được tuyệt đại đa số các nước trên thế giới ủng hộ. Việc Philippines sử dụng PCA để giải quyết yêu sách về chủ quyền của mình là một cách lựa chọn biện pháp hòa bình. Thế nhưng, mặc dù đã có phán quyết của PCA nhưng Trung Quốc chẳng những không chấp nhận, mà còn có nhiều hành động phi pháp nhằm “lật ngược” tình thế của mình ở Biển Đông. Đây chính là nguyên nhân cơ bản, chủ yếu khiến cho tình hình Biển Đông ba năm sau phán quyết của PCA vẫn không “sóng yên, biển lặng”, thậm chí còn ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm hơn trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới