Năm 1949, Cách mạng Trung Quốc thành công, Mao Trạch Đông thực hiện tư tưởng tôn sùng cá nhân, chuyên quyền độc đoán. Dưới thời Mao, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc bị hãm hại, nạn đói từ năm 1959 đến 1961, và cuộc “Cách mạng Văn hóa” đã giết chết hàng chục triệu người Trung Quốc. Về đối ngoại, Mao gây hấn với Liên Xô, Ấn Độ, chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Thời Đặng Tiểu Bình, cùng với việc đổi mới kinh tế, Đặng sẵn sàng cho nghiền nát hàng nghìn sinh viên chống lại Đặng khi họ biểu tình phản đối ở Thiên An Mồn. Về đối ngoại, Đặng giúp chế độ diệt chủng ở Campuchia giết hại hàng triệu người dân, phát động chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía bắc của Việt Nam.
Đến Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế của Đặng Tiểu Bình, bất chấp luật pháp Quốc tế ngang nhiên công bố đường chín đoạn hòng độc chiếm 90% diện tích Biển Đông, đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong đối nội cả hai ông này không quá đề cao vai trò cá nhân mà thực thi tập thể lãnh đạo, nên ít có sai lầm trong chính sách kinh tế, làm cho kinh tế phát triển nhanh. Về đối ngoại, họ tiếp tục chính sách “ẩn mình chờ thời” của Đặng, tìm cách ve vãn Mỹ, Nhật và các nước phương Tây.
Tập Cận Bình lên nắm quyền cả Đảng, Nhà nước và Quân đội, ông ta vừa kế thừa vừa đẩy lên cao những âm mưu đen tối, bẩn thỉu. Tập vượt Mao về đề cao vai trò cá nhân, vượt cả Mao và Đặng về sự độc đoán chuyên quyền. Tập chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp để ông ta có thể là người đứng đầu đất nước suốt đời, tiêu diệt những người chống đối, coi thường cả Mao, Đặng bằng việc bắt mọi người thừa nhận học thuyết tư tưởng Tập Cận Bình. Tập coi thường chế độ lãnh đạo tập thể, không chấp nhận các ý kiến phản biện, chỉ có ý kiến của Tập là tuyệt đối, dằn mặt cả Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào bằng việc bắt bớ, sa thải vây cánh của Dân, Đào.
Không chịu ẩn mình, chờ thời, Tập Cận Bình muốn soán ngôi số một Thế giới ngay lập tức. Tập đưa ra chiến lược “Một vành đai, một con đường” nhằm kết nối từ Trung Quốc đến toàn Thế giới, vây Thế giới bằng con đường và vành đai của Tập. Nhiều nước mắc mưu này, nhưng rồi nhiều nước nhận ra, không chấp nhận và tìm cách ngăn chặn. Tập cho rằng kinh tế – kỹ thuật của Trung Quốc đã đủ mạnh nên tìm cách gây sự, định vượt mặt Mỹ. Nhưng Tổng thống Mỹ đã kịp thời vạch mặt, đưa ra các đòn trừng phạt kinh tế Trung Quốc, yêu cầu các nước phương Tây cùng ngăn chặn trò ăn cắp trí tuệ của Thế giới.
Với các nước láng giềng, Tập gây sự với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, bồi đắp xây dựng các đảo đá chiếm được của Việt Nam, Philippines trên Biển Đông, khống chế con đường hàng hải Quốc tế. Dù các nước trong khu vực và Mỹ cùng các nước khác phản đối nhưng Tập vẫn phớt lờ.
Kết quả là: Kinh tế Trung Quốc suy giảm ở mức thấp nhất trong mấy chục năm qua. Nội bộ Trung Quốc lục đục, biểu tình nổ ra ở nhiều nơi. Nhiều nước nghi ngại không muốn hợp tác với Trung Quốc. Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ kiên quyết chống lại những âm mưu đen tối, trơ tráo của Tập. Tập đã đẩy Trung Quốc trở thành kẻ thù của nhiều nước. Uy tín của Tập Cận Bình tụt dốc cả ở trong nước và Quốc tế, giấc mơ bá chủ của Tập Cận Bình chắc chắn sẽ đổ sụp.