Điều quan trọng nhất là, các bên tham gia phải toàn tâm, toàn ý, có quan điểm, ý chí chính trị đúng đắn để đạt được một COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, tiếp đó, đưa COC đi vào vận hành trên thực tiễn, qua đó thực sự đóng góp cho hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung.Chứng minh cho nhân loại thấy rằng, ai đó nói “Thái Bình Dương mà chẳng thái bình” chẳng qua chỉ là phát ngôn nhất thời, kém hiểu biết.
Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC). Theo đó, các bên tham gia ký tuyên bố nhất trí rằng “…các bên liên quan tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang các tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, trong đó bao gồm cả việc kiềm chế các hoạt động đưa người ra các đảo, đá, bãi cạn và các vị trí không có người ở hiện tại và xử lý các khác biệt một cách có xây dựng…”. Tuy nhiên,do tuyên bố này chỉ là một văn bản mang tính chính trị, không có tính ràng buộc pháp lý nên khi triển khai trên thực tế cho thấy,nó không mang lại hiệu lực, hiệu quả là bao nhiêu khi các nước tham gia ký tuyên bố liên tục có những hành động thay đổi hiện trạng tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông, nhất là Trung Quốc. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý và có cơ chế giám sát hẳn hoi nhằm giúp kiểm soát hành vi của các bên và tránh những tính toán sai lầm gây bất ổn tại vùng biển trù phú này.
Sau nhiều năm thảo luận, đàm phán nhưng bất thành, từ cuối năm 2016, các cuộc tham vấn giữa Trung Quốc và ASEAN về một COC đã có dấu hiệu tiến triển và lấy được đà mới. Tháng 8/2017, hai bên đã tiến tới thông qua được một bộ khung cơ bản cho COC. Ngày 02/08/2018, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore tuyên bố, các bên đã đạt được thỏa thuận về một văn bản dự thảo đang thương lượng cho COC và ngày 14/11/2018, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí đưa ra cam kết thúc đẩy thương lượng về COC. Như vậy, lần đầu tiên sau nhiều năm “thai nghén”, một cơ chế mang tầm khu vực để quản lý các tranh chấp trên Biển Đông dường như có tiềm năng trở thành hiện thực và hy vọng là sẽ có hiệu quả để góp phần giảm thiểu những sự cố và rắc rối không đáng có có thể dẫn tới xung đột, chiến tranh. Nhưng, để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi tất cả các bên liên quan phải nhận thức được đúng vấn đề và thể hiện quyết tâm, ý chí chính trị đúng đắn, khách quan, khoa học của mình và phải đóng góp rất nhiều sự sáng tạo trong quá trình xây dựng COC.
Sở dĩ nói như vậy là vì COC giữa ASEAN và Trung Quốc được hiểu là một cơ chế (bộ quy tắc), thành phần quan trọng để quản lý các tranh chấp, nhưng phải thừa nhận là nó còn có những hạn chế nhất định vì mục tiêu hiện nay của bộ quy tắc này chưa phải là một giải pháp toàn diện cho giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tiến trình COC đúng đắn nhất được xác định là trước mắt phải tập trung vào việc quản lý căng thẳng xung quanh các tranh chấp và loại bỏ các yếu tố gây xung đột giữa các bên liên quan. Mục tiêu cuối cùng, đương nhiên ai cũng mong muốn, là đưa ra được một giải pháp cuối cùng cho các tuyên bố chủ quyền và phân định ranh giới hàng hải theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), nhưng điều này có lẽ phải chờ nhiều năm nữa mới đạt được. Do đó, để đạt được mục tiêu trước mắt trên, tất cả các bên tham gia COC phải thống nhất với nhau rằng, tiến trình xây dựng COC và các nội dung của nó sẽ không gây ảnh hưởng đến lập trường pháp lý hiện tại của các bên đối với tranh chấp.
Thứ nữa, vì tiến trình COC không chỉ có các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tham gia và thực hiện, mà còn có sự tham gia của toàn bộ các nước thành viên ASEAN, nên COC giữa ASEAN và Trung Quốc cần phải làm rõ các khía cạnh của trật tự quốc tế dựa trên quy tắc, cũng như quy trình để quản lý các căng thẳng trong khi chờ đợi một giải pháp cuối cùng để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, để COC có hiệu quả thì phải có các cuộc đàm phán đa phương giữa các bên tuyên bố chủ quyền với nhau về việc quản lý nghề cá, hợp tác vì môi trường và phát triển dầu khí. Đây là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, dễ dẫn tới khả năng gây xung đột giữa các nước, trong đó các nước thành viên ASEAN không tuyên bố chủ quyền thì sẽ không có lợi ích trực tiếp. Cái khó là ở chỗ đó.
Để đạt được sự thỏa thuận vừa có tính thực tế, vừa hiệu quả, lại vừa được các bên liên quan chấp nhận, đòi hỏi phải có các sự thỏa hiệp cần thiết sao cho các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông có thể điều chỉnh lập trường của mình mà không vi phạm luật pháp trong nước hay quốc tế. Đây là công việc rất khó khăn, phức tạp nhưng không phải là không thể nếu như tất cả các bên đều tận tâm và có thiện chí đối với ý tưởng này.
Theo quan điểm của một nhóm chuyên gia về Biển Đông thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), để có một COC hiệu quả, Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN cần thống nhất một số nội dung sau:
Một là, nhất trí duy trì quyền tự do hàng hải và các chuyến bay qua lại ở Biển Đông theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận rộng rãi, trong đó có cả UNCLOS 1982.
Hai là, cam kết giải quyết tranh chấp, xử lý các bất đồng liên quan tới quyền tài phán trên biển, đáy biển và không phận bằng biện pháp hòa bình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; tự kiềm chế và cân nhắc thấu đáo quyền của các bên khác khi tiến hành các hoạt động trên Biển Đông.
Ba là, không được chiếm đóng, cư ngụ hoặc xây dựng cơ sở trên các cấu trúc địa chất hiện không có người ở.
Bốn là, cam kết cải thiện sự an toàn trong di chuyển, thông tin liên lạc, tìm kiếm và cứu nạn trên Biển Đông, cụ thể là: (1) Nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc quản lý giao thức liên lạc giữa các tàu hải quân và tàu thực thi pháp luật chạm trán trên biển nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố va chạm và giảm bớt tính nguy hiểm của những vụ việc đã xảy ra. (2) Thiết lập một chương trình trong khuôn khổ Quỹ hợp tác hàng hải ASEAN – Trung Quốc và các Quy tắc quốc tế phòng ngừa va chạm trên biển (COLREGS) để huấn luyện các ngư dân trong khu vực; trang bị cho các tàu đánh cá thiết bị sóng vô tuyến hiện đại và máy thu phát tự động nhận dạng (AIS). (3) Theo đuổi việc thành lập các cơ chế xử lý các sự cố liên quan đến công dân, tàu thuyền hoặc máy bay của các bên nhằm tránh làm trầm trọng thêm tranh chấp. Những cơ chế như vậy có thể bao gồm các đường dây nóng giữa các bộ, ngành liên quan, nhóm công tác kỹ thuật hoặc các nhóm chuyên gia của các nước để giảm thiểu các yếu tố gây xung đột. (4) Khuyến khích các hoạt động huấn luyện và diễn tập chung giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực để thúc đẩy các thông lệ tốt nhất và giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố trên biển, làm việc với những người chủ trì cuộc họp giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển châu Á để xây dựng một bộ nguyên tắc quản lý hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật trên Biển Đông. (5) Thiết lập một cơ chế đối thoại để thăm dò sự hợp tác tạm thời và thiết thực trong công tác tìm kiếm và cứu nạn bất chấp những khoảng cách hoặc sự chồng lấn có thể có giữa các Khu vực tìm kiếm và cứu nạn trên biển hay các Khu vực tìm kiếm và cứu nạn trên không được tuyên bố. Lưu ý rằng, sự an toàn mạng sống của con người trên biển là mối quan tâm chung và tối thượng đối với tất cả các bên.
Năm là, thăm dò các cách thức và biện pháp hợp tác để giải quyết vấn đề tội phạm xuyên quốc gia trên biển, bao gồm nạn cướp biển, buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí, buôn bán người và đánh bắt cá trái phép.
Sáu là, hợp tác trong nghiên cứu khoa học trên biển, cụ thể: (1) Từng quốc gia ven Biển Đông cần đồng ý cho và cấp phép tiến hành nghiên cứu khoa học trên biển trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của họ, trong khi chờ đợi sự phân định ranh giới cuối cùng đối với các tuyên bố chủ quyền trên biển. Trong các khu vực chồng lấn, trừ phi các bên đạt được một thỏa thuận song phương từ trước, một đường trung tuyến sẽ được sử dụng để xác định nước nào có quyền cấp phép tạm thời cho các nghiên cứu khoa học trên biển. (2) Các nước nhất trí rằng, việc cấp phép tạm thời cho hoạt động nghiên cứu khoa học trên biển, cũng như việc tiến hành những dự án như vậy, sẽ không gây tác động, ảnh hưởng tới các tuyên bố lãnh thổ hoặc việc phân định ranh giới cuối cùng trên biển và không được phép coi đó là sự công nhận đối với tuyên bố lãnh thổ của các bên khác. (3) Cấp phép cho nghiên cứu khoa học trên biển tại những khu vực tạm thời này trong các tình huống thông thường. Các bên tuyên bố chủ quyền có thể từ chối cấp phép trong các trường hợp được quy định theo Điều 246 của UNCLOS 1982, bao gồm các dự án gây ảnh hưởng đến việc thăm dò hoặc khai thác tài nguyên, sử dụng chất nổ hoặc các chất có hại cho môi trường, hoặc liên quan đến việc xây dựng hay vận hành các cấu trúc nhân tạo. (4) Phối hợp các chuyến nghiên cứu khoa học chung trên biển trong khu vực Biển Đông với sự tham gia của các chuyên gia đến từ tất cả các bên tuyên bố chủ quyền. (5) Mỗi bên tuyên bố chủ quyền cần tạo điều kiện cho các chuyến thăm của các chuyên gia từ các bên tuyên bố khác để tiến hành nghiên cứu tại các đảo và rạn san hô mà nước đó chiếm giữ, có sự chú ý thích đáng đến sự cần thiết phải hạn chế việc tiếp cận các khu vực quân sự nhạy cảm. Các nước tuyên bố chủ quyền cần phải nhất trí rằng các chuyến đi nghiên cứu sẽ được tổ chức mà không gây ảnh hưởng đến những tuyên bố chưa được giải quyết của các bên khác và việc tham gia đó sẽ không có nghĩa là cá nhân các nhà nghiên cứu hoặc các chính phủ của nước yêu sách công nhận các tuyên bố chủ quyền này. (6) Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo khoa học được tất cả các chính phủ láng giềng ủng hộ với sự tham gia của các chuyên gia đến từ khắp nơi trong khu vực và trên thế giới. (7) Đầu tư, cả với tư cách cá nhân các chính phủ lẫn tư cách một nhóm, vào các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của môi trường biển và nghề cá cũng như mối đe dọa đối với chúng như là các nguồn tài nguyên chung có thể tái tạo. (8) Hợp tác trong ngành khảo cổ học trên biển và khuyến khích các cuộc hội thảo và nghiên cứu lịch sử chung nhằm mở rộng sự hiểu biết của người dân về Biển Đông như là một không gian và nguồn lực chung được các dân tộc trong khu vực và trên thế giới sử dụng trong cả thiên niên kỷ.
Bảy là, nhất trí khởi động ngay các cuộc đàm phán về bảo tồn và bảo vệ môi trường, quản lý nghề cá, phát triển dầu khí và các nỗ lực phát triển kinh tế biển khác ở Biển Đông giữa các bên bị ảnh hưởng.
Tám là, nhất trí rằng trong trường hợp xảy ra tranh cãi về cách diễn giải hay thực hiện thỏa thuận này, bất kỳ bên nào cũng có thể yêu cầu thành lập một ủy ban dàn xếp, điều tra hoặc hòa giải theo quy trình như sau: (1) Mỗi bên tham gia thỏa thuận sẽ cử 4 chuyên gia về các vấn đề hàng hải để tham gia vào một ủy ban dàn xếp, điều tra hoặc hòa giải. (2) Một bên tranh chấp có thể yêu cầu thành lập ủy ban một khi các cuộc đàm phán trực tiếp không thể giải quyết vấn đề. Việc tham gia quá trình dàn xếp, điều tra hay hòa giải sau đó sẽ là bắt buộc đối với tất cả các bên tranh chấp. (3) Mỗi bên tranh chấp sẽ chỉ định 2 chuyên gia từ danh sách các thành viên tiềm năng hiện thời để tham gia ủy ban. (4) Một khi tất cả các bên tranh chấp đã lựa chọn xong, những ủy viên được chỉ định sẽ lựa chọn một chuyên gia để làm chủ tịch ủy ban. (5) Ủy ban này sẽ quyết định quy trình của riêng họ để điều tra và dàn xếp tranh chấp, trừ phi các bên tranh chấp đã nhất trí về một quy trình từ trước. (6) Ủy ban này sẽ đưa ra một quyết định nêu rõ các kết luận của họ về tất cả những câu hỏi về thực tế hoặc pháp luật liên quan tới tranh chấp và đưa ra các khuyến nghị cho một giải pháp dàn xếp giữa các bên.
Chín là, mời các nước bên ngoài, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác xác nhận thỏa thuận này.
Trên đây là những khuyến nghị do nhóm chuyên gia thuộc CSIS đưa ra, cần phải nói thêm rằng, đây là nhóm gồm những chuyên gia ưu tú về luật biển, quan hệ quốc tế và môi trường biển đến từ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và nhiều khu vực khác trên thế giới. Vì vậy, những nội dung mà các chuyên gia trên đưa ra là rất đáng tin cậy, khả thi, trong đó có nhiều nội dung rất thiết thực nên các bên tham gia COC có thể tham khảo để vận dụng trong tiến trình đàm phán xây dựng COC. Điều quan trọng nhất là, các bên tham gia phải toàn tâm, toàn ý, có quan điểm, ý chí chính trị đúng đắn để đạt được một COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, tiếp đó, đưa COC đi vào vận hành trên thực tiễn, qua đó thực sự đóng góp cho hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung.Chứng minh cho nhân loại thấy rằng, ai đó nói “Thái Bình Dương mà chẳng thái bình” chẳng qua chỉ là phát ngôn nhất thời, kém hiểu biết.